Từ 1/7/2024: Tiền lương giáo dục, y tế sẽ tăng cao hơn mặt bằng chung

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tiền lương của người làm ngành giáo dục, y tế sẽ tăng khoảng 30% từ ngày 1/7 để dần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Từ ngày 1/7 tới, sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27. Theo đó, dự kiến, tiền lương bình quân chung của các công nhân viên sẽ tăng khoảng 30%, là mức tăng đáng kể so với con số tăng bình quân mỗi năm 7% khi chưa thực hiện cải cách tiền lương.

Một điểm đáng chú ý khi thực hiện cải cách tiền lương đó là lương người làm ngành giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung. Đồng thời, sẽ xem xét bảo lưu mức lương và thu nhập ở đơn vị đặc thù.

Trong đó, hệ thống bảng lương gồm lương cơ bản chiếm 70% và phụ cấp 30% tổng quỹ lương, Bộ Nội vụ cũng đề xuất có thêm 10% quỹ lương cơ bản để dành cho khen thưởng.

Hiện nay lương khu vực doanh nghiệp chia làm 4 vùng: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp hiện nay là hơn 3,9 triệu đồng.

Tiếp tục tăng lương thêm 7%/năm từ 2025

Một điểm đáng chú ý nữa là từ năm 2025, mức lương trong các bảng lương được tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm.

Việc tăng lương thêm 7% để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP và được thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 của khu vực doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để có nguồn thực hiện tăng tiền lương bền vững, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ thời gian tới, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung để tạo nguồn lực tài chính bền vững.

Vì vậy, việc thu ngân sách như thế nào, tiết kiệm chi ra sao để đảm bảo có nguồn cho tiền lương sau giai đoạn 2024 - 2026 là vấn đề cần phải quan tâm.

Việt Nam Xã hội

Từ 1/7/2024: Tiền lương giáo dục, y tế sẽ tăng cao hơn mặt bằng chung