Liên Hợp Quốc: Tăng trưởng toàn cầu 2022 sẽ chậm lại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Báo cáo mới nhất từ Liên Hợp Quốc về Tình hình Kinh tế Thế giới và Triển vọng 2022 cho hay, nền kinh tế thế giới trong năm nay sẽ chậm lại do lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, và Omicron.

Năm 2021, kinh tế thế giới tăng trưởng đột biến chưa từng thấy trong 40 năm qua, nhưng đà tăng trưởng này dự kiến ​​sẽ mất dần trong năm nay và năm sau, Liên Hợp Quốc cho biết, do những hạn chế kéo dài trong chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng, và các làn sóng COVID-19.

"Sau khi tốc độ tăng trưởng toàn cầu thu hẹp còn 3,4% trong năm 2020, rồi tăng lên 5,5% vào năm 2021 tốc độ tăng trưởng cao nhất trong hơn bốn thập kỷnền kinh tế thế giới dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 4% trong năm 2022 và 3,5% vào năm 2023", theo báo cáo Tình hình Kinh tế Thế giới và Triển vọng 2022 được Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố hôm 13/01/2022.

Ngay cả khi các nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi sau thời kỳ phong tỏa và hạn chế do đại dịch, dòng chảy tự do của thương mại và công nghiệp vẫn mong manh. Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến người lao động chưa thể quay trở lại văn phòng, và góp phần gây ra những hạn chế về mặt kho bãi, vận chuyển, và giao nhận.

“Triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong ngắn hạn đối mặt với những rủi ro lớn khi đại dịch chưa kết thúc. Với những làn sóng lây nhiễm mới, các chi phí về kinh tế và con người dự kiến ​​sẽ tăng lên”, báo cáo cho hay.

Chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ và sự gia tăng đầu tư đã thúc đẩy tăng trưởng sau một thời gian dài ngừng hoạt động. Giao dịch hiện đã tăng trở lại vượt qua mức trước đại dịch. Nhưng tác động của các hạn chế về tiền tệ và tài khóa sẽ cản trở tăng trưởng trong tương lai của các nền kinh tế lớn.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) siết lại việc mua tài sản và tăng lãi suất, để kiềm chế mức lạm phát cao nhất trong 40 năm qua ở Mỹ, sẽ có tác động đến các doanh nghiệp Mỹ cũng như thương mại quốc tế. Khi tín dụng trở nên khó kiếm hơn, các công ty sẽ bắt đầu chi tiêu thận trọng, dẫn đến phản ứng dây chuyền gây hạn chế trên toàn thị trường.

“Áp lực lạm phát gia tăng ở các nền kinh tế lớn phát triển và một số nước lớn đang phát triển làm tăng thêm rủi ro cho sự phục hồi. Lạm phát toàn cầu ước tính đã tăng lên mức 5,2% vào năm 2021, cao hơn 2 điểm phần trăm so với xu hướng trong 10 năm qua”, báo cáo cho biết.

LHQ cũng cảnh báo về những thay đổi đột ngột và bất ngờ trong chính sách tiền tệ, mà có các tác động tiêu cực đến các nền kinh tế mới nổi như là bất ổn tài chính, mất giá tiền tệ, và lạm phát tăng nhanh.

LHQ cho biết, số người sống trong tình trạng nghèo đói nhất sẽ giảm xuống còn 876 triệu trong năm nay, vì tỉ lệ nghèo đói được dự đoán sẽ giảm ở Đông Á và Nam Á. Năm 2023, số người nghèo ở châu Phi dự kiến ​​sẽ tăng lên do tỉ lệ có việc làm phục hồi chậm, và do các cải cách tài khóa chưa hiệu quả.

LHQ dự báo “thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu sẽ tăng 5,7% vào năm 2022, sau khi tăng 11% trong năm 2021”, nếu Omicron không gây ra nhiều gián đoạn. Mặc dù các khoản đầu tư toàn cầu đã tăng lên mức 7,5%, LHQ đã chỉ ra rằng, “các gói kích thích tài khóa lớn và các chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo” không thể tiếp tục trong một thời gian dài.

Tăng trưởng ở Hoa Kỳ sẽ giảm tốc xuống còn khoảng 3,5% trong năm 2022. Sự phục hồi chủ yếu được thúc đẩy bởi thu nhập khả dụng của các hộ gia đình từ các khoản kích thích tài khóa sẽ mất dần, do mức lạm phát cao cùng với các hạn chế tiền tệ đi kèm. Khủng hoảng chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu hụt các nguyên liệu quan trọng như chất bán dẫn sẽ làm cho nền kinh tế càng chậm lại hơn.

Đối với Liên minh Châu Âu (EU), “một làn sóng nữa của đại dịch đã thúc đẩy việc áp dụng lại các biện pháp ngăn chặn, làm gián đoạn nhiều hoạt động của ngành dịch vụ”. Lạm phát đã gia tăng, nhưng Ngân hàng Trung ương châu Âu ước tính sẽ duy trì lãi suất thấp cho đến năm 2023. Tăng trưởng sẽ vừa phải ở mức 3,9% trong năm nay.

Các biện pháp cực kỳ nghiêm ngặt trong phòng chống dịch sẽ làm chậm tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay xuống còn khoảng 5,2%, từ mức 7,8% của năm 2021. “Việc áp dụng lại các biện pháp hạn chế theo chính sách 'không COVID-19' đã gây thiệt hại cho dịch vụ và tiêu dùng, trong khi việc thị trường bất động sản hạ nhiệt do chính sách, và việc tạm thời hạn chế nguồn điện để loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư”.

Cao Dương

Theo The Epoch Times

Xem thêm:

 

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Liên Hợp Quốc: Tăng trưởng toàn cầu 2022 sẽ chậm lại