Ông Trump bị truy tố 4 tội danh vì vụ bạo loạn tại Điện Capitol

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba (1/8) đã bị truy tố 4 tội danh liên bang trong cuộc điều tra của Biện lý Đặc biệt Jack Smith, với cáo buộc ông Trump nỗ lực thay đổi kết quả bầu cử 2020 và vai trò của ông trong vụ bạo loạn tại Điện Capitol hôm 6/1/2021.

Bản cáo trạng mới nhất chống lại cựu Tổng thống Donald Trump cáo buộc ông tham gia vào các âm mưu tội phạm liên quan đến nỗ lực thách thức kết quả của cuộc bầu cử năm 2020.

Trong bản cáo trạng, Cố vấn đặc biệt Jack Smith thừa nhận ông Trump có quyền công khai tuyên bố gian lận bầu cử và thách thức kết quả thông qua các biện pháp “hợp pháp”, công tố viên cáo buộc rằng các hành động của cựu tổng thống đã đi vào vùng bất hợp pháp.

Bản cáo trạng gồm 4 tội danh (pdf) cáo buộc ông Trump: âm mưu lừa gạt nước Mỹ, âm mưu cản trở một thủ tục tố tụng chính thức, cản trở một thủ tục tố tụng chính thức và âm mưu tước quyền bầu cử công bằng của cử tri.

Tội danh đầu tiên có mức án tối đa là 5 năm tù; tội danh thứ hai và thứ ba, mỗi tội danh có mức án tối đa là 20 năm tù; trong khi tội danh cuối cùng có mức án tối đa là 10 năm.

Bản cáo trạng viết, “Mục đích của âm mưu này là nhằm lật ngược những kết quả hợp pháp của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 bằng cách cố ý sử dụng các tuyên bố sai sự thật về gian lận bầu cử”.

Bản cáo trạng dài 45 trang cũng nêu tên 6 "đồng phạm" ẩn danh. Mặc dù không được nêu tên, 5 trong số những cá nhân này có thể được xác định dựa trên các mô tả và ngữ cảnh: ông Rudy Giuliani, luật sư cũ của ông Trump, các luật sư John Eastman, Sidney Powell, và Kenneth Cheseboro, và Jeffrey Clark, cựu luật sư dân sự của Bộ Tư pháp (DOJ).

Cáo buộc về 'Tuyên bố sai sự thật có chủ ý'

Ông Smith cáo buộc cựu tổng thống và đồng phạm đã đưa ra một loạt “tuyên bố sai sự thật có chủ ý” về gian lận bầu cử. Bản cáo trạng đề cập đến những tuyên bố cụ thể của ông Trump và các đồng minh về hành vi gian lận cử tri ở các tiểu bang như Georgia, Pennsylvania, Michigan và Arizona.

Để hỗ trợ cho cáo buộc rằng ông Trump biết những tuyên bố đó là sai sự thật, bản cáo trạng liệt kê nhiều trường hợp các quan chức và cố vấn nói với tổng thống khi đó rằng “những tuyên bố của ông ấy là không đúng sự thật”.

Những nhân vật này bao gồm các nhân viên cấp cao trong chiến dịch tranh cử của ông, các nhà lập pháp tiểu bang, Phó Tổng thống Mike Pence, các luật sư cấp cao của Nhà Trắng, các nhà lãnh đạo DOJ, Giám đốc Tình báo Quốc gia John Ratcliffe, và Cơ quan An ninh Cơ sở hạ tầng và An ninh Mạng (CISA).

Trong khi đó, luật sư của cựu Tổng thống, ông John Lauro, đã bác bỏ cáo buộc rằng cựu tổng thống cố ý nói dối về cuộc bầu cử.

Ông Lauro nói trên đài Fox News hôm 1/8: “Tôi muốn họ chứng minh rằng ông Donald Trump tin rằng những cáo buộc này là sai sự thật”.

"Chính xác thì ông ấy đã nhìn thấy gì trong thời gian thực? Ông ấy [Trump] quan sát thấy những sửa đổi trong quá trình bầu cử ở giữa cuộc đua và do nhân viên cấp hành pháp - các quan chức tiểu bang, chứ không phải cơ quan lập pháp tiểu bang - thực hiện”.

Kế hoạch của đội ngũ Trump

Bản cáo trạng cũng nhắm vào kế hoạch được đội ngũ của ông Trump thông qua vào tháng 12/2020 ở 7 tiểu bang có kết quả bầu cử đáng ngờ.

Theo cáo trạng, mục tiêu của kế hoạch này là "tạo ra một cuộc tranh cãi giả mạo tại thủ tục xác nhận và đưa Phó Tổng thống - làm Chủ tịch Thượng viện vào ngày 6/1 - để thay thế các đại cử tri hợp pháp bằng các đại cử tri giả của [ông Trump] và chứng nhận [ ông Trump] làm tổng thống”.

Theo bản cáo trạng, cách tiếp cận này phát triển từ các khái niệm được nêu trong một tài liệu ngày 18/11/2020 do luật sư của ông Trump, ông Kenneth Chesebro, soạn thảo. Ông Kenneth Chesebro được xác định là đồng phạm 5 và có liên quan đến các hoạt động kiểm phiếu lại ở tiểu bang Wisconsin. Tuy nhiên, vào tháng 12/2020, kế hoạch này đã mở rộng phạm vi khi thêm 6 tiểu bang "gây tranh cãi": Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin

Trong một email đề ngày 8/12, một luật sư ở tiểu bang Arizona, người vừa được ông Chesebro mô tả tóm tắt về kế hoạch này, đã mô tả cuộc trò chuyện của ông như sau.

"Ý tưởng cơ bản của [ông Chesebro] là tất cả các tiểu bang (Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin) đều yêu cầu cử tri của mình gửi phiếu bầu của họ (mặc dù phiếu bầu không hợp pháp theo luật liên bang - vì chúng không có chữ ký của Thống đốc); để các thành viên của Quốc hội có thể tranh luận xem liệu những phiếu bầu này có được tính vào ngày 6/1 hay không”.

"(Họ có thể lập luận rằng họ không bị ràng buộc bởi luật liên bang bởi vì họ là Quốc hội và họ là bên đưa ra luật, v.v.)" "Hơi hoang dã/sáng tạo”.

“Câu trả lời của tôi dành cho ông ấy là tôi nghĩ điều đó không gây tổn hại gì, (ít nhất là về mặt pháp lý) - tức là chúng tôi chỉ đơn giản là gửi phiếu đại cử tri “giả” cho ông Pence để “ai đó” trong Quốc hội có thể phản đối khi họ bắt đầu kiểm phiếu và bắt đầu tranh luận rằng "nên tính cả những phiếu bầu giả mạo", ông tiếp tục.

Ông Lauro, luật sư của ông Trump, lập luận rằng kỹ thuật này không trái pháp luật.

"[Ông Trump] đã nhận được lời khuyên của một luật sư, một bản ghi nhớ rất chi tiết từ một chuyên gia hiến pháp, người này nói: Thưa Tổng thống, các tiểu bang này đang phàn nàn về những gì đã xảy ra. Với tư cách là Tổng thống, ông có quyền yêu cầu Phó Tổng thống Pence tạm dừng cuộc bỏ phiếu vào ngày 6/1, yêu cầu các tiểu bang này xác minh và xác nhận lại, sau đó chúng ta sẽ biết ai đã thắng cuộc bầu cử”, ông Lauro nói với đài Fox News.

"Và đó là đề nghị duy nhất của cựu Tổng thống Trump. Điều đó không có gì là bất hợp pháp. Ông ấy có quyền làm như vậy với tư cách là lãnh đạo cơ quan thực thi pháp luật và không có gì cản trở về điều đó”.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence

Bản cáo trạng nêu rõ, bị cáo và đồng phạm đã nhiều lần cố gắng "tranh thủ" ông Pence sử dụng "vai trò mang tính nghi thức" của mình để "làm thay đổi kết quả bầu cử một cách gian lận".

Tuy nhiên, ông Pence đã từ chối.

Trong một cuộc trò chuyện với ông Trump hôm 1/1/2021, ông Pence "đã trả lời rằng ông cho rằng không có cơ sở hiến pháp nào cho thẩm quyền như vậy và điều đó là không phù hợp".

Ông Trump sau đó nói với ông Pence, "Ông quá trung thực".

Sau khi ông Pence hai lần từ chối trả lại phiếu đại cử tri cho các tiểu bang một cách riêng tư, ông Trump tiếp tục tuyên bố công khai rằng phó tổng thống có thẩm quyền làm việc đó và "nuôi hy vọng hão huyền" rằng ông Pence sẽ làm như vậy trong tương lai, theo bản cáo trạng.

Ông Pence, hiện là ứng cử viên cho chức tổng thống, đang bị ông Trump bỏ xa trong các cuộc thăm dò, đã đưa ra tuyên bố đầu tiên của mình vào hôm 1/8, nói rằng bản cáo trạng “sẽ là một lời nhắc nhở quan trọng: Bất kỳ ai đặt mình lên trên Hiến pháp sẽ không bao giờ được làm Tổng thống Hoa Kỳ".

Theo cáo trạng, ông Trump đã "cố gắng lợi dụng bạo lực và hỗn loạn" tại Điện Capitol vào ngày 6/1 bằng cách gọi điện cho các thượng nghị sĩ vào tối hôm đó và cố gắng thuyết phục họ hoãn chứng nhận.

Cố vấn của ông Trump, ông Lauro, tin rằng nỗ lực phản đối kết quả bầu cử ngày 6/1 của cựu tổng thống là không trái pháp luật.

Ông Lauro giải thích: “Điều mà Tổng thống Trump nêu ra khi yêu cầu Phó Tổng thống Pence gửi lại cho các cơ quan lập pháp tiểu bang là trao cho cơ quan lập pháp ở mỗi bang tranh chấp đó một cơ hội cuối cùng để ra quyết định, bởi vì thực tế là các cơ quan lập pháp ở mọi tiểu bang phải chịu trách nhiệm cuối cùng đối với các đại cử tri đủ điều kiện”, ông Lauro lập luận.

“Vì vậy, những gì ông Trump đã làm là hoàn toàn chính xác và theo trình tự hợp hiến. Điều đó không có gì là bất hợp pháp. Và ông được yêu cầu thực hiện các bước với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ để đảm bảo rằng cuộc bầu cử đó được tổ chức một cách hợp lệ".

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ông Trump bị truy tố 4 tội danh vì vụ bạo loạn tại Điện Capitol