Kế hoạch chống biến đổi khí hậu có thể khiến Đảng Dân chủ thua cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong nhiều năm nay, đã có một cuộc tranh luận sôi nổi và cam go về việc liệu biến đổi khí hậu có phải là khoa học, tôn giáo, hay thậm chí là một con đường dẫn đến chủ nghĩa xã hội hay không. Câu hỏi đó vẫn chưa được giải đáp; nhưng giờ đây chúng ta biết một cách chắc chắn rằng biến đổi khí hậu là trở ngại chính trị của Đảng Dân chủ của Mỹ.

Sự tận tâm của cánh tả (Đảng Dân chủ) dành cho phong trào chống biến đổi khí hậu có thể khiến đảng này đối mặt với những tổn thất chưa từng có vào tháng 11 năm nay (thời gian bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ). Kế hoạch không sử dụng nhiên liệu hóa thạch mang đầy tính tự sát đã thua về cả kinh tế và chính trị. Hơn 70% lượng năng lượng sản xuất và tiêu thụ ở Mỹ là từ dầu mỏ, khí đốt và than đá. Cuộc chiến của Tổng thống Joe Biden với các nguồn nhiên liệu này đã gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng và khiến một gallon xăng có giá lên đến 5 USD. Phải chăng các đảng viên Đảng Dân chủ chưa học được bài học vào năm 1980 khi ông Ronald Reagan giành chiến thắng trong cuộc bầu cử long trời lở đất trước cựu Tổng thống Jimmy Carter? Lạm phát và giá xăng tăng cao là cách thức chắc chắn khiến cử tri tức giận.

Trong khi ông Biden liên tục nói rằng ông ấy đang làm "mọi thứ có thể để giảm giá xăng", thì cách nói của ông ấy quả thực ‘khéo léo’ - bởi vì nếu mục tiêu của bạn là khiến mọi người ngừng sử dụng thứ gì đó, thì việc tăng giá của nó là cách khá tốt để đạt được điều đó. Nếu giá xăng tăng lên 10 hoặc 15 USD/gallon, xe tải và xe hơi sẽ biến mất trên đường cao tốc; và đó sẽ là một điều tuyệt vời (trong chống biến đổi khí hậu).

Các đảng viên Đảng Dân chủ đã quá say mê với ảo tưởng Thỏa thuận xanh mới (Green New Deal) đến nỗi họ không hiểu rằng hầu hết mọi người không quá ám ảnh với biến đổi khí hậu như họ. Một cuộc thăm dò mới được tài trợ bởi nhóm của tôi, Ủy ban Phát triển Thịnh vượng (Committee to Unleash Prosperity), cho thấy rằng lo ngại của người dân về lạm phát và giá khí đốt cao hơn nhiều so với lo ngại về biến đổi khí hậu. Hơn nữa, cuộc thăm dò tìm ra rằng số tiền trung bình mà những người được hỏi sẵn sàng chi cho phong trào về biến đổi khí hậu là 55 USD/năm. Xin lỗi, nó tương đương với phần chi phí tăng lên mà chúng ta đang phải trả cho 2 lần đổ đầy xăng.

Tiếp đó, có một thực tế ngày càng khó tránh khỏi rằng các nguồn năng lượng xanh mà Đảng Dân chủ mơ tưởng sẽ còn cần nhiều thập kỷ nữa để phát triển về mặt công nghệ trong việc thay thế dầu, khí đốt và than đá truyền thống. Ngay cả Bộ Năng lượng Mỹ cũng dự đoán rằng ngay cả khi xu hướng hướng tới năng lượng tái tạo, thì đến năm 2035, chúng ta vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào dầu, khí đốt và than để sản xuất điện, sưởi ấm trong gia đình và dùng trong giao thông vận tải.

Elon Musk, nhà vô địch hàng đầu về ô tô điện, đã nhắc nhở ông Biden trong một tweet gần đây rằng không phải như ở vùng đất viễn tưởng, tại thế giới thực này chúng ta sẽ cần dầu và khí đốt trong nhiều năm nữa. Ngày nay, 3% ô tô trên đường chạy bằng điện và 95% sử dụng khí đốt hoặc dầu diesel.

Điều này đưa chúng ta đến một lỗ hổng chết người khác của phong trào biến đổi khí hậu. Chính quyền Biden và các đồng minh xanh cấp tiến của họ không thể giải thích tại sao việc nước Mỹ mua năng lượng từ Ả Rập Saudi, Iran và Nga lại có ý nghĩa hơn từ Texas, Oklahoma và Alaska (các tiểu bang của Mỹ).

Cuộc chiến xung quanh vấn đề sản xuất dầu, khí đốt và than đá là một tổn thất lớn đối với môi trường và làm tăng lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Đó là bởi vì Mỹ có các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt nhất. Chuyển sản xuất dầu khí sang Nga hoặc Iran và chuyển sản xuất than sang Trung Quốc và Ấn Độ đang gây ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính nhiều hơn. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang bận rộn tìm cách tiếp quản nền kinh tế thế giới, và điều cuối cùng mà ông ấy hay giai cấp thống trị ở Bắc Kinh quan tâm là biến đổi khí hậu.

Cuối cùng, Đảng Dân chủ lẽ ra phải học được bài học từ thảm họa năng lượng xanh ở Tây Âu. Một thập kỷ trước, người Pháp, người Đức, người Ý và những nước khác trong Liên minh châu Âu đã thúc đẩy năng lượng tái tạo. Họ cắt giảm phần lớn sản lượng dầu, khí đốt và than đá, đóng cửa các nhà máy hạt nhân (tại sao?), và trợ cấp cho việc xây dựng các tuabin gió và các tấm pin mặt trời. Kế hoạch gần như đã làm phá sản nước Đức khi giá năng lượng tăng vọt và các nhà máy năng lượng rời châu Âu để đến châu Mỹ và châu Á. Một thập kỷ sau, Pháp quay trở lại xây dựng các nhà máy hạt nhân; còn Đức đang đốt nhiều than hơn bao giờ hết và nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga. Châu Âu gần đây đã định nghĩa lại khí đốt tự nhiên và điện hạt nhân là “năng lượng sạch”.

Phong trào chống biến đổi khí hậu đã phá hủy nền kinh tế của họ, tạo ra nhiều thiệt hại về mặt tài chính. Thật không may, người Mỹ đã không chú ý đến cuộc thử nghiệm thất bại đó; và ông Biden đang lặp lại nó. Kết quả có thể sẽ giống nhau. Kế hoạch về biến đổi khí hậu cấp tiến của Đảng Dân chủ không làm xanh hành tinh mà còn đang làm phá sản nước Mỹ. Các cử tri biết chính xác ai là người phải chịu trách nhiệm.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Stephen Moore là thành viên cấp cao tại FreedomWorks và là đồng sáng lập của Committee to Unleash Prosperity. Ông từng là cố vấn kinh tế cấp cao cho cựu Tổng thống Donald Trump. Cuốn sách mới của ông có tựa đề: "Govzilla: Sự phình to không ngừng của chính phủ đang làm nước Mỹ nghèo đi như thế nào" (Govzilla: How the Relentless Growth of Government Is Impoverishing America).

Chi Anh

Theo The Epoch Times

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Kế hoạch chống biến đổi khí hậu có thể khiến Đảng Dân chủ thua cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022