Bộ Tư pháp Mỹ điều tra hành vi trục lợi từ khủng hoảng chuỗi cung ứng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Tư pháp Mỹ đã ra thông báo vào ngày 17/02 rằng họ đang bắt đầu một chương trình ​điều tra các công ty trục lợi từ tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng ở Mỹ. Hành vi của các công ty này đã vi phạm luật chống độc quyền của liên bang.

Chương trình điều tra ​​được dẫn dắt bởi bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp và FBI; và được khởi động giữa những áp lực từ công chúng Mỹ lên chính quyền Biden trong việc kiểm soát tình trạng lạm phát do sự khan hiếm nguồn cung cùng với nhiều nguyên nhân khác.

Tòa Bạch Ốc đang phải đối mặt với áp lực ngày một tăng cao trong việc kìm hãm lạm phát khi mà giá sản xuất trong tháng 1 đã tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao gần kỷ lục.

Trợ lý Giám đốc Luis Quesada thuộc Cục Điều tra Hình sự của FBI cho biết: “Thách thức kéo dài từ gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 đã tạo cơ hội cho các hành vi phạm tội về ấn định giá và đẩy giá bán lên cao”. Ông nói thêm: “FBI và các đối tác thực thi pháp luật của chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác và điều tra các hoạt động vi phạm luật chống độc quyền và kìm hãm phục hồi kinh tế".

Nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn bởi những ứ đọng trong chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động trong kinh doanh và bán lẻ, khiến giá cả trên toàn nước Mỹ tăng đột biến, với nguyên nhân đa phần là bởi đại dịch.

Bộ Tư pháp Mỹ tin rằng các vấn đề về chuỗi cung ứng đã tạo cơ hội để các công ty ấn định giá và đẩy giá bán lên cao "nhằm thu lợi bất chính", và rằng Bộ Tư pháp và FBI sẽ truy tố bất kỳ vi phạm chống độc quyền nào mà họ phát hiện ra.

Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Jonathan Kanter thuộc Bộ phận Chống độc quyền cho biết: “Tình trạng gián đoạn nhất thời của chuỗi cung ứng không được phép bị lợi dụng cho việc che giấu hành vi bất hợp pháp”. “Bộ phận Chống độc quyền sẽ không cho phép các công ty cấu kết với nhau, lấy gián đoạn chuỗi cung ứng là cái cớ để nâng giá bán lên cao quá mức”.

Theo thông tin từ Bộ Tư pháp Mỹ, FBI sẽ truy tố các vi phạm chống độc quyền, bao gồm các thỏa thuận giữa các cá nhân và doanh nghiệp để thông đồng ấn định giá hoặc tiền lương.

Bộ phận Chống độc quyền cũng đã thành lập một nhóm công tác quốc tế tập trung vào các cáo buộc thông đồng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, kết hợp cùng với các đối tác ở Vương quốc Anh, Úc, New Zealand và Canada. Nhóm công tác quốc tế này, bao gồm 5 quốc gia lớn nói tiếng Anh, còn được gọi là Five-Eyes (Ngũ Nhãn), sẽ chia sẻ thông tin tình báo bằng cách sử dụng các công cụ điều tra phổ biến hiện có, để phát hiện và chống lại các âm mưu thông đồng.

Các nỗ lực khác của Tòa Bạch Ốc nhằm gỡ rối chuỗi cung ứng

Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc vừa khởi động một chiến dịch chống lại cái được họ gọi là “Thịt lớn (Big Meat)”, cáo buộc việc hợp nhất trong ngành đóng gói sản phẩm thịt là nguyên nhân đằng sau việc tăng giá trong ngành này.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết vào tháng 12: “Quý vị có thể gọi đó là lòng tham của các công ty. Quý vị cũng có thể gọi đó là thổi giá trong đại dịch".

Tuy nhiên, các hiệp hội ngành công nghiệp và Phòng Thương mại Mỹ cho rằng vấn đề nằm ở tình trạng thiếu lao động và chi phí năng lượng chứ không phải ở sự hợp nhất.

Giám đốc điều hành Hiệp hội Thịt Bắc Mỹ, bà Julie Potts, nói trong một tuyên bố báo chí: “Chính quyền Biden tiếp tục lờ đi thách thức lớn nhất đối với ngành sản xuất thịt và gia cầm: tình trạng thiếu lao động”.

Bà Potts cho biết thêm: “Cách tiếp cận này không có gì đáng ngạc nhiên vì họ đã từ chối tìm hiểu lĩnh vực đóng gói và chế biến, tới mức mà họ đã tổ chức một hội nghị bàn tròn về đóng gói thịt mà không có sự tham gia của bất kỳ công ty đóng gói thịt bò hay thịt lợn nào".

Chính quyền Biden đã và đang tập trung nhiều nỗ lực hỗ trợ các cảng bị ứ đọng ở Bờ Tây nhằm gỡ rối cho chuỗi cung ứng của Mỹ. Các quan chức cho biết tình hình đang được cải thiện, nhưng cảng Long Beach vẫn đang phải đối mặt với tình trạng ứ đọng các tàu chở hàng đã dừng hoạt động.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bộ Tư pháp Mỹ điều tra hành vi trục lợi từ khủng hoảng chuỗi cung ứng