Thần thoại về chàng Narcissus và chủ nghĩa "tự ái" trong thời đại chúng ta

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thần thoại Hy Lạp về chàng Narcissus, người con trai tuấn tú của thần sông và nữ thần, người đã yêu chính hình ảnh phản chiếu của mình trong vô vọng.

Trong một bài báo gần đây trên tờ Daily Telegraph của Anh, ông Jordan Peterson đã mô tả thủ tướng Canada Justin Trudeau, là một “người tự ái”. Ông Peterson với vai trò là một nhà tâm lý học lâm sàng, thì những gì ông nói hẳn có cơ sở chính đáng. Ở bài viết này, chúng ta không cần khám phá lý do cho cách gọi này, nhưng gần đây thuật ngữ “tự ái” ngày càng được sử dụng nhiều hơn như một lời buộc tội. Hẳn có rất nhiều người nổi tiếng trong quá khứ xứng đáng với danh hiệu ‘tự ái’ đó, chẳng hạn như: Napoléon, Hitler, Henry VIII, gần đây hơn là Howard Hughes và thậm chí hiện nay là Kim Jong-un.

Tất nhiên, đối với bất kỳ chỉ định tâm lý nào, đều có một phạm vi: Người ta có thể mắc tình trạng nhẹ, mãn tính, cấp tính hoặc thậm chí nghiêm trọng. Vậy theo định nghĩa của tâm thần học hiện đại, thì các triệu chứng của tình trạng này là gì? Một số như: tính kiêu ngạo (phóng đại thành tích của họ), nhu cầu được ngưỡng mộ, thiếu sự đồng cảm, cảm giác về quyền lợi, hành vi thao túng, lòng tự trọng mong manh và khó duy trì các mối quan hệ.

Nguồn gốc của thuật ngữ

 "Echo and Narcissus," 1903, by John William Waterhouse. Oil on canvas. Walker Art Gallery, Liverpool, England. (Public Domain)
“Nàng Echo và chàng Narcissus”, năm 1903, bởi họa sĩ John William Waterhouse. Tranh dầu trên vải. Phòng trưng bày nghệ thuật Walker, Liverpool, Anh. (Phạm vi công cộng)

Khái niệm về tự ái xuất phát từ Thần thoại Hy Lạp, và cũng như hầu hết các Thần thoại Hy Lạp, luôn có nhiều cách thể hiện khác nhau. Nhưng câu chuyện cơ bản diễn ra như thế này: Chàng Narcissus là người con trai tuấn tú của Thần sông Kephissos và nữ Thần Liriope. Với nguồn gốc thần thánh này, vẻ đẹp của chàng là điều hiển nhiên; và quả thực, chàng khôi ngô đến mức khi mới 16 tuổi, nhiều cô gái trẻ đã yêu chàng say đắm, nhưng hầu hết đều vô vọng, bởi chàng chưa bao giờ đáp lại ai trong số họ.

Khi Narcissus còn nhỏ, mẹ chàng đã đến gặp nhà tiên tri mù Tiresias để hỏi liệu con trai bà có sống được đến tuổi già hay không. Vào thời điểm đó, Tiresias chưa được biết đến như một nhà tiên tri hay một nhà tiên tri vĩ đại, nhưng câu trả lời của ông đối với câu hỏi này lại là một trong những lý do khiến ông trở nên nổi tiếng sau này.

Tiresias trả lời: “Được, miễn là cậu ta không bao giờ nhận ra chính mình”.

Câu trả lời này hoàn toàn khiến người mẹ và những người tham dự bối rối: "Miễn là ..." có nghĩa là gì? Làm sao để một người có thể “nhận ra chính mình”?

Một trong những người yêu chàng Narcissus nhưng bị từ chối là nữ Thần Echo. Lịch sử về nàng Echo là, nàng từng là một người bận rộn buôn chuyện với nữ hoàng của các vị Thần - nữ Thần Hera, vì muốn đánh lạc hướng để bà không chú ý đến việc chồng của bà là Thần Zeus - vua của các vị Thần - đang theo đuổi các cuộc tình với các nữ Thần khác. Nữ hoàng Hera phát lời nguyền lên Echo, để nàng ấy không bao giờ có thể nói, ngoại trừ việc lặp lại những gì ai đó đã nói với nàng, như một tiếng vang - Echo. Khi nàng Echo yêu chàng Narcissus và bị từ chối, nàng đã mòn mỏi cho đến khi cơ thể hoàn toàn kiệt sức và chỉ còn lại giọng nói - tiếng vang của nàng.

Tại thời điểm này, sau khi chàng Narcissus đã từ chối rất nhiều người, nữ Thần Nemesis đã bước vào câu chuyện (Nemesis là nữ Thần giáng những đòn trừng phạt xuống những kẻ kiêu ngạo, và là nữ Thần của sự báo thù). Vì đã từ chối rất nhiều người, chàng Narcissus có lẽ hiểu cảm giác không bao giờ được người mình yêu chấp nhận là như thế nào. Kiệt sức sau một ngày đi săn, ngồi bên ao uống nước, chàng say mê với hình ảnh phản chiếu của chính mình trong ao: Nhìn thấy hình ảnh của chính mình, chàng “nhận ra bản thân” và yêu thích hình ảnh phản chiếu đó.

Trên thực tế, chàng yêu hình ảnh của chính mình một cách tuyệt vọng, đến mức chàng không thể rời mắt khỏi sự ngưỡng mộ nó và khao khát nó như đối tượng cho tình yêu của mình. Cuối cùng, tất nhiên, chàng đã chết ở đó.

 "The Death of Narcissus," 1814, by François-Xavier Fabre. Oil on canvas. National Gallery of Australia in Canberra. (Public Domain)
“Cái chết của chàng Narcissus”, năm 1814, bởi họa sĩ François-Xavier Fabre. Tranh dầu trên vải. Phòng trưng bày Quốc gia Úc ở Canberra. (Phạm vi công cộng)

Khi hấp hối, chàng thở dài và nói những câu như “than ôi” và “vô ích”, và nàng Echo lặp lại những điệp khúc này để chúng vang vọng khắp khu rừng. Người ta nói rằng ngay cả ở địa ngục, chàng vẫn nhìn vào hình ảnh phản chiếu của mình trên sông Styx, con sông mà người chết phải băng qua để rời khỏi vùng đất của người sống. Vì vậy, nỗi ám ảnh về chính mình đã theo chàng đến tận cõi chết. Và, chàng đã biến thành loài hoa mang tên mình - hoa thuỷ tiên.

Một thông điệp cho chúng ta

 "Allegory of Prudence Triumphing Over Vanity (Allegory of Faith)," 1651–90, by David Teniers the Younger. Oil on panel. Hermitage Museum, Saint Petersburg, Russia. (Public Domain)
“Ngụ ngôn về sự thận trọng chiến thắng sự phù phiếm (Ngụ ngôn về đức tin)", năm 1651–90, bởi họa sĩ David Teniers the Younger. Bảo tàng Hermitage, Saint Petersburg, Nga. (Phạm vi công cộng)

Có lẽ khía cạnh quan trọng nhất của câu chuyện (theo nghĩa của Apollonian), thì chàng Narcissus hoàn toàn không biết gì về bản thân mình. Điều chàng biết là điều có thể nhìn thấy một cách hữu hình: hình ảnh của chính mình.

Tất cả chúng ta đều có một hình ảnh riêng (ngoại hình) - một hình ảnh phản chiếu về con người mà chúng ta muốn thế giới nhìn nhận. Nhưng đó không phải là con người thật của chúng ta, hay nói theo cách khác, đó không phải là “linh hồn” của chúng ta. Ở mức độ mà chúng ta là những con người hoàn toàn hòa nhập và khỏe mạnh về mặt tâm lý, thì khoảng cách giữa hình ảnh bản thân và ‘bản ngã’ sẽ được thu hẹp lại.

Nhưng lời khuyên của Apollo - hãy “biết chính mình” - không chỉ có nghĩa là hiểu bản thân về mặt tâm lý; nó có một ý nghĩa tâm linh cụ thể: Có nghĩa là bạn phải biết giới hạn của mình. Nói cách khác, để biết mức độ khả năng của bạn, biết vị trí của bạn trong hệ thống xã hội, biết rằng bạn là một người phàm. Và, biết bạn là người phàm có nghĩa là, bên trên còn có các vị Thần và họ KHÔNG phải là người phàm: Chúng ta nợ họ sự tôn kính và vâng lời. Quả thực, tội ác xấu xa nhất trong tư tưởng Hy Lạp cổ đại là tội kiêu ngạo.

Mãi về sau, Plato mới định nghĩa lại “biết chính mình” là hiểu tâm hồn và tâm lý của chính mình.

Sự thiếu cân bằng

 "Vanity," circa 1626, by Nicolas Régnier. Oil on canvas. Museum of Fine Arts of Lyon, France. (Public Domain)
Bức tranh “Vanity”, khoảng năm 1626, bởi họa sĩ Nicolas Régnier. Tranh dầu trên vải. Bảo tàng Mỹ thuật Lyon, Pháp. (Phạm vi công cộng)

Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, vẫn có một vấn đề không thể giải quyết được. Cho dù chúng ta coi chàng Narcissus là một người không biết gì về bản thân theo nghĩa là chàng không hiểu giới hạn của mình, do đó đã vi phạm trật tự thiêng liêng. Vì kiêu ngạo mà tôn thờ bản thân quá mức, chỉ nhìn thấy bề ngoài và không hiểu được tâm hồn bên trong, từ đó hoàn toàn bị chi phối bởi vẻ ngoài, vật chất và những điều hiển nhiên (là những điều không thuộc tâm linh), có thể thấy nó làm người ta trở nên đau buồn và tuyệt vọng tột cùng. Chàng Narcissus không bao giờ đạt được điều mà bản thân vô cùng khao khát, bởi những gì chàng khao khát vượt quá giới hạn khả năng của con người.

Tuy nhiên, một điểm phụ liên quan đến câu châm ngôn thứ hai của Apollo: "không quá nhiều" hoặc tránh thái quá. Khi nhìn chàng Narcissus một cách rõ ràng, chúng ta thấy rằng chàng chỉ bận tâm với chính mình; nhưng thật thú vị, chúng ta thấy điều ngược lại với nàng Echo. Nàng ấy hoàn toàn bị mê hoặc bởi chàng Narcissus, người mà phải trả giá bằng chính mạng sống của mình; nàng ấy trở thành một tiếng vang, một cái bóng đơn thuần của một nhân cách.

Như vậy, xét theo khía cạnh âm dương, chúng ta thấy sự thiếu cân bằng tương phản giữa hai nhân vật thần thoại này. Nếu kết hợp lại, họ có thể tạo ra một cá thể khỏe mạnh, lành mạnh, nhưng điều đó chưa bao giờ và không bao giờ có thể xảy ra.

‘Tự ái’ ngày nay

 The painting depicts all of mankind, from the emperor to the peasants, being obsessed with straw—a metaphor for worthless pursuits. "Allegory of the Vanity of the World," 16th century, from the workshop of Gillis Mostaert. Oil on panel. The Louvre Museum, Paris. (Public Domain)
Bức tranh mô tả toàn thể nhân loại, từ hoàng đế đến nông dân, bị ám ảnh bởi rơm rạ - một phép ẩn dụ cho những theo đuổi vô ích. Bức tranh "Câu chuyện ngụ ngôn về sự phù phiếm của thế giới", thế kỷ 16, từ xưởng của Gillis Mostaert. Bảo tàng Louvre, Paris. (Phạm vi công cộng)

Trong đoạn thứ hai của bài viết này, tôi đã nói về 7 biểu hiện của chứng tự ái, và chúng đã đủ tệ rồi: Chỉ cần lấy biểu hiện đầu tiên, tính kiêu ngạo. Ai thích ai đó phóng đại thành tích của họ và giao dịch dựa trên “việc làm” của họ, thành tích của họ hơn là “con người thật” của họ? Không ai khác ngoại trừ những người bị lừa dối và lừa dối chính mình.

Tôi cũng đề cập đến việc sử dụng thuật ngữ ‘tự ái’ ngày càng tăng. Dường như có rất nhiều thứ đang diễn ra xung quanh. Thử nghĩ: Tất cả những những nhóm, dự án không tưởng này, và những hoạt động “thức tỉnh” đạo đức đang vây quanh chúng ta, liệu có nằm ngoài hình thức ‘tự ái’ sâu sắc không?

Những người thực hiện những dự án này đều khao khát được làm những gì “vượt quá giới hạn khả năng của con người”: Làm cho mọi người “bình đẳng”, như thể điều đó có thể xảy ra; xóa bỏ sự phân biệt giới tính, như thể tự nhiên không có tiếng nói gì trong vấn đề này; để ngăn nhiệt độ trái đất tăng lên, như thể đây chỉ là sự lựa chọn của con người; v.v..

‘Tự ái’ là một trạng thái sâu sắc và khiến người ta suy nhược, điều đáng sợ là ngày càng có nhiều người bị ‘trừng phạt’ vì nó. Họ sinh ra vốn đã tuấn tú (ví như chàng Narcissus), nhưng vì niềm kiêu hãnh quá lớn của mình, mà bị nữ Thần Nemesis hạ gục. Theo thời gian, giống như chính chàng Narcissus, họ sẽ thất bại, vì tình yêu đích thực hoặc dự án đam mê của họ sẽ không bao giờ thành hiện thực.

Theo James Sale - The Epoch Times

Cao Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thần thoại về chàng Narcissus và chủ nghĩa "tự ái" trong thời đại chúng ta