Tiền điện tháng 2 tăng gấp đôi, EVN Hà Nội giải thích gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vừa qua, nhiều người dân ở Hà Nội phản ánh tình trạng hóa đơn tiền điện của gia đình trong tháng 2 tăng đột biến so với bình thường (có nhiều trường hợp tăng gấp đôi).

Trong những ngày đầu tháng 3, nhiều hộ gia đình ở Hà Nội nhận được thông báo thanh toán hóa đơn tiền điện với mức trả tăng gần gấp đôi so với số tiền tháng trước đó.

Trước những thắc mắc của người dân, tối 3/3, đại diện Điện lực TP Hà Nội cho biết, đơn vị đã triển khai thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ điện về ngày cuối tháng cho hơn 2,8 triệu khách hàng sử dụng điện trên toàn Thủ đô, thay vì đầu tháng như trước đây. Vì thế số ngày tính tiền điện của đợt này tăng từ 30 ngày lên thành 57 ngày (số tiền điện khách hàng phải trả cho cả tháng 1 và tháng 2) nên hoá đơn tiền điện gần gấp đôi so với tháng trước.

Cũng theo đại diện EVNHANOI, việc thay đổi lịch ghi chỉ số điện không ảnh hưởng tới quyền lợi khách hàng. Quyền lợi của khách hàng luôn được đảm bảo do mức sử dụng điện sinh hoạt của từng bậc sẽ được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số công tơ trong tháng có thay đổi.

Cụ thể, với hóa đơn tiền điện của một hộ gia đình có số ghi công tơ từ ngày 6/1 đến ngày 29/2 được tính các bậc giá điện giãn rộng bậc 1 và 2 đến 89 kWh; bậc 3, 4 lên 177 kWh và bậc 5 là 63 kWh.

Tổng tiền điện hộ gia đình này sử dụng là 595 kWh/tháng 2/2024, trong đó có 363 kWh được tính theo số kWh thực tính, 232 kWh được tính giãn rộng; bậc 1, số kWh điện của hộ gia đình này 89 kWh, tương đương 50kWh và 39 kWh tính theo giá điện bậc 1, bậc 2 cũng tương tự và các bậc giá điện 3, 4 đều được tính theo cách giãn rộng kWh điện tiêu thụ thực tế.

Vậy, tổng số tiền điện hộ gia đình này phải trả trước VAT là 1,38 triệu đồng, sau thuế là gần 1,5 triệu đồng.

Theo lý giải của chuyên gia, việc tăng tiền điện trả thực trên hoá đơn điện tháng 2 không đồng nghĩa với việc tăng tiền điện sử dụng/bậc giá điện mà do cộng gộp số điện gần 2 tháng sử dụng với nhau khiến tiền điện tăng vọt. Các bậc giá điện từ 1-6 vẫn có giá tương tự, không đánh luỹ tiến người sử dụng.

Hiện nay, bậc 1 biểu giá điện sinh hoạt mới cho kWh 0-50 là 1.806 đồng/kWh (biểu giá cũ là 1.728 đồng/kWh).

Bậc 2 cho kWh 51-100 là 1.866 đồng/kWh (biểu giá cũ là 1.786 đồng/kWh).

Bậc 3 cho kWh 101-200 là 2.167 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.074 đồng/kWh).

Bậc 4 cho kWh 201-300 là 2.729 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.612 đồng/kWh).

Bậc 5 cho kWh 301-400 đồng/kWh là 3.050 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.919 đồng/kWh).

Bậc 6 cho kWh 401 trở lên là 3.151 đồng/kWh (biểu giá cũ là 3.015 đồng/kWh).

Từ năm ngoái, điện lực nhiều địa phương, như TP HCM, Quảng Bình, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hưng Yên... đã đổi lịch ghi chỉ số công tơ về cuối tháng. Do cộng dồn ngày nên tình trạng hóa đơn tiền điện tăng vọt tại tháng đầu thay đổi lịch này cũng xảy ra tại nhiều nơi.

Tại TP. HCM, việc đổi lịch ghi chỉ số được Tổng công ty Điện lực TP. HCM (EVNHCM) thực hiện vào tháng 8/2023. Thời điểm đó, EVNHCM cũng lý giải về cách tính, khẳng định đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Tuy vậy, đại diện đơn vị này thừa nhận việc thay đổi gây ra nhiều bất tiện và gửi lời xin lỗi đến khách hàng.

Theo lộ trình của EVN, đến năm 2025, điện lực các địa phương sẽ hoàn thành
việc đổi ngày ghi chỉ số điện vào cuối tháng, khi quá trình "phủ" công tơ điện tử, đo đếm từ xa hoàn tất.

Việt Nam Xã hội

Tiền điện tháng 2 tăng gấp đôi, EVN Hà Nội giải thích gì?