Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair bị tố cáo nhận tiền sai quy trình từ JPMorgan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhân viên cũ của JPMorgan đã tố giác những sai phạm về tuân thủ của ngân hàng này, trong đó có việc thanh toán sai quy trình cho cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Trong quá khứ, ông Blair cũng từng bị cáo buộc nhận tiền từ JPMorgan để làm lợi cho ngân hàng này khi ủng hộ cuộc chiến tại Iraq do Mỹ phát động trong thời gian làm Thủ tướng Anh.

Ông Blair liên quan tới sai phạm về tuân thủ của JPMorgan

Một người tố giác từng làm luật sư về lĩnh vực tuân thủ tại JPMorgan Chase, bà Shaquala Williams, đã chỉ ra rằng cựu Thủ tướng Vương quốc Anh Tony Blair là một trong những bên nhận được "khoản thanh toán khẩn cấp" với quy trình không đúng từ ngân hàng.

Bà Williams đang kiện ngân hàng này vì đã trả thù các hoạt động tố giác được bảo vệ của bà bằng cách chấm dứt công việc bà đang làm sau khi bà nêu ra các quan ngại về các khoản thanh toán cho ông Blair và các vấn đề tuân thủ nghiêm trọng khác. (Vụ án: Shaquala Williams v JPMorgan Chase, Vụ án số 1: 21-cv-09326, được đệ trình vào tháng 11 năm ngoái tại Tòa án Quận Liên bang cho Quận phía Nam của New York)

Tiết lộ mới nêu tên ông Tony Blair có trong bản ghi chép lời khai của bà Williams; biên bản này đã được đệ trình lên tòa án vào tuần trước. Trước đó, ông Blair đã được nhắc tới chỉ như là “một trung gian thứ ba của JPMorgan với rủi ro cao đối với Jamie Dimon…” trong đơn khiếu nại của bà Williams.

Việc bà Williams nêu quan ngại về các khoản thanh toán “khẩn cấp” dành cho ông Blair trước khi bà bị sa thải đã được xác nhận bởi một biên bản lời khai khác được nộp lên tòa án vào ngày 20/05 từ một đồng nghiệp trong lĩnh vực tuân thủ.

Nhân viên tố giác sai phạm trong thanh toán cho bên trung gian thứ ba của JPMorgan

Bà Williams là chuyên gia tuân thủ về tài chính với hơn một thập kỷ kinh nghiệm tại nhiều ngân hàng toàn cầu. Một trong những vai trò của bà Williams tại JPMorgan Chase là đảm bảo rằng ngân hàng tuân thủ thỏa thuận không truy tố mà ngân hàng đã ký với Bộ Tư pháp vào năm 2016. (Ngân hàng đã thừa nhận 5 tội danh hình sự kể từ năm 2014 và cũng đã nhận được thỏa thuận không truy tố đối với những tội danh đó. Tất cả những vi phạm này đều xảy ra khi ông Jamie Dimon là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của ngân hàng. Đây là những vi phạm chưa từng có tại một tổ chức tài chính lớn của Mỹ, sở hữu chuỗi ngân hàng lớn nhất được liên bang bảo hiểm, “Chase”, tại Mỹ với hơn 5.100 chi nhánh trên toàn quốc và 2,6 nghìn tỷ USD tiền gửi)

Vào năm 2016, Bộ Tư pháp đã buộc tội rằng công ty con của JPMorgan ở Châu Á đã tham gia vào các thỏa thuận trao đổi với các quan chức Trung Quốc để phục vụ cho hoạt động kinh doanh ngân hàng đầu tư và đã làm giả các tài liệu nội bộ để che đậy. Các thỏa thuận trao đổi khiến ngân hàng này đưa con của các quan chức cấp cao của chính quyền Trung Quốc vào biên chế nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng ở Trung Quốc.

Để ngân hàng này có thể tránh việc bị truy tố, Bộ Tư pháp đã yêu cầu JPMorgan thiết lập các biện pháp kiểm soát tuân thủ đối với các khoản thanh toán cho bên thứ ba. Bà Williams cáo buộc, trong số nhiều cáo buộc nghiêm trọng khác, cái gọi là kiểm soát thanh toán cho bên thứ ba là một trò giả mạo và khi bà tố cáo vấn đề lên cấp trên của mình tại ngân hàng, ngân hàng đã trả đũa bằng cách sa thải bà vào tháng 10/2019.

Quy định về thanh toán cho bên trung gian thứ ba của JPMorgan

Vụ kiện sử dụng thuật ngữ “TPI” cho các bên trung gian thứ ba và định nghĩa nó như sau:

“Các bên trung gian thứ ba (TPI): Mục đích của chương trình TPI của JPMorgan là để phát hiện, ngăn chặn và cản trở nhân viên JPMorgan và các bên thứ ba không phải là khách hàng, chẳng hạn như đại lý, nhà tư vấn, nhà bán hàng và cung cấp, thực hiện hành vi hối lộ để có được hoặc đảm bảo cho hoạt động kinh doanh hoặc ưu đãi từ chính quyền dưới danh nghĩa của ngân hàng”.

Bà Williams định nghĩa TPI1 như sau trong đơn khiếu nại được bà nộp vào tháng 11 năm ngoái:

“… Một cựu quan chức chính quyền (‘TPI1’) là người bên trung gian thứ ba có mức độ rủi ro cao của JPMorgan đối với Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan. ngân hàng đã xử lý các hóa đơn cho TPI1 thông qua 'phương thức thanh toán khẩn cấp.' Các chính sách của ngân hàng nêu rõ rằng 'phương thức thanh toán khẩn cấp' nên được sử dụng cho các khoản thanh toán khẩn cấp quan trọng đối với hoạt động hàng ngày của ngân hàng, chẳng hạn như hóa đơn tiện ích khẩn cấp 'để ngăn đèn tắt'. Các hóa đơn TPI1 không đáp ứng tiêu chuẩn này, do đó, đây có nguy cơ là các khoản thanh toán hối lộ không được kiểm tra và là sự vi phạm kiểm soát kế toán của ngân hàng, NPA [thỏa thuận không truy tố], mệnh lệnh của SEC (Ủy ban chứng khoán và giao dịch Mỹ), quy tắc của SEC và các quy định của luật liên bang liên quan đến gian lận đi ngược lại lợi ích của cổ đông. Hơn nữa, các khoản thanh toán được thể hiện trong sổ cái chung không tương ứng với sự cho phép chung hoặc cụ thể của ban quản lý đối với các khoản thanh toán hóa đơn, do đó tạo ra các hồ sơ không chính xác và vi phạm NPA, mệnh lệnh của SEC, quy tắc của SEC và các quy định của luật liên bang liên quan đến gian lận đi ngược lại lợi ích của cổ đông”.

Một phần đáng chú ý trong thỏa thuận không truy tố ngày 17/11/2016 của Bộ Tư pháp đối với JPMorgan Chase có nội dung như sau:

“Ngoài ra, trong Thời hạn của Thỏa thuận, nếu Công ty hoặc JPMC [JPMorgan Chase] phát hiện ra bằng chứng hoặc các cáo buộc có cơ sở về các khoản thanh toán để hối lộ hoặc có khả năng để hối lộ, sổ sách, hồ sơ và tài khoản sai, hoặc việc không thực hiện các kiểm soát kế toán nội bộ thích hợp, Công ty hoặc JPMC sẽ nhanh chóng báo cáo các bằng chứng hoặc cáo buộc đó cho các Cơ quan [các Cơ quan được định nghĩa là Phòng Hình sự Bộ Tư pháp và Văn phòng Luật sư Mỹ cho Quận phía Đông của New York]. Không muộn hơn ba mươi (30) ngày sau khi kết thúc Thời hạn của Thỏa thuận này, Công ty, đại diện bởi Giám đốc điều hành của Công ty, sẽ xác nhận với các Cơ quan rằng Công ty đã đáp ứng các nghĩa vụ công bố thông tin theo Thỏa thuận này. Xác nhận này sẽ được coi là một tuyên bố và thông tin cơ sở từ phía Công ty cho chi nhánh hành pháp của Mỹ nhằm phục vụ các mục đích của 18 U.S.C. § 1001”.

Những tiết lộ về ông Blair trong lời khai của người tố giác

Trang 157 trong phần lời khai của bà Williams có những tiết lộ sau đây về Tony Blair: (“Hỏi” là những câu hỏi của luật sư của JPMorgan; “Đáp” là những câu trả lời từ bà Williams.)

Hỏi: Bạn đã từng cáo buộc có sai phạm trong kiểm soát kế toán?

Đáp: Đúng

Hỏi: Về mặt nào?

Đáp: Xét về mặt khía cạnh - thì, ta có thể sử dụng ví dụ về Tony Blair cho điều này. Ông ấy … đã được trả tiền bằng phương thức thanh toán khẩn cấp mà nhóm dịch vụ của các nhà cung cấp toàn cầu, Tim Napier, đã báo cáo với tôi và nó không đáp ứng bất kỳ tiêu chí nào cho phương thức đó, và giám đốc tài chính đã ký tên trên tất cả các hóa đơn của ông ấy. chữ ký tươi, và tại một tổ chức như thế này, thật kỳ lạ khi bà ấy không phê chuẩn một thứ như thế này thông qua hệ thống. Và vào thời điểm đó, giám đốc tài chính là Marianne Lake và có vẻ như - hoặc không, đây thực sự là những gì đã xảy ra, ông Blair - các chi phí của ông Blair với tư cách là một TPI đã được thanh toán thông qua phương thức này như một trường hợp khẩn cấp trong khi đáng lẽ ra đây nên là một thanh toán TPI điển hình và phương thức thanh toán đó có sẵn cho mọi người sử dụng; miễn là họ biết nó ở đâu, họ có thể sử dụng nó với một cú nhấp chuột và trả tiền cho bất cứ ai họ muốn cho bất cứ thứ gì họ muốn…

Các trang 171 và 172 trong phần lời khai của bà Williams chứa những thông tin chi tiết bổ sung sau đây về vai trò của ông Blair tại JPMorgan

Hỏi: Và David Gillis là ai?

Đáp: Một luật sư của JPMorgan và là thư ký của công ty.

Hỏi: Và bạn đã có những tương tác nào trong công việc với ông Gillis?

Đáp: Tôi đã giúp ông ấy hỗ trợ một TPI tới Ấn Độ, tôi tin rằng vào tháng 10, ngay trước khi tôi bị chấm dứt hợp đồng, trong sự kiện của cố vấn quốc tế. Ông Tony Blair và những người khác đã ở Ấn Độ với Thủ tướng Modi để đạt được thỏa thuận về một số nỗ lực cộng đồng ở Ấn Độ giữa JPMorgan và Ấn Độ, và có một TPI cũng phải giúp tương tác với chính quyền địa phương của Ấn Độ cùng với ông Tony Blair và những TPI quốc tế không rõ danh tính tham gia hội cố vấn quốc tế để hiện thực hóa thỏa thuận.

Từ "cố vấn" trong đoạn văn trên dường như là một lỗi sai chính tả. Chúng tôi cho rằng bà Williams đang đề cập đến Hội đồng Quốc tế của JPMorgan, một nhóm bao gồm các cựu quan chức chính quyền và Chủ tịch hoặc Giám đốc điều hành của các công ty. Chủ tịch của nhóm này hiện là Tony Blair. (Đối với quan điểm của nhà xã hội học Shiv Visvanathan về Hội đồng Quốc tế JPMorgan vào năm 2019, hãy đọc ở đây.)

Mối quan hệ đáng ngờ của ông Blair và JPMorgan

Ông Blair từng là Thủ tướng Vương quốc Anh từ năm 1997 đến năm 2007. Ông bắt đầu kiếm được nhiều tiền từ JPMorgan không lâu sau khi giữ chức Thủ tướng. JPMorgan Chase đã đưa ra một thông cáo báo chí vào ngày 10/01/2008, nói rằng ông Blair đang được thuê làm “cố vấn cấp cao” và sẽ tham gia Hội đồng Quốc tế của JPMorgan. Ông Dimon đã nói về điều này trong thông cáo báo chí:

“Chúng tôi rất vinh dự khi Tony Blair đã quyết định tham gia JPMorgan Chase với tư cách là cố vấn cấp cao cho nhóm điều hành và Hội đồng quản trị. Chúng tôi điều hành hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới và Tony Blair sẽ mang đến cho các nhà lãnh đạo và khách hàng của chúng tôi một cái nhìn toàn cầu độc đáo và rất có giá trị, đặc biệt quan trọng trong một thời kỳ hỗn loạn như thế này. Công ty của chúng tôi sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ kiến ​​thức và kinh nghiệm của ông ấy”.

Tờ Guardian đưa tin JPMorgan đã trả cho ông Blair “hơn một triệu USD” cho công việc bán thời gian này.

JPMorgan cho rằng vị cựu Tổng thống sẽ mang tới những lời khuyên chiến lược và sự hiểu biết sâu sắc đối với các vấn đề chính trị toàn cầu và các xu hướng đang nổi lên. Các mối quan hệ của ông Blair, được cho là rất giá trị đối với một doanh nghiệp tư nhân. Dù ông Blair được cho là có hiểu biết hạn chế về kinh tế, nhưng điều đó có vẻ không thành vấn đề đối với JPMorgan. JPMorgan có nhiều người hiểu biết về kinh tế, nhưng ít người có tầm nhìn địa chính trị rộng lớn như ông Blair.

Về phần mình, ông Blair cũng khẳng định sự quan tâm của mình đối với lĩnh vực tư nhân. Ông nói với tờ Financial Times: "Tôi luôn có hứng thú với thương mại và tác động của toàn cầu hóa. Ngày nay, sự giao thoa giữa chính trị và kinh tế ở các khu vực khác nhau của thế giới, bao gồm những thị trường mới nổi, là rất mạnh mẽ". Ông Blair cũng được cho là đã tham gia vào những cuộc nói chuyện được trả tới 500.000 USD ở Trung Quốc.

Trước đó, con trai ông Blair, Euan Blair, đã vào làm việc cho Morgan Stanley, một ngân hàng lớn khác. Morgan Stanley cũng đã thuê Jonathan Powell, cựu Chánh văn phòng của ông Blair.

Thời gian ông Blair làm việc cho JPMorgan diễn ra sau khi ông rời vị trí Thủ tướng vào năm 2007, tuy nhiên đó là thời gian ông Blair giữ chức đặc phái viên tại Trung Đông của Quartet - một nhóm hòa giải bao gồm Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga. Ông Blair bắt đầu chức vụ đặc phái viên gần như ngay sau khi rời chức Thủ tướng, và giữ chức vụ này tới năm 2015. Những tư vấn của ông Blair có thể rất có ích khi JPMorgan mở rộng sang thị trường Trung Đông.

Ông Blair bị tố cáo nhận tiền không đúng quy trình từ JPMorgan
Đặc phái viên Trung Đông và cựu Thủ tướng Vương quốc Anh Tony Blair bắt tay Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khi ông tới dự cuộc họp ngày 24/07/2007 tại Ramallah, Bờ Tây. Ông Blair, người đang có chuyến thăm đầu tiên tới Trung Đông với tư cách đặc phái viên mới của cộng đồng quốc tế, đang gặp gỡ các nhà lãnh đạo Israel và Palestine. (Ảnh: Uriel Sinai / Getty Images)

Đây không phải lần đầu tiên mối liên quan của ông Blair với JPMorgan trở thành vấn đề. Tại phiên điều trần Leveson diễn ra vào hôm thứ 2 (28/05/2012), một đàn ông với danh tính được xác định là David Lawley-Wakelin đã xông vào và hét lên khi ông Blair đang phát biểu: "Thứ lỗi cho tôi. Người đàn ông này cần bị bắt vì phạm tội ác chiến tranh. JPMorgan đã trả tiền cho ông ta cho cuộc chiến tại Iraq; 3 tháng sau khi chúng ta tấn công Iraq, họ đã chiếm ngân hàng Iraq và có được 20 tỷ GBP (bảng Anh). Sau đó ông ta đã được JPMorgan trả 6 triệu USD hàng năm, và việc đó vẫn kéo dài tới 6 tháng sau khi ông ta rời vị trí. Người đàn ông này là một tội phạm chiến tranh". Sau khi rời vị trí vào năm 2007, ông Blair vẫn thường xuyên là mục tiêu của những người phản đối do vai trò ủng hộ quan trọng của ông trong cuộc xâm lược Iraq do Mỹ phát động vào năm 2003.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair bị tố cáo nhận tiền sai quy trình từ JPMorgan