'Tập đoàn quốc dân' chở theo hy vọng thống trị chip toàn cầu của Bắc Kinh phá sản

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh chip toàn cầu khan hiếm và doanh nghiệp sản xuất chip đang được săn đón nhiệt tình, thậm chí cuộc chiến thôn tính Đài Loan của Bắc Kinh cũng được cho là vì công nghệ chip, một tập đoàn con cưng thuộc ‘đội tuyển quốc gia' ngành công nghiệp chip của Trung Quốc được đồn đoán là phá sản với khoản nợ 142,6 tỷ nhân dân tệ (CNY).

Với tư cách là "tập đoàn quốc dân" của ngành công nghiệp chip Trung Quốc, Tập đoàn Ziguang đang rơi vào tình trạng phá sản và buộc phải tái cấu trúc. Tổng số nợ của tập đoàn công nghệ chip này lên tới 142,6 tỷ CNY.

Theo Secretchina, có thông tin cho rằng chính quyền Bắc Kinh đang thành lập một tổ công tác có sự tham gia của tập đoàn Alibaba và cơ quan quản lý tài sản nhà nước để tiếp quản hoạt động của Tập đoàn Ziguang.

Phá sản

Tập đoàn Ziguang, một doanh nghiệp do Đại học Thanh Hoa, trường đại học danh tiếng nhất Trung Quốc điều hành, đang trên đường phá sản và buộc phải tái cấu trúc. Ziguang góp phần kéo dài danh sách những gã khổng lồ, chở đầy kỳ vọng và tham vọng công nghệ của Bắc Kinh, gục ngã.

Ngày 9/7, Tập đoàn Ziguang đã nhận được thông báo từ Toà án tối cao số 1 Bắc Kinh. Nội dung chính trong trát hầu tòa là: Các chủ nợ có liên quan tới tập đoàn này đã đệ đơn lên tòa yêu cầu Tập đoàn Ziguang tuyên bố phá sản và tái cấu trúc sau đó. Lý do đưa ra là Ziguang không thể trả các khoản nợ đến hạn, không đủ tài sản để đáp ứng nghĩa vụ nợ và rõ ràng là đã mất hoàn toàn khả năng thanh toán. Dù vậy, các chủ nợ vẫn hy vọng Bắc Kinh có thể ‘tái cấu trúc’ - thuật ngữ quen thuộc của ĐCSTQ khi xử lý phá sản các tập đoàn kinh tế lớn. Tái cấu trúc ngầm hiểu là Bắc Kinh sẽ đổ nguồn tiền mới vào tập đoàn này, thay toàn bộ nhân sự chủ chốt, để tập đoàn có thể tiếp tục tồn tại.

Vào ngày 19 tháng 11, theo Tờ báo kinh doanh thế kỷ 21, một cuộc họp của các chủ nợ của bảy công ty trong đó có Tập đoàn Ziguang đã được tổ chức. Chủ đề của cuộc họp này là một văn bản xác minh mẫu về xác nhận nợ (giữa chủ nợ và doanh nghiệp).

Tính đến ngày 19 tháng 11, số lượng nợ được xác nhận tại cuộc họp với chủ nợ lần thứ nhất là 108,1 tỷ CNY, tổng số nợ đã được xác nhận là khoảng 142 tỷ CNY. Trong đó, nợ thuế 200 triệu CNY, nợ ngân hàng và các định chế tài chính (có tài sản đảm bảo) là 14,3 tỷ CNY, còn lại là nợ không có tài sản đảm bảo (có lẽ phần lớn là Trái phiếu doanh nghiệp): 128,1 tỷ CNY.

Theo trang web chính thức của Tập đoàn Ziguang, Tập đoàn có quy mô lớn với hơn 40.000 lao động trên khắp toàn cầu. Tập đoàn Ziguang được xem là công ty thiết kế chip điện thoại di động lớn thứ ba thế giới, chiếm hơn 20% thị phần chip thẻ SIM toàn cầu, và là một trong những công dịch vụ đám mây hàng đầu của Trung Quốc. các nhà cung cấp.

Theo dữ liệu công nghiệp và thương mại, cổ đông lớn nhất đồng thời là người kiểm soát thực tế của Ziguang Group là Tsinghua Holdings Co., Ltd., nắm giữ 51% cổ phần. Tsinghua kiểm soát hơn 300 công ty và giữ cổ phần tại hơn 1.000 công ty; Tsinghua cũng gián tiếp kiểm soát các công ty niêm yết như Ziguang Co., Ltd. và Ziguang Guowei.

Với tư cách là “quốc dân” của ngành công nghiệp chip Trung Quốc, Tập đoàn Ziguang thậm chí còn muốn nắm quyền kiểm soát Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) vào năm 2015, nhưng cuối cùng không thực hiện được các khoản đầu tư mang tính thôn tính này.

Ai sẽ tiếp quản?

Bây giờ, ai sẽ đứng ra tiếp quản thương vụ bán Tập đoàn Ziguang đang có khoản nợ hàng trăm tỷ CNY? Hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết Tập đoàn Alibaba cùng với Công ty TNHH Quản lý Tài sản Nhà nước Chiết Giang mua lại Tập đoàn Ziguang, và giao dịch trị giá hơn 50 tỷ CNY.

Vào ngày 10/4, Tập đoàn Alibaba, công ty đang bị chính quyền Trung Quốc điều tra, đã bị phạt 18,228 tỷ nhân dân tệ (khoảng 64.162 tỷ VNĐ hay 2,7 tỷ USD). (NOEL CELIS/AFP qua Getty Images)
Vào ngày 10/4, Tập đoàn Alibaba, công ty đang bị chính quyền Trung Quốc điều tra, đã bị phạt 18,228 tỷ CNY (khoảng 64.162 tỷ VNĐ hay 2,7 tỷ USD). (Ảnh: NOEL CELIS/AFP qua Getty Images)

Theo các nguồn tin, chính quyền Bắc Kinh muốn Tập đoàn Alibaba và Tập đoàn Tài sản Nhà nước Chiết Giang thành lập một nhóm tái cấu trúc doanh nghiệp để tiếp quản các hoạt động của Tập đoàn Ziguang. Nguồn vốn mạnh mẽ đằng sau Tập đoàn Alibaba và tiềm năng kinh doanh điện toán đám mây và bán dẫn, cùng với sự hỗ trợ của Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Chiết Giang, là tất cả những lý do khiến nó được các nhà chức trách ưu ái. Nếu giao dịch thành công, ngoài việc tạo điều kiện cho Tập đoàn Ziguang, một trong những trường hợp phá sản và tái tổ chức lớn nhất Trung Quốc, có được bước đột phá, việc này còn có thể đảm bảo rằng Tập đoàn Alibaba có quyền tiếp cận các nguồn cung cấp công nghệ và chất bán dẫn.

Sự thất bại của chiến lược phát triển công nghệ chip

Trung Quốc cố gắng tự cung cấp và thậm chí thống trị ngành chip hòng cạnh tranh với Mỹ và đạt được lợi thế mặc cả thương mại với toàn cầu từ năm 2014. Để thực thi chiến lược này, Bắc Kinh đã có rất nhiều chính sách ưu ái ồ ạt cho các doanh nghiệp sản xuất chip trong nước.

Tuy nhiên, chiến lược này tiêu tốn hàng trăm tỷ USD của Bắc Kinh trong khi ngành công nghiệp chip của nước này vẫn dư thừa ở các phân khúc công nghệ thấp và thiếu thốn, phụ thuộc Đài Loan ở các phân khúc đòi hỏi công nghệ cao.

Thông điệp gửi đến những nhà đầu tư tiềm năng là Bắc Kinh sẽ chúc phúc và khuyến khích bất kỳ khoản đầu tư nào liên quan đến chip. Ngoài việc miễn thuế, Bắc Kinh cũng hứa hẹn hỗ trợ tài trợ của chính phủ, xét duyệt nhanh việc phát hành chứng khoán ra công chúng, cũng như dễ dàng tiếp cận tín dụng ngân hàng.

This photo taken on June 16, 2020 shows workers producing LED chips at a factory in Huaian, in China's eastern Jiangsu province. (Photo by STR / AFP) / China OUT (Photo by STR/AFP via Getty Images)
Một công nhân Trung Quốc đang làm việc bên dây chuyền sản xuất chip ở huyện Sihong, tỉnh Giang T,ô phía đông Trung Quốc, hôm 16/2/2020. (Ảnh: STR / AFP)

Xem xét kỹ kế hoạch ngành công nghiệp chip của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh thậm chí không đặt mục tiêu cao. Một nhà máy sản xuất chip sử dụng công nghệ 28 nanomet sẽ đủ điều kiện nhận được phần thưởng cao nhất của chính phủ mặc dù công nghệ này chậm hơn ít nhất hai thế hệ so với chip 7 nanomet hiện đại, chỉ có thể được sản xuất bởi các nhà máy ở nước ngoài.

Không phải mọi thiết bị ở Trung Quốc đều cần chip mới nhất, và việc sản xuất hàng loạt trong nước có thể giúp Trung Quốc thay thế chip cấp trung hoặc cấp thấp nhập khẩu.

Nhưng mấu chốt là sự cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận, mặc dù dấu hiệu dư cung đã quá rõ ràng khi gần 30 thành phố của Trung Quốc đã công bố dự án bán dẫn chỉ trong nửa đầu năm 2020.

Trung Quốc hiện có hơn 45.000 doanh nghiệp đã đăng ký liên quan đến thiết kế, thử nghiệm, phát triển và sản xuất chip và các doanh nghiệp đăng ký mới trong ngành chip đã tăng 200% chỉ trong quý 2 năm 2020 so với một năm trước đó, theo kết quả tìm kiếm số liệu đăng ký kinh doanh của Trung Quốc, Qichacha.

Điều trớ trêu là Trung Quốc sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu chip 7 nanomet và tiên tiến hơn trong nhiều năm tới, và chính sách mới nhất có thể kéo dài quá trình này. Xét cho cùng, nếu một dây chuyền sản xuất 28 nanomet đã đủ tốt để đảm bảo sự hỗ trợ đầy đủ của Bắc Kinh và tìm đủ khách hàng, thì tại sao phải tốn thêm tiền và thời gian để theo đuổi những đột phá công nghệ? Tức là chính sách của Bắc Kinh khiến các doanh nghiệp được bú mớm bởi nguồn tiền ngân sách sẽ chẳng dại gì mạo hiểm đầu tư vào nghiên cứu phát triển công nghệ chip 7 nanomet.

Trớ trêu hơn nữa, nguồn gốc của đột phá công nghệ là sáng tạo và đổi mới, nhưng sáng tạo và đổi mới không thể “đột biến” trong ngắn hạn mà phải nuôi dưỡng hàng thế kỷ, thập kỷ bởi tự do tư tưởng và nền giáo dục cởi mở. Nhưng đáng tiếc, tự do tư tưởng và nền giáo dục cởi mở lại quá xa xỉ với người dân Trung Quốc - những người vốn chỉ biết nghe theo chính phủ hoặc không thể không nghe theo mọi tư tưởng, lối suy nghĩ mà chính phủ “thiết kế”. Đây cũng là lý do suốt 3 thập kỷ gần đây, Trung Quốc chỉ có thể ăn cắp công nghệ mà không thể sáng tạo, đổi mới, càng không thể dẫn dắt thế giới về công nghệ.

Và có lẽ, đây chính là lý do trong khi Trung Quốc dư thừa chip công nghệ thấp thì chính phủ vẫn muốn tha thiết chiếm lấy Đài Loan để thâu tóm công nghệ chất bán dẫn, chip đỉnh cao này. Và đây cũng là lý do một tập đoàn quốc dân về chip như Ziguang phải phá sản.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

'Tập đoàn quốc dân' chở theo hy vọng thống trị chip toàn cầu của Bắc Kinh phá sản