Trung Quốc: Cát Lâm hỗ trợ người dân khoản vay lên đến 200.000 NDT nhằm khuyến khích sinh con

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đối mặt với mức sinh thấp kỷ lục, chính quyền các nơi ở Trung Quốc liên tục đưa ra những chính sách mới nhằm khuyến khích kết hôn và sinh con. Gần đây, chính quyền tỉnh Cát Lâm đã đưa ra chính sách mới, cung cấp khoản vay phục vụ chi phí kết hôn và sinh sản lên đến 200.000 nhân dân tệ (khoảng 716 triệu VNĐ) cho các cặp vợ chồng đăng ký kết hôn. Ngay lập tức thông tin này lọt vào top tìm kiếm nóng trên Weibo.

Gần đây, chính quyền tỉnh Cát Lâm đã đưa ra thông báo về "Kế hoạch Thực hiện Tối ưu hóa Chính sách Sinh sản nhằm Thúc đẩy Phát triển Dân số Cân bằng và Dài hạn".

Một trong những điều khoản của kế hoạch này là chính sách "hỗ trợ tín dụng kết hôn và sinh sản". Trong đó chính quyền sẽ hỗ trợ các ngân hàng cung cấp khoản vay phục vụ chi phí kết hôn và sinh sản lên đến 200.000 nhân dân tệ cho các cặp vợ chồng đăng ký kết hôn. Đồng thời, cung cấp các mức ưu đãi giảm lãi suất khác nhau dựa theo lần sinh con thứ nhất, thứ hai, thứ ba.

Theo chính sách, thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nữ tăng lên 180 ngày và thời gian nghỉ điều dưỡng của người chồng được tăng lên 25 ngày so với trước đó là 15 ngày.

Theo chính sách này, các cặp vợ chồng sinh hai hoặc ba con thành lập doanh nghiệp nhỏ, có thu nhập hàng tháng dưới 150.000 nhân dân tệ sẽ được miễn thuế VAT.

Phương thức cho vay cá nhân này được sử dụng để hưởng ứng chính sách khuyến khích sinh con của chính quyền tỉnh Cát Lâm. Ngay lập tức thông tin này lọt vào top tìm kiếm nóng trên Weibo. Tuy nhiên, không ít cư dân mạng mỉa mai rằng:

“Vừa trả nợ vừa nuôi con sao? Nghĩ mà chua xót".

"Nếu không trả khoản vay này, thì đứa bé có bị tòa tịch thu không?"

Điều đáng nói là, xu hướng già hóa ở tỉnh Cát Lâm rất nghiêm trọng. Theo định nghĩa chung, nếu dân số từ 60 tuổi trở lên trong xã hội chiếm trên 20% tổng số dân, thì nước đó đã bước vào xã hội già hóa. Theo điều tra dân số lần thứ 7 của chính quyền Trung Quốc, tỷ trọng dân số từ 60 tuổi trở lên ở tỉnh Cát Lâm là 23,06%.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Lao động và Nguồn lực thuộc Đại học Kinh tế Tài chính Trung ương công bố tháng 12/2020, từ năm 1985 đến 2018, độ tuổi trung bình ở Trung Quốc đã tăng từ 32,2 lên 38,4. Trong đó 3 tỉnh có độ tuổi trung bình cao nhất là Hắc Long Giang, Liêu Ninh và Cát Lâm. "Công nhân" của Hắc Long Giang có độ tuổi trung bình thậm chí hơn 40 tuổi. Liêu Ninh và Cát Lâm đều trên 39,7 tuổi.

Theo điều tra dân số lần thứ 7 của Trung Quốc, tổng dân số của tỉnh Cát Lâm là 24.073.453 người, giảm 3.379.362 người so với điều tra dân số toàn quốc lần thứ sáu năm 2010, giảm 12,31% trong 10 năm.

Theo China Business News đưa tin, năm 2019, tỷ lệ sinh của tỉnh Hắc Long Giang thấp nhất ở Trung Quốc, tỉnh Cát Lâm đứng thứ hai và tỉnh Liêu Ninh đứng thứ ba.

Năm 2020, tỷ lệ sinh trung bình ở Trung Quốc là 1,3 trẻ/phụ nữ, trong khi mức quy chuẩn chung tối thiểu của quốc tế là 1,5.

Để cứu vãn các vấn đề như tỷ lệ sinh giảm mạnh, dân số già hóa của Trung Quốc, chính quyền đã liên tiếp điều chỉnh chính sách sinh đẻ trong những năm gần đây. Từ "chính sách một con" bắt buộc vào cuối những năm 1970, đến việc từng bước thực hiện "chính sách hai con" ở nhiều nơi vào giữa những năm 1980, tự do hóa hoàn toàn "chính sách hai con" vào tháng 1/2016; đến chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh 3 con vào năm nay.

Tuy nhiên, theo giới truyền thông Đại lục đưa tin, mức sinh thực tế của Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với mức sinh dự kiến. Có nhà phân tích cho rằng một trong những lý do quan trọng nhất khiến Trung Quốc liên tiếp giảm tỷ lệ sinh là do chi phí nhà ở và chi phí giáo dục quá cao, khiến các cặp vợ chồng không sẵn sàng sinh con. Có nhiều cư dân mạng nói rằng: "Tôi thậm chí còn không muốn kết hôn thì mở cửa chính sách sinh ba con có ý nghĩa gì?”.

Minh Anh

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Cát Lâm hỗ trợ người dân khoản vay lên đến 200.000 NDT nhằm khuyến khích sinh con