Philippines tung đối sách mới chống Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Philippines đang từ bỏ cách tiếp cận thụ động truyền thống. Với một động thái xoay chiều chiến lược đáng chú ý, Manila tìm cách thiết lập một “vòng bạn bè” trong khu vực Đông Nam Á để cùng nhau đối phó Bắc Kinh.

Cùng lúc đó, cả Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng tăng cường nỗ lực kiềm chế những thách thức mà Bắc Kinh đặt ra đối với sự ổn định toàn cầu. Các cơ quan quốc phòng Nhật Bản cho rằng có khả năng dễ xảy ra một “biến cố Philippines” hơn là một “biến cố Đài Loan”.

Việc Trung Quốc thường xuyên triển khai các tàu cảnh sát biển ở Biển Đông - khu vực mà Trung Quốc có nhiều tranh chấp chủ quyền với Philippines - đã làm gia tăng căng thẳng giữa các bên.

Vào tháng 10, một tàu tiếp tế của Philippines đã bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc tấn công ở Bãi Cỏ Mây (Ayungin Shoal). Trước đó, hồi tháng 2, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã sử dụng tia laser “cấp độ quân sự” để đe dọa một tàu Philippines, khiến thủy thủ đoàn bị mù tạm thời. Ban đầu, Philippines phản ứng với vụ việc bằng các phản đối ngoại giao. Tuy nhiên, sự leo thang gần đây ở Biển Đông đã thúc đẩy Philippines áp dụng cách tiếp cận quyết đoán và trực tiếp hơn.

Thay đổi chiến lược: Thành lập liên minh Đông Nam Á chống lại Trung Quốc

Trong lần dừng chân gần đây tại Hawaii sau hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ và các thành viên của cộng đồng người Philippines tại địa phương. Trong cuộc gặp, ông nhấn mạnh vào mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện nay, lấy dẫn chứng rằng nhiều căn cứ quân sự của Trung Quốc nằm cách bờ biển Philippines chỉ 60 hải lý.

Tổng thống Marcos Jr. tuyên bố Philippines sẽ không nhượng bộ trước sự đe dọa của ĐCSTQ. Ông đã công bố một sáng kiến chiến lược nhằm xây dựng một “vòng bạn bè” ở Đông Nam Á, với mục đích chung là chống lại bước tiến của Trung Quốc.

Tổng thống Philippines đang tham gia nhiều cuộc thảo luận với Malaysia và Việt Nam về việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử thay thế trong khu vực, và đang tích cực thúc đẩy sáng kiến này với các quốc gia Đông Nam Á khác.

Trong nhiều năm, các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn luôn tìm cách đàm phán với Trung Quốc về một bộ quy tắc ứng xử để giải quyết căng thẳng ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, những nỗ lực này đã không mang lại kết quả thực chất.

Tổng thống Marcos Jr. mới đây đã đề xuất chuyển hướng chiến lược để không còn phụ thuộc vào Trung Quốc, ủng hộ việc thành lập một mặt trận thống nhất giữa các quốc gia ASEAN, từ đó thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn mới nhằm chống lại các mối đe dọa từ Bắc Kinh.

Hơn nữa, Philippines đang tìm cách hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng, bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc, để đảm bảo ổn định và an ninh khu vực.

ĐCSTQ đã rất nhanh chóng đưa ra phản ứng về việc Philippines tái định hướng chiến lược. Vào ngày 20/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, bác bỏ mọi sự can thiệp của nước ngoài vào vấn đề này.

Philippines tung đối sách mới chống Trung Quốc, Philippines dỡ ‘hàng rào nổi’ do cảnh sát biển Trung Quốc lắp đặt ở bãi cạn Scarborough
Cảnh sát biển Philippines cắt dây neo giữ hàng rào nổi của Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. (Ảnh: Reuters/NTD chụp màn hình)

Tăng cường tập trận quân sự gần Đài Loan

Philippines đang tăng cường ở mức đáng kể sự hiện diện và các hoạt động quân sự của họ, đặc biệt đáng chú ý là một loạt cuộc tập trận quân sự được tiến hành từ ngày 6 đến ngày 17/11 vừa qua.

Những cuộc tập trận này được tổ chức gần mũi phía bắc của đảo Luzon, gần Đài Loan, có sự tham gia của các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không. Chúng bao gồm diễn tập đổ bộ và diễn tập bắn đạn thật chung, được thiết kế để tăng cường năng lực phối hợp chung của các lực lượng Philippines. Vào ngày 15/11, giới truyền thông đã được mời tới đưa tin rộng rãi về các cuộc tập trận.

Tướng Romeo Brawner Jr. - Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines - đã trình bày kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở quy mô lớn hơn. Ông nhấn mạnh vào sự tham gia của “các đối tác và các đồng minh có cùng chí hướng” trong các hoạt động này, báo hiệu về việc mở rộng hợp tác quân sự.

Các cuộc tập trận này đánh dấu sự thay đổi to lớn so với các hoạt động trước đây; cụ thể, Philippines đã lĩnh vị thế dẫn đầu thay vì đóng vai trò thứ yếu sau Hoa Kỳ. Vị trí diễn ra các cuộc tập trận - gần Đài Loan và bên kia Kênh Bashi - có tầm quan trọng chiến lược trong việc chống lại bất kỳ cuộc xâm lược tiềm tàng nào của Trung Quốc vào Đài Loan. Kênh Bashi là tuyến đường thủy nằm giữa đảo Y'Ami của Philippines và đảo Hoa Lan (Orchid Island) của Đài Loan.

Ông Chi Le-Yi - nhà bình luận quân sự người Đài Loan - đã phân tích về tầm quan trọng của eo biển Bashi và eo biển Miyako; chúng là những tuyến đường mà Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ sử dụng để xâm nhập chuỗi đảo thứ nhất. Theo ông, Nhật Bản đang làm tốt trong việc bảo vệ eo biển Miyako, khiến Kênh Bashi trở thành mắt xích yếu hơn mà Trung Quốc dường như đang nhắm tới để đạt được bước đột phá.

Việc tăng cường quan hệ và năng lực quân sự ở Philippines là rất quan trọng trong bối cảnh này. Hồi tháng 4, Philippines đã cấp cho Hoa Kỳ quyền tiếp cận 4 căn cứ quân sự mới, trong đó có 3 căn cứ gần Đài Loan. Hơn nữa, các cuộc thảo luận vào tháng 8 về việc phát triển một cảng dân sự mới ở quần đảo Bataan, chỉ cách Đài Loan 200 km, đã cho thấy tầm quan trọng chiến lược của vị trí này. Các chuyên gia Philippines chỉ ra rằng trong một “biến cố Đài Loan” rất có thể xảy ra, cảng mới sẽ đóng vai trò thiết yếu phục vụ hậu cần, sơ tán và quốc phòng.

Nỗ lực của Mỹ và Nhật Bản

Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, nổi bật với cuộc chiến Nga - Ukraine và xung đột Israel - Hamas, sự hung hăng ngày càng không kiềm chế của Trung Quốc ở Biển Đông đã trở nên rõ ràng hơn. Diễn biến này làm dấy lên mối lo ngại trong cộng động quốc tế, đặc biệt là khi ĐCSTQ có thể coi Biển Đông như một cơ hội chiến lược để thay đổi hiện trạng khu vực. Trong kịch bản đầy biến động này, chiến lược của Mỹ ở Biển Đông đã thu hút nhiều chú ý.

Trong lịch sử, Trung Quốc thường tận dụng tối đa những thời điểm khi Hoa Kỳ giảm sự hiện diện quân sự ở Biển Đông hoặc khi khoảng trống quyền lực xuất hiện trong khu vực. Ví dụ, khi Mỹ rút quân sau Chiến tranh Việt Nam vào cuối những năm 1970, Trung Quốc đã chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands). Tương tự, vào giữa những năm 1980, Trung Quốc giành quyền kiểm soát quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) khi Liên Xô rút bớt quân ở Việt Nam. Và sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Philippines vào năm 1992, Trung Quốc đã thiết lập sự hiện diện ở Đá Vành Khăn (Mischief Reef).

Tuy nhiên, Washington hiện vẫn duy trì lập trường mạnh mẽ và quyết đoán trong việc hợp tác với các đồng minh để đối phó với các hoạt động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhật Bản, một đồng minh chủ chốt của Mỹ, cũng đang tích cực tham gia nỗ lực này.

Trong bối cảnh căng thẳng Trung Quốc - Philippines leo thang, hãng tin Sankei Shimbun của Nhật Bản cho hay, các quan chức quốc phòng nước này tin rằng “biến cố Philippines” hiện có nhiều khả năng xảy ra hơn là “biến cố Đài Loan”, với khả năng cao là Mỹ và Nhật Bản sẽ góp mặt.

Để thể hiện sự ủng hộ và đoàn kết với Manila, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đến thăm Philippines vào ngày 3/11, cung cấp nhiều tàu tuần tra và radar giám sát. Bài phát biểu dài 30 phút của ông tại quốc hội Philippines, trong đó ủng hộ trật tự hàng hải và pháp quyền, đã nhận được sự tán thành mạnh mẽ với 23 tràng pháo tay.

Philippines tung đối sách mới chống Trung Quốc
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida có bài phát biểu trước sự chứng kiến của Chủ tịch Thượng viện Juan Miguel Zubiri (trái) và Chủ tịch Hạ viện Martin Romualdez của Philippines, ở thành phố Quezon, Metro Manila, Philippines, ngày 4/11/2023. (Ảnh: Aaron Favila-Pool/Getty Images)

Vào tháng 4, Nhật Bản đã thành lập khuôn khổ Hỗ trợ An ninh Chính thức (OSA) - một chương trình viện trợ mới chuyên cung cấp viện trợ quân sự cho các đồng minh và quốc gia đối tác, bao gồm việc phân bổ nguồn lực và phát triển cơ sở hạ tầng. Sáng kiến này thể hiện sự thay đổi to lớn so với Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) truyền thống của Nhật Bản - vốn chủ yếu tập trung vào hỗ trợ tài chính trong các lĩnh vực như kinh tế, giáo dục và chăm sóc sức khỏe, trong đó các nước Đông Nam Á và Trung Quốc được hưởng lợi chính. Đáng chú ý, nhiều dự án cơ sở hạ tầng trước đây của Trung Quốc, như những nhà máy thép và sân bay, được tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật thông qua ODA của Nhật Bản.

Không giống như ODA, OSA đặc biệt nhắm tới viện trợ quân sự cho các quốc gia thân thiện. Tận dụng kinh nghiệm vận hành ODA trong hàng thập kỷ, OSA của Nhật Bản đang cung cấp một cách hiệu quả tàu, radar và nhiều thiết bị khác cho các nước như Philippines, Việt Nam, Indonesia và Mông Cổ trong thời gian ngắn, với mục đích đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Nỗ lực hợp tác của Hoa Kỳ, Nhật Bản và các đồng minh trong việc ngăn chặn các hành động khiêu khích quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông hiện là trọng tâm quan trọng. Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Nhật Bản mới đây đã gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh APEC. Theo lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Kishida dự kiến sẽ đến thăm Hoa Kỳ vào mùa xuân tới. Chuyến thăm này được kỳ vọng sẽ củng cố hơn nữa liên minh Nhật - Mỹ và giải quyết tình trạng bất ổn quốc tế do chính sách bành trướng của Trung Quốc gây ra.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Philippines tung đối sách mới chống Trung Quốc