Hậu Giang: Liên tiếp xảy ra 8 vụ sạt lở đất, thiệt hại hàng tỷ đồng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vụ sạt lở gần đây nhất tại TP Ngã Bảy (Hậu Giang) kéo dài hàng chục mét, ăn sâu vào bờ, làm sụp một phần đường giao thông nông thôn.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, tính từ đầu năm, tỉnh Hậu Giang đã xảy ra 8 vụ sạt lở đất, chiều dài sạt lở 216m, diện tích đất bị sạt xuống sông gần 1.100m². Thiệt hại gần 2 tỷ đồng.

Trong đó, vụ sạt lở gần nhất xảy ra vào lúc 5h ngày 19/3 gần hộ đất của ông Nguyễn Văn Thống ở kênh xáng Cái Côn thuộc ấp Đông An 2A, xã Tân Thành, thành phố Ngã Bảy. Vụ sạt lở kéo dài hàng chục mét, ăn sâu vào bờ, làm sụp một phần đường giao thông nông thôn.

Chiều dài điểm sạt lở khoảng 27m, ăn sâu vào bờ nơi rộng nhất khoảng 6m; diện tích mất đất hơn 160m2, làm sụp lún một phần lộ đá dăm, ước thiệt hại gần 340 triệu đồng.

Nguyên nhân ban đầu dẫn đến sự cố được xác định do ảnh hưởng dòng chảy.

Sau đó, người dân đã tìm cách khắc phục, dọn dẹp điểm sạt lở.

Trước đó, vào ngày 15/3, tại bờ Kênh Mái Dầm, thuộc huyện Châu Thành cũng xảy ra vụ sạt lở đất, kéo theo một căn nhà của người dân.

Vị trí xảy ra sụp đất, sạt lở bờ kênh tại hộ của bà Nguyễn Thị Lệ và Nguyễn Thị Hiền, ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, với chiều dài sạt lở 60m, sâu vào bờ nơi rộng nhất khoảng 5m, diện tích mất đất là 300m­2. Sạt lở làm sụp một căn nhà cấp 4 xuống sông, trước đó đã được địa phương chia sẻ tháo dỡ một phần và di dời vật dụng ra khỏi nhà. Ước thiệt hại do vụ sạt lở gây ra là 250 triệu đồng.

Sông Hồng 'nuốt' đất, uy hiếp cuộc sống người dân Trấn Yên - Yên Bái

Những năm gần đây, không chỉ ở tỉnh Hậu Giang, tại tỉnh Yên Bái cũng đang xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng gần bờ sông Hồng gây nhiều thiệt hại cho người dân.

Cụ thể, một đoạn bờ sông Hồng khu vực thượng lưu cầu Móc Tôm, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) đang bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài vài trăm mét, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt và việc canh tác của người dân địa phương, rất cần được xử lí sớm.

Hiện, mặc dù đang mùa nước cạn nhưng dòng nước sông Hồng vẫn đang tiếp tục “nuốt” đất. Dưới mép nước, đất màu liên tục lở xuống; bờ sông nham nhở hàm ếch, vết nứt, lộ ra địa chất nơi đây rất yếu, nguy cơ sạt lở lớn bất cứ lúc nào...

Trên bãi, diện tích đất sát mép lở, người dân vẫn canh tác dâu tằm và rau màu, mặc dù không biết lúc nào sẽ bị nước cuốn đi nốt. Theo một số người dân địa phương, nguyên nhân sạt lở có thể là do hoạt động khai thác cát và khoáng sản diễn ra trước đây, cộng với các yếu tố tự nhiên khác.

Một người dân thôn Đình Xây, xã Báo Đáp cho biết, trước đây bờ sông ở cách vị trí hiện tại hàng chục mét, rồi qua mỗi năm sạt thêm, bây giờ đã áp sát con đường dân sinh. Dâu, hoa màu là nguồn thu nhập chính của người dân nhưng cứ đà này nhiều khả năng số diện tích còn lại ít ỏi cũng sẽ sạt trôi đi hết.

Được biết, Dự án Kè chống sạt lở và phát triển cơ sở hạ tầng hai bên bờ sông Hồng mới đây đã được nhà chức trách tỉnh Yên Bái phê duyệt với tổng mức đầu tư 370 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân cũng như bảo đảm an toàn cho các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, tạo sự ổn định cho người dân sinh sống, sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo dự án, sẽ xây dựng mới tuyến kè chống sạt lở bờ sông Hồng khu vực thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên (huyện Văn Yên) với tổng chiều dài 4.227m. Riêng đoạn khu vực thượng lưu cầu Móc Tôm, xã Báo Đáp (huyện Trấn Yên) có chiều dài tuyến kè 583m, thời gian thực hiện là 04 năm.

Những người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ sông Hồng ở các địa phương khác cũng đang rất mong chờ dự án trên được khởi công, thoát khỏi cảnh sống lo âu, thấp thỏm như hiện nay, nhất là khi mùa mưa lũ đang cận kề.

Việt Nam Xã hội

Hậu Giang: Liên tiếp xảy ra 8 vụ sạt lở đất, thiệt hại hàng tỷ đồng