Các cơ quan quản lý Mỹ cảnh báo các ngân hàng về rủi ro thanh khoản tiền mã hóa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ ba cơ quan quản lý của Mỹ đã cảnh báo các ngân hàng lưu ý đến rủi ro thanh khoản liên quan đến tiền mã hóa, động thái mới nhất của các quan chức Mỹ nhằm hạn chế tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế trước một thị trường tiền mã hóa hỗn loạn.

Fed, Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (OCC) và Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) cho biết trong một tuyên bố chung hôm thứ 5 (23/02) rằng các ngân hàng nên áp dụng quản lý rủi ro một cách hiệu quả khi xử lý các khoản tiền gửi được liên kết với các tổ chức tiền mã hóa. Chúng bao gồm thẩm định chặt chẽ và giám sát các tổ chức tiền mã hóa thiết lập tài khoản tiền gửi, cũng như kết hợp khả năng biến động của các khoản tiền gửi đó vào các bài kiểm tra căng thẳng tín dụng thông thường.

Một cuộc đàn áp của các nhà chức trách đối với tiền mã hóa - được thúc đẩy một phần bởi sự sụp đổ vào tháng 11 của công ty FTX - đã khiến một số ngân hàng lo ngại về việc tiến hành kinh doanh với lĩnh vực này. Tuyên bố mới nhất được đưa ra sau một cảnh báo vào tháng 1, trong đó ba cơ quan quản lý cho biết một số loại hoạt động liên quan đến tiền mã hóa “rất có khả năng không phù hợp với các hoạt động ngân hàng an toàn và lành mạnh”.

Điều đó đã dẫn đến những lo ngại trong ngành công nghiệp tiền mã hóa rằng các cơ quan quản lý của Mỹ có thể cắt quyền tiếp cận của các công ty tiền mã hóa vào hệ thống ngân hàng - một đòn chí tử tiềm ẩn sẽ hạn chế khả năng trao đổi tài sản của các nhà đầu tư như đổi bitcoin lấy USD.

Bà Alison Hashmall, luật sư về tổ chức tài chính và hoạt động ngân hàng của Debevoise & Plimpton LLP cho biết: “Tôi thực sự nghĩ rằng tác động của tất cả các hướng dẫn gần đây sẽ khiến một số ngân hàng thận trọng hơn khi thâm nhập vào lĩnh vực này". Tuy nhiên, bà ấy lưu ý rằng các cơ quan quản lý đã không công khai cấm hay ngăn cản các ngân hàng phục vụ khách hàng trong lĩnh vực tiền mã hóa.

Rủi ro và khuyến nghị

Các nhà quản lý hôm thứ 5 đã đánh dấu hai loại tiền gửi ngân hàng mà họ cho rằng có thể dễ bị ảnh hưởng bởi dòng tiền vào cũng như dòng tiền ra lớn, nhanh chóng và không thể đoán trước. Tuyên bố chung khẳng định các tổ chức ngân hàng không bị cấm hoặc bị ngăn cản trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các khách hàng thuộc bất kỳ tầng lớp hoặc thể loại đặc biệt nào, được cho phép bởi luật.

Loại hình tiền gửi thứ nhất là những khoản tiền gửi của các tổ chức tiền mã hóa nhằm phục vụ lợi ích của khách hàng. Sự ổn định của những khoản tiền gửi này không phụ thuộc hoàn toàn vào tổ chức tiền mã hóa, trong khi bị dẫn dắt bởi những động thái của khách hàng (của công ty tiền mã hóa) và lĩnh vực tiền mã hóa. Ví dụ, sự ổn định đó có thể bị ảnh hưởng bởi căng thẳng, biến động trên thị trường, tính dễ tổn thương của tiền mã hóa, đặc biệt là khi khách hàng của công ty tiền mã hóa phản ứng trước các sự kiện thị trường, báo cáo truyền thông hay sự không chắc chắn. Đặc biệt sự bất ổn định có thể bị gia tăng do sự bối rối của khách hàng liên quan tới các tuyên bố không chính xác hoặc lừa đảo về bảo hiểm tiền gửi của tổ chức tiền mã hóa.

Loại hình tiền gửi thứ hai là những dự trữ liên quan tới các đồng tiền mã hóa ổn định. Những bên phát hành các đồng tiền ổn định này thường đảm bảo giá trị quy đổi của đồng tiền bằng khoản tiền dự trữ trong ngân hàng và chứng khoán Kho bạc Mỹ dễ thanh khoản. Sự ổn định của những khoản dự trữ này có thể liên quan tới nhu cầu về đồng tiền ổn định đó, mức độ tự tin của người nắm giữ đồng tiền và cách thức quản lý khoản dự trữ của bên phát hành. Dòng tiền ra lớn và nhanh đối với khoản dự trữ có thể xuất hiện trong trường hợp hoán đổi đồng tiền ra tiền mặt hoặc khi thị trường tiền mã hóa có những biến động.

Nếu các tổ chức ngân hàng có các khoản tiền gửi tập trung vào các tổ chức tiền mã hóa có liên hệ với nhau hoặc chia sẻ rủi ro tương tự nhau, biến động tiền gửi và rủi ro thanh khoản có thể được tăng cường.

Một số biện pháp mà các ngân hàng được khuyến nghị:

  • Hiểu rõ các yếu tố dẫn dắt trực tiếp và gián tiếp biến động tiền gửi, mức độ rủi ro biến động.
  • Đánh giá sự liên hệ giữa các khoản tiền gửi của các tổ chức tiền mã hóa và rủi ro thanh khoản liên quan.
  • Kết hợp rủi ro thanh khoản và biến động vốn liên quan vào kế hoạch phòng ngừa.
  • Thực hiện thẩm định chặt chẽ và giám sát các tổ chức tiền mã hóa mở tài khoản gửi tiền, bao gồm đánh giá những tuyên bố của các tổ chức này đối với khách hàng của họ về khoản tiền gửi đó.

Đàn áp và khủng hoảng

Các cơ quan quản lý Mỹ cảnh báo các ngân hàng về rủi ro thanh khoản trong lĩnh vực tiền mã hóa
Ông Andy Serwer (trái) và Giám đốc điều hành Tập đoàn tiền tệ kỹ thuật số (DCG - công ty mẹ của Genesis) Barry Silbert tham dự hội nghị thượng đỉnh Yahoo Finance All Markets Summit: Crypto tại New York, Mỹ, vào ngày 07/02/2018. (Ảnh: Eugene Gologursky/Getty Images for Yahoo Finance/Oath)

Khủng hoảng tiền mã hóa đang lan rộng. Sau sự sụp đổ của FTX, công ty Genesis Global đã nộp đơn xin phá sản vào ngày 19/01. Thông tin liên quan tới việc nộp đơn phá sản được đưa ra ngay sau khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đệ đơn kiện Genesis và sản giao dịch tiền mã hóa Gemini. Hai công ty bị cáo buộc đã hợp tác để bán chứng khoán chưa đăng ký cho các nhà đầu tư bán lẻ thông qua chương trình cho vay tài sản tiền mã hóa Gemini. Trước Genesis, các công ty tiền mã hóa như FTX, Celsius, BlockFi và Voyager cũng đã nộp đơn xin phá sản.

Trước đó, Phòng Dịch vụ Tài chính (DFS) bang New York cáo buộc Coinbase vào ngày 04/01 rằng công ty đã tự khiến mình dễ vướng vào các hành vi phạm tội nghiêm trọng, chẳng hạn như không tuân thủ các tiêu chuẩn chống rửa tiền. Sàn giao dịch tiền mã hóa nổi tiếng này sau đó đã đồng ý với khoản thanh toán 100 triệu USD để dàn xếp cáo buộc.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Các cơ quan quản lý Mỹ cảnh báo các ngân hàng về rủi ro thanh khoản tiền mã hóa