Toàn cảnh chiến tranh tiền tệ: CNY muốn soán ngôi USD nhờ đại dịch nhưng thiếu ‘thiên thời, địa lợi, nhân hòa’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đồng NDT duy trì tốc độ tăng giá so với đồng USD ở mức kỷ lục kể từ tháng 5/2020, thời điểm cả thế giới khốn đốn vì gãy chuỗi cung ứng toàn cầu từ công xưởng lớn nhất thế giới. Nhân ‘thiên thời’ này, Trung Quốc tiếp tục ‘Giấc mộng Trung Hoa’ để CNY soán ngôi USD. Tiếc là ‘thiên thời’ không kéo dài lâu trong khi rủi ro nợ và bong bóng tài sản khiến Trung Quốc mất đi yếu tố ‘Địa lợi’, đấu tranh nội bộ và nhận thức nguy cơ Trung Quốc sau đại dịch khiến nước này không có Nhân hoà...

Toàn cảnh chiến lược soán ngôi USD của CNY

Chiến lược thúc đẩy đồng Nhân dân tệ (CNY) soán ngôi đồng USD của Trung Quốc có lẽ đi kèm với tuyên bố về “Giấc mộng Trung Hoa” năm 2012 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoặc có thậm chí có thể sớm hơn.

Việc Trung Quốc vận động sàn giao dịch dầu quốc tế niêm yết giá dầu bằng đồng CNY từ những năm đầu thập kỷ 2010 đã minh chứng cho tham vọng này. Dù chưa thành công, nhưng năm 2018, theo báo cáo của Reuters, Trung Quốc đã thành công bước đầu trong việc đạt được thỏa thuận thanh toán tiền nhập khẩu dầu thô bằng đồng CNY chứ không phải là USD.

Không chỉ vậy, thời điểm năm 2014, đồng CNY dù chỉ chiếm tới 1,4% thanh toán trong giao dịch thương mại toàn cầu, nhưng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa đồng CNY vào rổ tiền tệ SDR. Cũng trong những năm này, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) Trung Quốc lần lượt đệ trình hồ sơ công nhận bằng sáng chế quốc tế về tiền kỹ thuật số. Chỉ sau 5 năm, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên phát hành tiền kỹ thuật số được nhà nước đảm bảo. Một bước tiến chiến lược trong việc đảm bảo CNY trở thành đồng tiền thống trị, soán ngôi đồng USD của Mỹ. Các quan chức Trung Quốc cũng không hề che dấu tham vọng này khi liên tục lên án sự nguy hại của tài chính và thương mại toàn cầu do sự thống trị của USD.

Xa hơn nữa, Trung Quốc thậm chí còn xây dựng một hệ thống thanh toán quốc tế mới từ năm 2015, một năm khi đồng CNY được gia nhập giỏ tiền tệ quốc tế SDR của IMF, với tham vọng thay thế hệ thống thanh toán truyền thống hiện nay là, nơi đồng USD thống trị, chiếm 43% tổng thanh toán. Hệ thống thanh toán qua biên giới của Trung Quốc có tên viết tắt là CIPS, được kích hoạt vào tháng 8/2015, cung cấp dịch vụ tài chính thanh toán bù trừ bằng đồng CNY trong đại lục và khắp toàn cầu, hiện có sự tham gia của các định chế tài chính của 56 quốc gia có quan hệ thương mại và tài chính với Trung Quốc.

Hiển nhiên, chiến lược bẫy nợ Vành đai - Con đường (BRI) cũng nằm trong hệ thống chiến lược hỗ trợ thúc đẩy quốc tế hóa đồng CNY và sớm soán ngôi USD của Mỹ.

Nhưng liệu Trung Quốc có thành công không? Liệu Mỹ có đứng im chờ đợi đồng CNY soán ngôi USD không? Không chỉ chính phủ Mỹ, các nhà tài phiệt Phố Wall liệu có thể bất chấp lợi ích, an ninh quốc gia miễn là đầy túi tiền của họ, nhưng họ có sẵn lòng trao quyền lực thống trị tiền tệ toàn cầu của nước Mỹ (mà đứng sau là Phố Wall) cho chính quyền tham vọng và tham lam hơn cả họ là Trung Quốc?

Chiếm ‘thiên thời’ nhờ đại dịch Covid-19 và chính trường Mỹ thiếu vắng ông Trump

Nhưng trong suốt một thập kỷ qua, dù chiến lược thúc đẩy CNY rất bài bản và toàn diện, dù bẫy nợ BRI đã giăng khắp châu Á, Phi và trung tâm của châu Âu...Trung Quốc không có chút thiên thời nào để thúc đẩy thêm một bước nữa quốc tế hóa đồng CNY. Tổng thanh toán bằng đồng CNY qua hệ thống SWIFT chỉ chiếm 1,76% (vào tháng 5/2020), trong khi thanh toán bằng đồng USD vẫn thống trị với tỷ lệ 40,88%.

Tăng trưởng của Trung Quốc hàng thập kỷ phụ thuộc vào xuất khẩu và Trung Quốc chưa hề bước ra khỏi vị thế công xưởng sản xuất của thế giới. Vấn đề ở chỗ, sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc là hàng hoá tiêu dùng, vốn có cạnh tranh gay gắt về giá với các thị trường xuất khẩu và với các nhà xuất khẩu của khu vực Châu Á.

Do vậy, để tối đa hóa cạnh tranh, chiếm lợi thế thương mại, Trung Quốc buộc phải phá giá đồng CNY của mình sâu hơn đồng USD và EUR. Như con dao hai lưỡi, chính sách này khiến CNY sẽ không bao giờ có được lợi thế quốc tế hoặc xứng danh là đồng tiền thanh toán quốc tế khi giá trị của nó bị suy giảm đều và hoàn toàn dựa vào thao túng chính trị và thị trường của một chính phủ không đáng tin cậy nhất thế giới.

Hiển nhiên, Trung Quốc đã nỗ lực rất nhiều để thay đổi cơ cấu kinh tế, thoát khỏi danh xưng “công xưởng thế giới”, trở thành nước đứng đầu về công nghệ, quân sự. Đây mới là con đường dài hạn hỗ trợ đồng CNY soán ngôi USD vững chắc nhất. Tuy nhiên, với một quốc gia không có tự do tư tưởng, không có tự do tín ngưỡng, Trung Quốc không thể có đổi mới và sáng tạo. Trung Quốc chỉ có thể “đánh cắp” công nghệ, vi phạm bản quyền, lũng đoạn các tổ chức quốc tế, tham nhũng hoá các tổ chức, doanh nghiệp và cả nền kinh tế có lợi ích công nghệ, quân sự mà nó nhắm tới. Trung Quốc đã và đang rất thành công ở phương diện này nếu chính quyền của ông Trump không xuất hiện.

Đáng tiếc, 4 năm tại vị của nguyên tổng thống Mỹ Donald Trump đã chặn ngang chiến lược quốc tế hoá và nâng cao sức mạnh của đồng CNY bằng thương chiến, sự phục hồi của lợi suất TPCP Mỹ và hàng tá các chính sách cắt các vòi bạch tuộc hút vốn, công nghệ mà Trung Quốc đặt tại Mỹ, tại các tổ chức quốc tế và khắp toàn cầu.

Bên cạnh đó, chính quyền của ông Trump cũng củng cố lại nền tảng sản xuất trong nước. Điều này khiến kinh tế Mỹ phục hồi vững chắc hơn, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức kỷ lục, thúc đẩy lợi suất TPCP Mỹ tăng, giảm khoảng cách với lợi suất TPCP Trung Quốc, hút dòng vốn đầu tư của thế giới về Mỹ.

Chưa kể, chính quyền của ông Trump, trong biện pháp trừng phạt của mình, đã đẩy một ngân hàng thương mại Trung Quốc và một doanh nghiệp nhà nước ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT của mình. Đòn đe doạ loại bỏ Trung Quốc hoàn toàn khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT được xem như việc thả quả bom nhiệt hạch vào thị trường tài chính của Bắc Kinh. Nên nhớ, hệ thống CIPS mà Trung Quốc muốn thay thế SWIFT còn rất nhỏ bé và mong manh so với SWIFT. Về cơ bản, Trung Quốc không thể chịu nổi một kích nếu thực sự bị Mỹ “đá” khỏi SWIFT.

Khoảng cách lợi suất kỳ hạn 10 năm TPCP của Mỹ và Trung Quốc đã bị nới rộng kể từ đại dịch Covid-19, hiện đang trên đà suy giảm khi Mỹ mở rộng gói kích thích kinh tế (Nguồn Investing) 
Khoảng cách lợi suất kỳ hạn 10 năm TPCP của Mỹ và Trung Quốc đã bị nới rộng kể từ đại dịch Covid-19, hiện đang trên đà suy giảm khi Mỹ mở rộng gói kích thích kinh tế (Nguồn Investing)

Rất may cho Bắc Kinh, điều này chưa xảy ra. Và may hơn nữa là chính quyền của cựu tổng thống Trump chỉ tồn tại 4 năm, chứ không phải 8 năm như kỳ vọng của 75 triệu người Mỹ.

Đây chính là “thiên thời” cho chiến lược soán ngôi vị USD của đồng CNY. Thiếu vắng ông Trump trong chính trường nước Mỹ, thái độ của Mỹ với Trung Quốc thay đổi, chiến lược đối đầu dứt khoát, một sống một còn, xoay chiều về chiến lược đối thoại. Chính quyền của ông Biden chỉ mạnh mồm trong các tuyên bố chống Trung trong khi gần như mở đường hoặc trì hoãn các biện pháp trừng phạt Trung Quốc thời ông Trump còn tại vị.

“Thiên thời” lớn hơn không chỉ là kết quả cuộc bầu cử Mỹ hồi tháng 11/2020 mà còn đến từ đại dịch Covid-19, có nguồn gốc đầy tranh cãi, đổ bộ vào Mỹ và toàn cầu từ Vũ Hán vào tháng 3/2020. Kết quả sau một năm đại dịch không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng triệu người mà cả thế giới tan hoang về kinh tế, gãy chuỗi cung ứng, tăng trưởng âm, tiền mất giá, thất nghiệp…Trừ Trung Quốc, nơi xuất hiện virus corona Vũ Hán đầu tiên, Trung Quốc trở thành kẻ chiến thắng đắc ý nhất trong đại dịch toàn cầu.

Trong thế chiến thắng và trong sự suy nhược kinh tế - chính trị của Mỹ, Trung Quốc chưa bao giờ có thời cơ vàng như thế để vừa trục lợi từ xuất khẩu (khi hàng hoá khan hiếm, chuỗi sản xuất đình trệ do đại dịch) vừa tăng cường vị thế của đồng CNY vừa tăng thu mua dự trữ lương thực, nguyên nhiên liệu đón trước xu hướng tăng giá trên toàn cầu. Lợi thế “thiên thời” vừa đúng dịp Trung Quốc đang thúc đẩy đồng tiền số CNY được hậu thuẫn bởi nhà nước và chiến lược “lưu thông kép”, hướng vào tiêu dùng đang bế tắc khi gần 1 tỷ người dân Trung Quốc không có quyền tiêu dùng. Đồng CNY tăng giá hiển nhiên cũng tiền hô hậu ủng cho chiến lược phát triển kinh tế không mấy khả quan này.

Khí thế đồng CNY trên trường quốc tế chưa bao giờ bừng bừng như thế. Trung Quốc bắt đầu các tuyên bố ngạo nghễ hơn về vị thế của họ trên Biển Đông, trên con đường tơ lụa, trên bàn mặc cả với nội các của chính quyền ông Biden.

Đồng CNY tăng giá kỷ lục kể từ tháng 6/2018 (nguồn: Trading Economics) 
Đồng CNY tăng giá kỷ lục kể từ tháng 6/2018 (nguồn: Trading Economics)

Ông Liu Ligang - Kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Citigroup dự đoán, đồng CNY sẽ tăng giá từ 6% đến 10% so với đồng USD, thậm chí cao hơn vào cuối năm 2021 và cán mốc 1 USD đổi 6 CNY.

Hồi tuần trước, nhà kinh tế học người Mỹ, cựu giám đốc Morgan Stanley Asia, ông Stephen Roach bày tỏ quan điểm của mình trong một bài báo được đăng trên Bloomberg rằng, đồng USD vốn đang suy yếu rất mạnh, sẽ giảm giá sâu hơn vào cuối năm 2021.

Chuyên gia kinh tế cho rằng trong một kịch bản bất lợi, giá trị của đồng tiền Mỹ có thể giảm tới 35%.

Nhà kinh tế này nhấn mạnh rằng, có ba yếu tố góp phần vào sự sụp đổ của đồng tiền Mỹ, đó là: Thâm hụt tài khoản vãng lai trong cán cân thanh toán của Mỹ tăng mạnh; Sự lớn mạnh của đồng euro; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không muốn can thiệp trước bất kỳ sự suy yếu nào của đồng USD.

Ông Roach cũng lưu ý rằng, vị thế của đồng USD rất phức tạp do đại dịch coronavirus và tình hình kinh tế hiện đang trên đà suy thoái. Do chính phủ Mỹ sẽ phải bơm hàng nghìn tỷ USD cứu nền kinh tế, đồng USD sẽ càng thêm suy yếu nghiêm trọng.

Thiên thời - Cơ hội mong manh, rủi ro cũng lớn

Vấn đề là ‘thiên thời’ mà Trung Quốc đang tận dụng có được từ một đại dịch đáng ngờ, hoàn toàn không phải là một món quà hào phóng từ đối thủ kinh tế hay lợi thế bàn cờ kinh tế - chính trị mà nước này chân chính đạt được. Trung Quốc cũng phải trả giá đắt, dù ít hơn, các nền kinh tế khác trong nước cờ chết chóc này.

Bởi thế, dù Mỹ suy yếu với tỷ lệ tăng trưởng âm cao nhất thế giới năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục, Mỹ và EU buộc phải cung ra cung tiền khổng lồ. Nhưng khi Mỹ cung tiền quá mức và khát nguồn vốn để hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng, lúc đó nạn nhân lại là Trung Quốc.

Nguồn tiền quá rẻ của Mỹ có thể thổi phồng thêm nữa bong bóng tài sản, cả bất động sản và tài sản tài tài chính tại Trung Quốc, thúc đẩy lạm phát nhanh hơn trong khi tác động của rủi ro đảo chiều dòng vốn lớn hơn.

Năm đại dịch 2020, 163 tỷ USD vốn đầu tư chảy vào Trung Quốc, Mỹ chỉ nhận được 134 tỷ USD. Năm 2019, Mỹ nhận được 251 tỷ USD dòng vốn vào trong khi Trung Quốc chỉ nhận được 140 tỷ USD. Sức hấp dẫn của dòng vốn một phần lớn do chênh lệch lợi suất trái phiếu giữa Mỹ và Trung Quốc quá lớn trong một năm qua (theo CNBC).

Tuy nhiên, khi Mỹ cần hút về một lượng tiền lớn trong vai trò kẻ thống soái đồng USD và bản thân đồng USD của Mỹ hiện cũng không dựa vào tiêu chuẩn của vàng hay cam kết đa phương, song phương nào khác để níu giữ, Mỹ cũng hoàn toàn có thể thay đổi chính sách, thao túng tiền tệ để cạnh tranh với Trung Quốc trong việc hút dòng vốn ngược trở lại Mỹ.

Hiện nay, dù Fed chưa đảo chiều chính sách, chỉ bằng việc các quỹ đầu tư ngăn ngừa rủi ro lạm phát nên đã lựa chọn trái phiếu chính phủ Mỹ (chứ không phải Trung Quốc) để trú ẩn, điều này đã làm lợi suất TPCP Mỹ tăng mạnh trở lại, tới 1,7%/năm, mức cao nhất trong 1 năm qua. Dòng vốn từ các thị trường mới nổi đang đảo chiều, trong đó có Trung Quốc.

Theo IIF, dòng tiền rút ra trung bình 290 triệu USD/ngày tại 30 nền kinh tế mới nổi trong tuần đầu của tháng 3/2021. Tổ chức này cảnh báo hiện tượng Taper tantrum (sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi, khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn) có thể lặp lại, đe dọa sự ổn định và đổ vỡ bong bóng tài sản của nhiều nền kinh tế đang có cơ cấu nợ quá lớn. Hiển nhiên, rủi ro lớn nhất ở đây chính là Trung Quốc.

Chưa kể, đồng USD rẻ đi cũng khiến Trung Quốc lo lắng về “lạm phát nhập khẩu” từ Mỹ trong khi vẫn đối phó với các vấn đề về mức nợ cao và bong bóng nhà ở.

“Việc phát hành quy mô lớn của Kho bạc Hoa Kỳ và sự mở rộng nhanh chóng của Cục Dự trữ Liên bang (bảng cân đối kế toán), đã làm tăng tác động lan tỏa của các chính sách vĩ mô của Hoa Kỳ,” cựu Bộ trưởng Tài chính Lou Jiwei của Trung Quốc cho biết trong một bài báo đăng trên tạp chí tạp chí trực thuộc chính phủ “Nghiên cứu Tài chính Công”. Đó là theo bản dịch văn bản tiếng Trung của CNBC.

Ông Lou cho biết tác động từ các chính sách của các nước lớn sẽ ảnh hưởng đến kinh tế và tài chính của các nước mới nổi. Ông nói: “Chúng tôi đang phải đối mặt với những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ”.

Địa lợi - Lực bất tòng tâm

Chính các bất cân đối tài chính lớn trong nước tồn tại hàng thập kỷ và không được xử lý từ gốc rễ là nguyên nhân khiến Trung Quốc yếu đi, khó có thể duy trì chính sách tăng giá đồng CNY trong dài hạn.

Nợ kỷ lục, các vụ vỡ nợ kỷ lục, bong bóng giá BĐS đang đe doạ thanh khoản, an toàn của các định chế tài chính trong nước. Trung Quốc vừa muốn thắt chặt tiền tệ để nâng giá đồng CNY trong cuộc chiến tiền tệ với Mỹ, vừa phải cân bằng với các nguy cơ đổ vỡ do bất cân đối tài chính trầm trọng trong dài hạn. Trung Quốc khó có thể duy trì tăng giá trị đồng CNY nếu thanh khoản của hệ thống ngân hàng có vấn đề vì làn sóng vỡ nợ và tài sản xấu.

Dĩ nhiên, Mỹ cũng gặp các rủi ro tương tự, nhưng khác với Trung Quốc, đồng USD chiếm tới 41% tổng khối lượng thanh toán quốc tế, là đồng tiền dự trữ chính của hầu hết các NHTW trên toàn cầu và Mỹ có thể tự in đồng tiền đang thống trị này. Ngoài ra, khác với Trung Quốc, nguồn dự trữ dầu thô (nguyên liệu đầu vào cho sản xuất) của Mỹ lớn nhất, dồi dào nhất thế giới. Đây là lợi thế mà Trung Quốc không thể nào có được.

Nhân hoà - Mất mát lớn sau đại dịch

Suốt 4 năm thiết lập thương chiến với Trung Quốc, Mỹ không ngừng phơi bày các chiêu bài “xấu và bẩn” của Trung Quốc trước quốc tế, cực tổng thống Trump rất như thành công trong việc huýt còi cảnh báo mối nguy cơ an ninh quốc gia nếu thiếu cảnh giác với Trung Quốc. Các đồng minh của ông Trump, theo phương pháp thiết lập mối quan hệ song phương, vốn chặt chẽ hơn nhiều so với đàm phán đa phương, đã nâng cao nhận thức về Trung Quốc và ngày một rõ ràng thái độ với Trung Quốc.

Đại dịch dù mang lại cho Trung Quốc tiền bạc và cơ hội quay trở lại tìm kiếm “Giấc mộng Trung Hoa” nhưng lại khiến Trung Quốc phải bộc lộ nhiều chiêu bài và mạng lưới của họ trên ván cờ chính trị - ngoại giao toàn cầu, ví dụ như nghiên cứu chiến tranh sinh học, thao túng Tổ chức y tế thế giới... Điều này khiến ‘những người bạn’ của Trung Quốc cảnh giác hơn bao giờ hết. Lo ngại một sức mạnh đen tối - giống Nazis - phủ bóng toàn cầu đã khiến Trung Quốc mất đi yếu tố nhân hoà cả trong nước và quốc tế. Chưa kể, các đấu tranh nội bộ hiện nay sau đại dịch cũng khiến nguồn lực trong nước bị phân tán, chiến lược thúc đẩy đồng CNY soán ngôi USD vẫn là một giấc mộng. Ít nhất thì trong 5 - 10 năm tới, giấc mộng Trung Hoa về đồng CNY khó có thể thành tựu. Một cơn sóng thần về khủng hoảng sẽ phải xảy ra, phân định mạnh yếu, thắng thua sau đó sẽ quyết định lợi thế của ván cờ này..

Hữu Nguyên - Tâm Chính

NGUỒN TIN THAM KHẢO

  1. https://www.cnbc.com/2021/03/05/too-much-stimulus-in-the-us-may-bring-imported-inflation-to-china-economists-warn.html
  2. https://www.economicshelp.org/blog/164485/economics/why-is-value-of-yuan-so-important/
  3. https://www.ntdvn.net/toan-canh-cuoc-dau-kinh-te-an-ninh-quoc-gia-giua-my-va-trung-quoc-150565.html
  4. https://www.ntdvn.net/pho-wall-do-tien-vao-trung-quoc-khien-bac-kinh-lo-ngai-vo-bong-bong-tai-san-139710.html

 



BÀI CHỌN LỌC

Toàn cảnh chiến tranh tiền tệ: CNY muốn soán ngôi USD nhờ đại dịch nhưng thiếu ‘thiên thời, địa lợi, nhân hòa’