Đắk Lắk thuộc miền nào, Đắk Lắk giáp tỉnh nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhắc tới Đắk Lắk là nhắc tới một vùng đất có nhiều sông hồ, rừng núi cùng với những thác nước hùng vĩ. Nơi đây có nhiều lễ hội văn hóa đặc trưng như: lễ hội văn hóa cồng chiêng; lễ hội đua voi; cúng bến nước… Cùng tìm hiểu Đắk Lắk thuộc miền nào, Đắk Lắk giáp tỉnh nào… trong bài viết dưới đây!

1. Đắk Lắk thuộc miền nào?

Đắk Lắk ở đâu? Tỉnh Đắk Lắk thuộc miền nào?

Đắk Lắk là một trong 5 tỉnh ở khu vực Tây Nguyên; nằm ở vị trí trung tâm của vùng đất Tây nguyên; có tọa độ địa lý từ 12°09' - 13°25' vĩ độ Bắc và từ 107°28’ - 108°59' kinh độ Đông.

Tỉnh Đắk Lắk có 15 đơn vị hành chính cấp huyện là:

  • 01 thành phố: Buôn Ma Thuột
  • 01 thị xã: Buôn Hồ
  • 13 huyện: Ea Súp; Krông Năng; Buôn Đôn; Krông Búk; Cư M’Gar; Krông Pắc; Ea Kar; Krông Ana; M’Đrắk; Krông Bông; Cư Kuin; Ea H'Leo; Lắk.

Trong đó, TP Buôn Ma Thuột là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh.

2. Đắk Lắk giáp tỉnh nào?

Khi tìm hiểu Đắk Lắk thuộc miền nào, nhiều bạn cũng muốn biết Đắk Lắk giáp tỉnh nào.

  • Khu vực phía Bắc của tỉnh Đắk Lắk giáp với tỉnh Gia Lai.
  • Phía Đông tiếp giáp với hai tỉnh: Khánh Hòa và Phú Yên.
  • Khu vực phía Nam giáp với hai tỉnh: Đắk Nông và Lâm Đồng.
  • Phía Tây của tỉnh Đắk Lắk giáp với nước Campuchia.

Đắk Lắk cách TP HCM bao nhiêu km?

Tỉnh Đắk Lắk cách TP HCM khoảng 350 km.

Đắk Lắk cách Hà Nội bao nhiêu km?

Tỉnh Đắk Lắk cách thủ đô Hà Nội khoảng hơn 1.400 km.

Đắk Lắk ở đâu trên bản đồ?

đắk lắk ở đâu
(Ảnh: TUBS/ Wikimedia Commons/ CC BY-SA 3.0)

3. Điều kiện tự nhiên tỉnh Đắk Lắk

Vậy là bạn đã biết Đắk Lắk thuộc miền nào. Cùng tìm hiểu về điều kiện tự nhiên và các tài nguyên thiên nhiên của tỉnh Đắk Lắk ngay sau đây!

Đắk Lắk có diện tích là bao nhiêu?

Tỉnh Đắk Lắk có tổng diện tích tự nhiên là 13.085 km2.

3.1. Điều kiện địa hình

Tỉnh Đắk Lắk có địa hình rất đa dạng với độ cao trung bình từ 400 - 800 m. Địa hình của tỉnh Đắk Lắk có hướng thấp dần từ Đông Nam sang Tây Bắc.

Nằm ở phía Tây và cuối dãy Trường Sơn, tỉnh Đắk Lắk là một cao nguyên rộng lớn với địa hình dốc thoải, lượn sóng; khá bằng phẳng; xen kẽ với các khu vực đồng bằng thấp ven theo các dòng sông chính.

3.2. Tài nguyên đất

Đất đai là một trong những tài nguyên lớn được thiên nhiên ưu đãi cho tỉnh Đắk Lắk. Tài nguyên đất của tỉnh Đắk Lắk bao gồm hai nhóm đất chủ yếu là: đất xám và đất đỏ bazan; cùng một số nhóm đất khác như: đất gley; đất phù sa; đất đen.

Trong đó, đất xám có diện tích lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, phân bố ở hầu hết các huyện của tỉnh.

Đất đỏ bazan có diện tích lớn thứ hai trong tài nguyên đất của tỉnh; chiếm 55,6% diện tích đất đỏ bazan của toàn khu vực Tây Nguyên. Đất đỏ bazan thích hợp với các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: hồ tiêu; cao su; cà phê; chè… cùng nhiều loại cây ăn quả và cây công nghiệp ngắn ngày khác.

Tài nguyên đất là một lợi thế rất quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk.

3.3. Đặc điểm khí hậu

Khí hậu của tỉnh Đắk Lắk chia thành hai tiểu vùng. Trong đó, khu vực phía Tây Bắc của tỉnh có khí hậu nắng nóng, khô hanh về mùa khô. Khu vực phía Đông và phía Nam của tỉnh có khí hậu mát mẻ, ôn hoà.

Khí hậu sinh thái nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk được chia thành 6 tiểu vùng là:

  • Tiểu vùng bình nguyên Ea Súp: chiếm 28,43% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh.
  • Tiểu vùng cao nguyên Buôn Ma Thuột – Ea H’Leo: chiếm 16,17% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh.
  • Vùng đồi núi và cao nguyên M’Đrắk: chiếm 15,82% diện tích tự nhiên của tỉnh.
  • Tiểu vùng đất ven sông Krông Ana – Srepok: chiếm 14,51% diện tích tự nhiên của tỉnh.
  • Tiểu vùng núi cao Chư Yang Sin: chiếm 3,98% diện tích tự nhiên của tỉnh.
  • Vùng núi Rlang Dja: chiếm 3,88% diện tích tự nhiên của tỉnh.

Nhìn chung, khí hậu của tỉnh Đắk Lắk có sự khác nhau giữa các dạng địa hình và giảm dần theo độ cao:

  • Vùng có độ cao dưới 300 m: có khí hậu quanh năm nắng nóng;
  • Độ cao từ 400 – 800 m: có khí hậu nóng ẩm;
  • Độ cao trên 800 m: có khí hậu mát.

Khí hậu của tỉnh Đắk Lắk có 02 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa có thời gian từ tháng 5 đến hết tháng 10; tập trung đến 90% lượng mưa hàng năm của tỉnh. Mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau với lượng mưa không đáng kể. Chế độ mưa theo mùa này là một hạn chế đối với phát triển sản xuất nông sản hàng hóa của tỉnh.

3.4. Điều kiện thủy văn, sông ngòi

Tỉnh Đắk Lắk có mạng lưới sông hồ khá dày đặc. Ba hệ thống sông ngòi phân bố khá đều trên lãnh thổ của tỉnh là: sông Srepok; sông Ba; và hệ thống sông Đồng Nai. Đắk Lắk còn có hàng trăm hồ chứa và hơn 800 dòng suối có chiều dài hơn 10 km.

3.5. Tài nguyên khoáng sản

Tỉnh Đắk Lắk có tài nguyên khoáng sản rất phong phú và đa dạng với trữ lượng khác nhau; trong đó có nhiều loại quý hiếm. Một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn ở Đắk Lắk là:

  • Cao lanh: phân bố ở Buôn Ma Thuột, M’Drắk; có trữ lượng hơn 60 triệu tấn;
  • Sét, gạch ngói: phân bố ở Buôn Ma Thuột, M’Drắk, Krông Ana: có trữ lượng hơn 50 triệu tấn;
  • Chì (phân bố ở Ea H’Leo); phốt pho (ở Buôn Đôn); vàng (ở Ea Kar); than bùn (ở Cư M’Gar); đá quý, đá xây dựng, đá ốp lát, cát xây dựng... phân bố ở nhiều khu vực trong tỉnh.

4. Đặc điểm KT-XH tỉnh Đắk Lắk

Tỉnh Đắk Lắk là địa phương có hơn 40 dân tộc cùng sinh sống. Mỗi dân tộc ở đây có những nét đẹp văn hóa truyền thống riêng.

Các dân tộc như: Gia Rai, Ê Đê, M'Nông… có những lễ hội đặc trưng như: lễ hội cồng chiêng; đua voi mùa xuân; đâm trâu… cùng với kiến trúc nhà sàn, nhà rông độc đáo; và các nhạc cụ lâu đời nổi tiếng như: đàn T'rưng; đàn đá; các bộ cồng chiêng; hay các bản trường ca Tây Nguyên…

Các đặc trưng này là những sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá không chỉ của riêng tỉnh Đắk Lắk. Đặc biệt, UNESCO đã công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Cùng với một số dân tộc thiểu số sinh sống tại chỗ, tỉnh Đắk Lắk còn có số đông dân cư di cư từ các tỉnh ở miền Bắc và miền Trung đến sinh sống, lập nghiệp. Tất cả những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc tạo nên sự phong phú, đa dạng về văn hóa của tỉnh Đắk Lắk.

Trên đây là những thông tin tham khảo khi tìm hiểu Đắk Lắk thuộc miền nào. Là địa phương có nhiều dân tộc cùng sinh sống, tỉnh Đắk Lắk lưu giữ và bảo tồn nhiều nét văn hóa và không gian đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên.

Mạnh Hùng

Việt Nam Xã hội

Đắk Lắk thuộc miền nào, Đắk Lắk giáp tỉnh nào?