Thị trường thực phẩm, hàng hoá, dịch vụ trước tết: Đa số tăng giá

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vài ngày trước Tết Nguyên đán, nhiều mặt hàng thực phẩm bắt đầu tăng giá. Các tiểu thương nhập hàng hoá dồi dào, phong phú từ hàng tiêu dùng đến thực phẩm.

Chợ 28 Tết bắt đầu nhộn nhịp người mua, người bán làm cho không khí rộn ràng, hối hả hơn, nhưng so với mọi năm sức mua không bằng. Thời điểm này, giá cả các mặt hàng thực phẩm được nhận định tương đối ổn định, một số loại giá chỉ nhích nhẹ.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI của Việt Nam trong tháng 1/2024 tăng 0,31% so với tháng trước. Trong mức tăng 0,31%, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm là nhóm bưu chính viễn thông và giáo dục.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 1/2024, chỉ số giá nhóm giao thông, hàng hóa và dịch vụ khác, đồ uống và thuốc lá, may mặc, mũ nón, giày dép, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, thiết bị và đồ dùng gia đình, văn hóa, giải trí và du lịch cùng tăng. Giá một số mặt hàng, dịch vụ tăng do nhu cầu tăng để phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới.

Cụ thể, trong tháng 1/2024, chỉ số giá nhóm lương thực tháng tăng 1,74% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 2,36%. Gạo tẻ thường tăng 2,49%; gạo tẻ ngon tăng 2% và gạo nếp tăng 1,66%. Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia và Trung Quốc, trong khi nguồn cung gạo toàn cầu giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng sâu rộng và Ấn Độ chưa nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng đến hết năm 2024.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng các loại gạo tẻ ngon và gạo nếp tăng khi dịp Tết Nguyên đán sắp tới dẫn đến giá gạo tăng. Giá gạo tẻ thường dao động từ 14.800-18.500 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 20.100-23.500 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 21.900-23.800 đồng/kg; giá gạo nếp từ 26.700-40.800 đồng/kg.

Đáng chú ý, giá gạo tăng và nhu cầu chuẩn bị cho Tết Nguyên đán cao đã tác động đến chỉ số giá các mặt hàng lương thực khác như giá bún, bánh phở, bánh đa tháng 1/2024 tăng 1,44% so với tháng trước; miến tăng 0,8%; ngũ cốc ăn liền tăng 0,53%; bột mì tăng 0,4%; mì sợi, mì, phở, cháo ăn liền tăng 0,35%.

Thịt là mặt hàng không thể thiếu trong dịp Tết (Ảnh minh hoạ: Hoàng Anh)

Tương tự, ở nhóm hàng thực phẩm, dù chỉ số giá của nhóm giảm 0,09% so với tháng trước nhưng một số mặt hàng vẫn tăng giá khi Tết ngày càng đến gần. Cụ thể, chỉ số giá thủy sản chế biến tăng 0,38% so với tháng trước; thủy sản tươi sống tăng 0,18. Chỉ số giá thịt lợn tăng nhẹ 0,02% so với tháng trước. Giá thịt lợn tăng từ 1.000-2.000 đồng/kg trong những ngày gần đến Tết Giáp Thìn. Tính đến ngày 25/1/2024, giá thịt lợn hơi cả nước dao động trong khoảng 52.000-57.000 đồng/kg. Theo đó, mỡ động vật tăng 0,11% so với tháng trước; nội tạng động vật tăng 0,06%.

Tại các chợ dân sinh, giá thịt lợn nạc vai, nạc mông, sườn thăn dao động từ 130.000- 150.000 đồng/kg, tăng 10.000-15.000 đồng/kg tùy loại.

Tương tự, giá mặt hàng thịt bò cũng nhích lên khá cao. Thịt bò thăn, phi lê, dẻ sườn... đều tăng 20.000 đồng đến 30.000 đồng/kg và đang phổ biến trong khoảng 220.000 đồng/kg đến 320.000 đồng/kg tùy loại. Trong đó, giá thịt gầu bò ở mức 250.000 đồng/kg, thịt bò phi lê 320.000 đồng/kg.

Giá gà ta ở mức 140.000 - 150.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg 30.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây khoảng 2 tuần. Trong khi đó, giá giò lụa ở mức 200.000 đồng/kg, giò bò 250.000 đồng/kg, không tăng so với ngày thường.

Trái với mức tăng mạnh của thực phẩm tươi sống, giá các loại rau xanh chỉ tăng nhẹ từ 2.000 – 5.000 đồng/kg so với ngày thường. Cụ thể, giá cà chua 40.000 đồng/kg, dưa chuột 25.000 đồng/kg, su hào 5.000 đồng/củ, hoa lơ 10.000 đồng/chiếc; bắp cải 20.000 đồng/kg; các loại rau củ khác như cà rốt, khoai tây, hành tây… cũng ở mức khá mềm.

Tương tự mặt hàng thực phẩm tươi sống, giá một số loại trái cây và hoa tươi cũng tăng theo Tết, nhưng ở mức khá mềm so với Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Bưởi da xanh, xoài, dưa hấu,... cùng tăng 15.000 - 30.000 đồng/kg, tùy loại so với thời điểm trước đó một vài tuần.

Nhiều siêu thị sẵn sàng mở cửa đón khách sắm Tết (Ảnh minh hoạ: Hoàng Anh)

Giá xoài Cát chu ở mức 45.000 - 60.000 đồng/kg; roi đỏ có giá 40.000 - 50.000 đồng/kg; cam canh có giá 70.000 - 90.000 đồng/kg, táo lê 90.000 đồng/kg…

Riêng giá quả phật thủ cũng tùy loại quả to và bé, tùy thuộc tai và tay ôm quả, trong đó, loại quả to đẹp ở mức 150.000-200.000 đồng/quả, với quả có thêm cành lá có giá 250.000 – 300.000 đồng/quả.

Bưởi bày lễ phổ biến từ 25.000 đồng đến 50.000 đồng/quả. Giá chuối xanh ở mức 50.000 đồng/nải đến 350.000 đồng/nải. Chị Lê Thị Lan, tiểu thương kinh doanh chuối cho biết, một nải chuối đẹp mã phải có màu xanh sáng, quả đẫy đà, căng bóng, cong và đều quả. Những nải chuối như vậy cũng kén khách mua và giá cũng đắt hơn.

Năm nay, giá hoa ở mức khá cao tăng gấp 2 – 2,5 lần so với ngày thường. Trong đó, hoa lay ơn có giá 150.000 đồng/chục; hoa ly loại 5 tai có giá 45.000 đồng/cành; hoa cúc vàng có giá 9.000 đồng/bông; hoa hồng phổ biến ở mức 10.000 - 30.000 đồng/bông.

Chỉ số giá đường cũng tăng 0,85% so với tháng trước; các loại đậu và hạt tăng 0,49%; quả tươi, chế biến tăng 0,46%; chè, cà phê, ca cao tăng 0,41%; bánh mứt, kẹo tăng 0,39%; đồ gia vị tăng 0,23% và sữa, bơ, pho mát tăng 0,23%. Trong tháng, giá rau tươi, rau khô và chế biến cùng nhóm mỡ ăn, chất béo khác giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào.

Đồ trang trí cũng là mặt hàng được nhiều gia đình mua về trang hoàng nhà cửa dịp Tết (Ảnh minh hoạ: Hoàng Anh)

Chị Nguyễn Thị Nghênh - tiểu thương chợ dân sinh Nguyễn Thị Thập (Hà Nội) cho biết, giá thịt lợn tăng khoảng 10.000 đồng (tùy loại) so với những ngày trước đó. Sức mua tăng nhưng so với năm ngoái thì vẫn còn yếu.

Theo các tiểu thương, thông thường trong 2 ngày cuối năm Âm lịch, người dân bắt đầu đi mua thịt về để cúng và trữ ăn trong mấy ngày Tết. Bây giờ mùng 2 Tết tiểu thương đã họp chợ, hàng rất đầy đủ nên thay vì họ mua 5 ký thì nay chỉ mua chừng 2 ký, đủ ăn trong 2-3 ngày.

Cơ bản, sức mua hàng hóa trong 3 ngày trước Tết tăng mạnh, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết như bánh mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát, hàng thời trang, thực phẩm tươi sống.

 

Việt Nam Xã hội

Thị trường thực phẩm, hàng hoá, dịch vụ trước tết: Đa số tăng giá