Miền Tây chật vật thiếu nước ngọt giữa ngày nắng nóng đổ lửa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời gian gần đây, nắng nóng kéo dài tại khu vực miền Tây nói chung khiến cho tình trạng khô hạn, sạt lở đất khắp nơi. Đồng thời, nơi đây kèm theo tình trạng mất nước khiến đời sống người dân chật vật và xáo trộn.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện còn hơn 50.000 hộ gia đình đang thiếu nước sạch và phải sử dụng các giải pháp khác nhau để đảm bảo có nước sinh hoạt. Trong đó, tỉnh Cà Mau có khoảng 4.000 hộ gia đình đang thiếu nước ngọt sử dụng.

Tại Cà Mau, nhiều kênh rạch trong vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời bị khô cạn, nước giữ trữ trong các ao mương cũng dần hết nên việc thiếu nước sinh hoạt đang là nỗi lo thường trực của nhiều hộ dân.

Một người dân ở ấp Mũi Tràm A, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) cho biết, hiện nước để uống, nấu ăn người dân phải mua từng bình nước lọc về sử dụng. Còn cây nước thì bị nhiễm phèn và mặn nên chỉ dùng để rửa chén, giặt đồ. Mặc dù gia đình đã chủ động trữ nước ngọt trong các lu, bồn nhưng do hạn kéo dài nên nước sử dụng không đủ qua mùa khô.

Tương tự, hạn mặn khốc liệt cũng khiến nhiều hộ dân ở vùng cuối nguồn ngọt hóa Gò Công (tỉnh Tiền Giang) thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng. Xe bồn chở nước nơi khác đến bán với giá dao động 100.000 - 150.000 đồng/m3, nhiều người phải thức trắng đêm để chờ mua. Tại các xã Gia Thuận, Kiểng Phước, Tân Phước (huyện Gò Công Đông) từ sáng đến tối, ở các điểm lấy nước công cộng người dân xếp hàng dài để chờ lấy nước.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như 2015-2016 và 2019-2020. Các đợt xâm nhập mặn sẽ đạt đỉnh trong tháng 4-5 (8-13/4, 22-28/4, 7-11/5).

Hạn mặn năm nay dự báo sẽ khiến 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, 20.000 ha lúa đông xuân gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo bị thiếu nước.

Cá chết, hoa màu cháy khô

Ngoài các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long thì người dân ở các tỉnh miền Trung cũng bị ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt, canh tác mùa màng, sản xuất nông nghiệp... do nắng nóng, hạn hán, mất nước.

Cụ thể, nắng nóng gay gắt những ngày qua khiến tình trạng cá chết bất thường xảy ra liên tục trên sông Ô Giang (thuộc địa bàn xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị).

Trong khi đó, tại xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), khô hạn đã làm hơn 5ha đậu phộng của bà con Vân Kiều chết khô, mất trắng. Còn tại huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình), nắng nóng làm hơn 60ha bắp sắp thu hoạch bị thiệt hại nặng. Người dân ra sức tìm kiếm nước tưới nhưng các ao hồ đã khô cạn nên diện tích bắp tiếp tục chết khô đang gia tăng.

Cũng không thoát khỏi tình trạng mất nước, bất chấp cái nắng gay gắt giữa trưa tháng 4, người dân xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) dùng xe máy chở những can nhựa đến một cái ao còn đọng lại chút nước đục ngầu để lấy nước sinh hoạt.

Một người dân tại xã Hàm Cần cho biết, hàng ngày bà chỉ dám chạy xe máy đi chở 3 - 4 chuyến nước về cho gia đình sinh hoạt, đi nhiều không có tiền để đổ xăng.

Nước cho sinh hoạt đã khó, nước dùng cho sản xuất càng khó hơn. Dòng sông Bà Bích và sông Linh, 2 con sông cung cấp nguồn nước sản xuất cho các xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần đã trơ đáy; nhiều hồ chứa nước nơi đây chỗ thì không còn giọt nước nào, chỗ chỉ đọng lại chút nước ít ỏi.

Từ đầu năm 2024 đến nay, gần 130ha đất canh tác của người dân xã Mỹ Thạnh không thể canh tác được cây gì. Tại xã Hàm Cần, hàng trăm hécta đất nông nghiệp cũng bị bỏ hoang vì không tìm được nguồn nước tưới.

Đến đầu tháng 4/2024, lượng nước tại các hồ chứa thủy lợi của tỉnh Bình Thuận chỉ đạt 31,7% thiết kế, thấp hơn cùng kỳ 38,85 triệu m3. Hiện diện tích sản xuất đang bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh là 365ha và diện tích có nguy cơ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước là 1.175ha.

Tỉnh Bình Phước có 76 công trình thủy lợi hồ, đập với dung tích thiết kế tưới cho hơn 9.286ha cây trồng và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, công nghiệp 133.642m3/ngày đêm nhưng do nắng hạn kéo dài nên hầu hết các công trình hồ, đập đều giảm, dung tích hồ chứa chỉ còn 32%-45%.

Nắng nóng khiến hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Ngành nông nghiệp tỉnh đang huy động người dân nạo vét ao hồ, tăng dự trữ nước phục vụ cho sinh hoạt, khuyến cáo sử dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước hợp lý; hỗ trợ xe bồn vận chuyển nước đến các điểm dân cư, nơi hụt nguồn nước; khoan giếng, đào giếng mới để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Việt Nam Xã hội

Miền Tây chật vật thiếu nước ngọt giữa ngày nắng nóng đổ lửa