6 điều đầu tiên nên biết về tháng Ramadan nhịn ăn của người Hồi giáo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giáo sư Mohammad Hassan Khalil, chuyên gia nghiên cứu tôn giáo và giám đốc Chương trình Nghiên cứu Hồi giáo tại Đại học Bang Michigan, Hoa Kỳ đã trả lời 6 câu hỏi về ý nghĩa của tháng Ramadan, tháng nhịn ăn của người Hồi giáo.

  1. Tại sao gọi là lễ Ramadan?

Tháng Ramadan là tháng thứ chín theo lịch của đạo Hồi và kéo dài 29 hoặc 30 ngày, tùy thuộc vào thời điểm xuất hiện của trăng lưỡi liềm mới trong tháng đó.

Thuật ngữ Ả Rập Ramadan có nghĩa là sức nóng dữ dội. Trong lịch Hồi giáo, thời gian của tháng Ramadan thay đổi theo từng năm. Năm nay, tháng Ramadan sẽ bắt đầu vào lúc mặt trời lặn vào ngày 22 tháng 3, tăng hoặc giảm một ngày tùy thuộc vào thời điểm nhìn thấy mặt trăng mới. Một năm Hồi giáo ngắn hơn khoảng 11 ngày so với năm Gregorian (năm Dương lịch).

  1. Ý nghĩa của tháng Ramadan là gì?

Ramadan là thời kỳ nhịn ăn và tăng trưởng tâm linh và là một trong năm "trụ cột của Hồi giáo"; những trụ cột khác là tuyên bố đức tin, cầu nguyện hàng ngày, bố thí và hành hương đến Mecca.

Những người Hồi giáo khỏe mạnh phải nhịn ăn, uống và quan hệ tình dục từ bình minh đến hoàng hôn mỗi ngày trong tháng. Nhiều người Hồi giáo cũng thực hành những lời cầu nguyện bổ sung, đặc biệt là vào ban đêm và cố gắng đọc thuộc lòng toàn bộ Kinh Cô-ran. Niềm tin phổ biến của người Hồi giáo là trong 10 đêm cuối cùng của tháng Ramadan, Kinh Cô-ran lần đầu tiên được truyền đến cho Nhà tiên tri Muhammad.

  1. Mối liên hệ giữa linh hồn và thể xác được hiểu như thế nào qua tháng Ramadan?

Kinh Cô-ran nói rằng việc nhịn ăn được quy định cho những người theo đạo Hồi là để họ có thể nhận thức được Chúa. Người ta tin rằng bằng cách kiêng những thứ mà mọi người truy cầu một cách tự nhiên, kể cả nước uống, người đó có thể thức tỉnh được mục đích của cuộc sống và tiến gần hơn đến đấng Sáng thế chủ - Người đã tạo ra và duy trì duy trì mọi sự tồn tại trên thế gian. Như vậy, tham gia vào các hành vi sai trái làm suy yếu sự tiếp xúc với Sáng thế chủ. Nhiều người Hồi giáo cũng cho rằng việc nhịn ăn cho phép họ có cảm giác nghèo khó và điều này có thể thúc đẩy cảm giác đồng cảm.

  1. Người Hồi giáo có thể bỏ qua việc nhịn ăn không? Bù đắp bằng cách nào?

Tất cả những người có thể chất hạn chế (ví dụ, vì bệnh tật, tuổi già hoặc cho con bú) được miễn nghĩa vụ nhịn ăn; điều này cũng có thể được áp dụng đối với bất kỳ ai đang đi du lịch. Những người này có thể thực hành bù đắp các điều kiện của tháng Ramadan vào những ngày sau đó. Họ có thể bù đắp tất cả những ngày bị bỏ lỡ trong tháng ngay sau tháng Ramadan, tháng Shawwal. Những người hoàn toàn không thể nhịn ăn, nếu họ có khả năng tài chính, sẽ cung cấp bữa ăn cho những người nghèo khó như một hành động thay thế.

  1. Ý nghĩa của 29 hoặc 30 ngày ăn chay là gì?

Bằng cách nhịn ăn trong một khoảng thời gian dài, những người Hồi giáo thực hành thanh tẩy tâm hồn để đến với những mục đích và giá trị tâm linh nhất định mà họ có thể trau dồi trong suốt cả năm. Ramadan thường được ví như một đợt huấn luyện tâm linh.

Bên cạnh cảm giác đói khát, những người theo đạo Hồi thường phải chịu đựng với sự mệt mỏi vì cầu nguyện khuya và ăn trước bình minh. Điều này đặc biệt đúng trong 10 đêm cuối cùng của tháng. Ngoài việc là thời kỳ mà Kinh Cô-ran được cho là lần đầu tiên được truyền xuất ra, đây là thời điểm mà sự thiêng liêng và thành quả tu luyện được cho là sẽ được nhân lên gấp bội. Nhiều người Hồi giáo sẽ cầu nguyện thêm trong thời gian này.

  1. Lễ kết thúc tháng Ramadan như thế nào?

Sự kết thúc của tháng Ramadan đánh dấu sự bắt đầu của một trong hai ngày lễ lớn của đạo Hồi Eid al-Fitr, “lễ hội kết thúc nhịn ăn”. Vào ngày này, nhiều người Hồi giáo tham dự vào buổi lễ tôn giáo, thăm người thân và bạn bè và trao đổi quà tặng.

Theo The Conversation



BÀI CHỌN LỌC

6 điều đầu tiên nên biết về tháng Ramadan nhịn ăn của người Hồi giáo