Năm ‘rồng’ 2024: Tỷ lệ sinh ở Việt Nam liệu có tăng đột biến?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm ‘rồng' (Giáp Thìn) thông thường sẽ là một năm có tỷ lệ sinh tăng rất cao, nhưng nhiều khảo sát cho thấy năm 2024 khó xảy ra điều đó, do tình hình kinh tế đang không thuận lợi và tư tưởng của người trẻ hiện nay đang dần thay đổi.

Rồng là con giáp biểu tượng của quyền lực và sự vĩ đại trong 12 con giáp của lịch phương Đông. Thông thường, năm rồng là năm có tỷ lệ sinh con cao hơn bất kỳ năm nào khác.

Năm con rồng 2000, tỉ lệ sinh ở Hong Kong đã tăng hơn 5%. Tại Trung Quốc cũng đã ghi nhận số ca sinh tăng trong năm 2012, tăng gần 950.000 ca so với năm trước. Ở Việt Nam, những năm rồng gần đây, vào năm 2012 và 2000, tỉ lệ sinh cũng đã tăng đột biến.

Khi bước sang năm 2024, thuật ngữ "em bé rồng" đã được tìm kiếm nhiều ở Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc tin rằng rồng là linh vật tốt lành nhất, những đứa trẻ sinh năm rồng đều thông minh, duyên dáng, nói năng khéo léo và giàu có suốt đời.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia dự đoán tỷ lệ sinh trong năm 2024 có thể tăng nhẹ, nhưng vẫn không tăng nhiều do các ảnh hưởng từ kinh tế và quan niệm thay đổi ở giới trẻ.

Ông Nguyễn Đình Bách - Nguyên vụ trưởng vụ pháp chế thanh tra Tổng cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình nói với Sputnik: “Việc đổ xô sinh con vào những năm đẹp (theo quan niệm xưa) khó xảy ra. Bởi nhận thức về việc sinh nở đã tăng cao, chưa kể đến áp lực công việc kinh tế, chi phí sinh đẻ, nuôi dưỡng,... tác động rất nhiều đến tư tưởng mong muốn sinh con của giới trẻ Việt Nam hiện nay. Bởi vậy, tôi cho rằng, xét về mặt dân số học có thể sẽ có biến động nhất định, nhưng chắc chắn sẽ không lớn”.

Hiện nay, việc sinh đủ 2 con, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con đang là một áp lực không nhỏ trong cuộc sống, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Sài Gòn và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Gần đây, Việt Nam đang đưa ra nhiều chính sách khuyến khích sinh con, như khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, sinh con sớm; bãi bỏ chính sách sinh ít con, khuyến khích sinh đủ 2 con.

Đặc biệt, một số địa phương có mức sinh thấp được hỗ trợ sinh con, nuôi dạy con… Hay gần đây nhất, như trong dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2.

Trước câu hỏi “Liệu trong năm rồng tỷ lệ sinh có tăng nhiều không?”, ông Bách cho rằng, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cấu trúc dân số. Nhất là về quan niệm năm đẹp, năm xấu nằm ở tâm lý người Kinh nhiều hơn, chứ không nằm người dân tộc thiểu số.

Ông nói: “Hiện nay, tỷ lệ sinh nhiều mà Việt Nam muốn giảm nằm ở vùng cao, tức là giảm ở những nơi có mức sinh cao và tăng ở những nơi có mức sinh thấp, như những vùng đồng bằng, vùng kinh tế phát triển. Mà những nơi này đa số là người Kinh. Bởi vậy, nếu tập trung tăng sinh đột biến ở thành phố, những nơi có mức sinh đang giảm, sẽ không có vấn đề gì. Thậm chí, có thể nói, đây là tín hiệu mừng”.



BÀI CHỌN LỌC

Năm ‘rồng’ 2024: Tỷ lệ sinh ở Việt Nam liệu có tăng đột biến?