Vì sao sản xuất ở Việt Nam không cách nào cạnh tranh với Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc thừa nhận sản xuất ở Trung Quốc bị suy giảm và xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi đất nước này đã và vẫn đang diễn ra. Dù vậy, Việt Nam hay bất cứ nền kinh tế nào trong khu vực đều chưa thể cạnh tranh với Trung Quốc để trở thành điểm đến của dòng FDI đổ vào sản xuất.

Do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chính sách 'zero Covid' tiếp tục được Trung Quốc theo đuổi, cùng với việc xung đột địa chính trị của chính quyền Bắc Kinh với phần còn lại của thế giới leo thang, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang dần dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng của dòng vốn này nhờ lợi thế vị trí địa lý và sự tương đồng về chính trị, xã hội.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Trung Quốc khẳng định rằng Việt Nam hay bất kỳ một quốc gia Đông Nam Á nào khác đều chưa có ‘cửa’ cạnh tranh với Trung Quốc về sản xuất. Dòng vốn ngoại không dễ dàng tìm tới Việt Nam vì nhiều hạn chế về quy mô thị trường nội địa, trình độ lao động, năng suất cũng như các điều kiện ngày một bất lợi khác như tiền lương gia tăng nhanh hơn năng suất, giá đất tăng phi mã…

Theo các chuyên gia kinh tế Trung Quốc, không chỉ Việt Nam, không có bất kỳ nền kinh tế nào ở Đông Nam Á hay Ấn Độ có thể thay thế Trung Quốc để trở thành trung tâm sản xuất của thế giới trong tương lai gần vì các nước này chủ yếu tham gia vào lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động với giá trị gia tăng thấp, theo một số người hoạt động trong lĩnh vực thương mại nước ngoài nói với Caixin. Các nước này cũng phải đối mặt với các vấn đề như dây chuyền công nghiệp chưa hoàn thiện và hiệu quả lao động thấp, ở các mức độ khác nhau, các chuyên gia cho biết.

Lợi thế tuyệt đối: Thị trường nội địa Trung Quốc rộng lớn

Ông He Xiaoqing, chủ tịch công ty tư vấn Kearney Greater China, cho biết rằng, đối với các công ty nước ngoài, Trung Quốc không chỉ là cơ sở sản xuất mà còn là một thị trường rộng lớn. Vào năm 2020, các công ty toàn cầu tại Trung Quốc có doanh thu nội địa đạt 1,4 nghìn tỷ USD, nhiều hơn nhiều so với doanh thu từ xuất khẩu của họ là 900 tỷ USD, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường nội địa của Trung Quốc, ông He nói.

sản xuất ở Việt Nam không cách nào cạnh tranh với Trung Quốc
Các nhân viên sản xuất vi mạch tại một nhà máy của Công ty bán dẫn Jiejie ở Nam Thông, thuộc tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, hôm 17/03/2021. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Trong khi đó, quy mô dân số Việt Nam chỉ bằng 1/14 quy mô dân số của Trung Quốc. Thu nhập bình quân đầu của Việt Nam hiện bằng khoảng 1/3 người Trung Quốc; sức tiêu dùng bởi vậy sẽ yếu hơn.

Thực tế, thị trường nội địa chiếm tới 1/5 dân số toàn cầu đã và luôn là lợi thế tuyệt đối của nền kinh tế Trung Quốc trong việc đón dòng vốn FDI đổ vào sản xuất, thương mại. Trung Quốc luôn sử dụng sức hấp dẫn của thị trường nội địa 1,4 tỷ dân để buộc các doanh nghiệp FDI phải chuyển giao công nghệ bắt buộc khi muốn đặt cơ sở sản xuất tại đất nước này. Mỹ và EU cáo buộc đây là hành vi "chuyển giao công nghệ cưỡng bức".

Các nhà máy rời Trung Quốc tới Việt Nam

Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ ​​việc các nhà máy rời Trung Quốc. Quốc gia này cho phép các nhà sản xuất tiếp cận với khối thương mại tự do 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các hiệp định thương mại ưu đãi với các nước khắp châu Á và EU cũng như Mỹ.

Trong năm tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước lên 153,29 tỷ USD, so với mức doanh thu ở mức cao trong nửa đầu năm 2021.

Dòng chảy FDI thất thoát từ Trung Quốc sang Đông Nam Á chủ yếu tập trung vào hàng dệt may, đồ nội thất và lắp ráp thiết bị điện tử tiêu dùng cấp thấp. Từ quý 4 năm 2021 đến quý 1 năm 2022, khoảng 5% đơn hàng hàng dệt may của Trung Quốc, 7% đơn hàng gia dụng và 2% đơn hàng cơ khí và điện đã chuyển đến các nước ASEAN, theo dữ liệu nhập khẩu của Mỹ.

sản xuất ở Việt Nam không cách nào cạnh tranh với Trung Quốc
Tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước rất thấp, gần đây gia tăng nhờ thương chiến Mỹ - Trung, có một phần trong đó là gian lận xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc để giúp hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu trốn thuế. (Giá trị hàng hóa xuất khẩu, Tỷ USD, Xanh nhạt: DN FDI, Xanh trời: DN trong nước, nguồn: The Economist)

Trong số 200 nhà cung cấp hàng đầu của Apple, số lượng công ty đặt nhà máy tại Việt Nam, bao gồm 7 công ty Trung Quốc đại lục, đã tăng từ 17 vào năm 2018 lên 23 vào năm 2020, theo Everbright Securities.

Việt Nam chỉ thu hút được phân khúc lắp ráp cấp thấp nhất

Cho đến nay, các nhà máy điện tử của Việt Nam vẫn chủ yếu lắp ráp cấp thấp. Ví dụ: Tại Việt Nam, công ty con của Lixun Precision, nhà sản xuất iPhone và AirPods của Apple, chủ yếu sản xuất các đầu nối và thiết bị ngoại vi máy tính. Công ty Lens Technology của Trung Quốc sản xuất kính iPhone tại nhà máy ở Việt Nam.

Ông Zhang tới từ công ty Transfar nói với Caixin Global rằng mặc dù nhiều đơn đặt hàng hiện đã được chuyển đến Việt Nam nhưng hơn một nửa trong số được đặt hàng từ Trung Quốc. Các khách hàng Mỹ thực sự vẫn làm ăn với các công ty Trung Quốc ngoại trừ việc hàng hóa được vận chuyển từ Việt Nam, ông nói. Nhận định này ông Zhang ám chỉ rằng Việt Nam chỉ là nơi nhận gia công một công đoạn, phân khúc sản xuất thấp nhất trong mắt xích khối công nghiệp khổng lồ mà Trung Quốc đang điều tiết, vận hành mà thôi.

Trang Caixin Global, dựa trên phân tích của các chuyên gia kinh tế Trung Quốc, cũng chỉ ra rất nhiều lý do khiến sản xuất ở Việt Nam không thể hấp dẫn bằng Trung Quốc.

Chi phí vận tải biển từ Việt Nam cao hơn nhiều Trung Quốc

Ông Zhang cho biết chi phí vận chuyển từ Việt Nam và Indonesia đến Mỹ cao hơn nhiều so với từ Trung Quốc vì những nước này có ít tàu vận chuyển trực tiếp hơn và thời gian vận chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Los Angeles dài hơn khoảng một tuần so với từ Thượng Hải.

Thông thường, phí vận chuyển từ cảng Việt Nam cao hơn 300 USD/container so với từ cảng ở Trung Quốc. Trong vài tháng đầu năm nay, phần chênh lệch giá đã tăng lên 3.000 USD/container.

sản xuất ở Việt Nam không cách nào cạnh tranh với Trung Quốc
Việt Nam tăng thêm 8 bến cảng mới nhưng công suất nhỏ, thiếu vắng các cảng biển nước sâu để cải thiện năng lực vận tải hàng hóa quốc tế qua đường biển. (Ảnh: biendaohaiphong.gov.vn)

Ông Deng Shengpeng, có công ty sản xuất các bộ phận phần cứng đồ nội thất ở An Cát, tỉnh Chiết Giang, đã mở một nhà máy ở Việt Nam vào năm 2018. Chi phí vận chuyển tăng vọt trong năm nay khiến nhà máy này khó có đơn đặt hàng mới.

Nhận định này hoàn toàn chính xác. Việt Nam mãi chậm chạp trong việc xây dựng cảng nước sâu, nơi có thể cập cảng hệ thống tầu mẹ. Hàng hóa từ Việt Nam vận tải sang Mỹ trên đường biển phải chất lên các tầu con và đưa sang Singapore, nơi hàng hóa từ hàng chục tầu con có thể chất lên tầu mẹ tại các cảng biến nước sâu ở đây. Điều này khiến chi phí vận tải, thời gian vận tải tăng cao.

Việt Nam có tất cả các điều kiện địa lý hoàn hảo cho việc phát triển cảng biển nước sâu, trở thành trung tâm vận tải của khu vực và thế giới. Đáng tiếc, các yếu kém về thể chế đầu tư, các quyết tâm chính trị của chính quyền trong việc này, hoặc đơn giản là một tầm nhìn chiến lược yếu kém đã khiến Việt Nam tụt hậu rất xa so với Trung Quốc, Singapore cũng như nhiều nền kinh tế khác trong khu vực về vận tải, hậu cần.

Lợi thế về chi phí đất đai và lao động đang giảm dần

Năng lực xuất khẩu của toàn khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, đang quá tải và không còn nhiều dư địa để xử lý thêm đơn hàng trong ngắn hạn, ông Zhang nói. Trong trung và dài hạn, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam trong ba năm qua đã đạt đến điểm giới hạn, với lợi thế về đất đai và chi phí lao động ngày càng suy giảm, ông nói.

Chi phí lao động ở Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, nhưng lợi thế về chi phí đất đai đang giảm dần. Công nhân ở nhà máy An Cát của ông Deng được trả khoảng 7.000 nhân dân tệ (1.046 USD) một tháng và làm việc 10 giờ một ngày, trong khi những công nhân ở Việt Nam kiếm được 2.500–3.000 nhân dân tệ một tháng và làm việc 8 giờ một ngày.

Như vậy, mức lương của mỗi lao động người Trung Quốc cao gấp hai lần lao động Việt Nam. Vấn đề ở chỗ, năng suất lao động của công nhân Trung Quốc cao hơn 4 lần so với Việt Nam. Ngoài ra, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đang giảm dần, ngày một tụt hậu về năng suất lao động so với Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực.

Theo một báo cáo của Đại học kinh tế quốc dân, công bố vào tháng 3/2021, trong giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam là 5,1%, cao hơn mức trung bình của ASEAN, chỉ đứng sau Campuchia. Nhưng nếu so sánh thì mức tăng này vẫn thấp hơn Trung Quốc là 7% và Ấn Độ là 6%.

Mức tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam vẫn chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác gia. Cụ thể, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn 26 lần so với Singapore, 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Tung Quốc, 2 lần so với Philippines, 3 lần so với Thái Lan, theo Thanh Niên.

Ông Deng cũng chứng kiến ​​giá đất ở Việt Nam tăng đột biến trong những năm gần đây. Trước năm 2018, một mét vuông đất có giá 20 - 30 USD. Giờ đây, giá là 160 USD một mét vuông, ông nói. Giá đất đã tăng gấp 5 - 6 lần chỉ trong 5 năm.

Sản xuất tại Việt Nam phụ thuộc đầu vào từ Trung Quốc

Không chỉ các nhà máy của các công ty Trung Quốc tại Việt Nam phụ thuộc vào nguyên liệu thô và các bộ phận nhập từ Trung Quốc. Thực tế, sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, phụ thuộc rất nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong 6 tháng đầu năm, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam lên tới trên 61,3 tỷ USD; chủ yếu là nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất. Tình trạng nền sản xuất Việt Nam phụ thuộc đầu vào từ Bắc Kinh đã kéo dài nhiều thập kỷ nay; mức độ phụ thuộc ngày càng tăng khi Việt Nam không thể phát triển tốt ngành công nghiệp phụ trợ của mình. Một phần là do năng suất thấp khiến sản xuất nguyên vật liệu, phụ liệu đầu vào trong nước không cách nào cạnh tranh với các nhà máy ở Trung Quốc.

Bởi vậy, việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn do phong tỏa đại dịch vào đầu năm nay đã ảnh hưởng đến sản xuất ở Việt Nam. Như vậy, việc chuyển hướng sản xuất sang Việt Nam không giúp ích nhiều cho các doanh nghiệp FDI trong việc giảm thiểu rủi ro từ đứt gãy chuỗi cung ứng, điều đã xảy ra ở Trung Quốc.

Ông Yang Zhongwei là giám đốc sản xuất trong một công ty con của nhà sản xuất linh kiện bộ định tuyến Trung Quốc tại Việt Nam cho biết nhà máy của ông cần nhập toàn bộ nguyên liệu từ Trung Quốc, thường mất một tuần mới có hàng. Trong hai tháng qua, nguyên liệu từ Tô Châu và Côn Sơn đã bị trì hoãn hơn một tháng, khiến khách hàng đe dọa hủy đơn đặt hàng, ông Yang nói với Caixin Global.

Công ty của ông Yang đang xem xét chuyển sang tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam. Điều này không dễ dàng vì Việt Nam có nền công nghiệp yếu và chi phí cao hơn. Ví dụ, băng carbon trên máy in có giá khoảng 21 nhân dân tệ mỗi cuộn, gấp ba lần giá của loại băng Trung Quốc bán trên Taobao của Alibaba, ông Yang nói.

Việt Nam chưa thể cạnh tranh được với Trung Quốc

"Trung Quốc là quá to lớn và quá tiên tiến để bị bỏ ngoài trong chiến lược châu Á", theo ông Matthijs van den Broek, tới từ Hiệp hội Kinh doanh Hà Lan tại Việt Nam (DBAV). "Việt Nam chưa thể sánh được với Trung Quốc về các mặt như trình độ giáo dục, lao động có kỹ năng và cơ sở hạ tầng, cũng như hậu cần".

Theo ông van den Broek, chưa thể nói gì về khả năng Việt Nam thay thế Trung Quốc, nhưng Việt Nam có thể là một điểm đến đầu tư bổ sung cho Trung Quốc.

Theo ông Raphael Mok, người đứng đầu đơn vị Rủi ro Quốc gia Châu Á tại Fitch Solution, việc chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ phụ thuộc vào lĩnh vực hoạt động. Về mặt lâu dài, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất với giá trị gia tăng cao, như chế tạo máy tiên tiến và các thiết bị thông minh, sẽ vẫn coi Trung Quốc là trung tâm sản xuất vì chuỗi cung ứng sẵn có của nước này.

Bảo Nguyên - Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao sản xuất ở Việt Nam không cách nào cạnh tranh với Trung Quốc?