10 lầm tưởng phổ biến về dinh dưỡng thực phẩm (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hầu hết chúng ta hiểu rằng việc duy trì sức khỏe tốt và tuổi thọ cần có một chế độ ăn uống cân bằng. Tuy nhiên, các lầm tưởng phổ biến về thực phẩm và những câu chuyện mâu thuẫn thường ảnh hưởng đáng kể đến cách chúng ta lựa chọn đồ ăn.

Dưới đây là 10 quan niệm sai lầm phổ biến mà các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra.

Lầm tưởng số 1: Tất cả các loại carbohydrate đều gây tăng cân

Nhiều người tin rằng carbohydrate (carb) có hại vì những thực phẩm không tốt cho sức khỏe thường chứa nhiều carb. Tuy nhiên, đây là một góc nhìn quá đơn giản. Chẳng hạn, cả một thanh kẹo và một quả táo đều chứa khoảng 25g carbohydrate. Tuy nhiên, chúng có những tác động rất khác nhau đối với sức khỏe. Táo có liên quan đến việc giảm cân, trong khi thanh kẹo góp phần tăng cân.

Trả lời phỏng vấn với The Epoch Times, Jenna Volpe, huấn luyện viên dinh dưỡng chức năng kiêm chuyên gia dinh dưỡng, nói: “Tôi nghĩ mọi người có xu hướng nghĩ về điều này từ góc nhìn hai chiều, đen trắng, đó là lý do tại sao rất nhiều người gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự cân bằng với carbohydrate”.

Cô nói thêm rằng carb không chỉ được phép mà còn cần thiết để có sức khỏe tối ưu. Volpe nhấn mạnh rằng ở cấp độ tế bào, não bộ và hầu hết các tế bào khác trong cơ thể đều dựa vào carbohydrate để tạo năng lượng. Lượng carb nạp vào không đủ sẽ khiến cơ thể phân hủy chất béo và dự trữ cơ bắp để tạo ra glucose cho não, đây không phải là giải pháp lâu dài bền vững.

Theo Volpe, khi nói đến việc tiêu thụ carb, những lựa chọn lành mạnh nhất là những loại được sản xuất từ ​​tự nhiên, bao gồm trái cây và rau tươi, khoai tây và ngũ cốc chưa tinh chế như gạo, yến mạch và quinoa.

Lầm tưởng số 2: Tất cả calo đều như nhau

Quan niệm cho rằng tất cả lượng calo đều giống nhau đã tinh giản hóa quá mức sự phức tạp của thực phẩm và dinh dưỡng.

Nhà nghiên cứu dinh dưỡng Sally Fallon Morell, tác giả của cuốn sách dinh dưỡng nổi tiếng - "Nurtioning Traditions" cho biết: “Có lượng calo rỗng và lượng calo đậm đặc chất dinh dưỡng, cùng nhiều mức độ ở giữa”. Lượng calo rỗng cung cấp ít giá trị dinh dưỡng, trong khi lượng calo đậm đặc chất dinh dưỡng lại giàu vitamin, khoáng chất và polyphenol.

Mật độ dinh dưỡng đề cập đến nồng độ của các chất dinh dưỡng thiết yếu trong một loại thực phẩm hoặc chế độ ăn uống nhất định. Nó đo lượng chất dinh dưỡng có lợi, chẳng hạn như vitamin, khoáng chất, chất xơ và protein, so với tổng hàm lượng calo của thực phẩm.

Morell nói: “Mục tiêu là tiêu thụ lượng calo đậm đặc chất dinh dưỡng nhất có thể”.

Một số thực phẩm giàu chất dinh dưỡng bao gồm thịt nội tạng, động vật có vỏ, trứng, thịt bò ăn cỏ, quả mọng, rau lá xanh, khoai lang và các sản phẩm từ sữa như sữa, pho mát, sữa chua và bơ.

Lầm tưởng số 3: Sữa không béo và có nguồn gốc thực vật tốt cho sức khỏe hơn sữa nguyên chất

Trong nhiều thế kỷ, con người chỉ tiêu thụ sữa nguyên chất, đầy đủ chất béo. Ở nhiều nền văn hóa khác nhau, từ Kenya đến Thụy Sĩ, kem được làm từ sữa rất được trân trọng, và là một nguồn thực phẩm không thể tách rời. Tuy nhiên, vào thế kỷ 20, do ảnh hưởng của quan niệm cho rằng tất cả các chất béo đều không tốt cho sức khỏe, ngành công nghiệp sữa bắt đầu loại bỏ kem và sản xuất sữa không béo.

Theo Morell, sự thay đổi trong cách tiêu thụ sữa này đã dẫn đến việc giảm các chất dinh dưỡng thiết yếu vì vitamin A, D, E và K hòa tan trong chất béo. Cô nói thêm: “Sữa không béo làm bạn cạn kiệt các chất dinh dưỡng quan trọng. Do đó, Morell khuyến khích mạnh mẽ các cá nhân tiêu thụ các sản phẩm sữa nguyên kem”.

Ngoài ra, sữa có nguồn gốc thực vật thiếu ý nghĩa lịch sử và thành phần dinh dưỡng. Volpe cho biết: “Sữa nguyên chất cũng đậm đặc chất dinh dưỡng hơn so với sữa có nguồn gốc thực vật, khiến nó trở thành nguồn dinh dưỡng tốt hơn, đầy đủ hơn cho các chất dinh dưỡng như canxi và protein”.

Volpe đã chỉ ra rằng so với một thanh kẹo, một số nhãn hiệu sữa làm từ thực vật có đường có thể chứa nhiều đường bổ sung trong mỗi khẩu phần hơn. Những người không thể dung nạp sữa được khuyến khích tiêu thụ nước cốt dừa nguyên kem.

Lầm tưởng số 4: Chúng ta có thể đáp ứng mọi nhu cầu dinh dưỡng của mình thông qua thực vật

Mặc dù thực vật cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và lợi ích cho sức khỏe, nhưng chúng không thể cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể cần. Ví dụ, vitamin B12, rất quan trọng đối với sức khỏe, không có tự nhiên trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Tương tự, các chất dinh dưỡng như creatine, vitamin D3 và carnosine chủ yếu được tìm thấy trong các sản phẩm từ động vật.

Với sự phổ biến ngày càng tăng của chế độ ăn thuần chay, các chuyên gia ngày càng lo ngại rằng các cá nhân có thể không nhận thức toàn diện về những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc loại bỏ thịt và các sản phẩm từ động vật khỏi chế độ ăn của họ.

Chuyên gia dinh dưỡng Diana Rodgers, tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất cho biết: “Là một chuyên gia dinh dưỡng lo ngại về sự thiếu hụt chất dinh dưỡng, tôi cực kỳ ủng hộ việc bổ sung thịt và các thực phẩm có nguồn gốc động vật khác”.

Hơn nữa, bằng cách kết hợp thực phẩm động vật trong chế độ ăn uống, chúng ta tiếp cận được với các chất dinh dưỡng quan trọng như sắt, vitamin A và canxi, cũng có trong thực vật. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là cơ thể chúng ta có thể sử dụng các chất dinh dưỡng này hiệu quả hơn khi được lấy từ các nguồn động vật. Theo Rodgers, các quá trình sinh hóa liên quan đến việc chuyển đổi chúng thành các chất dinh dưỡng có thể sử dụng được sẽ trở nên đơn giản hơn.

Lầm tưởng số 5: Dầu thực vật tốt cho sức khỏe hơn mỡ động vật

Ý tưởng cho rằng dầu thực vật tốt cho sức khỏe hơn mỡ động vật truyền thống đã trở nên phổ biến vào giữa thế kỷ 20.

Việc quảng cáo dầu thực vật này dựa trên giả thuyết rằng chất béo bão hòa (động vật) là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim, nhưng các thử nghiệm lâm sàng nhỏ gần đây cho thấy giả thuyết này có thể không chính xác. Mặc dù dầu thực vật có thể làm giảm lượng cholesterol trong máu, nhưng chúng không nhất thiết làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch vành.

Nhiều người vẫn khó chấp nhận rằng chất béo động vật tốt cho sức khỏe hơn dầu thực vật, đặc biệt là khi các cơ quan y tế nổi tiếng, bao gồm cả “Hướng dẫn chế độ ăn uống hiện tại cho người Mỹ”, khuyên không nên tiêu thụ chất béo động vật.

Morell nói: “Mỡ động vật rất cần thiết cho sức khỏe và hạnh phúc”. Cô nói thêm rằng chất béo động vật chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu như axit butyric, glycosphingolipids và vitamin hòa tan, tất cả đều cần thiết để duy trì sức khỏe tốt.

Mặt khác, dầu thực vật gần đây đã được xem xét kỹ lưỡng về mặt khoa học và dinh dưỡng. Ví dụ, một số chuyên gia lo lắng rằng việc tiêu thụ chất oxy hóa từ dầu thực vật đun nóng có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

--> Xem tiếp: 10 lầm tưởng phổ biến về dinh dưỡng thực phẩm (Phần 2)

Theo Vance Footberg từ The Epoch Times
Bảo Vy biên dịch

Vance Voetberg là nhà báo tự do của The Epoch Times có trụ sở tại Tây Bắc Thái Bình Dương. Anh có bằng Cử nhân Báo chí và mong muốn trình bày những tin tức liên quan đến sức khỏe một cách trung thực, truyền cảm hứng. Anh ấy là người sáng lập blog dinh dưỡng “Running On Butter.”



BÀI CHỌN LỌC

10 lầm tưởng phổ biến về dinh dưỡng thực phẩm (Phần 1)