Du lịch nhiều tỉnh thành 'bội thu' trong dịp Tết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lượng khách có nhu cầu đi du lịch tại các tỉnh trong nước tăng mạnh khiến doanh thu cũng tăng trưởng.

Dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các tỉnh trải dài từ Bắc Bộ đến Nam Bộ thời tiết thuận lợi nên hoạt động du lịch diễn ra sôi động, thu hút hàng vạn người dân cũng như du khách từ nhiều quốc gia khác đến tham quan, du lịch.

Theo Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 8 đến 14/2), thành phố đón tổng cộng 402.000 lượt khách, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 177.000 lượt khách quốc tế và 225.000 lượt khách nội địa. Tổng thu du lịch đạt khoảng 1.580 tỷ đồng.

Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) đón 3 chuyến tàu biển cập cảng (2 chuyến tàu Zhao Shang Yi Dun ngày 7/2 và 14/2, 1 chuyến tàu Dream Cruise ngày 9/2) với tổng 3.400 khách tham quan các điểm đến nổi tiếng như: danh thắng Ngũ Hành Sơn, Chùa Linh Ứng - Sơn Trà, Bảo tàng Điêu khắc Chăm...

Ngoài ra, số lượng người dân và du khách tham gia trải nghiệm du ngoạn sông Hàn ước đạt 21.680 lượt (tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2023).

Đây là tín hiệu tích cực, báo hiệu một năm khởi sắc, phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế xã hội thành phố nói chung.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, 7 ngày của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng) toàn tỉnh đón 635.000 lượt khách, tăng 48,7% so với cùng kỳ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Doanh thu du lịch khoảng 588 tỷ đồng.

Tại Nghệ An, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2024, các điểm du lịch, khu di tích, khu văn hóa tâm linh trên toàn tỉnh Nghệ An đón khoảng 315.000 lượt khách. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 400 tỷ đồng.

Đặc biệt, chỉ tính riêng trong ngày mùng 4 Tết Nguyên đán 2024, toàn tỉnh Nghệ An đã đón khoảng 90.000 lượt khách du lịch tại các điểm du lịch, khu di tích, khu văn hóa tâm linh... doanh thu du lịch ước đạt 110 tỷ đồng.

Cụ thể, các điểm du lịch có lượng khách đến tham quan, tập trung đông gồm: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (gần 40.000 lượt), Đền Ông Hoàng Mười (gần 33.000 lượt), tiếp đến là đền Cờn (thị xã Hoàng Mai), chùa Đại Tuệ (Nam Đàn), đền thờ Hoàng đế Quang Trung (TP Vinh), Khu di tích Quốc gia Truông Bồn (Đô Lương)…

Tại Hà Tĩnh, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tỉnh này đã đón 188.508 lượt khách tham quan, tăng hơn 41.000 lượt so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, có 10.500 lượt khách lưu trú; công suất sử dụng phòng trung bình trên toàn tỉnh đạt khoảng 40%. Một số địa phương thu hút lượng khách tham quan, nghỉ dưỡng lớn như: Thị xã Kỳ Anh gần 68.000 lượt; huyện Nghi Xuân trên 46.000 lượt; huyện Can Lộc gần 29.000 lượt.

Nhiều khu, điểm du lịch có lượng du khách tham quan đông như: Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc; chùa Hương Tích (huyện Can Lộc) trung bình đón từ 3.000 - 5.000 lượt khách/ngày; đền Chợ Củi đón khoảng 5.000 lượt khách/ngày.

Tại Quảng Bình, theo báo cáo của Sở Du lịch Quảng Bình, tổng số khách du lịch tại tỉnh này từ ngày 08/02 đến 14/02/2024 dự ước đạt khoảng 115.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 3.000 lượt, tăng 20% so với dịp nghỉ Tết Quý Mão 2023 (2.500 lượt khách).

Những điểm đến chính của khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán phần đa là các di tích lịch sử, văn hóa và các điểm du lịch tâm linh như Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chùa Hoằng Phúc, Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh, Chùa Đại Giác, Núi Thần Đinh…

Lượng lớn du khách chủ yếu là khách tham quan nội tỉnh, khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và các tỉnh lân cận: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng. Khách đi theo hình thức gia đình, nhóm nhỏ đến với Quảng trường HCM, Bảo tàng tổng hợp, Quảng trường biển Bảo Ninh, động Phong Nha, động Thiên Đường… và các điểm du lịch cộng đồng cũng tăng đáng kể.

Tại Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị cho biết, tổng lượng khách ước tính trong 7 ngày (từ ngày 7/2 đến 13/2, tức là từ ngày 28 tháng Chạp năm Quý Mão đến ngày mùng 4 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024) ước đạt hơn 155.000 lượt khách, tăng hơn 24% so với tết Quý Mão 2023, chủ yếu khách tham quan.

Trong đó, khách quốc tế hơn 7.300 lượt khách, phần lớn xuất và nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Cửa khẩu quốc tế La Lay. Khách quốc tế phần lớn đến thăm các di tích như: địa đạo Vịnh Mốc, Đôi bờ Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị; Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang…

Những điểm đến chính của khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán phần đa là các di tích lịch sử, văn hóa và các điểm du lịch tâm linh như Chùa Hoằng Phúc, Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh, Chùa Đại Giác, Núi Thần Đinh…

Lượng lớn du khách chủ yếu là khách tham quan nội tỉnh, khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và các tỉnh lân cận: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng... Khách đi theo hình thức gia đình, nhóm nhỏ đến với Quảng trường Hồ Chí Minh, Bảo tàng tổng hợp, Quảng trường biển Bảo Ninh, động Phong Nha, động Thiên Đường… và các điểm du lịch cộng đồng cũng tăng đáng kể.

Tại Thừa Thiên Huế, từ ngày 7/2 đến ngày 15/2 (nhằm ngày 28 tháng Chạp năm Quý Mão đến ngày mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn), ước có khoảng 102.000 lượt khách đến tham quan, du lịch tại địa phương này.

Lượng khách du lịch tăng 20% so với cùng kỳ dịp Tết năm 2023, doanh thu từ du lịch ước đạt 160 tỷ đồng, tăng 4,82% so với dịp Tết Nguyên đán năm 2023.

Trước đó, để tạo điều kiện cho người dân, du khách trong nước tham quan, du xuân, từ ngày mùng 1 đến mùng 3 Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế mở cửa miễn vé tham quan tại các điểm di tích do đơn vị này quản lý.

Theo đó, trong khoảng thời gian nói trên, các điểm di tích đã đón 104.682 lượt khách vào thăm, trong đó có 12.682 khách quốc tế và 92.447 khách nội địa.

Riêng trong ngày mùng 3 Tết là ngày cao điểm nhất, đã đón 49.012 lượt (4.355 lượt khách quốc tế và 44.657 lượt khách nội địa và người địa phương). Ngày 13/2, các điểm di tích bán vé trở lại, cũng đã có 16.764 lượt khách vào tham quan (4.117 lượt khách quốc tế và 12.647 lượt khách nội địa).

Theo số liệu thống kê từ Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, trong kì nghỉ Tết Nguyên đán 2024, đã có trên 260.000 lượt du khách đến với Lào Cai, mang lại doanh thu 900 tỷ đồng.

Trong đó, khách du lịch nội địa: 256.800 lượt, khách quốc tế: 8.400 lượt (khách đi trong ngày là 64.200 lượt, khách lưu trú qua đêm là 201.000 lượt), tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023 (255.013 lượt). Lũy kế năm đạt 1.036.714 lượt khách.

Lượng khách du lịch đến các địa phương trọng điểm du lịch như: Thị xã Sa Pa đón khoảng 112.300 lượt; Thành phố Lào Cai đón khoảng 123.600 lượt khách; huyện Bắc Hà đón được khoảng 25.000 lượt khách; huyện Bảo Yên đón khoảng 31.500 lượt khách; huyện Bát Xát đón khoảng 12.500 lượt.

Công suất phòng nghỉ toàn tỉnh từ đầu kỳ nghỉ đến ngày mùng 5 tết ước đạt khoảng 76% (Riêng tại khu du lịch quốc gia Sa Pa đạt khoảng 80-85%).

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, tỉnh Lào Cai đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, du lịch đặc sắc phục vụ nhu cầu đón xuân của người dân và du khách.

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội ngày 14/2, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 8/2 đến hết ngày 14/2 dương lịch, tức từ ngày 29/12 đến hết 5/1 âm lịch), lượng du khách đến với Thủ đô ước đạt 653.000 lượt, doanh thu đạt 2.350 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu đón 26,5 triệu lượt khách (tăng 10,4% so với năm 2023); trong đó gồm 5 triệu lượt khách quốc tế (3,2 triệu khách có lưu trú) và 21,5 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 99.770 tỷ đồng.

Việt Nam Xã hội

Du lịch nhiều tỉnh thành 'bội thu' trong dịp Tết