TP. HCM: Đề xuất nuôi chó, mèo phải đăng ký, khuyến khích gắn chip

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đề xuất về quy định tạm thời việc quản lý nuôi chó, mèo tại thành phố, nhằm đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe người dân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. HCM đang xây dựng và trình nhà chức trách thành phố đề xuất định hướng trong quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo.

Cụ thể, theo dự thảo nội dung chính được trình, chủ vật nuôi phải đăng ký việc nuôi chó, mèo với cấp, xã. Khuyến khích các hộ nuôi gắn microchip (chip điện tử hay một phần mềm mạch vi xử lý) trên chó, mèo nhằm quản lý thông tin ở mức độ cá thể (phối giống, tiêm phòng, kiểm dịch vận chuyển...).

Ngoài ra, người dân nuôi chó, mèo phải kê khai định kỳ 2 lần/năm; kê khai đột xuất trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhập về nuôi mới, hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Mặt khác chủ vật nuôi phải theo dõi sức khỏe vật nuôi thường xuyên. Khi chó, mèo có biểu hiện bất thường nghi bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải cách ly, theo dõi và báo ngay cơ quan thú y hoặc địa phương để được hỗ trợ, xử lý theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nêu, thực tế nhiều trường hợp chó gây ồn ào, ô nhiễm môi trường, vệ sinh nơi công cộng, chó tấn công người, chó chạy ra đường gây tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, chó nuôi cũng là nguồn lây lan nhiều dịch bệnh từ động vật sang người, trong đó có bệnh dại.

Ngoài ra, thời gian qua phát sinh nhiều trường hợp hộ dân nuôi chó với số lượng lớn, gây mùi hôi, tiếng ồn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của các hộ dân sinh sống xung quanh.

Còn về tiếng ồn, chủ vật nuôi áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo tiếng ồn do hoạt động nuôi chó không được vượt quá 70 dBA (từ 6 - 21 giờ) và 55 dBA (21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau).

Theo số liệu của ngành y tế hằng năm tại TP. HCM, số lượng người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng rất lớn, gây thiệt hại kinh tế do tốn chi phí tiêm phòng, điều trị dự phòng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia quy mô nuôi theo 3 mức: nuôi nhỏ (dưới 10 con chó hoặc dưới 20 con mèo); nuôi vừa (từ 10 – 50 con chó hoặc nuôi từ 20 – 100 con mèo) và nuôi lớn (từ 50 con chó hoặc từ 100 con mèo trở lên). Trong trường hợp hộ dân vừa nuôi chó và mèo thì tính 1 con chó tương đương với 2 con mèo.

Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất hạn chế nuôi các giống chó to con, bản tính hung dữ như chó Pit Bull (Mỹ), chó Perro de Presa Canarios (Tây Ban Nha), chó săn Dogo Argentinos (Argentina), chó Tosa (Nhật Bản) và chó Fila Brasileiros (Brazil).

Tiêm phòng bắt buộc, ra nơi công cộng phải rọ mõm, có người dắt

Chủ nuôi phải thực hiện tiêm phòng bắt buộc đối với bệnh dại của chó, mèo theo quy định để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh cho con người, chó và các vật khác. Chủ vật nuôi chấp hành các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Đáng chú ý, chủ vật nuôi không được thả rông chó nơi công cộng, không để chó tấn công người, chó và các vật nuôi khác. Khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ vật nuôi bảo đảm an toàn cho người xung quanh. Chó phải được xích giữ, đeo rọ mõm và có người dắt.

Ngoài ra chủ vật nuôi phải đăng ký và cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi và áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định hiện hành.

Đồng thời, khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ vật nuôi phải mang đủ dụng cụ đựng chất thải và dọn dẹp chất thải do chó thải ra nơi công cộng. Có biện pháp giữ gìn vệ sinh, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Tất cả các chất thải phân đều được xử lý hợp vệ sinh.

Chuồng phải giữ sạch sẽ để tạo sự thoải mái cho chó và để kiểm soát dịch bệnh. Phân phải được loại bỏ thường xuyên để giảm mùi hôi.

Chuồng nuôi chó dữ phải đảm bảo không để mọi người tiếp cận chó dữ, có bảng cảnh báo chó dữ. Chuồng nuôi cũng cần chỗ ngủ phù hợp với điều kiện thời tiết, diện tích sàn tối thiểu 10m²/con, chiều cao chiều rộng tối thiểu 1,8m.

Tường sàn mái và cổng chuồng phải tuân theo các quy định chi tiết.

Về đối xử nhân đạo khi nuôi chó, mèo, cơ quan soạn thảo đề xuất chủ vật nuôi cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; không đánh đập, hành hạ vật nuôi. Việc nuôi nhốt chăm sóc, triển lãm, kinh doanh chó phải đảm bảo diện tích tối thiểu (chiều cao, diện tích sàn). Không được cột dây đối với mèo.

Tổng đàn chó cả Việt Nam khoảng 10,3 triệu con, tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn.

Hiện TP. HCM có hơn 184.000 con chó, mèo được nuôi tại hơn 105.000 hộ, khoảng 34% nuôi ở khu vực 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ). Về phân loại, chó lai chiếm 15,8% tổng đàn, chó ngoại chiếm 14%, còn lại là chó ta.

Thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. HCM, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận khoảng 10.000 người tiêm vaccine phòng dại do súc vật cắn mỗi tháng, tăng gần 1.000 người so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam Xã hội

TP. HCM: Đề xuất nuôi chó, mèo phải đăng ký, khuyến khích gắn chip