Người Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ và Kazakhstan ở Trung Quốc bị cưỡng ép lấy mẫu nghiên cứu DNA

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một tạp chí khoa học có uy tín đã rút lại một nghiên cứu thu thập mẫu DNA của người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ và  Kazakhstan mà không có sự đồng ý rõ ràng.

Theo tin từ The Epoch Times, sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng đàn áp các dân tộc thiểu số ở Tây Tạng và Tân Cương, thuộc vùng Tây Bắc Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng các chiến thuật như đàn áp văn hóa và tôn giáo, giam giữ hàng loạt, lao động cưỡng bức và chia cắt gia đình.

Tạp chí Human Genetics đã xuất bản một thông báo rút lại bài báo vào đầu tháng Giêng, nói rằng các tác giả “không thể xác minh xem liệu tất cả những người tham gia nghiên cứu có nhận được sự đồng ý thích hợp hay không”.

Nghiên cứu nhằm xem xét lại toàn cảnh di truyền nam của Trung Quốc dựa trên gần 38.000 mẫu DNA về sự biến đổi nhiễm sắc thể Y trong các cộng đồng dân tộc Trung Quốc. Nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu di truyền từ người Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ và Kazakhstan.

Nó được xuất bản trên tạp chí Human Genetics vào năm 2017. Cũng vào năm này, xuất hiện các báo cáo về việc cảnh sát Trung Quốc thu thập mẫu DNA của người Duy Ngô Nhĩ để giám sát hàng loạt, luật sư Samuel Pitchford của Vương quốc Anh viết trong một bài đăng trên kênh Human Rights Pulse vào ngày 5/1.

Những người ủng hộ Phong trào Thức tỉnh Quốc gia Đông Turkistan biểu tình trước Đại sứ quán Anh ở Washington vào ngày 16/4/2021. Nhóm này đang kêu gọi người Duy Ngô Nhĩ và những người Thổ Nhĩ Kỳ khác đang chạy trốn khỏi Tân Cương, Trung Quốc, được cấp quy chế tị nạn và kêu gọi quốc tế tẩy chay Thế vận hội Olympic mùa đông 2022 tại Bắc Kinh. (Hình ảnh Drew Angerer / Getty)

Giống như các bài báo đã rút lại khác về cùng chủ đề, nghiên cứu trên “không chứng minh được” rằng, các tác giả tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức quốc tế theo Tuyên bố Helsinki, trong đó yêu cầu các bác sĩ “bảo vệ tính mạng, sức khỏe, quyền riêng tư và nhân phẩm của đối tượng”.

Ông Pitchford viết: “Mục đích của nghiên cứu y học là mang lại lợi ích cho con người, nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra nếu các bác sĩ tôn trọng quyền lợi của đối tượng.

Nghiên cứu đầu tiên thu hút sự chú ý của Yves Moreau, một nhà tin sinh học KU Leuven ở Bỉ. Ông Moreau nhận thấy khối lượng dữ liệu tuyệt đối và sự tham gia của các đồng tác giả từ các tổ chức thực thi pháp luật Trung Quốc trong nghiên cứu là đặc biệt có vấn đề. Sau đó, vào tháng 6/2020, ông đã yêu cầu các biên tập viên của tạp chí rút lại bài báo "không thể chối cãi", khiến nhà xuất bản của tạp chí, Springer Nature, phải tiến hành một cuộc điều tra.

Nghiên cứu cuối cùng đã bị gỡ xuống vào tháng 12/2021. Sự kiện này khiến các tác giả Trung Quốc và Đức bất đồng. Một số đồng ý rút lại, trong khi những người khác phản đối.

Mẫu DNA làm công cụ giám sát

Đây không phải là lần đầu tiên một bài báo khoa học gặp phải trở ngại do việc sử dụng các mẫu DNA không có sự đồng thuận.

Vào tháng 8/2021 và tháng 9/2021, hai nghiên cứu y tế của các nhà nghiên cứu Trung Quốc liên quan đến việc thu thập các biến thể DNA trong cộng đồng Âu-Á đã được Tạp chí Quốc tế về Y học pháp lý và Di truyền Con người lần lượt rút lại, trong đó nêu lên những quan ngại về “đạo đức và thủ tục đồng ý”.

Kể từ năm 2019, ông Moreau đã báo cáo hơn 80 bài báo nghiên cứu về Trung Quốc cho hầu hết các nhà xuất bản học thuật lớn để điều tra, nhưng hầu hết thời gian, những nỗ lực của ông đều bị phớt lờ.

Vào ngày 12/9/2021, ông nói với tờ South China Morning Post: “Thực sự khá xấu hổ khi không ai, đặc biệt là các tạp chí này, nghĩ ra điều này. Công nghệ giám sát nguy hiểm trên toàn thế giới, không chỉ ở Trung Quốc… Nhưng tôi tập trung vào Trung Quốc vì đây là nơi tôi ngay lập tức nhận thấy những vấn đề lớn nhất”.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về quyền riêng tư cũng đã lưu ý rằng cơ sở dữ liệu DNA có thể bị "lạm dụng tiềm năng để giám sát chính phủ, bao gồm xác định họ hàng và quan hệ không phải cha con, và nguy cơ sai sót của công lý".

Sophie Richardson, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Trung Quốc, cho biết: “Việc thu thập DNA hàng loạt của cảnh sát Trung Quốc mà không có các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư hiệu quả hoặc một hệ thống tư pháp độc lập là một cơn bão hoàn hảo cho các vụ lạm dụng. "Trung Quốc đang chuyển hệ thống độc tài toàn trị của mình lên cấp độ di truyền", cô nói.

Nghiên cứu Khoa học Trung Quốc vấp phải các tiêu chuẩn đạo đức

Nhưng trong khi việc “lạm dụng” các mẫu DNA không được đồng ý trong các tài liệu nghiên cứu chỉ mới xuất hiện gần đây, thì các “lỗi đạo đức” khác lại không được đề cập đến, chẳng hạn như sự thiếu minh bạch trong báo cáo về những người hiến tạng của Trung Quốc, ông Pitchford nói.

Theo một nghiên cứu năm 2019 được xuất bản bởi British Medical Journal, từ năm 2000 đến năm 2017, 99% các ấn phẩm liên quan đến cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc (435 ấn phẩm) không chứng minh được rằng người hiến tạng đã đồng ý hay không, trong khi 92,5% (412 ấn phẩm) không làm rõ liệu nội tạng được lấy từ các tử tù hay từ nguồn nào đó khác.

Theo NTDVN đưa tin trước đây, Thời báo New York Times cho biết, chính phủ Trung Quốc có kế hoạch nghiên cứu công nghệ "phác họa sinh lý DNA" (DNA phenotyping). Mặc dù nó vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, nó chỉ có thể được sử dụng để thu hẹp phạm vi tìm kiếm người hoặc loại bỏ một số nghi phạm. Nhưng có những lo ngại rằng các nhà chức trách đang sử dụng công nghệ này như một công cụ mới để đàn áp mạnh mẽ người Duy Ngô Nhĩ, và cuối cùng có thể sử dụng công nghệ này để tăng cơ sở dữ liệu cho hệ thống giám sát và nhận diện khuôn mặt của họ, cải thiện khả năng theo dõi những người bất đồng chính kiến ​​và người biểu tình.

Bài báo chỉ ra rằng hiện tại, các quan chức ở Tumxuk, Khu tự trị Tân Cương, đã thu thập hàng trăm mẫu máu của người Duy Ngô Nhĩ với lý do kiểm tra sức khỏe bắt buộc và ít nhất hai nhà khoa học Trung Quốc đã tham gia vào việc này. Một trong số họ là Đường Côn, chuyên gia về đa dạng di truyền ở người, từng phục vụ tại Viện Sinh học máy tính Thượng Hải, người còn lại là Lưu Phàm, nhà nghiên cứu về di truyền học tại Viện Gen Bắc Kinh, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, có liên quan đến Bộ Công an.

Tạp chí học thuật uy tín quốc tế Nature, tháng 4 vừa rồi đã đăng bài Gen di truyền học (Human Genetics), công bố một báo cáo nghiên cứu của hai nhà nghiên cứu trên về ảnh hưởng đối với hình dạng khuôn mặt của người Châu Âu và Châu Á. Ngoài ra, họ cũng có bài được xuất bản vào năm 2018 tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc công bố trên tạp chí ‘Di truyền’ (Hereditas) ở Bắc Kinh, báo cáo nghiên cứu liên quan tới khuôn mặt người Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên, cả tạp chí và Đường Côn đều tuyên bố các mẫu gen được sử dụng cho nghiên cứu này là không rõ nguồn gốc.

Theo báo cáo, cảnh sát chính quyền Trung Quốc đã cản trở các phóng viên của New York Times thực hiện các cuộc phỏng vấn và điều tra tại phòng thí nghiệm Tumxuk của Viện Nghiên cứu Khoa học Giám định Tư pháp, và thậm chí chặn họ tại sân bay để thẩm vấn. Các phóng viên sau đó bị chính phủ phái người tới theo dõi, và cuối cùng bị buộc phải xóa tất cả các ảnh và video ghi hình.

Trả lời về vấn đề này, Mark Munsterhjelm, trợ lý giáo sư Khoa tội phạm học tại Đại học Windsor, Canada, cho biết chính quyền Trung Quốc đang chế tạo ra "công nghệ dùng để săn người".

Nguyên Hương

 



BÀI CHỌN LỌC

Người Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ và Kazakhstan ở Trung Quốc bị cưỡng ép lấy mẫu nghiên cứu DNA