Nguyên nhân vụ tai nạn của tàu Luna-25 trên Mặt Trăng: Sự tích luỹ qua nhiều thập kỷ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người đứng đầu cơ quan vũ trụ của Nga cho biết hôm thứ Hai rằng tàu vũ trụ Luna-25 đã đâm vào mặt trăng sau khi động cơ không thể tắt đúng yêu cầu. Ông đổ lỗi cho việc nước này tạm dừng thăm dò mặt trăng kéo dài hàng thập kỷ là nguyên nhân dẫn đến tai nạn này.

Tàu vũ trụ không người lái Luna-25 đã được lên kế hoạch hạ cánh vào thứ Hai với mục tiêu trở thành tàu vũ trụ đầu tiên chạm xuống cực nam của mặt trăng, một khu vực mà các nhà khoa học tin rằng có thể tồn tại trữ lượng nước đóng băng quan trọng và các nguyên tố quý khác.

Tổng giám đốc Roscosmos Yury Borisov cho biết các động cơ của tàu vũ trụ đã được bật vào cuối tuần qua để đưa Luna-25 vào "quỹ đạo trước khi hạ cánh" nhưng không thể tắt đúng yêu cầu, khiến tàu đổ bộ lao xuống mặt trăng.

“Thay vì 84 giây như kế hoạch, nó đã hoạt động đến 127 giây. Đây là lý do chính dẫn đến tình trạng khẩn cấp”, ông Borisov nói với kênh tin tức nhà nước Nga Russia 24.

Roscosmos đã liên lạc với tàu vũ trụ cho đến 2:57 chiều (giờ địa phương) vào Thứ Bảy, khi liên lạc bị mất và “thiết bị đi vào quỹ đạo mở của mặt trăng và đâm vào bề mặt của mặt trăng”, ông nói.

Sứ mệnh lên mặt trăng là sứ mệnh đầu tiên của Nga kể từ năm 1976, khi nước này còn là một phần của Liên Xô. Chỉ có ba quốc gia thực hiện thành công việc đổ bộ lên mặt trăng: Liên Xô, Hoa Kỳ và Trung Quốc.

“Việc chương trình mặt trăng bị gián đoạn trong gần 50 năm là lý do chính dẫn đến thất bại này”, ông Borisov nói, đồng thời cho biết thêm “việc Nga chấm dứt chương trình vào lúc này sẽ là quyết định tồi tệ nhất”.

Luna-25 đang chạy đua với tàu vũ trụ Ấn Độ được phóng vào ngày 14/7 để trở thành tàu đầu tiên tới được cực nam. Cả hai dự kiến sẽ tới mặt trăng trong khoảng thời gian từ ngày 21 tháng 8 đến ngày 23 tháng 8.

Nỗ lực hạ cánh xuống cực nam của mặt trăng trước đây của Ấn Độ vào năm 2019 đã kết thúc khi tàu vũ trụ đâm vào bề mặt mặt trăng. Tuy nhiên ngày hôm qua, vào lúc 19h34 ngày 23/8 (giờ Hà Nội), Ấn Độ đã hạ cánh thành công tàu đổ bộ của họ lên mặt trăng.

Luna-25 được phóng từ Sân bay vũ trụ Vostochny ở Viễn Đông của Nga vào ngày 11 tháng 8. Sân bay vũ trụ là dự án tâm huyết của Tổng thống Nga Vladimir Putin và là chìa khóa cho nỗ lực đưa Nga trở thành siêu cường vũ trụ của ông.

Trước khi phóng, Roscosmos cho biết họ muốn chứng tỏ Nga “là một quốc gia có khả năng vận chuyển hàng hóa lên mặt trăng” và “đảm bảo quyền tiếp cận bề mặt mặt trăng của Nga”.

Sau vụ tai nạn, cơ quan vũ trụ Nga cho biết sứ mệnh lên mặt trăng nhằm đảm bảo “năng lực phòng thủ” lâu dài cũng như “chủ quyền công nghệ”.

Ông Borisov cho biết hôm thứ Hai: “Cuộc đua phát triển tài nguyên thiên nhiên trên mặt trăng đã bắt đầu. Trong tương lai, mặt trăng sẽ trở thành cơ sở lý tưởng cho việc khám phá không gian sâu thẳm.”

Các biện pháp trừng phạt đối với Nga kể từ khi nước này phát động cuộc chiến ở Ukraine gần 18 tháng trước đã ảnh hưởng đến chương trình vũ trụ của nước này, khiến việc tiếp cận công nghệ phương Tây trở nên khó khăn hơn.

Các nhà phân tích cho biết, ban đầu Luna-25 được thiết kế để mang theo một thiết bị thám hiểm mặt trăng nhỏ, nhưng ý tưởng này đã bị loại bỏ để giảm trọng lượng của tàu nhằm cải thiện độ tin cậy.

Các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến cực nam của mặt trăng, họ tin rằng các miệng núi lửa ở cực bị che khuất ánh sáng mặt trời, có thể chứa nước đóng băng trong đá mà các nhà thám hiểm trong tương lai có thể biến thành không khí và nhiên liệu cho tên lửa.

Theo The Epoch Times

Ánh Dương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nguyên nhân vụ tai nạn của tàu Luna-25 trên Mặt Trăng: Sự tích luỹ qua nhiều thập kỷ