Philippines dỡ ‘hàng rào nổi’ do cảnh sát biển Trung Quốc lắp đặt ở bãi cạn Scarborough

Giúp NTDVN sửa lỗi

Philippines cho biết họ đã thực hiện một "chiến dịch đặc biệt", dỡ bỏ thành công hàng rào nổi do Cảnh sát biển Trung Quốc lắp đặt tại bãi cạn Scarborough (còn được gọi là Bajo de Masinloca) ở Biển Đông. Trong cuộc họp báo một ngày sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản hồi về vụ việc.

Thứ 2 (25/9), Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines tuyên bố họ đã thực hiện một "hành động quyết đoán", đó là dỡ bỏ hàng rào nổi dài 300 mét ở bãi cạn Scarborough theo lệnh của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.

Thứ 3 (26/9), phản ứng về động thái của Manila, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định rằng Bắc Kinh “kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền và tài phán ở đảo Hoàng Nham". Đảo Hoàng Nham là cách Bắc Kinh gọi bãi cạn Scarborough.

"Chúng tôi khuyên Philippines không nên khiêu khích hay gây rắc rối", ông Uông nói.

Đáp lại, Manila tuyên bố rằng họ có quyền tháo gỡ bất kỳ rào chắn nổi nào tại bãi cạn Scarborough.

Ông Eduardo Ano - cố vấn an ninh quốc gia Philippines - nói "Philippines có quyền dỡ bỏ bất kỳ rào chắn nổi nào ở Bajo de Masinloc vì nó vi phạm các quyền hàng hải của chúng tôi".

Ông Commodore Jay Tarriela - người phát ngôn Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines - cho biết hàng rào này vi phạm luật pháp quốc tế, gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải, có tác động tiêu cực đến sinh kế của ngư dân Philippines tại bãi cạn.

“Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 đã khẳng định BDM [Bajo de Masinloc] là ngư trường truyền thống của ngư dân Philippines”, ông Tarriela viết trên mạng xã hội X (tên mới của Twitter).

“Vì vậy, bất kỳ vật cản nào mà cản trở sinh kế của ngư dân Philippines ở bãi cạn này đều là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Nó cũng vi phạm chủ quyền của Philippines đối với BDM”.

Đoạn video được ông Tarriela chia sẻ cho thấy một thợ lặn đã dùng dao để cắt hàng rào. Trong một video khác, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines đang kéo neo của rào chắn nổi này lên một chiếc thuyền.

Trước đó, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines đã lên án việc Cảnh sát biển và dân quân biển Trung Quốc lắp đặt hàng rào. Ông Eduardo Ano tuyên bố vào thời điểm đó rằng Manila sẽ thực hiện “mọi hành động thích hợp” để dỡ bỏ hàng rào nổi.

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và Cục Thủy sản Philippines đã phát hiện ra hàng rào nổi trong một cuộc tuần tra hàng hải định kỳ vào ngày 22/9. Ông Tarriela cho biết họ phát hiện 3 thuyền bơm hơi của Cảnh sát biển Trung Quốc và 1 tàu dân quân đang lắp đặt hàng rào tại bãi cạn Scarborough.

Ngư dân Philippines nói với Lực lượng Bảo vệ Bờ biển nước này rằng các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc thường lắp đặt các rào chắn nổi khi họ muốn xua đuổi một số lượng lớn ngư dân trong khu vực.

Ông Tarriela cho hay, vào thời điểm đó có hơn 50 tàu cá Philippines đang hoạt động gần bãi cạn.

Các tàu Trung Quốc đã 15 lần phát đi những lời thách thức để xua đuổi tàu của cục Thủy sản và của ngư dân Philippines. Tàu Trung Quốc chỉ rời đi “khi nhận thấy sự hiện diện của nhân viên truyền thông” trên các tàu của cục Thủy sản Philippines.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân sau đó đã lên tiếng gọi hành động của Cảnh sát biển Trung Quốc là chuyên nghiệp và kiềm chế. Ông nói: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hòn đảo và vùng biển lân cận, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan”.

Các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh đã vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc là thành viên.

UNCLOS chỉ định các vùng biển trong phạm vi 200 hải lý tính từ biên giới các quốc gia ven biển là một phần của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ; bãi cạn Scarborough nằm cách tỉnh Zambales của Philippines 124 hải lý.

Xuân Hoa tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Philippines dỡ ‘hàng rào nổi’ do cảnh sát biển Trung Quốc lắp đặt ở bãi cạn Scarborough