Miền Tây sạt lở nghiêm trọng: Vì thời tiết bất thường hay do con người?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mới vào đầu mùa mưa nhưng đã xảy ra hàng loạt vụ sạt lở ở khắp các tỉnh miền Tây, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Tại thành phố Cần Thơ, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 19 đợt sạt lở ở 7 quận, huyện. Các vụ sạt lở, với tổng chiều dài 688m, làm bị thương 2 người, 3 căn nhà bị sập hoàn toàn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới 18 căn nhà khác, ước tính tổng thiệt hại hơn 17 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm 2022, tình hình sạt lở trên địa bàn Cần Thơ tăng cả về số vụ, chiều dài, số người bị thương và tài sản thiệt hại.

Tương tự, tại tỉnh Trà Vinh cũng xảy ra rất nhiều vụ sạt lở làm ảnh hưởng đến đời sống và tài sản của người dân. Lãnh đạo tỉnh đã phải công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở bờ biển khu vực Cồn Nhàn tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải. Khu vực này thường xuyên chịu tác động mạnh của triều cường, nước biển dâng, nhất là vào mùa gió chướng.

Từ năm 2015 đến nay, khu vực này có hơn 3km đất ven biển bị nước biển xâm thực, làm mất khoảng 220 hecta đất sản xuất và đất rừng phi lao phòng hộ. Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, các đợt triều cường cao kết hợp sóng lớn làm nước biển dâng cao vào đất liền, gây sạt lở bờ biển, làm ngập nhà ở của người dân.

Còn tại Cà Mau, sạt lở đất ven sông tập trung nhiều tại các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Phú Tân và Ngọc Hiển.

Từ đầu năm 2023 tới nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra hơn 70 vụ sạt lở đất tại 72 vị trí khác nhau với tổng chiều dài hơn 2km, làm hư hỏng 47 nhà dân, 4 lò hầm than, 7 cống xổ tôm, cùng nhiều đoạn đường giao thông nông thôn. Ước tổng thiệt hại về tài sản hơn 7,3 tỷ đồng.

Khu vực phía trong còn có tỉnh Lâm Đồng gần đây cũng chịu thiệt hại đáng kể vì vấn nạn sạt lở.

Theo thống kê của tỉnh Lâm Đồng, từ ngày 17/6 đến ngày 3/8 trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng. Các vụ sạt lở đã khiến cho 3 công an giao thông và 6 người dân thiệt mạng, và 4 người khác bị thương.

Nguyên nhân chính gây ra sạt lở đất trên địa bàn được cho là do mưa nhiều, thời gian mưa kéo dài và tập trung trong tháng 6 đến tháng 7.

Từ đầu năm đến nay, tình hình sạt lở tại các tỉnh miền Tây diễn biến phức tạp, các vụ sạt lở diễn ra liên tục, không theo quy luật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực, người dân sống trong lo âu, thấp thỏm. Nhiều người chia sẻ rằng có hôm họ phải thức trắng đêm không dám ngủ vì sợ sạt lở. Có những gia đình mất nhà, mất hết tài sản phải ở nhờ nhà người thân hoặc sống tạm bợ trên ghe xuồng.

Nguyên nhân sạt lở

Theo nhiều chuyên gia, tình trạng sạt lở ngày càng gia tăng ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân khách quan là do thời tiết ngày càng cực đoan, mưa nắng thất thường khiến cấu trúc đất lỏng lẻo dẫn đến dễ sạt lở.

Tuy nhiên, các vụ sạt lở cũng có phần nhiều nguyên nhân là do con người. Những năm qua Trung Quốc đã xây dựng rất nhiều thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông, kéo theo việc chặn cát và phù sa, nên các sông khu vực hạ nguồn bị thiếu bùn cát gây ra sạt lở.

Hiện nay, hoạt động xây dựng của người dân ngày càng nhiều làm tải lượng lên bờ sông nhiều hơn. Cùng với đó là việc khai thác cát tràn lan và khai thác cát lậu làm trầm trọng hơn việc sạt lở ở các tỉnh miền Tây.

Hơn nữa, các vùng ven biển việc mở rộng thâm canh nuôi tôm, phá rừng ngập mặn, khai thác nước ngầm cũng là những yếu tố gây sạt lở.

Để khắc phục các vụ sạt lở, các chuyên gia cho rằng cần tập trung xử lý yếu tố liên quan đến con người. Nhiều ý kiến cho rằng cần có nghiên cứu về hiện trạng và nhu cầu khai thác cát để có giải pháp phù hợp. Ngoài ra đối với xây dựng công trình, nhà cửa, cần có một quy hoạch bài bản, tránh can thiệp sai quy luật.

Giảm khai thác nước ngầm cũng là con đường giảm sụt lún hiệu quả. Các vùng ven biển nên áp dụng công nghệ lọc nước biển để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chuyển đổi canh tác sang hệ thống canh tác mặn, lợ bền vững để ít phụ thuộc nước ngọt hơn.

Gia Linh (tổng hợp)


Miền Tây sạt lở nghiêm trọng: Vì thời tiết bất thường hay do con người?