Vì sao mức tăng trưởng kinh tế 5,2% của Trung Quốc không đáng tin?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giữa tháng Một năm nay, ở Diễn đàn Davos (Thuỵ Sĩ), Thủ tướng Trung Quốc là ông Lý Cường tuyên bố rằng, Trung Quốc có mức tăng trưởng kinh tế 5,2% trong năm 2023.

Nhiều người không tin con số này, bởi vì những động lực của kinh tế Trung Quốc (người ta thường gọi là 'cỗ xe tam mã') là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu đều đang giảm. Đầu tư bao gồm cả đầu tư vào bất động sản và đầu tư của nước ngoài. Khi tất cả động lực của kinh tế Trung Quốc đều đang giảm thì GDP không thể tăng được.

Trong chương trình 'Chính luận thiên hạ' đăng ngày 2/2, từ số liệu của Bộ Tài chính Trung Quốc và truyền thông Nhật Bản, nhà bình luận các vấn đề thời sự - Giáo sư Chương Thiên Lượng đã chứng minh rằng tăng trưởng kinh tế 5,2% của Trung Quốc là không đáng tin cậy.

Ngày 1/2, trên trang web Bộ Tài chính Trung Quốc đăng báo cáo với tiêu đề: 'Tình hình thu chi tài chính năm 2023'.

Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp là 4.109,8 tỷ nhân dân tệ, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái (tức năm 2022). Điều này có nghĩa là thu nhập của doanh nghiệp giảm.

Thuế thu nhập cá nhân là 1.477,5 tỷ nhân dân tệ, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có nghĩa là thu nhập cá nhân cũng giảm.

Thuế tem là 378,4 tỷ nhân dân tệ, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Thuế tem là loại thuế trưng thu đối với các giấy tờ như hợp đồng, chứng chỉ, sổ sách kế toán... Trong đó, thuế trước bạ đối với giao dịch chứng khoán là 180,1 tỷ nhân dân tệ, giảm 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có nghĩa là giao dịch chứng khoán bị thu hẹp lại.

Doanh thu ngân sách của quỹ chính phủ quốc gia là 7.070,5 tỷ nhân dân tệ, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu ngân sách của quỹ chính phủ quốc gia là thu nhập của quốc gia thông qua các phương thức như trưng thu thuế của xã hội, bán/chuyển nhượng đất... Cho nên, doanh thu ngân sách của quỹ chính phủ quốc gia có quan hệ mật thiết với việc bán đất. Doanh thu này giảm có nghĩa là đất không bán được.

Tiếp đó, báo cáo đưa ra số liệu chi tiết hơn, đó là doanh thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước là 5.799,6 tỷ nhân dân tệ, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chi tiêu ngân sách của quỹ chính phủ quốc gia là 10.133,9 tỷ nhân dân tệ, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở đây thấy rằng, đất không bán được, thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân đều giảm, lượng giao dịch chứng khoán thì thu hẹp. Vậy thì GDP của Trung Quốc làm sao có thể tăng trưởng 5,2%?

Ngày 1/2, tờ Khán Trung Quốc - Vision Times đăng bài viết với tiêu đề: 'Gian lận GDP của Bắc Kinh bị vạch trần, truyền thông Nhật Bản tiết lộ số liệu kinh tế thực'.

Trong đó tờ Khán Trung Quốc dẫn nguồn từ truyền thông Nhật Bản là tờ Sankei Shimbun báo cáo rằng, đầu tư bất động sản chiếm khoảng 10% GDP. Nếu tính cả những ngành đi theo (như nội thất, xi măng, sắt thép...) thì ngành bất động sản chiếm khoảng 30% GDP. Tuy nhiên, đầu tư bất động sản của Trung Quốc giảm 16,7% trong năm 2023 (so với năm 2022). Vậy thì chỉ riêng phần đầu tư bất động sản đã khiến tổng GDP giảm khoảng 5%.

Xuất khẩu ròng của Trung Quốc chiếm khoảng 3% GDP, nhưng tổng xuất khẩu ròng từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2023 vẫn thấp hơn 32,3% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này lại làm giảm GDP tổng thể thêm khoảng 1%. Báo cáo của truyền thông Nhật Bản cho biết, nếu tính cả đầu tư bất động sản và xuất khẩu ròng thì GDP sẽ giảm khoảng 6%.

Truyền thông chính thức của Trung Quốc chưa công bố số liệu về tiêu dùng hộ gia đình (vốn chiếm khoảng 40% GDP), cho nên giới chuyên gia chỉ có thể ước tính thông qua số liệu về tổng doanh số bán lẻ tiêu dùng. Tổng doanh số bán lẻ tiêu dùng năm 2023 tăng 7,2% so với năm 2022. Nếu dùng số liệu này để tính toán thì mức tăng trưởng GDP là khoảng 2,8%. Nếu cộng ba dữ liệu trên lại với nhau thì tốc độ tăng trưởng GDP Trung Quốc là khoảng -3,2%, tức là lệch 8% so với số liệu Thủ tướng Lý Cường công bố.

Thuần Phong biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Vì sao mức tăng trưởng kinh tế 5,2% của Trung Quốc không đáng tin?