NHNN giải thích lý do 'giảm lượng tiền': TTCK và BĐS sẽ tiếp tục trên đường 'dò đáy'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vừa gửi Báo cáo về hoạt động của ngân hàng, giải trình việc giảm lượng tiền trong nền kinh tế. Báo cáo cho thấy áp lực phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ đang gia tăng cả trong và ngoài nước. Điều này có nghĩa thị trường chứng khoán và bất động sản chưa chạm đáy, con đường dò đáy vẫn còn ở phía trước. Rủi ro do sử dụng đòn bảy quá mức sẽ trở thành rủi ro lớn nhất với các nhà đầu tư nói riêng và ổn định thị trường nói chung.

Theo tin từ Cafef, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, hôm nay 19/10/2022, có báo cáo thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn, Nghị quyết số 63/2022/QH15 về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (lĩnh vực ngân hàng) gửi về Quốc hội.

Vì sao NHNN phải thắt chặt chính sách tiền tệ

Báo cáo từ Ngân hàng nhà nước (NHNN) giải thích các áp lực kinh tế trong và ngoài nước gia tăng buộc cơ quan này phải 'giảm lượng tiền' cung ứng thông qua phát hành tín phiếu NHNN, kiểm soát khối lượng chào mua qua nghiệp vụ thị trường mở, nâng lãi suất tái chiết khấu thêm 1%, nới lỏng biên độ tỷ giá từ (+/-) 3% lên (+/-) 5% vào ngày 17/10 vừa qua.

Báo cáo cho thấy lo ngại của NHNN với áp lực quốc tế gia tăng: Cục dự trữ liên bang Mỹ kiên định tăng lãi suất cơ bản trước diễn biến lạm phát tiêu cực hơn, OPEC+ cắt giảm cung tiền như đổ thêm dầu vào đám cháy lạm phát đang bùng phát khắp toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng và giá hàng hoá bất ổn do căng thẳng địa chính trị leo thang, ngày một khó định đoán.

Thực tế, diễn biến tiền tệ, tài chính và vĩ mô (gồm cả leo thang căng thẳng địa chính trị) đang xấu đi từng ngày khiến cơ quan này khó có thể giảm bớt tình trạng thắt chặt tiền tệ. Việc thắt chặt tiền tệ là cần thiết để đảm bảo ổn định tỷ giá, ngăn ngừa lạm phát, vốn đang nhập khẩu từ các nền kinh tế lớn trong thế giới và khu vực.

Thông điệp: Chính sách tiền tệ sẽ phải thắt chặt hơn nữa

Trong nước, báo cáo của NHNN thừa nhận rằng rủi ro lạm phát bùng phát tại Việt Nam đang là thách thức lớn với cơ quan này; lạm phát 2022 dự kiến vượt 4% (mức mục tiêu đề ra). NHNN cũng nhấn mạnh vào rủi ro đòn bảy (nợ) quá cao có thể tạo ra các bất ổn cho hệ thống tài chính - tiền tệ.

NHNN trích nguồn tin từ Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trên thế giới. Moody’s cảnh báo tỷ lệ tín dụng trong nước/GDP và tỷ lệ tổng tài sản của ngân hàng trong nước/GDP đã tăng lên 124% và 17%; là mức cao nhất các quốc gia xếp hạng Ba và Baa, cảnh báo về rủi ro bất ổn vĩ mô.

Báo cáo cũng thừa nhận các yếu tố sẽ buộc NHNN phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ: (i) lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao; (ii) rủi ro đảo chiều dòng vốn ngoại do USD tăng giá, dòng tiền từ đầu tư trực tiếp và kiều hối đang suy giảm; (iii) tỷ giá đang tạo áp lực buộc chính sách tiền tệ phải thắt chặt hơn.

Tất cả các nhận định này không chỉ giải thích cho chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian qua của NHNN mà còn cho thấy cơ quan này sẽ buộc phải tiếp tục thắt chặt tiền tệ, lãi suất huy động và cho vay ở khu vực ngân hàng thương mại sẽ còn tiếp tục tăng để đảm bảo cân đối lớn hơn của nền kinh tế. Dường như, NHNN không thể có lựa chọn nào khác.

Thị trường chứng khoán và bất động sản sẽ tiếp tục trên đường 'tìm đáy'

Về cơ bản, thị trường không bất ngờ với báo cáo này của NHNN. Các giải thích và quan điểm chính sách trong báo cáo của cơ quan này chỉ 'tỉnh thức' các nhà đầu tư còn rất lạc quan trên thị trường chứng khoán và bất động sản; những người đang cố chứng minh thị trường chỉ tiêu cực tạm thời qua các thông số như tăng trưởng vĩ mô và các bằng chứng quá khứ về "sự không liên thông giữa chính sách của Fed với thị trường tiền tệ Việt Nam".

Khối dư nợ khổng lồ của nền kinh tế (mà NHNN đề cập ở trên) đã không chảy nhiều vào khu vực kinh tế thực. Đây chắc chắn không phải là một kết luận chủ quan. Số liệu tăng trưởng GDP của khu vực kinh tế thực, các ngành nghề tê liệt trong hai năm đại dịch và số lượng các doanh nghiệp biến mất khỏi thị trường đã cho thấy điều đó.

Một lượng vốn khổng lồ tạo ra bởi đòn bẩy (vay nợ để đầu tư) đã đổ vào thị trường chứng khoán và bất động sản, tạo nên đà phát triển kỷ lục của TTCK và sự sôi động của BĐS trong hơn 2 năm vừa qua.

Hiện tại, lãi suất cho vay đã tăng cao trở lại và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới khi tỷ giá biến động tiêu cực hơn, thanh khoản hệ thống ngân hàng thương mại ngày một khó khăn, đám cháy rừng về lạm phát đã bắt đầu lan tới biên giới Việt Nam... Lúc này, thị trường chứng khoán và bất động sản sẽ là hai thị trường chịu tác động tiêu cực nhất. Dĩ nhiên, đó là nhận định chung về xu hướng thị trường, không có hàm ý rằng mọi mã cổ phiếu và mọi phân khúc bất động sản sẽ lao dốc theo xu hướng này. Bởi vì, khủng hoảng là điều tồi tệ với đối tượng này nhưng có thể là cơ hội tuyệt vời của các đối tượng khác đang tham gia trên các thị trường.

Nhưng dù là gì, thị trường chứng khoán cũng như bất động sản Việt Nam chưa phải đã chạm đáy; cả hai thị trường này mới chỉ đang tiếp tục dò đáy mà thôi.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

NHNN giải thích lý do 'giảm lượng tiền': TTCK và BĐS sẽ tiếp tục trên đường 'dò đáy'