Sợ điềm báo 'trừ Tập', Trung Quốc cấm người dân nghỉ đón giao thừa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cách đây vài ngày, Tổng Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố ngày nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024, trong đó có kế hoạch “không nghỉ đêm Giao thừa ngày 9/2”, làm dấy lên sự bất mãn và chỉ trích mạnh mẽ từ người dân nước này. Một số cư dân mạng nhận thấy rằng sự sắp xếp này có thể có mục đích chính trị, và nghi ngờ rằng đêm “Giao thừa” đã vi phạm điều cấm kỵ của ông Tập nên đã bị hủy bỏ.

Đêm Giao thừa, đêm 30 tết, ở bên Trung Quốc còn được gọi là Trừ Tịch, 2 chữ “Trừ tịch” này vừa khéo lại đồng âm với “Trừ Tập”, mang ý trừ khử ông Tập. Nhà bình luận Nhạc Sơn cho rằng, đêm Trừ Tịch vì đã phạm vào kỵ húy “Trừ khử Tập” mà bị chính quyền hủy bỏ phong tục truyền thống nghỉ đêm giao thừa, dù có chút bất ngờ, nhưng cũng không phải là không có khả năng. Sự kiện này khiến tác giả nhớ đến lần tái bản gần đây của cuốn sách "Sùng Trinh: Vị vua chuyên cần chính sự nhưng vẫn mất nước" của tác giả Trần Ngô Đồng, một chuyên gia về lịch sử nhà Minh ở Trung Quốc.

Ngoại giới nghi ngờ rằng chính quyền ông Tập đã thông báo thu hồi cuốn sách vì cuốn sách nói bóng gió những nét tương đồng giữa hoàng đế Sùng Trinh và ông Tập Cận Bình, đồng thời tiết lộ rằng ông Tập rất tin vào những lời tiên tri, thành ra rất sợ bị ám sát.

Vào tháng 6/2002, một “Tàng Tự Thạch” (tảng đá mang chữ) có niên đại 270 triệu năm tuổi đã được phát hiện tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, trên tảng cự thạch đã để lộ ra 6 chữ “Trung Quốc Cộng Sản Đảng Vong”, khả năng ông Tập Cận Bình cũng biết điều đó. Vậy nên, việc ông Tập không cho người dân nghỉ đêm Giao Thừa, tức đêm Trừ Tịch, cũng là điều dễ hiểu.

Vào ngày 26/10, một bức ảnh chụp màn hình của WeChat được lan truyền ra nước ngoài với nội dung: "Được biết, Viên Thế Khải ngày trước đã hủy bỏ Tết Nguyên Tiêu vì từ ‘Nguyên Tiêu’ (元宵) đồng âm với từ ‘Viên Tiêu’, nên bây giờ lý do chính quyền không cho người dân nghỉ đón đêm giao thừa cũng vì lý do từ đồng âm đó...". Một số cư dân mạng phát hiện ra rằng bức ảnh này không thể chia sẻ và đăng tải lên WeChat, nhưng có thể gửi trong các cuộc trò chuyện riêng tư.

Tương truyền rằng, sau khi Viên Thế Khải chiếm đoạt thành quả của Cách mạng Tân Hợi năm 1911, ông ta muốn khôi phục ngai vàng và lên ngôi hoàng đế, nhưng lại sợ người dân phản đối, lúc nào cũng phập phồng lo sợ.

Một ngày nọ, ông nghe thấy một người bán bánh Nguyên Tiêu, một món bánh trôi Tàu, trên đường phố cao giọng hô lớn: "Bánh nguyên tiêu đây!". Viên Thế Khải nghe thấy bất giác rùng mình, cảm thấy 2 chữ “Nguyên Tiêu’ đồng âm với ‘Viên Tiêu’, tức là họ Viên bị tiêu diệt, ông ta liền liên tưởng đến vận mệnh bi thảm của mình, thế là trước Tết Nguyên tiêu năm 1913, chính quyền Viên Thế Khải đã ra lệnh cấm gọi đêm hội là ‘Nguyên Tiêu’, mà chỉ có thể được gọi là ‘Thang Viên’ hoặc ‘Phấn Quả’, đây cũng là một tên gọi khác của món bánh trôi Tàu này. Tuy vậy, hai chữ “Nguyên Tiêu” cũng không biến mất theo ý muốn của ông ta, bởi người dân không hùa theo ông ta, và 2 chữ “Nguyên tiêu” này vẫn được lưu truyền trong dân gian.

Ngày 26/10, tác giả bức ảnh nói trên tìm kiếm từ khóa “trừ khử Tập” trên Weibo nhưng không tìm thấy kết quả nào. Về việc không nghỉ đêm giao thừa, trên nền tảng X, tên mới của Twitter, ở nước ngoài đã có không ít liên tưởng và bàn luận sôi nổi, và dưới đây là một vài bình luận thú vị:

"Tôi cảm thấy thực sự ông Tập sợ bị đồng âm, nên đã hủy kỳ nghỉ. Sợ ‘Trừ Tịch’ biến thành ‘trừ khử Tập’.

“Ngoại trừ việc không nghỉ đêm giao thừa, thật sự cũng không còn cách nào khác! Ông Tập không thể đổi họ, nếu không cha ông ta ở nơi chín suối sẽ không vui. Thế còn 2 chữ ‘Trừ tịch’ thì làm thế nào, dù sao nó đã được dùng hàng nghìn năm rồi, sao có thể nói đổi là đổi được? Nếu vậy thì phải làm sao mới ổn đây? Chỉ còn một cách là cấm người dân chào đón đêm ‘Trừ Tập’ thôi”.

"Có vẻ như ai đó đã thừa nhận điều này, người dân bàn luận cuốn sách nói về hoàng đế Sùng Trinh, kết quả cuốn sách đã bị loại khỏi giá sách. Người ta thảo luận về Viên Thế Khải, thì lại cấm người dân đón “Giao Thừa”, vậy là giờ có thêm hai điều kỵ húy là Sùng Trinh và Giao Thừa…Có điều Sùng Trinh vẫn cao thượng hơn ai đó nhiều, Sùng Trinh vẫn muốn vớt vát sĩ diện, đã mấy lần hạ chiếu trách tội mình, cuối cùng vì muốn giữ lại thể diện nên đã treo cổ chết ở Môi Sơn. Còn ai đó chỉ biết nói tự mình chỉ đạo, sau đó khẳng định chính sách xóa sổ dịch bệnh của mình là thành tích. Thảm họa lũ lụt Trác Châu của mình cũng là thành tích”.

Chính quyền Trung Quốc rất xem trọng những điều cấm kỵ của ông Tập Cận Bình, sự xem trọng đó thậm chí vượt quá sức tưởng tượng của mọi người. Theo cơ sở dữ liệu bị rò rỉ trước đó, hiện đã có ít nhất 2.000 từ nhạy cảm liên quan trực tiếp đến bản thân ông Tập Cận Bình.

Vào tháng 8 năm ngoái, đài truyền hình trung ương của Trung Quốc CCTV đã yêu cầu công chúng đặt tên cho chú gấu trúc con do gấu trúc mẹ Thúy Thúy sinh ra, và cư dân mạng đã đăng từ Kỳ Thúy trong phần bình luận. Truyền thông nhà nước đã khẩn trương xóa bình luận và thậm chí đóng phần bình luận. Điều này là do kết cấu của chữ “Thúy” (翠) có thể được chia thành 3 ký tự đơn giản là “Tập +Tập+Tuất (习+习+卒). Tuất chính là hoàn tất, kết thúc. Ba ký tự trên ám chỉ ông Tập sẽ bị hạ đài, chấm dứt nhiệm kỳ.

"Châm biếm Tập" đã trở thành một trào lưu chính trị phổ biến trên mạng. Các tác phẩm bêu xấu, châm biếm và chế giễu ông Tập Cận Bình bên ngoài bức tường lửa có thể nói là nhiều vô số kể.

Các hành động làm trong sạch và chấn chỉnh những vấn đề cấm kỵ của ông Tập không nhất thiết phải do chính ông Tập đích thân ra lệnh, mà được thực hiện bởi Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Thái Kỳ; Bí thư Ban Chính trị và Pháp luật Trung ương Trần Văn Thanh; Bộ trưởng bộ công an Vương Tiểu Hồng; Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Trần Nhất Tân và những người khác, sau khi họ đoán biết được ý của cấp trên.

Có thông tin nói rằng, bên trong Trung Quốc, ban lãnh đạo có đội mạng đặc biệt chịu trách nhiệm duy trì hình ảnh của ông Tập Cận Bình; còn ở nước ngoài thì có đội đặc nhiệm chuyên truy bắt những người chống đối, xúc phạm ông Tập, thậm chí có khi họ còn chủ động ra tay, thu thập bằng chứng thông qua kỹ thuật "câu cá".

Người ta nói rằng theo tiêu chuẩn của họ, hành vi chống Tập thậm chí còn nghiêm trọng hơn các vấn đề phản đối Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), điều này có thể liên quan đến vấn đề xung đột nội bộ, một số phe phái chống Tập cũng thường hoạt động thông qua việc vận hành các trang web ở nước ngoài.

Khi ông Tập Cận Bình bước vào nhiệm kỳ thứ ba, quyền lực của ông được cho là đã được củng cố chưa từng có, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều làn sóng khủng hoảng chính trị. Gần đây, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Lý Ngọc Siêu và nhiều quan chức cấp cao liên tục xảy ra chuyện, trong đó Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tần Cương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lý Thượng Phúc đã bị cách chức. Nhìn bề ngoài, những người này đều có thể dính líu đến tham nhũng, ngoại tình hoặc làm rò rỉ bí mật quốc gia, nhưng trên thực tế, họ bị phát hiện là không trung thành với ông Tập dù được chính ông Tập đề bạt.

Việc xảy ra những mâu thuẫn nội bộ này sẽ khiến ông Tập càng nghi ngờ cấp dưới hơn. Từ đó, các quan chức cũng cho rằng chơi với vua chẳng khác nào trèo lên lưng hổ, bề ngoài thì nịnh nọt, nhưng sau lưng lại thì vì oán mà sinh hận, ấp ủ ý định xấu xa.

Ngoại giới thấy rằng, những gì ông Tập nói và làm bây giờ, thường mâu thuẫn lẫn nhau, hoặc không hợp tình hợp lý. Nói dễ nghe một chút thì có nghĩa là phá vỡ các quy tắc, không có khuôn khổ; nói khó nghe thì có chút quái dị.

Sở dĩ ông Tập Cận Bình và thân tín của ông đặc biệt coi trọng những chi tiết “lăng nhục Tập” như vậy, kể ra cũng có nguyên do.

Vào ngày 30 tháng 8 năm 2011, WikiLeaks đã công bố một bức điện mật được gửi từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh tới Washington DC, hôm 16 tháng 11 năm 2009. Giáo sư cung cấp tài liệu này là người bạn thân ngày xưa của ông Tập, thời ông Tập nhậm chức ở Hạ Môn từng gặp gỡ vị giáo sư này. Giáo sư tiết lộ rằng ông Tập “đã thể hiện sự hứng thú sâu sắc đến võ thuật Phật gia, khí công và các sức mạnh thần bí khác được cho là có lợi cho sức khỏe, cũng như các thánh địa Phật giáo”. Vị giáo sư này cho biết, bản thân ông không biết liệu ông Tập Cận Bình có thực sự tin vào tôn giáo hay không, nhưng ông đã “vô cùng kinh ngạc khi thấy ông Tập Cận Bình biết rất nhiều về lĩnh vực này, và dường như ông ta rất tin vào sức mạnh siêu nhiên”.

Một ví dụ rõ ràng về niềm tin vào sức mạnh siêu nhiên của ông Tập Cận Bình là việc ông bảo vệ một cách bất thường dãy núi “long mạch” Tần Lĩnh. Ông Tập Cận Bình, sinh ra ở tỉnh Thiểm Tây, có niềm yêu thích đặc biệt với dãy núi Tần Lĩnh và coi đây là nền tảng cho sự trỗi dậy của gia tộc ông cũng như sự vươn lên nắm quyền lực của ông.

Vào tháng 4 năm 2020, ông Tập Cận Bình đã đặc biệt đến khảo sát khe núi Nguyệt Lượng trong Khu bảo tồn Ngưu Bội Lương của dãy núi Tần Lĩnh, nơi đây ông đã nói Tần Lĩnh là “tổ mạch của Trung Hoa”, ám chỉ đây là long mạch của chính quyền ông Tập.

Khoảng hơn chục năm trở lại đây, xuất hiện một lượng lớn biệt thự xây dựng trái phép ở vùng núi Tần Lĩnh, tỉnh Thiểm Tây. Chủ nhân các hộ gia đình đó không phải là quan chức nhưng là những người giàu có, điều này trái ngược với chủ trương bảo tồn “long mạch” của ông Tập, kết quả đã mang đến một cuộc thanh trừng lớn trong chốn quan trường, toàn bộ biệt thự này cũng bị phá bỏ một cách không thương tiếc.

Có thể nói, xung quanh ông Tập Cận Bình chắc chắn phải có những người am hiểu Dịch Học, họ đã nghiên cứu các loại dự ngôn dân gian khác nhau có liên quan đến khí số của chính quyền và an nguy của ông Tập, đồng thời cũng đưa ra lời khuyên cho ông Tập làm sao để tránh được mối họa.

Sách tiên tri dân gian Trung Quốc “Thiết Bản Đồ” có đề cập rằng, trong bức tranh, một con chim có bộ lông trắng đâm đầu vào vách núi và chết ngay tại chỗ. Có người giải thích rằng chữ “白 bạch” (trắng) và “羽 vũ” (lông) kết hợp với nhau tạo thành chữ “習 Tập” trong Hán tự phồn thể. Đây có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên chăng? Đây chính là mối quan ngại của ông Tập. Tuy nhiên, điều họ quan tâm hơn cả chính là cuốn sách tiên tri nổi tiếng của Trung Quốc “Thôi Bối Đồ”.

“Thôi Bối Đồ” là cuốn sách sấm do ông Lý Thuần Phong và Viên Thiên Cang đồng biên soạn vào đầu những năm Trinh Quán triều Đường (năm 627-649), bao gồm 60 bức họa (đồ tượng), bản gốc phân thành Quyển 1 (đến Tượng 40) và Quyển 2 (sau Tượng 40). Mỗi bức họa ở dưới đều kèm theo “sấm viết” và “tụng viết” bằng thơ, tiên tri những sự kiện trọng đại phát sinh qua các triều đại Trung Quốc từ triều Đường về sau. Khi đối chiếu những sự việc được tiên đoán trong “Thôi Bối Đồ” với các sự kiện đã xảy ra, thì người ta phát hiện thấy sự chuẩn xác đến đáng kinh ngạc!

"Thôi Bối Đồ” dự đoán sự thăng trầm của vận mệnh dân tộc Trung Quốc sau thời nhà Đường, đến quẻ tượng thứ 40, có lẽ đã bước vào thời kỳ sau khi thành lập ĐCSTQ. Quẻ tượng 46 viết:

"U ám ảm đạm, giết người không dùng dao
Vạn người không chết, một người khó thoát.

Có một người lính thân đeo cung, chỉ nói ta là ông đầu trắng
Bên trong cửa Đông giấu kiếm vàng, cửa sau dũng sĩ vào cung vua”.

Kim Thánh Thán, người sống vào cuối thời nhà Minh và đầu thời nhà Thanh, từng chú thích "Thôi Bối Đồ" và nói: "Quả tượng 46 này hẳn là chỉ nhà vua đang ngủ say, và một dũng sĩ ủng hộ chính nghĩa đã khởi binh để cứu giúp muôn dân, vậy nên mới nói rằng “vạn người không chết thì một người khó thoát”. Đa số các nhà giải thích hiện nay cho rằng, điều này ám chỉ một cuộc binh biến chống lại nhà lãnh đạo độc tài. Dù là binh biến, đảo chính hay cuộc nổi dậy của quần chúng, đến khi triều đại đỏ khí số đã tận, dường như đều chỉ hướng về “trừ khử Tập”.

Trong lịch sử Trung Quốc, mọi người phải tránh những điều cấm kỵ của hoàng đế, như vậy hoàng đế cũng mượn cớ này để tránh một vài nhân tố nguy hiểm tiềm ẩn. Tất nhiên, Tổng bí thư ĐCSTQ không thể so sánh với các hoàng đế Trung Quốc thời xưa được. Hoàng đế thời xưa đều tin vào Thiên lý, coi trời như cha, coi đất như mẹ, kính trời kính đất. Hành động của họ bị ước chế bởi Thiên lý. Hiện nay lãnh đạo Trung Nam Hải cũng muốn lợi dụng văn hóa truyền thống, nhưng nhất quyết lấy chủ nghĩa Mác theo thuyết vô thần làm linh hồn, đây thật là một sự báng bổ đối với Thiên địa Thần linh, vạn kiếp bất phục.

Người dân Trung Quốc có bản năng kính úy thần linh, nhưng ông Tập Cận Bình cũng đã bị chủ nghĩa vô Thần tẩy não, điều này có thể đã làm biến dị “niềm tin” vào sức mạnh siêu nhiên của ông, khiến ông không thể thực sự có khả năng giải quyết được vấn đề của mình. Nếu ông Tập không thoát khỏi sự kiểm soát của ĐCSTQ, thì kết cục của nó cũng là vận mệnh của ông, việc ông sẽ bị tận diệt cùng đảng này trong tương lai là điều không thể tránh khỏi.

Theo Epochtimes
Viên Minh (biên dịch)

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Sợ điềm báo 'trừ Tập', Trung Quốc cấm người dân nghỉ đón giao thừa