Tài trợ khủng của Trung Quốc cho Đại học Pennsylvania nói lên điều gì về chính sách năng lượng của ông Biden?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với việc nhiều tài liệu mật được tìm thấy tại văn phòng của Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Trung tâm Ngoại giao và Gắn kết Toàn cầu Penn Biden thuộc Đại học Pennsylvania, nhiều người đang đặt câu hỏi về có hay không mối liên hệ giữa việc trường đại học này nhận được 54 triệu USD tiền tài trợ từ Trung Quốc với việc ông Biden thúc đẩy chính sách năng lượng - các chính sách được cho là làm mạnh nền kinh tế Trung Quốc trong khi làm suy yếu kinh tế Mỹ.

Với việc chính quyền Biden cản trở sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, giá năng lượng tại Mỹ đã tăng cao hơn, nền kinh tế Mỹ suy yếu; còn Trung Quốc lại bán được nhiều tua-bin gió, tấm pin mặt trời và pin xe điện “năng lượng xanh”.

Tiền từ Trung Quốc và các chính sách của Mỹ có liên hệ với nhau hay không?

Tờ New York Post đưa tin rằng từ sau khi Trung tâm Penn Biden lần đầu tiên được công bố thành lập vào năm 2017, các nhà tài trợ Trung Quốc đã quyên góp hàng chục triệu USD cho Đại học Pennsylvania.

Từ năm 2017 đến 2019, ông Biden bị nghi ngờ nhận 775.000 USD từ trường đại học này, mặc dù ông không giảng dạy tại đây.

Cùng thời gian đó, con trai của ông Biden, Hunter Biden, đang trong quá trình thực hiện nhiều giao dịch béo bở ở Trung Quốc và ông Biden được cho là nhận được một khoản chia phần.

Các khoản quyên góp của Trung Quốc dường như đang được đền đáp. Chính quyền Biden đang theo đuổi xu hướng mà bang California hiện dẫn đầu, với mục tiêu chỉ bán xe điện vào năm 2035, đồng thời tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu và hỗ trợ phong trào môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Xe Điện

Ủy ban Tài nguyên Không khí bang California đã ban hành quy định rằng đến năm 2035, tất cả phương tiện mới được bán ở bang này phải là loại xe lai (loại xe có cả động cơ điện và động cơ xăng) hoặc xe hoàn toàn chạy bằng điện. Tại Washington, ông Biden đã ban hành sắc lệnh hành pháp, trong đó kêu gọi đến năm 2030, một nửa doanh số bán phương tiện mới tại Mỹ phải là xe điện, đồng thời chỉ thị người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường “phối hợp các hoạt động của cơ quan này” với tiểu bang California.

Quy định của bang California và lệnh hành pháp của ông Biden đã gạt sang một bên an ninh năng lượng Mỹ — cũng như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên giá rẻ sản xuất trong nước — để đổi lấy sự phụ thuộc vào pin xe điện sản xuất tại Trung Quốc - được cho là sử dụng lao động nô lệ từ khu vực Tân Cương. Hoa Kỳ không thể sản xuất những loại pin này với chi phí thấp hơn những gì do lao động nô lệ sản xuất tại Trung Quốc.

Hơn nữa, xe điện có phạm vi hoạt động hạn chế và đắt hơn các loại xe tương đương chạy bằng xăng, vì vậy các mệnh lệnh từ Tòa Bạch Ốc sẽ làm tăng chi phí vận chuyển của người Mỹ — từ đó làm suy yếu thêm nền kinh tế Hoa Kỳ. Nhiều tiền chi cho ô tô cũng có nghĩa là ít tiền hơn để chi cho các sản phẩm và dịch vụ khác.

Biến đổi khí hậu

Trong năm qua, các cơ quan hành pháp Mỹ đã sử dụng biến đổi khí hậu như công cụ để làm chậm lại quá trình sản xuất và vận chuyển dầu, khí tự nhiên và than của Hoa Kỳ, đồng thời khuyến khích sử dụng tua-bin gió và tấm pin mặt trời sản xuất tại Trung Quốc. Điều này khiến hóa đơn tiền điện của người Mỹ tăng cao. Và một lần nữa, người Trung Quốc được hưởng lợi: 7 trong số 10 nhà sản xuất năng lượng mặt trời và gió hàng đầu là đến từ Trung Quốc.

Cụ thể hơn:

  • Chính quyền Biden đang tích cực ngăn cản dòng vốn đầu tư vào dầu mỏ, khí đốt và than đá. Họ cho rằng những khoản đầu tư như vậy gây rủi ro cho môi trường. Các công ty sản xuất năng lượng từ nhiên liệu truyền thống đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn vì họ phải vay với lãi suất cao hơn.
  • Bộ Giao thông vận tải Hoa Kỳ chỉ ưu tiên các dự án ​​khí hậu như tài trợ cho xe điện, trạm sạc và phương tiện giao thông công cộng sử dụng điện, cũng như đường dành cho xe đạp và người đi bộ.
  • Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang đang trì hoãn quá trình phê duyệt các đường ống mới vận chuyển dầu và xăng từ các nhà sản xuất nội địa đến người tiêu dùng trên toàn nước Mỹ, cũng như đến các bờ biển - nơi dầu có thể được xuất cảng.
  • Bộ Nội vụ đã kêu gọi giảm bớt việc cho các công ty dầu khí thuê đất liên bang để khoan dầu, đồng thời đòi khoản tiền cao hơn đối với các hợp đồng thuê đó và yêu cầu một quy trình đấu thầu phức tạp hơn để sàng lọc người thuê. Bộ này làm như vậy khi hiểu rõ rằng những điều này sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ chịu mức giá cao hơn.
  • Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, ông Gary Gensler, đã đề xuất nhiều quy định; trong đó yêu cầu các công ty tư nhân công khai thông tin về quản trị và quản lý rủi ro liên quan đến khí hậu, những rủi ro về khí hậu sẽ ảnh hưởng đến chiến lược và triển vọng của công ty như thế nào, cũng như tác động của các sự kiện khí hậu như bão và cháy rừng lên các báo cáo tài chính.
  • Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ - cơ quan quản lý các ngân hàng - đã bổ nhiệm một giám đốc mới về rủi ro khí hậu; người này chịu trách nhiệm giám sát các rủi ro liên quan đến khí hậu. Nếu bà ấy cho rằng các khoản đầu tư vào dầu khí là “gây ra rủi ro”, thì các ngân hàng sẽ không nên cho các công ty dầu khí vay vốn — điều này đồng nghĩa với việc giảm nguồn vốn khả dụng để các công ty có thể tiếp tục phát triển.

Phong trào Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG)

Được dẫn dắt bởi BlackRock Inc. và State Street Global Advisors, nhiều tổ chức tài chính lớn đang gây áp lực buộc các nhà phát triển quốc tế, các tập đoàn tư nhân và quỹ hưu trí không đầu tư vào năng lượng từ nhiên liệu truyền thống. Quá trình này đang làm suy yếu nước Mỹ - quốc gia sản xuất các loại nhiên liệu này; đồng thời lại giúp Trung Quốc - quốc gia sản xuất các giải pháp thay thế như tua-bin gió và tấm pin mặt trời - xây dựng và phát triển các nhà máy điện than.

ESG có nghĩa là: ít việc làm hơn cho người Mỹ, nhiều việc làm hơn cho người Trung Quốc.

Đồng nghiệp của tôi, bà Jessica Anderson - Giám đốc Điều hành tổ chức Heritage Action for America, giải thích như sau: “Phong trào ESG được thiết lập để kiểm soát văn hóa và kinh doanh, từ đó kiểm soát những người Mỹ đang có việc làm”.

Trên trang web của mình, State Street đề xuất 4 cách thức để gây tác động đến các khoản đầu tư của các doanh nghiệp, tất cả đều có lợi cho Trung Quốc. Thứ nhất, yêu cầu các quốc gia áp dụng các quy định về giảm lượng khí thải carbon. Thứ hai, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu thông qua “giáo dục, hướng dẫn, xây dựng giải pháp và phân tích ESG”. Thứ ba, kiểm soát hội đồng quản trị các công ty, sử dụng khách hàng và nhà đầu tư “để buộc doanh nghiệp hoặc tổ chức phải lưu tâm đến các cơ hội và rủi ro về khí hậu”. Cuối cùng, thúc đẩy các cam kết toàn cầu về cắt giảm khí thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch xuống mức 0% vào năm 2050.

Bằng cách chạy theo phong trào ESG và ngăn chặn đầu tư vào các nguồn nhiên liệu thông thường, Mỹ đang từ bỏ sức mạnh địa chính trị ở nước ngoài cũng như sức mạnh kinh tế trong nước. Ví dụ, Trung Quốc đang tài trợ cho các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở các nước đang phát triển mà các tổ chức của Mỹ từ chối tài trợ. Điều này mang lại cho Trung Quốc tầm ảnh hưởng đáng kể vì nó giúp các nước đó cung cấp điện giá rẻ đến các hộ gia đình và các ngành công nghiệp của họ.

Một số người có thể biện minh cho những “món quà” kể trên dành cho Trung Quốc. Họ biện minh rằng khí hậu thế giới sẽ được hưởng lợi từ lượng khí thải thấp hơn nhờ quá trình khử cacbon của Hoa Kỳ. Nhưng Trung Quốc đang dùng than đá để sản xuất tua-bin gió, tấm pin mặt trời và pin mà họ bán cho Hoa Kỳ, làm tăng lượng khí thải toàn cầu.

Hãy xem xét thực tế rằng Mỹ có 225 nhà máy nhiệt điện than và Trung Quốc có 1.118 (một nửa số nhà máy nhiệt điện than trên thế giới). Kể từ năm 2010, Mỹ đã cắt giảm 100.000 megawatt sản lượng điện than; Trung Quốc tăng thêm 580.000 megawatt. Từ năm 2005 đến 2020, Mỹ cắt giảm 970 triệu tấn lượng khí thải carbon dioxide, trong khi Trung Quốc tăng lượng khí thải này thêm 4,7 tỷ tấn.

Nhiều người không thể hiểu được tại sao ông Biden lại định hướng chính sách năng lượng quốc gia theo hướng làm lợi cho một đất nước đang nô dịch người dân của chính họ, đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ và đe dọa các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.

Cuộc điều tra liên bang đang được tiến hành nhằm vào các giao dịch kinh doanh trị giá hàng triệu USD ở Trung Quốc của Hunter Biden, cũng như các bài báo nói về hàng chục triệu USD tiền quyên góp của Trung Quốc chảy vào Đại học Pennsylvania ngay khi tổ chức tư vấn của ông Biden được thành lập tại đây, có thể giúp đưa ra manh mối về lý do tại sao.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Cát Duyên biên dịch

Tác giả Diana Furchtgott-Roth là nhà kinh tế và giáo sư kinh tế học tại Đại học George Washington - nơi bà giảng dạy môn Kinh tế Vận tải. Từ năm 2019 đến 2021, bà là Phó Trợ lý Bộ trưởng về Nghiên cứu và Công nghệ tại Bộ Giao thông Vận tải Mỹ (USDOT). Trước khi gia nhập USDOT, bà Furchtgott là Quyền Trợ lý Bộ trưởng về Chính sách Kinh tế tại Bộ Tài chính Mỹ. Bà cũng là thành viên cấp cao và giám đốc của Kinh tế 21 tại Viện Nghiên cứu Chính sách Manhattan. Trước đây, bà từng giữ nhiều chức vụ trong chính quyền Mỹ. Bà cũng giữ một vị trí giám đốc tại tổ chức Heritage Foundation. Bà Furchtgott là Chủ tịch của Furchtgott International và là tác giả hoặc đồng tác giả của sáu cuốn sách và hàng trăm bài báo về chính sách kinh tế. Bà có bằng Cử nhân kinh tế tại Đại học Swarthmore và bằng thạc sĩ kinh tế từ Đại học Oxford.



BÀI CHỌN LỌC

Tài trợ khủng của Trung Quốc cho Đại học Pennsylvania nói lên điều gì về chính sách năng lượng của ông Biden?