Chế độ ăn giàu protein và chất béo giúp bệnh nhân tiểu đường dừng phụ thuộc insulin

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một bác sĩ người Nhật Bản đã nghiên cứu chế độ ăn giàu protein và chất béo giúp ông giảm được hơn 14 kg trong một năm. Sau đó, ông đã sử dụng chế độ ăn này để hỗ trợ bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 cai tiêm insulin.

Tiến sĩ Mizuno Masato, Giám đốc Viện Y tế và Dinh dưỡng Quốc gia Nhật Bản, đồng thời là bác sĩ nội khoa, đã phát triển một chế độ ăn giàu protein và chất béo hoàn toàn mới. Sau một năm áp dụng, ông đã giảm được 14 kg. Ông đã sử dụng chế độ ăn này để giúp bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 cai thuốc tiêm insulin.

Khác với khái niệm truyền thống về chế độ ăn cân bằng, thường bao gồm 20% protein, 20% chất béo và 60% carbohydrate, chế độ dinh dưỡng giàu protein và chất béo của tiến sĩ Mizuno bao gồm 40% protein, 50% chất béo và 10% carbohydrate trong mỗi bữa ăn.

Trong một bài báo trên tạp chí sức khỏe "Peace of Mind", Tiến sĩ Masato chia sẻ rằng ông từng có tiền tiểu đường. (Tiền tiểu đường là tình trạng glucose trong máu khi đói cao hơn mức trên và trong khoảng 100 - 125 mg/dL (5.6 - 6.9 mmol/L).

Với chiều cao 1m6 và cân nặng 77 kg, chỉ số khối cơ thể của ông (BMI) là 30, mức được coi là béo phì. Ngoài ra, ông còn mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Hemoglobin A1c (HbA1c) của ông, chỉ số phản ánh lượng đường huyết, tăng lên 6,5%, cao hơn mức cần thiết để chẩn đoán bệnh tiểu đường.

Ông chia sẻ: "Vào thời điểm đó, tôi thường xuyên ăn trái cây và tráng miệng ngay cả sau khi đã ăn no. Tôi cố gắng hạn chế lượng calo nạp vào, nhưng không thể chịu đựng được cơn đói và cuối cùng lại ăn quá nhiều, dẫn đến việc tiếp tục tăng cân."

Lo ngại về những rủi ro sức khỏe do tăng cân liên tục, Bác sĩ Masato đã thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và xây dựng chế độ ăn giàu protein và chất béo của riêng mình. Sau một năm áp dụng chế độ ăn này, ngoài việc giảm được đáng kể trọng lượng, kết quả xét nghiệm chức năng gan của ông trở về bình thường và mức hemoglobin A1c giảm xuống còn 5,2% (HbA1c là một trong các chỉ số phản ánh đường huyết của người bị bệnh đái tháo đường).

Quan trọng nhất, ông cảm thấy tràn đầy năng lượng và cuộc sống được cải thiện đáng kể.

Tất cả bệnh nhân đều cai được tiêm insulin

Trong 10 năm qua, Bác sĩ Masato đã điều trị cho nhiều bệnh nhân tiểu đường tại một trung tâm chăm sóc bệnh nhân tiểu đường ở Tokyo. Ông cho biết: "Tôi đã chứng kiến tình trạng bệnh tiểu đường không được cải thiện mặc dù tuân theo các hướng dẫn điều trị tiêu chuẩn." Thành công cá nhân của mình với chế độ ăn giàu protein và chất béo, ông đã tự tin giới thiệu chế độ ăn này cho một số bệnh nhân tiểu đường của mình.

Trong cuốn sách "Phương pháp hạ đường huyết không cần dùng thuốc", tiến sĩ Masato đề cập rằng ông đã điều trị cho 84 bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 từ năm 2014 đến 2018. Ban đầu, những bệnh nhân này cần tự tiêm insulin tại nhà, nhưng sau khi áp dụng chế độ ăn của ông, tất cả đều không còn phụ thuộc insulin.

Đáng chú ý, có một bệnh nhân ban đầu phải tiêm tới 97 đơn vị insulin mỗi ngày. Một bệnh nhân khác có tiền sử 25 năm bị tiểu đường type 2, phải tiêm 76 đơn vị insulin mỗi ngày, đã có thể ngừng tiêm insulin và thậm chí còn giảm được 8kg sau sáu tháng.

Giảm phụ thuộc thuốc trong điều trị tiểu đường

Insulin do cơ thể sản xuất có thể giúp hạ đường huyết xuống mức ổn định. Tuy nhiên, ở bệnh nhân tiểu đường type 2, các tế bào trở nên kém nhạy cảm với insulin, dẫn đến tình trạng kháng insulin. Hậu quả là đường huyết không thể đi vào tế bào, dẫn đến tình trạng đường huyết cao.

Mặc dù thuốc và tiêm insulin đóng vai trò quan trọng trong việc cứu sống bệnh nhân tiểu đường, Tiến sĩ Masato cho rằng duy trì mức đường huyết ổn định đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện hơn.

Ông giải thích rằng nếu không được kiểm soát cẩn thận, tiêm insulin có thể dẫn đến hạ đường huyết. Các triệu chứng của hạ đường huyết bao gồm đói dữ dội, đổ mồ hôi lạnh, da xanh xao, mất ý thức và co giật.

Ngoài ra, nếu thuốc hoặc tiêm làm cho lượng insulin trong cơ thể tăng quá cao, mặc dù làm giảm đường huyết, nó có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng khác, chẳng hạn như bệnh thận do tiểu đường và bệnh võng mạc do tiểu đường.

Do đó, tiến sĩ Masato khuyên nên duy trì lượng insulin tiêm ngoài ở mức tối thiểu cần thiết trong khi tuân theo chế độ ăn giàu protein và chất béo, đồng thời hạn chế lượng carbohydrate.

Nguồn protein và chất béo

Tiến sĩ Masato tin rằng bệnh nhân tiểu đường cần nạp nhiều protein hơn người khỏe mạnh để duy trì và phục hồi cơ thể. Một bệnh nhân nặng 60 kg cần tiêu thụ khoảng 85-113 gram protein mỗi ngày, tương đương với kích thước của một bàn tay mở.

Ông đặc biệt khuyên dùng protein động vật, bao gồm thịt (thịt bò, thịt lợn, thịt gà hoặc thịt cừu), trứng và cá. Trứng đặc biệt giàu protein chất lượng cao. Trong khi tỷ lệ hấp thụ protein từ cá thấp hơn, thì ưu điểm của nó là cung cấp hai loại chất béo có lợi là DHA và EPA.

Tiến sĩ Masato gợi ý nên tiêu thụ chất béo có trong thịt động vật và cá, cũng như các nguồn từ thực vật như dầu oliu, dầu dừa và dầu hạt lanh. Ông kiên quyết khuyên không nên dùng các chất béo có hại như bơ thực vật, shortening và dầu cải, vì chúng chứa nhiều chất béo trans.

Ông cũng nhấn mạnh rằng bệnh nhân đang tiêm insulin hoặc dùng thuốc tiết insulin không nên chuyển sang chế độ ăn giàu protein và chất béo nếu chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.

Theo Ellen Wan, The Epoch Times
Tân Minh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chế độ ăn giàu protein và chất béo giúp bệnh nhân tiểu đường dừng phụ thuộc insulin