Năm nay người dân có thể mất đi một thú vui khi Tết đến xuân về, nhưng là cần thiết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tết nguyên đán năm nay, việc chơi đào rừng có thể sẽ bị cấm hoàn toàn. Đây có thể là một quyết định khá khó khăn trước thềm năm mới nhưng chắc chắn sẽ là cần thiết khi mà nạn chặt phá rừng đang diễn ra khắp nơi và được núp bóng dưới nhiều hình thức như mua bán hay vận chuyển cây đào vào dịp tết.

Ngắm đào, mua đào trong những ngày giáp Tết nguyên đán là thú vui truyền thống không thể thiếu của người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Tuy nhiên vài năm gần đây, do người dân có thú chơi đào rừng vào ngày tết, nên đã không ngần ngại trả mức giá rất cao để được sở hữu một cây đào rừng ưng ý. Vì vậy xuất hiện hiện tượng chặt đào rừng ở nhiều địa phương vùng Tây Bắc đem về xuôi để bán, dẫn đến nguy cơ đào rừng bị tận diệt.

Vào ngày 24/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải cấm tuyệt đối chặt đào rừng và các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết; đồng thời yêu cầu các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.

Sở thích chơi đào rừng ngày tết chỉ mới xuất hiện khoảng 10 năm đổ lại đây. Trước đây người ở miền xuôi chỉ quen với những cành bích đào đỏ thẫm mua ở những làng trồng đào, khu chợ hoa tết vùng Đồng bằng sông Hồng. Thậm chí, nhiều người dân các tỉnh miền núi “chịu chơi” còn mang đào bích từ miền xuôi về trưng Tết. Nhưng vài năm trở lại đây tình hình đã đổi khác.

Vào những dịp cận tết, các khu chợ hoa tết, thậm chí trên nhiều các con đường ngõ phố xuất hiện nhiều cây đào rừng chặt đem từ miền núi về trưng bán. Và để đáp ứng nguồn cầu dồi dào, các thương nhân dưới xuôi đã kéo lên các tỉnh miền núi chặt đào rừng mang về xuôi bán. Nếu mang về mà bán không được, thì những cành cây này sẽ bị bỏ đi hoặc để làm củi.

Dọc QL6 đoạn qua địa phận tỉnh Sơn La, những ngày cận Tết Nguyên đán mấy năm vừa qua, không khó để bắt gặp những chuyến xe hối hả, tấp nập vận chuyển đào của những người dân bản địa dọc các trục đường lớn ra các chợ đào dọc đường quốc lộ. Tại đây, thường xuyên có nhiều ô tô tải thu mua đào rừng chở xuống các tỉnh miền xuôi bán trong dịp tết.

(Ảnh chụp từ video)
(Ảnh chụp từ video)

Xã Co Mạ, tỉnh Sơn La từng được mệnh danh là "thủ phủ" của những gốc đào rừng cổ thụ rêu mốc xù xì bởi lợi thế nằm ở độ cao trên 1.500 do thiên nhiên ban tặng, nhưng vài năm trở lại đây, nơi từng có xum xuê cây cối nay này chỉ còn lại bãi đất trống do nạn chặt phá tràn lan.

Việc người dân bản địa và cả người buôn đào vào rừng săn lùng, chặt phá khiến cho đào rừng ngày càng trở nên khan hiếm. Bởi nếu trồng loại đào này tại nhà thì phải mất tối thiểu từ 5 - 10 năm mới có thể bán. Còn đối với những cây đào rừng cổ thụ, sống sâu trong rừng già, có tuổi đời 20 - 30 năm vô cùng quý hiếm. Nhiều người lo lắng, với tốc độ đốn hạ đào như thời gian qua, chẳng mấy lúc đào rừng sẽ tận diệt.

Việc kiểm soát chặt việc chặt phá đào rừng là cần thiết, nhằm để bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của nhiều địa phương, để những cây đào rừng quý, có tuổi đời lâu năm không bị chặt phá.

Nhiều người băn khoăn, nếu cấm chặt đào rừng để bán thì ảnh hưởng đến sinh kế của những người bán đào? Thực ra sinh kế của người dân trông chờ vào rừng nhưng không có nghĩa chỉ chặt cành đào mang đi bán mới có tiền, mới tạo được sinh kế. Nhưng cần có tiêu chí xác định rõ thế nào là đào rừng, thế nào là đào nhà trồng. Đào trồng và đem bán thì nên khuyến khích, góp phần tăng nguồn thu nhập của người dân.

Những vùng nhiều hoa đào rừng lại chính là những nơi thu hút rất đông khách du lịch vào những dịp Xuân về. Đó chính là một lợi thế để chính quyền và người dân bản địa tận dụng phát triển các ngành dịch vụ phục vụ du lịch.

Nếu Nhà nước có chủ trương, thì người dân phải tuân thủ không buôn bán đào rừng. Do vậy, cần thiết có những chỉ đạo cụ thể từ các cơ quan chức năng để chính quyền địa phương và người dân cũng như những người buôn bán biết và thực hiện cho đúng.

Những vùng nhiều hoa đào rừng lại chính là những nơi thu hút rất đông khách du lịch vào những dịp Xuân về. (Nguồn ảnh từ Facebook)
Những vùng nhiều hoa đào rừng lại chính là những nơi thu hút rất đông khách du lịch vào những dịp Xuân về. (Nguồn ảnh từ Facebook)

Tiến Thành


Năm nay người dân có thể mất đi một thú vui khi Tết đến xuân về, nhưng là cần thiết