Huyền Trang thỉnh kinh (4): Trở về Đại Đường, dịch ngàn cuốn kinh Phật

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đệ tử của ngài Huyền Trang từng nhớ lại và kể rằng: Ngài Huyền Trang có dáng người cao hơn 7 thước, màu da trắng hồng, khuôn mặt trong sáng, uy nghi như thần. Giọng nói của ngài trong trẻo, ngôn từ tao nhã, khi nói chuyện với người khác, dù ngồi cả nửa ngày, thân thể của ngài cũng không nghiêng lệch hay lay động. Khi đi đường, ngài có dáng vẻ thong dong, mắt nhìn về phía trước, không nhìn dọc nhìn ngang....

Được đón tiếp nồng nhiệt khi trở về

Năm Trinh Quán thứ 18 (năm 644), ngài Huyền Trang về đến Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc. Ngài viết thư cho Hoàng đế Đường Thái Tông, báo rằng mình đã "tự mình đến Thiên Trúc", xin được trở về nước. Bảy tháng sau, Thái Tông niềm nở trả lời rằng: "Hãy mau quay về gặp Trẫm"

Khi ấy Đường Thái Tông đang ở cung Lạc Dương, liền lệnh cho quan trấn thủ Tây Kinh là Phòng Huyền Linh dẫn theo các quan đón ngài Huyền Trang đến chùa Hoằng Phúc. Tất cả chi phí đều do triều đình chu cấp.

Ở thành Trường An, người dân chen nhau đổ ra đường. Những người chào đón ngài Huyền Trang trở về xếp hàng hai bên đường dài đến hơn 10 dặm. Mọi người tranh nhau tiến lên trước, muốn nhìn thấy vị pháp sư đã trải qua trăm ngàn nguy hiểm thỉnh kinh trở về. Cùng với Phòng Huyền Linh, pháp sư Huyền Trang đi từ Đô Đình Dịch phía tây, từ từ đi đến chùa Hoằng Phúc. 17 năm trước, ngài vội vàng rời khỏi thành Trường An, không ngờ rằng khi trở về sẽ được đón tiếp nồng nhiệt như vậy.

Tượng ngài Huyền Trang trước tháp Đại Nhạn Tây An (Ảnh thuộc miền công cộng)

Những bộ kinh Phật được ngài Huyền Trang dùng 20 con ngựa vận chuyển từ Ấn Độ trở về được trưng bày ở đầu đường Chu Tước trong thành Trường An, gồm có 520 hòm với 657 bộ kinh, 150 viên xá lợi Phật, cùng với 7 tượng Phật bằng vàng và bạc. Các tăng ni đi theo hộ tống ngài mang theo các loại nghi trượng có màu sắc trang nghiêm long trọng, hương khói vấn vít, rải hoa để cung dưỡng, những bài kệ bản nhạc Phật vang lên không dứt. Dân chúng, sĩ phu và quan lại tập trung chiêm ngưỡng vô cùng đông đúc. Để tránh xảy ra việc giẫm đạp, quan phủ thông báo mọi người chỉ đốt hương và rải hoa tại chỗ, không được di chuyển.

Vào ngày hôm đó, trên bầu trời xuất hiện đám mây lành bảy màu, dài đến vài dặm, nhẹ nhàng xoay quanh phía trên chỗ đặt kinh Phật, cùng nghênh đón ngài Huyền Trang đến chùa Hoằng Phúc

Lần đầu tiên Hoàng đế Đường Thái Tông gặp ngài Huyền Trang

Năm 9 tuổi, Thái Tông Lý Thế Dân có bệnh ở mắt, Thái Tổ Lý Uyên đã đến đến chùa Thảo Đường ở Trường An để cầu phúc cho Thái Tông. Sau đó, quả nhiên Thái Tông khỏi bệnh. Thái Tổ Lý Uyên liền cho tạc một pho tượng Phật bằng đá, đưa vào chùa để thờ phụng. Những trải nghiệm trong thời thơ ấu khiến Thái Tông Lý Thế Dân nhớ mãi. Thái Tông từng tự mình soạn thơ, để tán dương tổ sư của chùa Thảo Đường là ngài Cưu Ma La Thập. Trước khi lên ngôi, Thái Tông có quan hệ rất tốt với các tăng lữ Phật giáo.

Sau khi lên ngôi, Thái Tông Lý Thế Dân lập tức bãi bỏ những chiếu chỉ hạn chế sự phát triển của Phật Giáo, bắt đầu “độ tăng lập chùa, quảng sự hoằng trì” (cho phép tu tập, xây chùa, truyền rộng Phật Pháp), ra sức chấn hưng Phật giáo.

Tháng hai năm Trinh Quán thứ 19 (năm 645), Thái Tông mời ngài Huyền Trang vào cung. Khi nhìn thấy ngài Huyền Trang, Thái Tông lập tức đứng dậy chào đón với thái độ ân cần, niềm nở, cho phép ngài Huyền Trang ngồi, và nói rằng: "Pháp sư muốn đi về hướng tây để cầu Pháp, tại sao không nói cho trẫm biết?"

Ngài Huyền Trang nhận tội, trả lời rằng: "Khi đó, thần đã dâng tấu ba lần, nhưng tấm lòng còn nông cạn, không được chuẩn tấu. Do nóng lòng cầu Pháp, nên chỉ đành vi phạm quốc pháp, tự ý ra đi. Tội tự ý này, thần cảm thấy rất hổ thẹn".

Thái Tông an ủi rằng: "Pháp sư là người xuất gia, đã thoát ly khỏi thế tục, không những thế còn mạo hiểm tính mạng, chí hướng đặt ở chỗ phổ độ chúng sinh, trẫm vô cùng khâm phục. Từ nay pháp sư không cần bận tâm về việc này nữa".

Sau đó, Thái Tông lần lượt hỏi về con người, đất đai, phong tục, chính sách, luật pháp của Tây Vực. Pháp sư Huyền Trang trả lời từng câu, kể lại rất rõ ràng, mạch lạc.

Thái Tông vô cùng vui mừng, nói: "Từ xưa Phù Kiên nói rằng Thích Đạo An là pháp khí, không ai không sùng kính. Trẫm thấy pháp sư lời lẽ tao nhã, phong thái cẩn thận, còn vượt xa cả người xưa!"

Thái Tông nhận thấy khí chất và kiến thức của ngài Huyền Trang có tài làm quan, liền khuyên ngài hoàn tục, làm quan để trợ giúp việc chính sự. Ngài Huyền Trang từ chối nói rằng, nếu bản thân hoàn tục cũng giống như con thuyền dưới nước phải rời nước lên cạn, không chỉ không thể phát huy tác dụng mà còn nhanh chóng mục nát. Bởi vì ngài chỉ muốn hồng truyền Phật Pháp để báo đáp quốc gia, Thái Tông nghe vậy bèn không miễn cưỡng nữa.

Thái Tông và ngài Huyền Trang trò chuyện rất hợp nhau, đến nỗi không hay biết thời gian trôi qua. Hai người nói chuyện từ giờ Mão lúc mặt trời mọc, đến tận giờ Dậu khi màn đêm dần buông xuống và đã có tiếng trống canh.

Trang sách trong cuốn Đại Đường Tây Vực ký. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Một năm sau, pháp sư Huyền Trang viết xong cuốn Đại Đường Tây Vực ký theo lệnh của Hoàng đế. Đây là một tác phẩm địa lý, lịch sử lớn do ngài Huyền Trang thuật miệng và đệ tử Biện Cơ chép lại, có tổng cộng 12 cuốn, giới thiệu tình hình thực tế của 110 nước mà ngài Huyền Trang đã đi qua và 28 nước ngài được nghe kể lại, bao gồm nhiều khía cạnh như hình thế địa lý, sản vật nông nghiệp, cung điện của nhà vua, tư pháp, quân đội, phong tục tôn giáo, ngoài ra còn ghi lại những câu chuyện cổ và truyền thuyết của Phật giáo, có giá trị rất to lớn.

Đại Đường Tây Vực Ký đóng vai trò rất quan trọng trong việc bổ sung các tư liệu lịch sử chi tiết của Ấn Độ. Dựa trên cách phát âm của tiếng Ấn Độ, ngài Huyền Trang đã đổi tên "Thiên Trúc" thành "Ấn Độ". Nhờ những đóng góp của ngài, công cuộc tái hiện lịch sử Ấn Độ đã đạt được những bước tiến quan trọng.

Sau khi đọc Đại Đường Tây Vực Ký, Đường Thái Tông càng thêm nể phục ngài Huyền Trang. Thái Tông lại lần nữa đề nghị ngài hoàn tục để giúp triều đình cai trị đất nước. Tuy nhiên, ngài Huyền Trang vẫn luôn day dứt rằng hơn 600 bộ kinh Phật mang về từ Ấn Độ vẫn chưa được dịch sang tiếng Hán. Ngài liền thỉnh cầu Thái Tông hỗ trợ việc phiên dịch kinh Phật.

Thành lập điểm dịch kinh Phật

Với sự hỗ trợ của Đường Thái Tông, ngài Huyền Trang đã chủ trì thành lập điểm dịch kinh của đất nước. Một nhóm các vị cao tăng uyên thâm, dưới sự dẫn dắt của ngài Huyền Trang, đã cùng nhau dốc sức chỉnh lý và phiên thuật kinh Phật.

Từ năm Trinh Quán thứ 19 đến năm Trinh Quán thứ 20, ngài Huyền Trang chủ trì công việc dịch kinh ở chùa Hoằng Phúc. Công tác phiên dịch có 10 bước, có người chuyên trách, phân công rõ ràng. Ngài Huyền Trang sẽ sắp rõ công việc phải hoàn thành trong từng ngày. Nếu ban ngày chưa làm xong, ban đêm sẽ tiếp tục làm đến khi hoàn thành. Sau khi dịch xong, ngài còn tụng kinh Phật, mãi đến canh ba mới ngủ. Đến canh năm, ngài đã dậy để tiếp tục việc dịch kinh.

Cảnh ngài Huyền Trang Tam Tạng phiên dịch kinh Phật. Bức tranh ở phần đầu "Hồng Vũ Nam tạng" Đại Tạng Kinh. (Miền công cộng)

Trong thời gian chưa đến 20 năm, ngài Huyền Trang đã chủ trì phiên dịch 1335 cuốn kinh Phật, tương đương với 5 ngày dịch xong một cuốn kinh Phật. Số kinh này nhiều hơn gấp đôi so với tổng số kinh Phật do ba dịch giả lớn từng dịch trước đó.

Đường Thái Tông đích thân viết lời tựa cho kinh Du-già sư địa luận

Năm Trinh Quán thứ 22, ngài Huyền Trang hoàn thành việc dịch kinh “Du già sư địa luận” với tổng cộng 100 quyển và dâng lên Đường Thái Tông để ngài xem xét. Sau khi đọc kinh, Thái Tông đã liên tục khen ngợi rằng "Phật giáo thật là rộng lớn". và thừa nhận những lời chỉ trích trước đây của,mình về Phật giáo là lời nói vô căn cứ.

Thái Tông đặc biệt cúng dường cho ngài Huyền Trang một bộ áo cà sa Ma Vân, một con dao cạo. Bộ áo cà sa Ma Vân có giá trị cả vạn lượng vàng, được gọi là thiên y vô phùng (áo trời không có vết chỉ), chế tác rất tinh mỹ, không thể nhìn ra đường kim mũi chỉ, phải tốn thời gian mấy năm mới hoàn thành được.

Thái Tông ra lệnh mang bản "Du già sư địa luận" mới dịch xong chép thành 9 bản, cho lưu hành trong cả nước, đích thân viết bài tựa cho bộ kinh này, đặt tên là "Đại Đường Tam Tạng Thánh giáo tự", tổng cộng có 781 chữ. Bài Thánh giáo tự này nói kể lại quá trình Phật giáo truyền về phương Đông, câu chuyện Tây du của ngài Huyền Trang, đồng thời khen ngợi pháp sư Huyền Trang là "lãnh tụ của pháp môn", "vượt ra khỏi lục trần, thiên cổ không ai sánh bằng”. Thái Tông ra lệnh đưa bài tựa này vào đầu tất cả các cuốn kinh Phật. Sau đó Thái tử Lý Trị viết lời cuối của cuốn kinh.

Ở điện Khánh Phúc, trước mặt các quan triều thần đứng chầu, Thái Tông cho phép pháp sư Huyền Trang ngồi, rồi cho người đọc Thánh giáo tự cho quần thần nghe. Từ đó về sau, các quan trong triều đình đều đọc kinh Phật. Phật Pháp phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Pháp sư Huyền Trang thường ở lại trong cung. Thái Tông thường xuyên hỏi ngài về Phật Pháp. Các vị quan lớn trong triều đình như Trưởng Tôn Vô Kỵ, Trữ Toại Lương, Tể tướng Vu Chí Ninh, v.v.. đều có quan hệ tốt với pháp sư Huyền Trang, đồng thời trở thành tín đồ Phật giáo.

Vào tháng 12 năm Trinh Quán thứ 12, pháp sư đến Phiên kinh viện ở chùa Đại Từ Ân mới xong xong để tiếp tục dịch kinh Phật. Điểm dịch kinh ở chùa Từ Ân là một điểm dịch có quy mô lớn nhất của nhà Đường, với đầy đủ trang thiết bị, tổ chức chặt chẽ.

Dưới sự giúp đỡ của Thái Tông, Phật giáo bắt đầu phục hưng ở Đại Đường và phát triển lớn mạnh trong những năm Trinh Quán, "tăng ni trong thiên hạ hơn 10 vạn người". Số chùa chiền trong nước lên đến con số 3716, phát triển vô cùng hưng thịnh.

Thái Tông nhiều lần khuyên ngài Huyền Trang hoàn tục để giúp đỡ triều đình đồng thời cũng dần dần thay đổi quan niệm, thêm kính ngưỡng tôn trọng người xuất gia học Phật. Thái Tông từng viết rằng: "Xuất gia là việc của bậc đại trượng phu, không phải các quan tướng có thể làm được".

Giảng kinh cho Thái Tông bên giường bệnh

Thái Tông từ nhỏ đã bôn ba nơi chiến trường, sau khi lên ngôi phải chăm lo việc nước. Từ khi viễn chinh đến Liêu Đông trở về, tinh thần và sức lực của Thái Tông đã không còn được như trước. Dưới ảnh hưởng của ngài Huyền Trang, Thái Tông đã y quy Tam bảo, sau đó cơ thể và tinh thần mới được điều hòa. Đối với sự vô thường của thế gian, Thái Tông cũng dần cảm ngộ được nên ngày càng tin kính vào Phật Pháp.

Pháp sư Huyền Trang không chỉ hiểu được sự thâm sâu huyền ảo của Phật môn, mà còn am hiểu về thế thái nhân tình. Năm Trinh Quán thứ 23 (năm 649), ngài Huyền Trang ở cùng Thái Tông ở cung Phí Vi núi Chung Nam. Hai người như hình với bóng, cùng nhau đàm luận những việc liên quan đến sinh tử trong Phật giáo.

Bên giường bệnh, ngài Huyền Trang đã giảng kinh cho Thái Tông, giúp xoa dịu phần nào bệnh tình của Hoàng đế. Trước khi Thái Tông qua đời ba ngày, ngài Huyền Trang đã dịch xong "Tâm kinh". Người đọc cuốn kinh Phật này đầu tiên chính là Thái Tông.

Ngài Huyền Trang đã đi cùng Thái Tông trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Đến trước lúc qua đời, Thái Tông vẫn cùng ngài Huyền Trang đàm luận về nhân quả báo ứng và luân hồi trong Phật Pháp và cảm thán rằng "hai người gặp nhau quá muộn, không còn năng lực để làm hưng thịnh Phật Pháp nữa".

Sau khi Thái Tông qua đời vì bệnh, ngài Huyền Trang theo linh cữu của Hoàng đế trở về Trường An

Trong thời kỳ Đại Đường thịnh thế, tư tưởng Phật gia đã được truyền rộng rãi chưa từng có. Quan lại tin vào nhân quả, làm việc ngay chính, liêm khiết, dân chúng tu tâm hướng thiện, tính tình chất phát lương thiện, trên dưới triều đình trong sạch, xã hội an định, ban đêm không cần đóng cửa, người đi đường cũng không cần mang theo lương thực.

Phiên dịch kinh Đại Bát Nhã

Mùa thu năm 659, ngài Huyền Trang lúc ấy đã 60 tuổi. Ngài đến ở tại chùa Ngọc Hoa ở gần Đồng Châu, tỉnh Thiểm Tây, chuyên tâm phiên dịch "Kinh Đại Bát Nhã"

Kinh Đại Bát Nhã có nội dung phức tạp rộng hơn, nguyên bản tiếng Phạn có hơn hai mươi vạn bài kệ. Những người tham gia dịch xin làm theo cách của ngài Cưu Ma La Thập, bỏ phần rườm rà, lấy phần giản lược, chú trọng vào dịch ý.

Ngài Huyền Trang cũng muốn dịch tóm lược. Nhưng đêm hôm đó, ngài gặp ác mộng: trong mơ ngài gặp phải nguy hiểm, cô độc không có ai giúp đỡ, hoặc bị hổ dữ đuổi theo, không thể thoát được, vô cùng kinh khủng.

Ngài Huyền Trang ngộ ra rằng, phiên dịch kinh Phật không thể giản lược, vì thế quyết định áp dụng cách dịch đầy đủ.

Chính đêm ngày quyết định sử dụng cách dịch này, ngài mơ thấy giữa lông mày của chư Bồ Tát phát ra ánh sáng, chiếu vào người mình, cơ thể và tinh thần của vô cùng vui mừng, sau đó lại mơ thấy bản thân đang cầm hoa, dâng đèn để cúng dường chư Phật, giảng Pháp cho đại chúng, đồng thời có rất nhiều người vây quanh, khen ngợi và hành lễ.

"Kinh Đại Bát Nhã. Phần thứ 16 Pháp Tính Phẩm" (Quyển thứ 6). (Ảnh thuộc miền công cộng)

Từ đó, khi phiên dịch kinh Đại Bát Nhã ngài Huyền Trang hoàn toàn dựa theo nguyên gốc tiếng Phạn để dịch, không dám lược bớt một chữ. Với những từ ngữ đặc biệt trong Phật giáo không có từ tương ứng trong tiếng Hán, ngài chỉ giữa lại âm mà không dịch ý.

Trước đây, khi dịch kinh Phật sang tiếng Hán, cách thứ nhất là dịch thẳng, không phù hợp với cách sử dụng ngôn ngữ của người Hán, hoặc cách dịch ý, làm mất đi nghĩa gốc. Ngài Huyền Trang đã đề xuất ra nguyên tắc dịch "Ngũ bất dịch" (năm trường hợp không dịch), sử dụng cách dịch thẳng là chính, đồng thời kết hợp với dịch ý, vừa không mất đi nghĩa gốc, lại vừa dễ hiểu.

Những kinh sách do ngài Huyền Trang phiên dịch, ở trong từng câu văn, về phương diện kết cấu và phong cách, rất gần với tiếng Phạn, còn nội dung so với những người dịch trước thì càng đầy đủ hơn, tạo nên một kiểu mẫu mới trong lịch vực phiên dịch kinh Phật. Người đời sau gọi phương pháp dịch của ngài là "Tân dịch" (cách dịch mới") và gọi cách dịch trước đây là "Cựu dịch" (cách dịch cũ)

(Còn tiếp)

Tần Thuận Thiên - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch

Tài liệu tham khảo:

1, Cựu Đường thư - Liệt truyện thứ 141

2, "Truyện Tam Tạng Pháp Sư Chùa Đại Từ n Đời Đường" - Tuệ Lập biên soạn bổn văn, Thích Ngạn Tông chú thích biên chép lạ

3, "Tục cao tăng truyện", "Đại chính tạng" - Đạo Tuyên

4, "Đại Đường cố Tam tạng Huyền phần pháp sư hành trang", “Đại chính tạng” - Minh Tường

5, Tân An thị chí (cuốn thứ 7) - Nhân vật chí



BÀI CHỌN LỌC

Huyền Trang thỉnh kinh (4): Trở về Đại Đường, dịch ngàn cuốn kinh Phật