Năm 2023, ngân hàng Eximbank kinh doanh ra sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những ngày gần đây, giới ngân hàng và người tiêu dùng trong nước đang rất quan tâm tới vụ đòi nợ xấu phát sinh từ thẻ tín dụng của ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Vậy ngân hàng này đang kinh doanh ra sao?

Cùng với việc gây chú ý với khoản thu nợ xấu thẻ tín dụng hơn 8,8 tỷ đồng của khách hàng, kết quả kinh doanh của Eximbank trong năm 2023 không mấy sáng sủa khi chỉ hoàn thành 54% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm trong khi nợ xấu "leo thang".

Cụ thể, trong báo cáo tài chính năm 2023 của Eximbank với ngân hàng nhà nước cho biết trong năm qua thu nhập lãi thuần đạt 4.597 tỷ đồng, giảm 17,79% so với năm 2022. Hoạt động dịch vụ đem về 514 tỷ đồng (tăng 0,09%); Lãi mua bán chứng khoán kinh doanh là 121 tỷ đồng (tăng 38,53%); Điểm sáng là lãi từ hoạt động khác đem về 835 tỷ đồng, tăng 71,9% so với năm trước. Ở chiều ngược lại, Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng đem về 485 tỷ đồng, giảm 19,83% so với năm trước. Chi phí hoạt động trong năm 2023 của Eximbank là 3.140 tỷ đồng, giảm 9,63% so với năm trước.

Ngoài ra, trong năm 2023, Eximbank trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 694 tỷ đồng, tăng 6,7 lần so với năm trước (103 tỷ đồng). Lũy kế cả năm 2023, Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế chỉ còn gần 2.720 tỷ đồng, giảm 27%, lợi nhuận sau thuế đạt 2.165 tỷ đồng, giảm 26,5% so với năm 2022. Với kế hoạch lãi 5.000 tỷ đồng lãi trước thuế năm 2023, Eximbank chỉ mới thực hiện được 54% chỉ tiêu.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Eximbank là 201.416 tỷ đồng, tăng 8,84% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi của khách hàng là 156.329 tỷ đồng, tăng 5,19%; Cho vay khách hàng là 140.448 tỷ đồng, tăng 7,62%. Vốn chủ sở hữu của nhà băng này là 22.444 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm. Ngân hàng có 1.985 tỷ đồng lợi nhuận sau thế chưa phân phối, giảm mạnh so với con số hơn 5.459 tỷ đồng hồi đầu năm.

Tổng nợ xấu của Eximbank tính đến cuối năm 2023 là 3.726 tỷ đồng, tăng 58% so với đầu năm. Cụ thể, Nợ dưới tiêu chuẩn (Nợ nhóm 3) là 446 tỷ đồng, tăng 68%; Nợ nghi ngờ (Nợ nhóm 4) là 1.412 tỷ đồng, tăng 213%; Nợ có khả năng mất vốn (Nợ nhóm 5) là 1.868 tỷ đồng, tăng 14%. Bên cạnh đó, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) của Eximbank cũng tăng 37% lên 1.839 tỷ đồng. Dù chưa được xếp vào nhóm nợ xấu, nhưng với việc nợ nhóm 2 gia tăng đáng kể cho thấy tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu rất cao. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Eximbank theo đó cũng tăng từ 1,8% hồi đầu năm lên 2,65% vào thời điểm cuối năm 2023.

Khách nói nợ tiền triệu dù không nhận được thông báo

Sau sự việc anh P.H.A tại Quảng Ninh sử dụng thẻ tín dụng của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và nợ hơn 8,5 triệu đồng vào năm 2013, đến năm 2023 khoản nợ này tăng lên thành hơn 8,83 tỷ đồng được báo chí phản ánh gần đây, nhiều khách hàng từng sử dụng tài khoản Eximbank chủ động kiểm tra lại tài khoản và tá hỏa phát hiện bản thân nợ hàng triệu đồng.

Chị Ngọc Uyên (Hà Nội) từng sử dụng thẻ của Eximbank năm 2015 do công ty cũ trả lương qua tài khoản của ngân hàng này. Năm 2016, chị Uyên nghỉ việc.

Gần đây, chị gọi lên tổng đài yêu cầu kiểm tra và bỗng nhiên được thông báo nợ hơn 2 triệu đồng, gồm phí thông báo biến động số dư 49.500 đồng/quý và phí quản lý tài khoản 11.000 đồng/tháng. Chị cũng không nhận được thông báo trừ tiền.

Chị Uyên chia sẻ thêm, sau sự việc của chị, chị có thông báo cho bạn bè, đồng nghiệp cũ và khi họ kiểm tra thông tin thì người bị truy thu hơn 400.000 đồng, người thì bị truy thu hơn 2 triệu đồng, người 5 triệu đồng, tùy theo các dịch vụ mình đăng ký trước đó như phí SMS banking, phí báo số dư, phí thường niên thẻ.

Nhân viên ngân hàng phản hồi lại với chị Uyên rằng khách hàng không dùng thẻ nhưng tài khoản vẫn hoạt động và các loại phí đó vẫn sẽ duy trì.

Trường hợp khác là anh Văn Tùng (Hà Nội) cũng phát hiện bản thân nợ hơn 1 triệu đồng sau khi gọi tới tổng đài Eximbank. Giống như chị Uyên, nhiều năm qua, anh không giao dịch bằng tài khoản Eximbank, đồng thời cũng không nhận được tin nhắn nào từ ngân hàng thông báo thu phí.

"Mình không hiểu sao ngân hàng lại có pha xử lý cồng kềnh như vậy khi mà một số ngân hàng khác tự động hủy tài khoản nếu sau 6 tháng hoặc một năm khách không sử dụng. Đây cũng là cách họ làm sạch dữ liệu hệ thống, mà người dùng cũng không bị mất phí oan", anh Tùng chia sẻ với báo chí.

Trên một hội nhóm về ngân hàng có hơn 20.000 thành viên, không ít người cho biết gặp tình trạng tương tự khi sử dụng thẻ của Eximbank. Một số thành viên trong nhóm thông tin khi gọi cho tổng đài ngân hàng này yêu cầu đóng tài khoản thì nhận được phản hồi phải thanh toán khoản nợ phí và ra quầy giao dịch mới có thể làm thủ tục đóng tài khoản.

Một tài khoản trong hội nhóm chia sẻ: "Họ (nhân viên Eximbank) nói nếu không đóng sẽ cộng dồn nợ suốt đời nhưng nếu vẫn muốn sử dụng dịch vụ của ngân hàng thì mở thẻ mới".

Eximbank tuyên bố "sẽ thu mức hợp lý" trong vụ khách hàng bị nợ 8,8 tỷ đồng

Trước đó, tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội TP. HCM vào chiều 21/3, phía Ngân hàng nhà nước (NHNN) - Chi nhánh TP. HCM và đại diện Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) đã có mặt để thông tin về vụ dư nợ 8,5 triệu đồng trong thẻ tín dụng của khách hàng P.H.A bị tăng lên 8,8 tỷ đồng sau 11 năm tại Ngân hàng Eximbank.

Thông tin chính thức với báo chí, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu - Eximbank cho hay, với thẻ tín dụng quốc tế, khi đưa ra chính sách lãi và phí đều đã có tham khảo thị trường, sản phẩm của các ngân hàng tương đồng để đưa ra chính sách.

Ngân hàng Eximbank cũng có xét đến yếu tố cạnh tranh, để ngân hàng có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.

Ông Vũ nói, ngân hàng có quy định trường hợp khách hàng nợ thẻ quá hạn, nhân viên xử lý phải căn cứ tình hình nợ thẻ của khách hàng để đề xuất cấp lãnh đạo mức thu lãi, phí.

"Mức phí, lãi này phải trình cấp lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt trước khi làm việc với khách hàng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cán bộ xử lý nợ đã máy móc, gửi thông báo trực tiếp đến khách hàng khi chưa trình cấp thẩm quyền, khiến khách hàng bức xúc. Chúng tôi lấy làm tiếc vì trường hợp này", ông Vũ cho biết trong buổi họp báo.

Ông Vũ khẳng định, phía ngân hàng đã làm việc với khách hàng, cùng thoả thuận và tìm cách xử lý đảm bảo hợp lý hợp tình. Eximbank đảm bảo không thu 8,8 tỷ mà sẽ thu ở một mức phí hợp lý nhưng không nói rõ "mức phí hợp lý" đó là bao nhiêu.

Việt Nam Xã hội

Năm 2023, ngân hàng Eximbank kinh doanh ra sao?