Kế hoạch táo bạo của ứng cử viên Tổng thống Mỹ có giải quyết được vấn đề nhức nhối của Fed?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Fed đứng đằng sau hầu hết mọi vấn đề nhức nhối của nước Mỹ. Ứng cử viên Tổng thống Vivek Ramaswamy đã đưa ra những kế hoạch táo bạo đối với Fed. Liệu những kế hoạch này có giải quyết được vấn đề của Fed?

Sự tồn tại của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là một vấn đề nghiêm trọng của nước Mỹ. Cơ quan này đang tài trợ cho việc mở rộng nợ không kiểm soát. Nó giúp hình thành một đế chế quân sự toàn cầu và tạo ra chiến tranh. Fed quyến rũ mọi chính trị gia và quan chức, khiến họ tin rằng họ có thể hành động mà không có giới hạn nào. Fed tạo ra ảo tưởng rằng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra đối với cả chính phủ và các đế chế tập đoàn lớn mà nó liên kết. Nó là nguồn lực tài chính cho hầu hết mọi vấn đề làm người Mỹ phải phiền lòng.

Hầu hết người Mỹ muốn chính phủ hợp hiến trở lại, nhưng mọi quyền mà người Mỹ đáng lẽ phải có đều bị chà đạp hàng ngày. Thứ cho phép điều này xảy ra chính là một Ngân hàng Trung ương không biết đến giới hạn quyền lực của mình. Các đợt phong tỏa là ví dụ điển hình nhất: Chúng hẳn đã kết thúc sau vài tuần nếu không có nguồn tài trợ của Fed. Chính nó đã giúp Quốc hội có thể hào phóng chi tiền cho các bang.

Tệ hơn nữa, Fed tiếp tục làm rối tung các mục tiêu mà nó tuyên bố đang theo đuổi. Các chính sách của nó được cho là để phục vụ nhiệm vụ kép nổi tiếng về tối đa hóa việc làm và ổn định giá cả. Nhiệm vụ này phần lớn là di sản của những năm 1930, thời điểm mà Fed đã gây ra một mớ hỗn độn lớn do sự thất bại trên cả hai mặt trận. Họ đã thề rằng sẽ không bao giờ lặp lại sai lầm đó nữa.

Quay ngược thời gian xa hơn, mục đích chính xác của Fed khi được thành lập vào năm 1913 là gì? Đó là mang lại sự ổn định cho hệ thống ngân hàng, vốn đã bị ảnh hưởng bởi nhiều thập kỷ biến động trong các khu vực bắt nguồn từ các hệ thống ngân hàng "hoang dã". Các nhà đầu cơ đất đai có thể lợi dụng hệ thống ngân hàng nhờ các nhà tài chính vô đạo đức và đối mặt với khủng hoảng thanh khoản khi các kế hoạch trở nên không thành công. Điều này gây hại cho những người gửi tiền và tạo ra sự gián đoạn về năng suất.

Fed hứa sẽ mang lại sự hợp lý, ổn định và sự lành mạnh của đồng tiền. Vấn đề là để nhận được một khoản tài trợ cho sự tồn tại của nó, Fed cũng phải thề trung thành với chính phủ và các mục tiêu chính sách của nó. Nhiệm vụ của nó lúc này không phải là sự lành mạnh của đồng tiền, mà là hỗ trợ cuộc chiến tranh thế giới lần thứ I. Cuộc chiến đó cần tiền tài trợ, và Fed đã làm nhiệm vụ của mình. Trả hết nợ chiến tranh đồng nghĩa với việc mở rộng tiền tệ và tín dụng, tạo ra một chu kỳ bùng nổ - suy thoái vào năm 1923, cùng với một chu kỳ khác, thứ dẫn đến cuộc Đại khủng hoảng 1930 và một cuộc chiến tranh khác.

Nó đã diễn ra như vậy trong 110 năm, với những hậu quả tàn khốc đối với sức mua của đồng USD mà Fed được cho là phải bảo vệ. 1 USD hiện nay chỉ tương đương với 3 xu vào năm 1913. Đó là một số liệu khủng khiếp.

Kế hoạch táo bạo của ứng cử viên Tổng thống Mỹ có giải quyết được vấn đề nhức nhối của Fed?
Một phụ nữ mua sắm tại một siêu thị ở Thành phố New York vào ngày 14/12/2022. (Ảnh: Yuki Iwamura/AFP qua Getty Images)

Giải pháp cho vấn đề Fed không dễ thấy như người ta tưởng. Đã có lúc đồng USD được gắn với vàng, điều được đảm bảo bởi chính phủ đã phát hành nó. Giai đoạn đó đã qua lâu rồi. Hết đình chỉ này đến đình chỉ khác cuối cùng đã dẫn đến một hệ thống tiền giấy hoàn toàn bắt đầu từ năm 1971. Các giới hạn đã hoàn toàn biến mất.

Việc khôi phục một đồng USD có thể chuyển đổi thành vàng cả trong nước và quốc tế phải đối mặt với một vấn đề lớn với quá trình chuyển đổi, bên cạnh việc thực thi nó. Ví dụ, nếu đồng USD chỉ được xác định tương đương 1/2.000 ounce vàng (gần bằng giá vàng ngày nay), thì tính xác thực của tuyên bố sẽ được kiểm tra trên toàn thế giới và ngay lập tức. Điều này sẽ dẫn đến việc đồng USD ngay lập tức chảy trở lại nước Mỹ, đi cùng với việc vàng của chính phủ Mỹ bị thất thoát. Thật khó để nói chắc chắn, nhưng tôi đoán là thí nghiệm này sẽ kết thúc ngay khi nó bắt đầu.

Kế hoạch của ông Vivek Ramaswamy

Ông Vivek Ramaswamy là một doanh nhân, người đã tuyên bố mình là ứng cử viên cho đề cử của đảng Cộng hòa. Một trong những chuyên môn của ông là chính sách tiền tệ. Ông ấy có quan điểm chắc chắn, bắt nguồn từ lý thuyết và kinh nghiệm, và ông ấy có thể nói về chủ đề này với mức độ hiểu biết vượt xa những người khác trong cuộc đua Tổng thống.

Tôi đã mời ông Vivek trình bày kế hoạch của ông ấy về vấn đề của Fed trong một bài phát biểu tại khu vực của Viện Brownstone trong Porcfest năm nay. Ông ấy đã có một bài phát biểu tuyệt vời. Quan điểm của riêng tôi: Kế hoạch của ông ấy đáng để thử. Ít nhất, đó là một kế hoạch và có vẻ như nó khiến mọi thứ đi đúng hướng. Nó bao gồm ba phần:

Đầu tiên, ông Vivek sẽ chấm dứt hoàn toàn nhiệm vụ kép bằng mệnh lệnh hành pháp. Ông sẽ bổ nhiệm một Chủ tịch mới của Fed, người đồng ý với các nguyên tắc mới. Điều này có vẻ đúng đắn đối với tôi. Việc điều hành chính sách tiền tệ bằng cách xem xét tập dữ liệu khổng lồ và cực kỳ không chính xác về việc làm sẽ không còn hợp lý nữa (nếu nó từng là hợp lý). Ngay bây giờ, tỷ lệ thất nghiệp thấp đến mức nực cười, nhưng điều này phần lớn là do tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng, được thúc đẩy bởi việc chấm dứt nhập cư tài năng, tỷ lệ sinh thấp và tình trạng phổ biến của việc từ bỏ thị trường lao động. Tỷ lệ tham gia thị trường lao động hiện nay thấp hơn so với trước khi áp dụng các biện pháp kiểm soát đại dịch.

Vấn đề then chốt là: Fed có thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào trong số này như thế nào? Nó không thể. Chúng không liên quan gì đến chính sách của Fed cả. Như ông Vivek đã chỉ ra, “nhiệm vụ kép” bắt nguồn từ một ngụy biện điên rồ còn sót lại sau việc lý thuyết hóa kinh tế một cách tồi tệ từ nhiều thập kỷ trước. Ý tưởng này được gọi là đường cong Phillips, và nó quá là nhàm chán để giải thích ở đây. Bạn chỉ cần biết rằng, thực tế ngày nay không phù hợp một chút nào với các định đề lý thuyết của nó. Ông Vivek sẽ bãi bỏ hoàn toàn nhiệm vụ tối đa hóa việc làm của Fed.

Đây là một ý tưởng tuyệt vời.

Điều đó sẽ khiến Fed chỉ còn một mục tiêu: ổn định giá cả. Ông Vivek thích nói về nó như sau: bảo vệ sự lành mạnh của tiền tệ. Đó là những gì Fed phải làm khi mới thành lập. Nhiệm vụ duy nhất này sẽ khiến Fed tập trung vào điều đó.

Điều này đưa chúng ta đến phần thứ hai trong kế hoạch của ông ấy. Ông Vivek sẽ xác định một rổ hàng hóa trong đó vàng và bạc sẽ chiếm vị trí trung tâm nhưng có lẽ sẽ bao gồm nhiều thứ khác. Mục đích của rổ này là cung cấp một đại diện cho áp lực giá chung. Mục tiêu duy nhất của Fed là ổn định rổ này về mặt giá cả. Nó sẽ mua USD để giảm lạm phát và bán chúng để đề phòng giảm phát. Trên thực tế, điều đó có nghĩa là xác định lại đồng tiền của Mỹ theo một rổ hàng hóa – tất nhiên là không thể chuyển đổi trực tiếp, nhưng đó là một mục tiêu chính sách.

Trước khi xem xét phần hai này, chúng ta hãy chuyển sang phần thứ ba: Ông ấy sẽ chấm dứt mọi thao túng lãi suất. Đây sẽ là một phước lành to lớn. Trong nhiều thập kỷ nay, Fed đã sử dụng tỷ lệ lãi suất mà họ kiểm soát trực tiếp nhất (cho các ngân hàng vay) như một công cụ để thao túng toàn bộ đường cong lợi suất và điều chỉnh môi trường kinh tế vĩ mô. Đây là cách Fed quản lý toàn bộ chính sách tiền tệ. Nó không hiệu quả. Thật vậy, đó là một thảm họa.

Ngay cả bây giờ, Fed cũng đang sử dụng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Nó không thực sự hiệu quả, nhưng nó lại đang làm tăng ồ ạt chi phí đi vay và tạo ra các điều kiện cho suy thoái. Đúng là kìm hãm tăng trưởng kinh tế là một con đường để giảm lạm phát, nhưng có nhiều cách tốt hơn. Cách tốt nhất là không bao giờ để lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát một lần nữa, và điều đó có nghĩa là hạn chế hoặc xóa bỏ khả năng của Fed trong việc tham gia những trò chơi phức tạp như vậy với lãi suất.

Những hạn chế

Theo quan điểm của tôi, phần thứ nhất và phần thứ ba trong kế hoạch của ông Vivek có thể được thực hiện ngay lập tức với sự lãnh đạo đúng đắn của Tòa Bạch Ốc. Đối với ý tưởng ràng buộc đồng USD vào giỏ hàng hóa, có một vấn đề. Bản thân việc xây dựng chiếc giỏ sẽ là nghệ thuật chứ không phải khoa học. Không có cách nào hoàn hảo để xác định đúng các mặt hàng nhằm thể hiện bức tranh chính xác về áp lực giá cả. Đuổi theo một thứ như thế có thể khiến Fed rơi vào tình thế kỳ lạ của một cuộc rượt đuổi ngỗng không ngừng nghỉ, trong đó con ngỗng luôn thông minh hơn người đang cố bắt nó!

Thêm vào đó, kế hoạch này sẽ đặt Fed vào tình thế phải chiến đấu với giảm phát cũng như lạm phát. Đây là một sai lầm lớn. Từ những gì chúng ta biết từ kinh nghiệm thực tế, giá cả giảm nhẹ là một đặc điểm của thị trường tự do. Hãy xem điều gì đã xảy ra với giá máy tính điện tử từ năm 2006 đến nay: Chúng đã giảm 75%! Điều đó hầu như không làm tổn thương ngành công nghiệp. Đó là thứ được gọi là tiến bộ.

Ngoài ra, từ năm 1880 đến năm 1890, trong khi áp dụng tiêu chuẩn bản vị vàng cổ điển, giá cả ở Mỹ đã giảm tổng thể khoảng 5,8%. Giá thực phẩm và đồ uống giảm khoảng 10%. Một lần nữa, điều này không có hại. Chúng ta thực sự cần phải cảm thấy thoải mái với giảm phát.

Một thất bại lớn khác của kế hoạch này là nó đã giả định rằng tác động duy nhất của việc thay đổi cung tiền là làm thay đổi giá trị của đồng tiền. Điều đó không đúng. Một tác động chính yếu khác của việc mở rộng đồng tiền là phá vỡ cấu trúc sản xuất, như đã được minh họa một cách hoàn hảo bằng trải nghiệm với chính sách lãi suất bằng 0 vào năm 2008.

Dù sao, kế hoạch của ông Vivek dường như là một bước đi đúng hướng. Bản thân tôi muốn phi quốc hữu hóa hoàn toàn tiền tệ, tách biệt nó hoàn toàn khỏi chính phủ, nhưng điều đó khó có thể thực hiện được ngay tại thời điểm hiện nay. Ông Vivek ít nhất đã suy nghĩ rất nhiều về chủ đề này. Quan điểm của ông ấy chắc chắn đáng để lắng nghe và xem xét cẩn thận. Và chúng ta nên làm điều đó trước khi bị lôi kéo vào kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với Tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo học thuật và phổ thông, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.



BÀI CHỌN LỌC

Kế hoạch táo bạo của ứng cử viên Tổng thống Mỹ có giải quyết được vấn đề nhức nhối của Fed?