Ca nhiễm và ca tử vong liên tục tăng cao, Bình Dương đề nghị hỗ trợ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Số ca nhiễm COVID-19 ở Bình Dương tăng nhanh hơn dự báo; có nhiều F0 diễn biến nặng và tử vong, Bình Dương đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị, thành lập bệnh viện hồi sức cấp cứu.

Bình Dương hiện đã trở thành vùng dịch lớn thứ hai cả nước (sau TP. HCM) khi ca nhiễm gần 32.000. Hai ngày liên tiếp (8,9/8), số ca dương tính ghi nhận lần lượt 3.210 và 2.887. Theo số liệu của Bộ y tế thông báo sáng nay (10/8), tỉnh Bình Dương ghi nhận 1.325 ca, nâng tổng số ca mắc tính từ đợt dịch thứ 4 trên địa bàn tỉnh lên 31.851 ca. Số ca tử vong bởi COVID-19 tính đến 9/8 là 176 ca.

Ca nhiễm gia tăng nhanh trong thời gian ngắn sẽ là thách thức lớn với năng lực y tế của Bình Dương. Tỉnh hiện có 16 cơ sở điều trị F0, hơn 17.000 giường, hoạt động theo mô hình "tháp 3 tầng". Tỉnh này đang được 32 đoàn y bác sĩ các nơi chi viện. Năng lực xét nghiệm của Bình Dương đạt 25.000 mẫu đơn PCR một ngày (tương đương 250.000 mẫu gộp 10).

Bình Dương chia địa bàn thành ba vùng để dập dịch. Những "vùng đỏ" như Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Thủ Dầu Một đang tập trung khoanh vùng, tăng tốc xét nghiệm. "Vùng vàng" Bến Cát, Bàu Bàng nhanh chóng làm sạch F0 để chuyển sang vùng an toàn. Những "vùng xanh" còn lại tỉnh đang cố gắng giữ vững để làm vùng đệm cho các địa phương phía nam.

Tiếp giáp TP. HCM, Bình Dương có 2,5 triệu dân. Đây là một trong những trung tâm công nghiệp lớn phía Nam với 50.000 doanh nghiệp, hơn 1,2 triệu công nhân làm việc tại 29 khu, cụm công nghiệp. Nhiều khu nhà trọ đan xen với nhà máy, xí nghiệp, khiến mầm bệnh dễ xâm nhập, tạo thành các ổ dịch lớn tại Bình Dương.

Chiều 9/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhận định, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại địa phương đang rất phức tạp và số ca mắc dự kiến những ngày tới còn tăng thêm. Theo ông Minh, hầu hết số bệnh nhân COVID-19 tử vong những ngày qua có bệnh nền nặng và cao tuổi. Ông đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thành lập Bệnh viện Hồi sức cấp cứu bệnh nhân COVID-19 với quy mô 500 giường. Kèm theo đó, Bình Dương đề nghị Bộ Y tế cử lãnh đạo phụ trách chuyên môn cho bệnh viện; bố trí đội ngũ y bác sĩ gồm 304 bác sĩ và 760 điều dưỡng, đồng thời hỗ trợ một số trang thiết bị y tế.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bình Dương vừa có công văn đề nghị Bộ Y tế phân bổ thêm 1 triệu liều vaccine để tiêm phòng cho người dân, công nhân lao động tránh đứt gãy chuỗi sản xuất. Trước đó, Bộ Y tế phân bổ 570.000 liều vaccine, nhưng Bình Dương đã tiêm hết sau 3 ngày huy động lực lượng.

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng đề xuất với Trung ương, cho phép địa phương chi ngân sách mua lượng vaccine đủ để tiêm cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp.


Ca nhiễm và ca tử vong liên tục tăng cao, Bình Dương đề nghị hỗ trợ