Các nhà nghiên cứu phát hiện ô nhiễm không khí có liên quan đến ung thư vú

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nghiên cứu chỉ ra di truyền và lối sống là yếu tố chính gây ung thư. Nhưng chúng ta dường như đang bỏ qua một thứ có sức ảnh hưởng không kém: Chất lượng không khí.

Một nghiên cứu mới được các nhà khoa học tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) thực hiện cho thấy ô nhiễm không khí có liên quan đến tỷ lệ ung thư vú cao hơn.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia Hoa Kỳ (NIEHS) và Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCI) phát hiện ra rằng, những người sống ở khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao, được đo bằng hạt vật chất (PM2.5), có tỷ lệ mắc ung thư vú tổng thể cao hơn 8% so với những người sống ở khu vực có mức độ ô nhiễm thấp hơn.

Bên cạnh đó, nồng độ PM2.5 dường như cũng có mối quan hệ với loại khối u. Nghiên cứu chủ yếu tập trung vào phụ nữ sau mãn kinh cho thấy rằng, phụ nữ sống ở vùng với mức độ PM2.5 cao có tỷ lệ mắc ung thư vú có thụ thể estrogen (ER+) cao hơn 10%, vốn là loại ung thư vú phổ biến nhất.

Tuy nhiên, kết quả được công bố trên Tạp chí của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ hôm thứ Hai (11/9) cho thấy, không có mối liên hệ nào giữa các vùng có mức độ PM2.5 cao với ung thư vú không có thụ thể estrogen (ER-).

Những phát hiện này càng củng cố thêm mối liên hệ giữa ung thư vú và rối loạn nội tiết, vì các hợp chất như kim loại và phthalate, những chất gây rối loạn nội tiết đã biết, thường gắn vào PM2.5.

Tổng cộng có tám địa điểm được nghiên cứu và đánh giá, bao gồm sáu tiểu bang (California, Florida, Pennsylvania, New Jersey, North Carolina và Louisiana) và hai khu vực đô thị (Atlanta và Detroit).

Tỷ lệ ung thư vú rõ rệt hơn ở những phụ nữ sống ở khu vực với mức PM2.5 cao, như Atlanta và Bắc Carolina. Hơn nữa, so với những người sống ở khu vực với mức PM2.5 thấp hơn, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những phụ nữ trước khi đăng ký tham gia nghiên cứu, vốn sống trong vùng có mức ô nhiễm PM2.5 ở gần nhà cao hơn, có tỷ lệ mắc ung thư vú cao nhất.

Alexander White, người có bằng tiến sĩ dịch tễ học và là tác giả chính của nghiên cứu, đồng thời là người đứng đầu Bộ phận Dịch tễ học Ung thư và Môi trường, cho biết: “Mặc dù đây là mức tăng tương đối khiêm tốn, nhưng những phát hiện này rất có ý nghĩa vì ô nhiễm không khí là một hiện tượng phơi nhiễm phổ biến và ảnh hưởng đến hầu hết mọi người. Những phát hiện này bổ sung thêm các tài liệu cho thấy ô nhiễm không khí có liên quan đến ung thư vú”.

Hàng trăm hóa chất khác nhau

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), vật chất dạng hạt hay còn gọi là ô nhiễm dạng hạt, là thuật ngữ dùng để mô tả hỗn hợp các hạt rắn nhỏ và các giọt chất lỏng có thể được tạo thành từ hàng trăm hóa chất khác nhau được tìm thấy trong không khí dưới dạng bụi, chất bẩn, bồ hóng hoặc khói.

Việc tiếp xúc với PM2.5 thường đến từ các công trường xây dựng, đường trải nhựa, cánh đồng, ống khói hoặc hỏa hoạn. Đôi khi, các hạt vật chất phát ra do kết quả của các phản ứng phức tạp giữa các hóa chất từ ​​các nhà máy điện, các ngành công nghiệp, khí thải và quá trình đốt cháy của xe cơ giới.

Các hạt PM2.5 gây nguy cơ lớn nhất cho sức khỏe vì chúng đủ nhỏ để có thể hít sâu và khuếch tán qua phổi, có thể đi vào máu của một người.

Lịch sử tiếp xúc làm tăng rủi ro

Hầu hết phụ nữ tham gia nghiên cứu nói trên đều là người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha và có độ tuổi trung bình là 62. Một phần ba có bằng đại học hoặc cao hơn, hơn 50% trong nhóm sống ở California (32%) hoặc Florida (21%) và tất cả đều được theo dõi trong khoảng 20 năm. Trong suốt hai thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã xác định được 15.870 trường hợp ung thư vú.

Các tác giả chỉ ra rằng, một khía cạnh quan trọng của nghiên cứu là họ không chỉ quan tâm đến vị trí địa lý của người tham gia khi đăng ký vào chương trình Nghiên cứu Sức khỏe và Chế độ ăn uống NIH-AARP, mà còn cả nơi họ sống nhiều thập kỷ trước.

"Hầu hết các nghiên cứu trước đây chỉ đánh giá nguy cơ ung thư vú liên quan đến phơi nhiễm PM2.5 tại hoặc xung quanh thời điểm đăng ký tham gia, trong số này, vẫn có một vài nghiên cứu xem xét sâu hơn đến lịch sử phơi nhiễm. Điều này đặc biệt quan trọng, vì mức độ phơi nhiễm trong quá khứ cao hơn có thể góp phần đáng kể vào bệnh ung thư vú do thời gian ủ bệnh kéo dài", các tác giả viết trong bài báo.

Để đo lường mức độ phơi nhiễm trong quá khứ, các nhà nghiên cứu đã ước tính nồng độ PM2.5 trung bình trong lịch sử đối với nơi cư trú của mỗi người tham gia hàng năm, tập trung vào mức độ phơi nhiễm ô nhiễm trong khoảng thời gian từ 10 đến 15 năm trước khi đăng ký tham gia nghiên cứu, với dữ liệu cư trú từ năm 1980.

Rena Jones, người có bằng tiến sĩ dịch tễ học, đồng thời là tác giả cấp cao và nhà nghiên cứu chính của nghiên cứu, cho biết: “Việc xem xét mức độ ô nhiễm không khí trong lịch sử là một điểm mạnh của nghiên cứu này. Có thể mất nhiều năm để ung thư vú phát triển và trước đây, mức độ ô nhiễm không khí có xu hướng cao hơn, điều này có thể khiến mức độ phơi nhiễm trước đó đặc biệt có liên quan đến sự phát triển ung thư”.

Nghiên cứu này là một trong những nghiên cứu lớn nhất cho đến nay kiểm tra mối quan hệ giữa PM2.5 và tỷ lệ mắc ung thư vú cho thấy việc tiếp xúc lâu dài với PM2.5 có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư vú ER+ cao hơn.

Các tác giả kết luận: “Các nghiên cứu trong tương lai nên nhấn mạnh đến việc đánh giá mức độ phơi nhiễm trong lịch sử và xem xét các mối liên hệ cụ thể theo khu vực, cũng như sự đóng góp tiềm năng của thành phần hóa chất PM2.5 đối với nguy cơ mắc ung thư vú”.

Dữ liệu về ung thư vú

Theo NCI, ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất, với hơn 300.000 ca mắc mới dự kiến ​​ở Hoa Kỳ vào năm 2023.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, có 3,8 triệu người sống sót sau ung thư vú ở Hoa Kỳ. Điều này bao gồm những phụ nữ vẫn đang được điều trị và những người đã hoàn thành điều trị.

Theo Mary Gillis - The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch

Mary Elizabeth Gillis là phóng viên sức khỏe và chuyên gia về tim phổi với hơn một thập kỷ kinh nghiệm. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ về sinh lý học ứng dụng, cô lấy bằng thạc sĩ khoa học về báo chí tại Đại học Columbia.



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà nghiên cứu phát hiện ô nhiễm không khí có liên quan đến ung thư vú