Những chính sách có hiệu lực từ tháng 2/2024

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mức thu phí sử dụng đường bộ mới; các cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa; quy định mới về bảo hiểm thất nghiệp... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2024.

Từ tháng 2 năm 2024, một số chính sách mới nổi bật bắt đầu có hiệu lực người dân cần chú ý.

Quy định mới về bảo hiểm thất nghiệp

Các quy định về bảo hiểm thất nghiệp vừa được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH, sẽ có hiệu lực từ ngày 15/2/2024.

Trong đó, Khoản 4 Điều 1 Thông tư 15 năm 2023 đã quy định 02 trường hợp không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được hưởng trợ cấp gồm:

- Thời gian chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp khi người lao động đóng trên 144 tháng sẽ không được bảo lưu mà chỉ được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 36 tháng đến đủ 144 tháng mà có thời gian chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được bảo lưu.

- Số tháng lẻ chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thuộc một trong ba trường hợp:

Người lao động không đến nhận trợ cấp thất nghiệp

Người lao động bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp

Người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp

Như vậy, theo quy định mới, có các trường hợp trên sẽ không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Một số trường hợp miễn phí sử dụng đường bộ

Nội dung này được Chính phủ quy định tại Nghị định 90/2023/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 15/2/2024.

Cụ thể, Điều 3 Nghị định 90 nêu rõ các trường hợp được miễn phí sử dụng đường bộ gồm:

- Xe cứu thương.

- Xe chữa cháy.

- Xe phục vụ tang lễ: Xe tang, xe tải lạnh dùng để lưu xác và chở xác; xe chở khách đi cùng xe tang, xe tải chở hoa tang…

Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp trung học cơ sở

Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) có hiệu lực từ 15/2/2024 được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT.

Theo đó, quy định về xếp loại tốt nghiệp THCS gồm các loại giỏi, khá, trung bình tại Quy chế ban hành kèm Quyết định 11/2006/QĐ-BGDĐT đã không còn được đề cập đến tại Quy chế ban hành kèm Thông tư 31.

Theo đó, học sinh THCS sẽ được cấp bằng tốt nghiệp nếu được công nhận tốt nghiệp. Điều kiện được công nhận tốt nghiệp THCS được nêu tại Điều 4 Quy chế gồm:

- Không quá 21 tuổi nếu học sinh đã học hết chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc từ 15 tuổi trở lên nếu là học viên học hết Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS (độ tuổi này được tính theo năm).

- Đã hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS.

- Có đủ hồ sơ gồm:

Học bạ nếu học hết lớp 9 tại các trường trong năm tổ chức xét công nhận tốt nghiệp.

Đơn đăng ký dự xét công nhận tốt nghiệp; bản sao giấy khai sinh/Căn cước công dân/Thẻ Căn cước; bản chính hoặc bản in điện tử học bạ có xác nhận của trường nơi học sinh đã học hết lớp 9 (nếu bị mất/không có bản in học bạ điện tử thì bản xác nhận kết quả rèn luyện và kết quả học lớp 9 tại trường nơi học sinh đã học hết lớp 9) nếu học sinh không thuộc trường hợp trên.

Không đào tạo từ xa với lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề, đào tạo giáo viên

Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học của Bộ GD-ĐT có hiệu lực từ ngày 12/02/2024, áp dụng đối với các khóa tuyển sinh hình thức đào tạo từ xa trình độ đại học sau ngày thông tư này có hiệu lực thi hành.

Theo Quy chế, hình thức đào tạo từ xa là hình thức đào tạo có 50% tổng khối lượng của chương trình đào tạo trở lên được thực hiện theo một hoặc kết hợp giữa phương thức đào tạo từ xa Mạng máy tính và viễn thông, Thư tín, Phát thanh - Truyền hình.

Chương trình đào tạo từ xa là chương trình đào tạo đang áp dụng cho hình thức chính quy ngành đào tạo tương ứng của cơ sở đào tạo, được điều chỉnh và mô tả cụ thể trong đề cương chi tiết của mỗi học phần cho phù hợp với hình thức đào tạo từ xa về phương pháp dạy - học, thời lượng dạy - học, học liệu, đánh giá kết quả học tập, trong đó yêu cầu sử dụng chủ yếu phương thức Mạng máy tính và viễn thông.

Chương trình đào tạo từ xa có kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa theo các tiến độ học tập khác nhau để định hướng cho người học, trong đó tổng thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá không ngắn hơn so với hình thức đào tạo chính quy.

Chương trình đào tạo từ xa phải được công khai đối với người học trước khi tuyển sinh
Đối với người học liên thông đã được miễn trừ khối lượng tín chỉ tích lũy, thời gian tối đa để người học hoàn thành khóa học được xác định trên cơ sở thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá giảm tương ứng với khối lượng được miễn trừ.

Chương trình đào tạo từ xa phải được công khai đối với người học trước khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học; những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành và công bố trước khi áp dụng, không gây tác động bất lợi cho người học. Hàng năm, cơ sở đào tạo tổ chức rà soát, đánh giá và cập nhật chương trình đào tạo từ xa.

Cơ sở đào tạo thực hiện chương trình đào tạo từ xa đối với những ngành đã có quyết định mở ngành đào tạo và đã tuyển sinh tối thiểu 3 khoá liên tục theo hình thức chính quy. Đặc biệt, không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.

Trao quyền quyết định chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục

Ngày 28/12/2023, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2024.

Theo Thông tư này, Bộ GD-ĐT chính thức trao quyền quyết định chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục.

Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục do hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn sách.

Mỗi cơ sở giáo dục thành lập 1 hội đồng. Đối với cơ sở giáo dục có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng. Hội đồng này bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; tổ trưởng tổ chuyên môn, tổ chuyên môn, đại diện giáo viên, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục.

Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người. Đối với cơ sở giáo dục có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên hội đồng tối thiểu là 5 người.

Thông tư cũng quy định, người đã tham gia biên soạn sách giáo khoa hoặc tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa (trong danh mục sách giáo khoa được Bộ trưởng GD-ĐT phê duyệt); cha, mẹ, cha mẹ vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; anh, chị, em ruột và anh, chị, em vợ hoặc chồng của người đã tham gia biên soạn sách giáo khoa hoặc tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa; người làm việc ở các nhà xuất bản, các tổ chức có sách giáo khoa không được tham gia hội đồng.

Nhiệm vụ của hội đồng là tổ chức thẩm định biên bản các cuộc họp của tổ chuyên môn; các phiếu nhận xét, đánh giá sách giáo khoa của giáo viên; danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn. Từ đó, tổng hợp, đề xuất với người đứng đầu danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn sau khi đã thẩm định đạt yêu cầu theo quy định.

Nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa: Lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục. Mỗi khối lớp lựa chọn một sách giáo khoa cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục (bao gồm các nội dung, chuyên đề học tập lựa chọn nếu có) được thực hiện ở cơ sở giáo dục (sau đây gọi chung là môn học). Việc lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh.

Việt Nam Xã hội

Những chính sách có hiệu lực từ tháng 2/2024