Cúm mùa, và những điều bạn cần biết từ A-Z

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mùa cúm thường diễn ra từ tháng 10 đến tháng 5 hàng năm. Cúm thông thường là bệnh lành tính và thường tự khỏi sau 5-7 ngày, tuy nhiên cũng có những biến chứng từ nặng đến nguy kịch đối với trường hợp sức khoẻ yếu kém. Cúm không có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng người bệnh có thể điều trị triệu chứng của bệnh bằng một số loại thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Con đường lây nhiễm

Một người bị nhiễm cúm khi hắt hơi, ho sẽ “phóng thích” ra hàng nghìn giọt bắn mang theo virus. Đối với “nạn nhân” kém may mắn, việc hít phải chúng qua đường mũi có thể đồng nghĩa với việc bắt đầu quá trình lây nhiễm bệnh.

Virus cúm có thể xâm nhập vào các tế bào qua đường hô hấp của bạn. Trong khi đó, cảm lạnh cũng tấn công từ mũi và cổ họng. Sau khi xâm nhập, virus cúm sẽ di chuyển đến phổi của bạn. Bên ngoài của mỗi virus được bao phủ các chìa khóa. Nếu những chìa khóa này vừa với ổ khóa bên ngoài tế bào của bạn, thì nó được phép xâm nhập vào tế bào. Khi đã ở trong tế bào, virus bắt đầu nhân lên, từ một nhân lên thành hàng triệu.

Người bị cúm có thể lây nhiễm cho người khác ngay trong thời gian ủ bệnh từ 1 ngày trước khi có triệu chứng cho đến 5 - 7 ngày sau khi phát bệnh. Riêng với trẻ nhỏ hoặc người có sức khỏe kém, thời gian lây nhiễm có thể kéo dài hơn cho tới khoảng 2 tuần.

Triệu chứng cúm và phản ứng của cơ thể

Cúm có khả năng gây ra các triệu chứng từ nhẹ tới nặng. Nhiều người hay nhầm lẫn giữa cúm với cảm lạnh bởi các biểu hiện ban đầu như sổ mũi, hắt hơi và đau họng. Tuy nhiên cảm lạnh thường diễn biến chậm trong khi cúm lại phát triển nhanh, đột ngột.

Triệu chứng thường gặp đầu tiên là sốt cao từ 39 đến 41 độ C. Trẻ em nếu bị cúm thường sẽ sốt cao hơn so với người lớn. Người bị cúm cũng có thể gặp thêm một hoặc nhiều các dấu hiệu sau:

  • Cảm thấy ớn lạnh, đổ mồ hôi
  • Ho khan
  • Viêm họng
  • Nghẹt mũi, chảy nước mũi
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi, khó thở
  • Nôn mửa, tiêu chảy (thường gặp ở trẻ em hơn người lớn)

Khi virus cúm xâm nhập trong cơ thể và nhân lên, hệ thống miễn dịch của bạn bắt đầu chiến đấu, tạo ra hàng triệu tế bào T để tiêu diệt virus. Nếu cơ thể đủ khoẻ, lượng virus sẽ bị tiêu huỷ và giảm xuống. Nhưng trong một số trường hợp, virus bắt đầu bùng phát tại các đường nối và gửi đi khắp nơi. Tại thời điểm này, bạn đang ở trạng thái dễ lây lan bệnh cho người khác.

Bạn có thể bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu bệnh trong khoảng 1-7 ngày thông thường là 48-72h sau khi tiếp xúc với vi rút cúm.

Khoảng ngày thứ 4, cơ thể bắt đầu đối phó với các triệu chứng thường thấy như sốt, ớn lạnh, nhức đầu,v.v. Không phải virus cúm khiến bạn cảm thấy mệt mỏi mà chính là phản ứng của cơ thể bạn với nó - chứng viêm. Tất cả năng lượng của cơ thể bạn cũng đang được hệ thống miễn dịch sử dụng để chống lại bệnh cúm.

Cách phân biệt giữa bệnh cúm, cảm lạnh thông thường và COVID-19
Các triệu chứng của bệnh cúm, cảm lạnh và Covid-19 thường dễ bị nhầm lẫn. Do đó biết cách nhận biết và phân biệt là rất quan trọng, vì nó sẽ quyết định mức độ nghiêm trọng của bệnh và phương hướng điều trị. (Public Domain Pictures)

Hầu hết các triệu chứng của bệnh cúm sẽ dần biến mất sau khoảng 4-7 ngày khi cơ thể bắt đầu kiểm soát được bệnh cúm. Tình trạng viêm giảm dần.

Nếu các triệu chứng cúm dần trở nên nặng hơn hoặc dai dẳng, không có dấu hiệu giảm bớt sau 1 tuần – sốt kéo dài hơn 3 ngày – thì bạn cần đến gặp bác sĩ. Nguy hiểm hơn là khi người bệnh cảm thấy khó thở, tức ngực, mất ý thức, co giật, có dấu hiệu mất nước (như tiểu ít, không tiểu) – lúc này cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay lập tức. Đây là những dấu hiệu cảnh báo cho thấy cúm có thể đang chuyển biến thành bệnh lý nghiêm trọng hơn như viêm phổi.

Dinh dưỡng cho người bệnh cúm

Người bệnh nên xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh và phù hợp với thể trạng. Khi bị cúm nên lưu ý:

  • Cung cấp đủ nước cho cơ thể: Uống đủ 2lit nước/ngày và ăn nhiều trái cây, rau xanh, sử dụng thêm các loại nước có bổ sung chất điện giải để cung cấp thêm natri và kali.
  • Ăn thực phẩm dễ nuốt: Khi cơ thể bị cúm, người bệnh thường không có cảm giác thèm ăn, lúc này cháo, súp hay các thực phẩm loãng sẽ giúp người bệnh dễ ăn mà vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng.
  • Ăn thực phẩm nhiều kẽm: Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm như tôm, hàu, thịt bò, sò, ngũ cốc, yến mạch,… giúp người bệnh cúm chóng phục hồi sức và cải thiện hệ miễn dịch.
  • Các loại rau củ quả: Bệnh nhân cúm cần được bổ sung nhiều loại rau của trong bữa ăn, đặc biệt là các loại rau có màu đậm như: Cải bó xôi, cải xoăn, súp lơ…

Bên cạnh những thực phẩm có lợi cũng có không ít những thực phẩm gây hại và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của cúm. Người bệnh nên tránh một số sản phẩm sau:

  • Các thực phẩm chế biến sẵn: Thức ăn đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn hoặc đồ ăn chiên xào gây khó tiêu, dễ khiến người bệnh buồn nôn. Hơn nữa, những thực phẩm này không chứa nhiều chất dinh dưỡng.
  • Các loại đồ uống chứa cồn, chất kích thích như soda, rượu, cà phê… cũng gây mất nước và dễ làm giảm hệ thống miễn dịch ở người bị cúm.
  • Các thực phẩm cứng sẽ có khả năng gây khó tiêu và làm nặng thêm các cơn ho, đau họng, vì vậy bệnh nhân cúm cũng nên tránh xa

Phòng ngừa bệnh cúm

Để chủ động phòng cúm, mọi người nên thực hiện các biện pháp:

  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, che miệng khi hắt hơi, rửa tay sạch với xà phòng đồng thời vệ sinh mũi, họng bằng nước muối thường xuyên.
  • Luôn giữ ấm cơ thể, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng kết hợp với luyện tập thể thao nâng cao thể trạng.
  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ nếu không thật sự cần thiết.
  • Không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
  • Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Theo Epoch Times tiếng Anh
Thanh Trúc biên dịch và tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Cúm mùa, và những điều bạn cần biết từ A-Z