G7 sẽ trừng phạt vàng của Nga - Tại sao lại là vàng? Trung Quốc sẽ hưởng lợi?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau hàng loạt đòn trừng phạt kinh tế - tài chính nhắm vào Nga, cỗ máy chiến tranh của Nga chưa bị ảnh hưởng nhiều vì thế giới chìm trong khủng hoảng năng lượng; Nga kiếm ngày khoảng 1 tỷ USD từ cuộc khủng hoảng này. Lần này, G7 trừng phạt vàng của Nga. Câu hỏi đặt ra tại sao lại là vàng? Vàng của Nga quan trọng thế nào với tiền tệ và nền kinh tế Nga?

Tổng thống Hoa Kỳ, ông Joe Biden nói với các đồng minh "chúng ta phải cùng nhau chống lại Nga", khi các nhà lãnh đạo thế giới gặp nhau vào hôm nay, Chủ nhật ngày 26/6/2022, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 (nhóm 7 quốc gia giầu có) ở Bavarian Alps (thuộc Đức). Dự kiến rằng chiến tranh Ukraine, khủng hoảng năng lượng, nỗi lo thiếu lương thực toàn cầu sẽ là chủ đề chính chi phối Hội nghị này.

'Đòn mạnh giáng vào ông Putin'

Ngay khi cuộc họp bắt đầu, 4 thành viên của nhóm G7 đã có đề xuất cấm nhập khẩu vàng của Nga. Đây được xem như một nỗ lực thắt chặt các biện pháp trừng phạt với Moscow, làm giảm dòng tài chính chảy về nước này phục vụ cỗ máy chiến tranh ở Ukraine trong hơn 100 ngày qua.

Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Reuters, hiện vẫn chưa rõ liệu có sự đồng thuận về động thái này trong nhóm G7 hay không. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel nói rằng vấn đề sẽ cần được xử lý cẩn thận nếu không có thể có nguy cơ phản tác dụng.

Anh cho biết lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga nhằm vào những người Nga giàu có đang mua vàng thỏi trú ẩn an toàn để giảm tác động tài chính của các lệnh trừng phạt của phương Tây. Xuất khẩu vàng của Nga trị giá 12,6 tỷ bảng Anh (15,45 tỷ USD) vào năm ngoái.

Theo Euro News, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết lệnh cấm của các nước G7 đối với việc nhập khẩu vàng Nga sẽ "giáng thẳng vào các đầu sỏ chính trị của Nga và tấn công vào trung tâm bộ máy chiến tranh của ông Putin".

Ông Johnson nói: "Ông Putin đang phung phí nguồn lực ngày càng cạn kiệt của mình cho cuộc chiến vô nghĩa và man rợ này. Ông ta đang tiêu hao cái tôi của mình bằng cái giá của cả người dân Ukraine và Nga".

Tại sao là vàng?

Giá trị xuất khẩu vàng của giới thượng lưu Nga đã tăng lên kể từ khi chiến tranh bắt đầu khi những người Nga giàu có tìm cách lách các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Đây là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Nga sau năng lượng trong những năm gần đây; đạt gần 19 tỷ USD (18 tỷ euro) hay khoảng 5% tổng lượng vàng xuất khẩu toàn cầu vào năm 2020, theo một số liệu từ Nhà Trắng.

Trong số vàng xuất khẩu của Nga, 90% được chuyển đến các nước G7. Trong số này, hơn 90%, tương đương gần 17 tỷ USD, được xuất khẩu sang Anh. Mỹ nhập khẩu dưới 1 triệu USD vào năm 2020 và 2021.

Ưu thế về vàng và dầu khí giúp đồng RUB của Nga vững vàng tăng giá

Ngay từ khi cuộc chiến bắt đầu, các đòn trừng phạt nhắm vào hệ thống tài chính của Nga, một đòn giáng mạnh mà Mỹ còn chưa từng sử dụng với hệ thống tài chính của Bắc Kinh: Loại bỏ các ngân hàng thương mại lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, một hệ thống thanh toán đồng USD toàn cầu.

Sau tài chính, hàng loạt các biện pháp cấm vận khác đã được tính tới, bao gồm cả cấm nhập khẩu dầu khí từ Nga vào khối EU bất chấp các bất đồng trong khối này do phụ thuộc năng lượng vào Nga. Dù vậy, đồng RUB Nga sau khi sụt giảm đã lập tức tăng giá, thậm chí tăng giá cao hơn trước chiến tranh 2 năm do nguồn ngoại tệ dồi dào từ xuất khẩu dầu và vàng.

Theo số liệu từ Hội đồng vàng thế giới, dự trữ vàng ở Ngân hàng liên bang Nga tăng lên 2.298,53 tấn trong quý 3 năm 2021 từ mức 2.292,31 tấn trong quý 2 năm 2021. Nga đã tăng mức dự trữ vàng lên gấp 6 lần trong 2 thập kỷ qua; hiện là quốc gia có lượng vàng dự trữ lớn thứ 5 toàn cầu. Trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng cao do khủng hoảng Ukraine - Nga, lượng vàng dự trữ này trở thành cứu cánh cho giá trị đồng RUB.

Trước chiến tranh, các chuyên gia cho rằng lượng vàng này không dễ dàng thanh khoản bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ và EU. Tuy vậy, sau gần 4 tháng chiến tranh, xuất khẩu vàng sang EU và Mỹ vẫn là một thu lớn của nền kinh tế này.

Vàng rẻ của Nga có chảy sang Trung Quốc và các đồng minh?

Trả lời câu hỏi của Bloomberg, ông Jeff Christian, Đối tác quản lý của Tập đoàn CPM, chuyên gia nghiên cứu về vàng từ năm 1970, cho rằng Moscow có thể cần hướng tới các ngân hàng trung ương ở các quốc gia như Ấn Độ hoặc Trung Quốc để bán vàng hoặc bảo đảm các khoản vay bằng cách sử dụng nó.

Christian cho biết trong một cuộc phỏng vấn từ New York: “Họ có thể mua vàng với giá chiết khấu [tức là giá thấp hơn giá trên thị trường] từ Nga. Nga cũng có thể bán thông qua Sở giao dịch vàng Thượng Hải, nơi có các ngân hàng thương mại là thành viên, mặc dù bất kỳ doanh số bán hàng nào có thể sẽ nhỏ", ông nói.

Không biết, lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga có bao gồm các biện pháp trừng phạt nhằm cản trở thêm các giao dịch vàng với bên thứ 3 hay không. Bởi vì điều này có thể ngăn cản các ngân hàng ở Trung Quốc và Ấn Độ mua vàng hoặc cho Nga vay có đảm bảo bằng vàng. Bắc Kinh muốn tránh bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ trong chiến tranh. Điều đó càng làm giảm các lựa chọn của Nga.

Trong một ví dụ khác về cách phương Tây đang nhắm mục tiêu vào hoạt động thương mại vàng của Nga, Hiệp hội Thị trường vàng thỏi London (LBMA) và Tập đoàn CME đã loại các nhà máy lọc dầu của Nga khỏi danh sách được công nhận của họ, dẫn đến lệnh cấm vàng thỏi có nguồn gốc từ Nga xuất hiện ở các thị trường chính của London và Hoa Kỳ (theo Bloomberg).

Vàng luôn là khoản dự trữ hoàn hảo nhất của mọi cuộc chiến và xung đột

Lệnh trừng phạt tương tự đã nhắm vào Kyrgyzstan, khi các nhà máy lọc dầu của quốc gia này bị loại khỏi LBMA. Năm ngoái, Kyzgyzstan đã phải đề nghị các nhà máy lọc dầu của Thuỵ Sỹ xử lý vàng từ NHTW Kyrgyzstan; tức là xử lý vàng dự trữ gián tiếp qua nhà máy lọc dầu của Thuỵ Sỹ, đảm bảo vàng của nước bị phạt có thể thanh khoản trên thị trường tài chính thế giới. Ít nhất một nhà máy lọc dầu của Thuỵ Sỹ đã từ chối đề nghị của chính phủ Kyzgyzstan vì lo ngại bị trừng phạt bởi LBMA.

Khi đối diện với lệnh trừng phạt kinh tế - tài chính, các quốc gia đều tăng cường dự trữ vàng. Nhà độc tài Moammar Qaddafi đã bán một phần dự trữ vàng của Libya để chi trả cho quân đội trong một cuộc nổi dậy, theo cựu Thống đốc ngân hàng trung ương Farhat Bengdara. Và một bản cáo trạng của Hoa Kỳ chống lại ngân hàng Halkbank của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019 đã mô tả cách các khoản tiền của Iran ở đó được chuyển đổi thành vàng, xuất khẩu sang Dubai và sau đó được bán lấy tiền mặt.

Venezuela đã đấu tranh để tiếp cận số vàng được cất giữ trong kho tiền của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) khi lãnh đạo phe đối lập của Vương quốc Anh công nhận Juan Guaido làm tổng thống. BOE là một địa chỉ phổ biến giữ hộ vàng của NHTW các nước trên khắp toàn cầu vì vị trí thuận tiện của nó trên thị trường giao dịch vàng thỏi ở London.

Bản thân Nga đã tăng cường mua vàng từ nước thứ 3 trong bối cảnh một nửa khoản dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng trung ương Nga (khoảng 630 tỷ USD, gồm cả vàng) bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương tây.

Theo tin từ Reuters, Ngân hàng trung ương Nga cho biết họ sẽ tạm ngừng mua vàng từ các ngân hàng kể từ ngày 15/3, nhưng không cho biết sự thay đổi này sẽ kéo dài bao lâu. Lý do Nga dừng mua vàng vì với khoản dự trữ ngoại hối có khả năng tiếp cận khoảng 300 tỷ USD, thì vàng đã chiếm tới 40% tổng tài sản dự trữ. Lúc này, việc tăng cường dự trữ vàng là không còn cần thiết, đặc biệt khi giá vàng thế giới đang ở đỉnh cao.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

G7 sẽ trừng phạt vàng của Nga - Tại sao lại là vàng? Trung Quốc sẽ hưởng lợi?