Vì sao Bảo tàng Hà Nội 2.300 tỷ đồng chậm tiến độ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bảo tàng Hà Nội được khánh thành và đưa vào khai thác sử dụng năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện.

Ngày 25/4, HĐND. TP Hà Nội có phiên họp giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao ở Hà Nội.

Tại phiên giải trình, đại biểu Vũ Ngọc Anh (quận Bắc Từ Liêm) nêu câu hỏi về Bảo tàng Hà Nội. Đây là bảo tàng lớn nhất trong hệ thống bảo tàng của cả nước với tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng.

Theo ông Vũ Ngọc Anh, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành năm 2010 để kịp sự kiện 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, hạng mục trưng bày hiện vật trong bảo tàng trị giá 800 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa xong. Ông Ngọc Anh đề nghị Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao (VH-TT) Hà Nội cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và thời gian hoàn thành.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngọc Anh, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến tiến độ thực hiện dự án Bảo tàng Hà Nội bị chậm tiến độ.

Cụ thể, năm 2010, dự án đã được khánh thành phần xây dựng và từ đó đến nay bắt đầu thực hiện dự án thiết kế bảo tàng. Theo ông Hồng, đây là công đoạn cần nhiều “hội tụ” của cấp quản lý, các nhà khoa học, văn hóa, lịch sử nên mất rất nhiều thời gian.

Nêu thêm về những nguyên nhân khách quan trong việc thực hiện dự án này, ông Hồng cho biết, UBND TP. Hà Nội đã thành lập hội đồng tư vấn khoa học để xây dựng dự án thiết kế.

Năm 2009, chính quyền thành phố đã phê duyệt đề cương trưng bày thiết kế bảo tàng, nhưng khi đó, toàn bộ hệ thống hiện vật của bảo tàng chưa hoàn thiện. Đến năm 2020, UBND thành phố mới phê duyệt lại đề cương thiết kế bảo tàng. Ngoài ra, trong những năm vừa qua, chủ đầu tư dự án cũng thay đổi từ Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, tới nay là Bảo tàng Hà Nội.

Theo ông Hồng, việc hoàn thiện tổng thể dự án này gồm khối lượng công việc rất lớn, liên quan đến quản lý của nhiều cấp, ngành. Ngoài hiện vật của TP. Hà Nội đã sưu tầm thì trang thiết bị và công nghệ để thể hiện các hiện vật này cũng rất quan trọng, cần có sự tư vấn từ các chuyên gia của Nhật, Pháp.

Theo Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, vào thời điểm dịch COVID-19, Sở đã cố gắng trao đổi với các chuyên gia, đến nay cơ bản được 65% thiết kế thi công. Riêng thiết kế kỹ thuật đã làm xong gửi Sở Xây dựng vào ngày 31/3. Sau khi thanh tra xong, Sở sẽ báo cáo UBND phê duyệt điều chỉnh dự án này. Nếu đúng tiến độ, TP. Hà Nội sẽ phê duyệt hạng mục này trong tháng 8; đến tháng 9, các đơn vị có thể bắt đầu thi công.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan trên, ông Đỗ Đình Hồng cũng thừa nhận nguyên nhân chủ quan thuộc về trách nhiệm của chủ đầu tư là Bảo tàng Hà Nội và Sở VH-TT.

Lãnh đạo Sở Văn hóa đưa ra lời hứa sẽ kết thúc dự án này vào giữa năm 2024 để báo cáo thành phố và cam kết nhận trách nhiệm nếu để Bảo tàng Hà Nội chậm tiến độ.

Nằm trên đường Phạm Hùng (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Bảo tàng Hà Nội được khánh thành và đưa vào khai thác sử dụng ngày 6/10/2010 - đúng dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

Công trình có 6 tầng, gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm; được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 54.000 m2. Hình dáng tòa nhà có kiến trúc tháp ngược, không gian các tầng nổi được thiết kế mở thuận tiện cho việc thi công nội thất và thiết kế lộ trình tham quan.

Tính đến tháng 6/2021, Bảo tàng Hà Nội đã lưu giữ hơn 70.000 tài liệu, hiện vật thuộc nhiều chất liệu khác nhau, thể hiện lịch sử hàng nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.

Trọng Đức

Việt Nam Xã hội

Vì sao Bảo tàng Hà Nội 2.300 tỷ đồng chậm tiến độ?