Chuyên gia: 'Một vành đai, Một con đường' thất bại cả về kinh tế lẫn chính trị

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, hay còn gọi là “Vành đai và Con đường”, của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã được thực hiện trong 10 năm và chính quyền này đã đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào hơn 100 quốc gia, khiến nhiều nước ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh rơi vào bẫy nợ. Nhưng trong tình hình suy thoái kinh tế sau dịch bệnh và sự thức tỉnh của người dân toàn cầu, các quốc gia ngày càng lạnh nhạt với sáng kiến ​​này, báo cáo chính thức của Trung Quốc cũng thừa nhận rằng “mức độ tham gia ở hàng chục quốc gia đã giảm 100%”.

Vậy kế hoạch “Con đường tơ lụa mới” nhằm mục đích “xây dựng một cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh” này đã mang lại điều gì cho bản thân ĐCSTQ? Một nhà kinh tế chỉ ra rằng, mục tiêu thực sự của sáng kiến “​​Vành đai và Con đường” là lợi ích chính trị nhưng giờ đây nó đã thất bại cả về mặt chính trị và kinh tế. Vậy nên, về cơ bản, “Một vành đai, Một con đường” “không có ý nghĩa lâu dài” và cũng “không bền vững”.

Mục tiêu chính trị: Tránh sự chỉ trích của nước ngoài

Ông Lý Thiếu Dân (Li Shaomin) là Giáo sư chuyên ngành kinh doanh quốc tế tại Đại học Old Dominion ở Virginia, Hoa Kỳ. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình “Tin cấm Trung Quốc” của đài NTD, ông nói rằng để hiểu được mục tiêu của sáng kiến ​​“Một vành đai, Một con đường”, trước tiên chúng ta cần hiểu triết lý và mô hình quản trị của ĐCSTQ.

Giáo sư Lý Thiếu Dân (Li Shaomin). (NTD TV)

Ông nói: “Tất cả chúng ta đều biết triết lý của ĐCSTQ là thực hiện nền chính trị toàn trị. Về mặt kinh tế, nó lại thực hiện chế độ mở cửa”.

Ông Lý Thiếu Dân cho rằng trên thực tế, ĐCSTQ thà đóng cửa nền kinh tế, giống như họ đã làm trong thời kỳ cầm quyền trước khi “cải cách mở cửa”, “bởi vì họ không sẵn lòng cho phép nền chính trị dân chủ hợp hiến, nhân quyền và pháp trị của nước ngoài tiến nhập vào Trung Quốc, như vậy họ mới có thể cai trị dễ dàng hơn".

Tuy nhiên, nền kinh tế kế hoạch bế quan tỏa cảng đã được chứng minh là ngõ cụt. Để duy trì sự cai trị của mình, trong tình huống vạn bất đắc dĩ ĐCSTQ mới mở cửa đất nước và nới lỏng sự kìm kẹp cho người dân Trung Quốc - những người vốn bị bóp nghẹt bởi sự kiểm soát của chế độ này.

Tuy nhiên, cải cách và mở cửa cũng mang đến những thách thức cho ĐCSTQ.

Giáo sư Lý nói: “Thách thức lớn nhất đối với ĐCSTQ là nó phải mở cửa kinh tế, vì nó cần thị trường, vốn, công nghệ, nhân tài, v.v. của nước ngoài”. Tuy nhiên, “sau khi nó mở cửa, người dân Trung Quốc sẽ học được những điều mới khi họ ra nước ngoài. Họ sẽ thấy rằng người nước ngoài có thể nói bất cứ điều gì họ muốn, nhưng người Trung Quốc thì không. Đây là một vấn đề khiến ĐCSTQ đau đầu".

Ông cho rằng đây là nguồn gốc cơ bản của sáng kiến ​​“Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc, tức là “Nếu đã không thể đóng cửa trên phương diện kinh tế, đồng thời không muốn bị ảnh hưởng bởi nước ngoài trên phương diện chính trị, vậy thì ta sẽ gây ảnh hưởng đến nước ngoài và mua chuộc họ. Nếu nước ngoài không chỉ trích ta nữa, người dân Trung Quốc cũng sẽ không có lý do gì để chỉ trích ta".

“Mục đích chính của sáng kiến ​​Vành đai và Con đường này thực chất là mục đích chính trị, như vậy có thể đè bẹp những chỉ trích của nước ngoài đối với nó (ĐCSTQ)”. Giáo sư Lý nói, “Đồng thời, về mặt kinh tế, tất nhiên ĐCSTQ cũng sẽ cho rằng đó là điều tốt nhất và có lợi”.

Không chỉ hủy hoại hệ sinh thái sông Mê Kông, Trung Quốc còn vũ khí hóa các con đập để kiểm soát Đông Nam Á
Một phần của tuyến đường sắt đầu tiên nối Trung Quốc với Lào, một phần quan trọng trong dự án 'Vành đai và Con đường' của Bắc Kinh băng qua sông Mê Kông, ở Luang Prabang, Lào, vào ngày 08/02/2020. (Aidan Jones/AFP via Getty Images)

Mô hình: Một ‘tập đoàn toàn quốc’ phớt lờ nhân quyền

Ông Lý Thiếu Dân cho rằng, dưới sự cai trị của ĐCSTQ, về căn bản Trung Quốc không có doanh nghiệp độc lập và tự chủ theo định nghĩa trong cơ chế thị trường tự do, và toàn bộ Trung Quốc giống như một tập đoàn lớn không có nhân quyền. "Vậy, ĐCSTQ chính là cổ đông của tập đoàn mang tầm cỡ quốc gia này, còn Bộ Chính trị thì tương đương với hội đồng quản trị, tổng bí thư là chủ tịch hội đồng quản trị, về cơ bản là mô hình này”.

"Các doanh nghiệp nhà nước chỉ là một số bộ phận của nó, còn các công ty tư nhân có thể là công ty con của nó", ông nói và đưa ra một ví dụ. "Ví dụ, một công ty như Huawei, mặc dù 100% là doanh nghiệp tư nhân, nhưng nó hoàn toàn phải nghe theo lệnh của ĐCSTQ".

Còn các loại hình doanh nghiệp khác thì sao? Các doanh nghiệp tư nhân thông thường thì giống như “công ty liên doanh mà ĐCSTQ nắm cổ phần kiểm soát”, ở đây ĐCSTQ có tiếng nói quyết định; các doanh nghiệp nước ngoài giống như “công ty nhượng quyền”, phải tuân thủ các quy định của ĐCSTQ, nếu không sẽ bị đuổi ra ngoài; các bộ, ủy ban trong nước giống như các bộ phận chức năng của một công ty; người dân Trung Quốc chính là nhân viên công ty, nhưng họ không có quyền lợi gì.

“Ưu thế nhân quyền thấp” cũng là một nhân tố khiến giá thành sản phẩm của Trung Quốc rẻ. Giáo sư Lý nói: "Vì vậy, từ góc độ này, sáng kiến ​​Vành đai và Con đường không gì khác hơn là chiến lược của 'công ty lớn', nó đem năng lực sản xuất dư thừa xuất khẩu ra ngoài, đồng thời có thể tạo ra nhiều lợi ích hơn và cũng có thể mở rộng ảnh hưởng”.

Bình luận: Còn quá sớm để lạc quan về kinh tế Trung Quốc
Công nhân làm việc trong dây chuyền sản xuất tại Kanger Tech, một trong những nhà sản xuất sản phẩm thuốc lá điện tử hàng đầu Trung Quốc, ở Thâm Quyến, Trung Quốc, vào ngày 24/9/2019. (Kevin Frayer / Getty Images)

Thủ đoạn: Hối lộ cả thế giới

Giáo sư Lý chỉ ra, để đạt được các mục tiêu chính trị, ĐCSTQ đã hối lộ người dân trên toàn thế giới, bao gồm các cá nhân, nhân vật chính trị, công ty và thậm chí cả chính phủ các quốc gia khác.

“Nó sử dụng nguồn lực khổng lồ của Trung Quốc để cung cấp giảng dạy tiếng Trung miễn phí cho thế giới. Tất nhiên là nó chỉ ca ngợi tiếng Trung [mang màu sắc] của ĐCSTQ, chẳng hạn như thông qua Viện Khổng Tử, và sau đó lại phát nhiều loại viện trợ và học bổng khác để người nước ngoài tới Trung Quốc học tập; hoặc là quyên góp tiền cho các nhân vật chính trị hoặc các tổ chức tư vấn của nước ngoài". Ông nói, nó "dùng cái gọi là Kế hoạch Ngàn Nhân tài để hối lộ các nhà khoa học nước ngoài; tất nhiên, còn có sáng kiến ​​Vành đai và Con đường".

Cách làm quen thuộc của ĐCSTQ chính là tăng một mức giá so với báo giá dự án của đối phương, và số tiền vượt quá này được sử dụng để mua chuộc các quan chức ở các quốc gia kia, qua đó tạo động lực để họ phê duyệt và thúc đẩy dự án.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn ở Washington, Mỹ đã đưa ra một ví dụ trong báo cáo năm 2019 rằng, Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC), một công ty tích cực nhất trong sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường”, từng bị nghi ngờ có hành vi gian lận trong khi đấu thầu hợp đồng xây dựng đường cao tốc ở Philippines; và trong năm 2009, công ty này đã bị Ngân hàng Thế giới hủy tư cách tham gia vào các hợp đồng do Ngân hàng Thế giới tài trợ, thời gian cấm kéo dài 8 năm. Công ty con của CCCC là Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc (CHEC) đã bị một bộ trưởng trong chính phủ Bangladesh công khai cáo buộc rằng, CHEC đã hối lộ các quan chức của quốc gia này trong một dự án xây dựng.

Báo cáo cho biết: "Không thể phủ nhận rằng sáng kiến ​​Vành đai và Con đường được thiết kế theo cách không minh bạch. Hiện tượng tham nhũng đang lan rộng ở hơn 80 quốc gia tham gia sáng kiến ​​Vành đai và Con đường".

Công nhân tháo dỡ một bảng panel quảng cáo Diễn đàn Vành đai và Con đường bên ngoài địa điểm diễn ra diễn đàn này ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 27/04/2019. (Greg Baker/AFP/Getty Images)

Hậu quả: Thất bại về cả kinh tế lẫn chính trị

Giáo sư Lý cho rằng, điều kiện thiết yếu để “Một vành đai, Một con đường” có thể tiến hành là sự độc tài giống như ĐCSTQ. Ngay cả khi các quốc gia khác rất nghèo, họ ít nhiều vẫn có sức mạnh dân chủ và dân ý, vì vậy các dự án của ĐCSTQ ở nước ngoài không thể giống như ở Trung Quốc - thúc đẩy suôn sẻ mà chẳng phải e dè gì.

Ví dụ, ở một quốc gia nào đó, Trung Quốc nói rằng tôi muốn xây dựng một bến cảng cho bạn, bạn phải di chuyển tất cả cư dân đi, tôi muốn dùng khu đất đó. Nếu như ở Trung Quốc, người dân hoặc là cam chịu, hoặc là có lên tiếng phản đối nhưng cuối cùng cũng sẽ bị cưỡng bức di dời, bị đuổi đi bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, thậm chí là bạo lực; nhưng ở nước ngoài, sẽ xuất hiện các tình huống như người dân nước sở tại không tiếp nhận, hoặc dự án đó bị đảng đối lập phản đối, v.v

Giáo sư Lý lấy cảng Hambantota ở Sri Lanka làm ví dụ, nó vô dụng về mặt kinh tế, cuối cùng được cho thuê trong 99 năm và 70% cổ phần được trao cho Trung Quốc. "Lấy được cảng đó nhưng cũng không thể bán, cũng không thể chuyển nó về Trung Quốc … Vậy nên, cuối cùng có thể sẽ chỉ lỗ vốn”.

"Nếu Trung Quốc nhận được những dự án này, có thể trong tương lai họ sẽ không kiếm được tiền. Cuối cùng đều trở thành việc làm vô bổ, ăn vào thì vô vị, bỏ đi thì thấy tiếc". Giáo sư Lý nói, "Nếu tổng kết một chút sẽ thấy, về mặt kinh tế, sáng kiến ​​Vành đai và Con đường về cơ bản đã thất bại".

Còn về mặt chính trị thì sao? Ông cho rằng không phải lúc nào nó cũng là bên thắng. “Về việc mở rộng ảnh hưởng chính trị và sử dụng vào quân sự trong tương lai, ĐCSTQ có thể cảm thấy rằng nó đáng đồng tiền bát gạo; nhưng khoản đầu tư chính trị này không được đảm bảo".

Bởi vì các quan chức cấp cao đã bị ĐCSTQ mua chuộc không thể tại vị mãi mãi. Giáo sư Lý đưa ra ví dụ về cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak, người bị điều tra vì nhận hối lộ từ ĐCSTQ.

Cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak (giữa) phát biểu với giới truyền thông sau khi ông bị kết tội trong phiên tòa xét xử tham nhũng ở Kuala Lumpur vào ngày 28/7/2020. (MOHD RASFAN/AFP via Getty Images)

Ông Lý Thiếu Dân cho rằng, bất kể là từ góc độ kinh tế hay chính trị, sáng kiến ​​”Vành đai và Con đường” đều “không bền vững” và “không có ý nghĩa lâu dài”.

Ông nói: “ĐCSTQ vốn điều hành đất nước như một công ty và đi đầu tư khắp mọi nơi. Nó không chỉ ngày càng bị các nước khác phản đối về mặt chính trị vì hành vi đe dọa can thiệp vào các nước khác; mà nó còn ngày càng bất ổn trên phương diện kinh tế”.

Cuộc phản công của phương Tây: Tách rời ĐCSTQ

Ông Lý Thiếu Dân cho rằng, mặc dù thỏa thuận "Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - Châu Âu" (IMEC) mà Hoa Kỳ đạt được với Ấn Độ và các nước khác tại cuộc họp G20 kết thúc vào tháng trước có thể đối trọng với chính sách "Một vành đai, ​​Một Con đường” của ĐCSTQ, nhưng nó vẫn chưa phải là phương pháp hiệu quả nhất. Bởi vì các quốc gia khác không phải là “tập đoàn toàn quốc” nằm dưới chế độ độc tài của ĐCSTQ nên tỷ trọng GDP mà họ có thể sử dụng sẽ không lớn bằng Trung Quốc. Trong khi đó “cứ mỗi 1 đồng mà người dân Trung Quốc làm ra thì có tới hơn một nửa là bị chính phủ kiểm soát".

“Vì vậy, khi nói đến việc huy động nguồn lực quốc gia và sử dụng đất đai của chúng ta để cạnh tranh với sáng kiến ​​’Vành đai và Con đường’ của ĐCSTQ, tôi nghĩ nó không cân xứng".

Ông nói: “Để thực sự chống lại sáng kiến ​​’Vành đai và Con đường’ của ĐCSTQ một cách hiệu quả cũng như ngăn chặn tầm ảnh hưởng của ĐCSTQ, tất cả các nước dân chủ cần đoàn kết lại và nói ‘không’ với mô hình ‘tập đoàn toàn quốc’ của Trung Quốc ở mức độ tối đa. Đồng thời cố gắng hết sức để tách rời, dần dần di chuyển chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp ra khỏi Trung Quốc. Đây mới là một chiến lược hiệu quả để bảo vệ các nước dân chủ khỏi sức ảnh hưởng của ĐCSTQ".

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: 'Một vành đai, Một con đường' thất bại cả về kinh tế lẫn chính trị