Tăng nhân và bà lão không biết chữ lại triển hiện tài làm thơ kinh ngạc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một tăng nhân xấu xí ngày ngày chỉ nhất tâm niệm Phật, và một bà lão không biết chữ, tại sao họ không những biết làm thơ, mà còn khiến các danh sĩ kinh ngạc thán phục.

Tăng nhân Lượng Chu làm thơ hoa mai, cô độc cao vợi, không nhiễm bụi trần. Có lẽ, chỉ có người xuất gia vân du thiên hạ, nhiều năm hành tẩu trong gió sương mưa tuyết, tâm cảnh cao khiết, nội tại đạm nhiên thanh nhã, mới có thể thể hội được cốt cách của hoa mai: không sợ sương tuyết, kiên định cô độc giữ chắc gốc rễ. Tính cách tăng nhân cao khiết, trong hồng trần cuồn cuộn vẫn như hoa mai, khó tìm tri kỷ. (Fotolia)

Vào thời nhà Thanh, một nhóm danh sĩ Giang Nam gặp nhau tại một ngôi chùa để làm thơ về hoa mai. Có vị tăng nhân vẻ ngoài thô kệch cũng tham dự, bài thơ của ông làm ra, các danh sĩ nghe thơ xong đều cúi đầu ủ rũ, tự gác bút nghiên. Một bà lão không biết chữ, chỉ nhờ nghe học lỏm người ta ngâm thơ xướng họa, lâu dần mà tự thông linh hiểu được. Tăng nhân và bà lão, một người niệm đặt cõi xa, một người tâm trong thế tục, nhưng đều triển hiện tài thơ khác nhau.

Học giả Thanh triều Tiền Vịnh từng nói: “Tăng nhân, Đạo sĩ làm thơ là dễ nhất, tại sao vậy? Bởi vì họ ở nơi cảnh giới thanh nhàn, học làm thơ cũng rất dễ dàng. Nhưng cũng có chỗ khó, là tại sao? Bởi người xuất gia cạo đầu từ tấm bé, chỉ đọc kinh thư, ai có thể thuộc tất cả kinh sử tử tập

Trong tác phẩm “Lý viên tùng thoại” của Tiền Vịnh có ghi rằng, am Thanh Loa có một vị tăng nhân, tên là Lượng Chu. Nói tướng mạo người này thì “Mạo thậm ác tục” (Dung mạo rất xấu xí, thô lậu), làm người ta chẳng dám đến gần. Chu Lượng là người xuất gia, thường ngày chỉ nhất tâm niệm Phật.

Tăng nhân dung mạo xấu xí, thơ hay khiến các danh sĩ kinh ngạc

Ngày nọ, nhóm danh sĩ Giang Nam tụ tập ở am Thanh Loa, mở một hội thơ phú, làm thơ về hoa mai. Mỗi người mỗi vẻ tài hoa phong cách. Do Lượng Chu tướng mạo xấu xí, mọi người đều có chút ghét, chẳng để ý đến ông. Bỗng nhiên Lượng Chu cũng tới góp vui, muốn cùng ngâm vịnh một phen, nhờ mọi người xếp cho một âm vận, xong xuôi Lượng Chu ngâm vịnh rằng:

“Kỷ bị sương xâm dữ tuyết xâm, cô căn lưu đắc đáo nhi kim.

Thùy ư lãnh xứ đắc thanh nhãn, chỉ hợp không sơn bão tố tâm.

Mao ốc phong cao môn chính yểm, bản kiều đống chiết lộ nan tầm.

Lăng lăng mạc vị vô tương thức, tằng hữu hà lang vi thưởng âm.”

Tạm dịch:

Mấy độ tuyết rơi sương bao phủ,
Lẻ loi bám rễ đến ngày nay.
Ở nơi giá lạnh ai yêu dấu,
Núi vắng thanh tịnh giữ lòng ngay.
Lều cỏ gió cao cửa chính đóng,
Cầu lạnh nứt gãy đường khó thay.
Đừng nói mơ hồ không quen biết,
Đã có ai đây thích âm này.

Các danh sĩ nghe bài thơ xong, tất cả cúi đầu ủ rũ mà gác bút.

Các danh sĩ nghe bài thơ xong, tất cả cúi đầu ủ rũ mà gác bút. (Tranh NTDVN)

Tại am Thanh Loa, tăng nhân Lượng Chu làm thơ hoa Mai, từng câu cô độc cao vợi, không nhiễm bụi trần. Có lẽ, chỉ có người xuất gia vân du thiên hạ, nhiều năm hành tẩu trong gió sương mưa tuyết, tâm cảnh cao khiết, nội tại đạm nhiên thanh nhã, mới có thể thể hội được cốt cách của hoa mai: không sợ sương tuyết, kiên định cô độc giữ chắc gốc rễ. Tính cách tăng nhân cao khiết, trong hồng trần cuồn cuộn vẫn như hoa Mai, khó tìm tri kỷ tri âm.

Phong vận thơ của tăng nhân thấm đẫm khổ lạc của tu hành, thân tại hồng trần mà tâm cảnh thoát tục, có thú vui riêng.

Nếu một bà lão sống trong thế tục, lại không biết chữ, thì phong cách thơ văn của bà sẽ như thế nào?

Bà lão nghe lỏm học thơ

Tiền Vịnh nói, nhà họ Tưởng ở Tô Châu có một bà lão là người hầu, nguyên không biết chữ. Hai anh em Tưởng Dung Trai và Tưởng Tân Trai đều là thư sinh, chăm chỉ đèn sách. Mỗi khi họ ngâm thơ xướng họa, bà lão đứng ngoài cửa nghe lỏm, với những câu thơ đơn giản ngắn gọn, bà ghi nhớ học thuộc. Cứ như vậy mà học tập không ngừng, lâu dần tự nhiên không thầy dạy mà tự thông thơ phú, thông hiểu âm vận, làm được thơ.

Ví dụ, bà lã làm bài thơ “Trung thu vô nguyệt”(Trung thu không trăng), thơ viết:

“Tối phạ trung thu phong vũ lai, nhân gia trữ nguyệt thượng bồi hồi.

Thất linh tiểu thư si ham thậm, bái chúc thiên môn lưỡng phiến khai.”

Tạm dịch:

Sợ nhất Trung thu mưa gió thôi,
Người ta ngóng dạ bồi hồi.
Tiểu thư bảy tuổi ngây thơ quá,
Bái khấn Ngọc Hoàng mở cửa trời

Trong thơ, bà nhắc điển cố về một nữ thi sĩ bảy tuổi thời nhà Đường, thật tinh tế tao nhã.

Sau này, Tưởng Tân Trai do lo buồn thành bệnh, suốt ngày nằm trên giường không dậy. Một ngày, nằm mãi thấy vô vị, biết bà lão có thể làm thơ, bèn gọi bà vào thử xem tài thơ ra sao.

Vừa vặn có hai quả Phật thủ để trên bàn cạnh giường. Tưởng Tân Trai chỉ vào quả đó ra đề. Bà lão liền lấy giọng ngâm vịnh:

“Thập chỉ quyền quyền bất khẳng khai, chưởng trung định phụng thốn châu lai.

Hà duyên đắc cận thi nhân tháp, hương khí hoàn nghi vấn lạp mai.”

Tạm dịch:

Mười ngón tay nắm chẳng muốn rời
Bàn tay nắm giữ sợ châu rơi
Duyên gì được đến bên thi sĩ
Hương thơm phải hỏi Lạp Mai thôi

Câu cuối có từ “Lạp Mai”, là tên của một tì nữ của Tưởng phủ, lúc ấy đang đứng hầu ở bên, bà lão nhân đó mà đùa vui Lạp Mai.

Tưởng Tân Trai kinh ngạc, một bà lão không biết chữ, tự học mà thông, liền ban thưởng hậu. Ông cười mà nói với Dung Trai: “Bà lão này có thể sánh ngang với tì nữ của Trịnh Khang Thành đó.” Từ ấy về sau, mọi người trong Tưởng phủ đều kính trọng bà, gọi bà là “Tố thi A Nương” (A Nương làm thơ.)

Chú thích: Trịnh Huyền, tự Thành Văn, người Đông Hán, cả đời học và dạy học không ngơi nghỉ. Tì nữ nhà ông cũng được Trịnh Huyền giáo hóa, đều có thể đọc sách làm thơ.

Thái Bình
Theo Tống Bảo Lam - Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Tăng nhân và bà lão không biết chữ lại triển hiện tài làm thơ kinh ngạc