Trung Quốc buộc phải tiếp tục thao túng tiền tệ để duy trì phát triển kinh tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cơ chế mới nhằm can thiệp vào thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn dựa dẫm rất nhiều vào xuất khẩu.

Trong những năm qua, phương Tây và Trung Quốc đều đưa ra nhiều suy đoán về cách mà nền kinh tế Trung Quốc định hình lại hệ thống kinh tế và thương mại thế giới. Nhiều người cũng suy đoán về việc khi nào và bằng cách nào mà đồng CNY của Trung Quốc sẽ thay thế đồng USD, trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới. Các tuyên bố chính thức từ phía Bắc Kinh có đôi phần khiêm tốn hơn so với những câu chuyện của giới truyền thông, nhưng rõ ràng, các cấp lãnh đạo Trung Quốc thích nghe những điều như vậy.

Nhưng một động thái gần đây của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) lại cho thấy, tham vọng đầy “vinh quang” của Trung Quốc vẫn còn lâu mới đạt được. Động thái của PBOC vô tình tiết lộ rằng, Trung Quốc vẫn dựa trên mô hình phát triển thời kỳ đầu, tức là tập trung vào xuất khẩu, và không có khả năng đảo lộn hệ thống thương mại thế giới hay nâng đồng CNY lên vị thế của đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Chúng ta đang nói về Cơ chế Tự kỷ luật Thị trường Ngoại hối Trung Quốc (Foreign Exchange Market Self-Discipline Mechanism), được thực hiện dưới sự chỉ đạo của PBOC. Chính sách này hạn chế đáng kể số lượng giao dịch tiền tệ tự doanh mà một ngân hàng Trung Quốc có thể thực hiện. Giao dịch tự doanh là những giao dịch mà công ty tài chính hay ngân hàng thương mại thực hiện nhằm kiếm lợi nhuận trực tiếp từ thị trường thay vì từ phí giao dịch của khách hàng. Theo cơ chế mới, các ngân hàng Trung Quốc sẽ bị giám sát nghiêm ngặt hơn nếu giao dịch tiền tệ tự doanh của họ tăng hơn 50% so với năm trước hoặc nếu nó vượt quá 15 lần số tiền mà các ngân hàng thực hiện cho khách hàng của họ.

Nhìn bề ngoài, quy tắc này có vẻ giống như một biện pháp hạn chế các ngân hàng hoạt động quá tầm kiểm soát. Không phải vậy. Thay vào đó, quy tắc mới được áp dụng là nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ vào đồng CNY, vốn đã diễn ra trong thời gian gần đây, khiến đồng CNY tăng giá so với đồng USD, đồng Yên, đồng Euro và gần như mọi loại tiền tệ khác trên thế giới. Qua đó cho thấy Trung Quốc có nhu cầu cấp thiết phải ngăn chặn sự tăng giá của đồng CNY. Có thể thấy, Trung Quốc vẫn rất cần bảo vệ vị thế của mình như một nhà xuất khẩu hàng hóa giá rẻ - một mô hình mà nước này đã áp dụng cách đây 50 năm - từ đầu thời kỳ phát triển thần tốc. Khác với tất cả những gì Bắc Kinh tuyên bố về việc từ bỏ mô hình kinh tế đơn giản này, sự phát triển của Trung Quốc thật ra vẫn dựa vào những hoạt động giống như trong quá khứ.

Nói cách khác, Trung Quốc vẫn đang chơi trò chơi cũ. Từ lâu, Trung Quốc đã dựa vào lợi thế mức lương thấp, đặc biệt là so với Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác, để giữ cho hàng hóa của mình có giá cả hấp dẫn. Để duy trì lợi thế về giá này, PBOC thường xuyên can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm giữ cho đồng CNY ở mức rẻ hơn nhiều so với đồng USD và các loại tiền tệ khác. Hàng hóa do Trung Quốc sản xuất nhờ vậy mà rẻ hơn cho những người mua hàng ở nước ngoài.

Trong một thời gian, PBOC đã giữ đồng CNY ở một tỷ giá thấp hơn nhiều so với đồng USD. Hành vi này thường xuyên bị các đối tác thương mại của Trung Quốc chỉ trích. Mỹ đã vài lần xem xét việc gắn mác Trung Quốc là “kẻ thao túng tiền tệ”, qua đó áp đặt các hạn chế đối với thương mại Trung Quốc.

Trung Quốc buộc phải tiếp tục thao túng tiền tệ để duy trì phát triển kinh tế, cơ chế mới nhằm can thiệp vào thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn dựa dẫm rất nhiều vào xuất khẩu
Tờ tiền 1 USD và tờ tiền 100 CNY được trưng bày tại một ngân hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 15/05/2006. (Ảnh: Trung Quốc / Getty Images)

Dưới áp lực quốc tế, đặc biệt là trong suốt cuộc chiến thương mại năm 2019 với Tòa Bạch Ốc của ông Trump, Trung Quốc đã từ bỏ việc thao túng tiền tệ. Tham vọng lọt vào hàng ngũ các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới cũng góp một vai trò nhất định trong quyết định đó của Bắc Kinh. Trung quốc hiểu rằng, việc phụ thuộc vào xuất khẩu và thao túng tiền tệ là hành vi của một nền kinh tế kém phát triển. Bắc Kinh đã tuyên bố, nền kinh tế của họ ít phụ thuộc vào xuất khẩu hơn trước đây và họ không cần phải thao túng giá trị ngoại hối của đồng CNY.

Nhưng hiện tại, khi nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại, Bắc Kinh dường như phải vội vã quay trở lại mô hình cũ. Các nhà chức trách Trung Quốc biết rõ rằng, hành động thao túng tiền tệ sẽ khiến cộng đồng quốc tế tiếp tục chỉ trích và có các biện pháp trả đũa. Tuy nhiên, quy tắc mới lại có tác động đến tỷ giá hối đoái của đồng CNY và hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.

Lời thú nhận của Bắc Kinh về sự phụ thuộc vào xuất khẩu đặt ra nhiều nghi ngờ về mức độ phát triển kinh tế mà Trung Quốc tuyên bố. Điều đó càng làm dấy lên nghi ngờ về tiềm năng của đồng CNY trong việc thay thế đồng USD như một loại tiền tệ dự trữ của thế giới.

Đơn giản là tiền tệ dự trữ không thể đến từ các nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Khi một loại tiền tệ đạt trạng thái đồng tiền dự trữ, nó sẽ được sử dụng trên khắp thế giới để giao dịch và để tích trữ. Việc này có nghĩa là nền kinh tế đằng sau đồng tiền dự trữ ấy phải đưa đồng tiền này ra thế giới nhiều hơn số tiền mà nền kinh tế này thu về, có thể là thông qua các giao dịch tài chính, hoặc bằng thâm hụt thương mại, hoặc cả hai.

Động thái gần đây của Trung Quốc cho thấy, nước này muốn và cần thặng dư xuất khẩu để duy trì mô hình phát triển kinh tế. Cách tiếp cận của họ trái ngược với cách tiếp cận của một nước sở hữu đồng tiền dự trữ.

Có lẽ trong thời gian dài hạn, Trung Quốc sẽ không còn phụ thuộc vào xuất khẩu. Tuy nhiên, hành động mới đây của Bắc Kinh, mặc dù có thể không quá rõ ràng, cho thấy rằng còn lâu họ mới đạt được thành tựu như vậy.

Quan điểm trong bài viết là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - một công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông cũng thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề là: Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live (Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sinh sống).

Lê Minh

Theo The Epoch Times

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc buộc phải tiếp tục thao túng tiền tệ để duy trì phát triển kinh tế