Lý do đáng sợ khiến không chiếc tàu ngầm nào trên thế giới dám lặn sâu quá 90 ngày

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tàu ngầm - sát thủ dưới lòng đại dương với khả năng lặn sâu, mang theo kho vũ khí tối tân, có sức hủy diệt kinh hoàng đã trở thành một phần không thể thiếu của lực lượng hải quân các quốc gia trên thế giới. Nhưng có một câu hỏi đó là: Tại sao, giờ đây, các tàu ngầm không thiết kể để lặn quá sâu như trước kia? Và độ sâu thực sự mà một tàu ngầm có thể đạt đến là bao nhiêu? Nếu lặn quá sâu chúng sẽ xảy ra chuyện gì?

Khi theo dõi những video tàu ngầm phóng ngư lôi dưới lòng biển, hẳn ai cũng đã từng một lần thắc mắc rằng: vì sao nước không ngấm vào bên trong tàu ngầm? Câu hỏi tưởng ngây ngô mà hoá ra lại không hề đơn giản chút nào.

Ống phóng ngư lôi trên tàu ngầm có hai nắp ở phía trước và phía sau. Hai nắp của ống phóng ngư lôi hoạt động theo cơ chế là chỉ có thể đóng cùng lúc nhưng lại không thể đồng thời mở. Khi nắp trước ống phóng mở ra thì nắp sau không thể mở được. Sau khi ngư lôi được phóng, nước biển tuy tràn vào ống phóng nhưng do nắp sau vẫn đóng cho nên nước biển không thể tràn vào bên trong tàu.

Khi việc phóng kết thúc, nắp trước được đóng lại rồi nhờ một van đặc biệt, số nước biển đã lọt vào trong ống phóng sẽ được tháo vào một bể chứa bên trong tàu ngầm để bổ sung cho khối lượng đã mất đi vì phóng ngư lôi, nhờ đó duy trì trọng lượng của tàu. Sau khi nước trong ống phóng được rút hết thì các bạn lại có thể nạp ngư lôi khác vào. Thiết kế tương đối phức tạp ấy chính là điều đã làm nên khả năng tấn công dưới lòng biển đáng sợ của tàu ngầm - một cơn ác mộng thực sự với các tàu mặt nước.

Các ống phóng ngư lôi phía trước ở tàu ngầm HMS Ocelot (S17) của hải quân Anh (Ảnh: Wikimedia)

Như vậy, chúng ta có thể nói rằng mọi hoạt động của tàu ngầm đều được thực hiện ở dưới lòng biển sâu. Nhưng có bao giờ các bạn tự hỏi và tự trả lời chính xác rằng tại sao tàu ngầm có thể di chuyển dưới mặt nước nhanh hơn trên mặt nước hay chưa?

Điểm mấu chốt ở đây chính là thiết kế hình “giọt nước” của chúng. Điều này cho phép tàu ngầm có thể “lướt” trong đại dương một cách nhanh chóng khi chìm hoàn toàn trong nước. Khi chúng nổi lên trên mặt nước, sẽ có rất nhiều năng lượng bị mất vào các cung sóng do tàu tạo ra trên bề mặt. Năng lượng bị hao phí này khiến động cơ bị giảm công suất nên không có gì là lạ khi chúng “bơi” chậm hơn những con tàu thông thường sở hữu mũi quả lê hoặc mũi ngược.

Mặc dù vậy, không phải lúc nào tàu ngầm cũng kém khoản di chuyển trên mặt nước. Các loại tàu ngầm cũ hơn, ví dụ như tàu ngầm sử dụng trong Thế chiến Thứ 2 và chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên trên thế giới USS Nautilus (SSN-571), mũi tàu của chúng được thiết kế với các góc nhằm giảm thiểu các cung sóng nên nó di chuyển trên mặt nước nhanh hơn dưới lòng biển.

Tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ đang hoạt động ở Groton, Connecticut, tháng 7 năm 2004. (Ảnh: Wikimedia)

Tàu ngầm được mệnh danh là sát thủ đại dương bởi khả năng lặn sâu và mang cả một kho vũ khí vô cùng kinh hoàng. Chúng ta phải kể đến chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Liên Xô K-278 Komsomolets với kỷ lục lặn sâu nhất thế giới, lên tới 1020m. Tuy nhiên, nó đã mãi mãi nằm dưới đáy đại dương sau sự cố vỡ ống dẫn khí và kể từ đó về sau không có một chiếc tàu ngầm nào có thể đạp đổ kỷ lục này dù kỹ thuật công nghệ đã hiện đại hơn rất nhiều.

Phải chăng giờ đây các tàu ngầm không thiết kế để lặn quá sâu như trước kia?

Để tránh sự theo dõi của các thiết bị săn ngầm, tàu ngầm cần lặn xuống một độ sâu nhất định. Do đó năng lực lặn sâu cũng là một tiêu chí quan trọng trong sự phát triển của loại khí tài này. Làm được điều đó chắc chắn chi phí phải bỏ ra là rất lớn. Và để thích ứng với các yêu cầu của vùng biển sâu thì thân tàu phải sử dụng các vật liệu hợp kim đắt tiền để chịu được áp suất lớn. Ngoài ra, tàu còn phải thiết kế 2 lớp vỏ và việc này cũng tiêu tốn thêm không ít tiền của. Có thể do vấn đề chi phí quá đắt đỏ nên chỉ có duy nhất một tàu ngầm loại này ra đời.

Hoa Kỳ cũng nghiên cứu chế tạo một tàu ngầm lớp Seawolf có thể lặn sâu hơn 600m. Con tàu này không những có thể lặn mà còn có trang bị rất tiên tiến, nó được xem là một trong những tàu ngầm hạt nhân tấn công mạnh nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, Seawolf cũng chỉ chế tạo đến chiếc thứ 3 là ngừng vì quân đội Mỹ phát hiện ra rằng việc những tàu này có thể lặn rất sâu cũng không có tác dụng mấy.

Chỉ để đạt được tác dụng này mà chi phí đóng một tàu ngầm như vậy đã lên tới 3 tỷ USD. Sự đắt đỏ của nó khiến cho ngay cả quân đội nhà giàu như Mỹ cũng thấy xót của. Sau đó, Nga lại chế tạo không ít tàu ngầm nhưng chỉ có 2 chiếc là có thể lặn xuống độ sâu gần 600m. Còn các tàu ngầm hạt nhân tấn công chiến lược lớp Borei cũng chỉ lặn sâu khoảng 450m, trong khi, tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ chỉ lặn sâu khoảng 240m.

Tàu ngầm USS Seawolf (SSN-21) của Mỹ trong một nhiệm vụ (Ảnh: Wikimedia)

Chúng ta có thể thấy là các nước đã không còn cố tìm cách cho tàu ngầm của mình lặn sâu hơn. Trong cùng điều kiện, việc lặn sâu hơn tất nhiên có những tác dụng nhất định nhưng cũng không nên đơn thuần cường điệu công nghệ lặn sâu. Bởi vì mức độ lặn càng sâu thì chi phí càng cao, mà chi phí tăng cao không đồng nghĩa với việc hiệu quả mang lại cũng cao.

Trên thực tế thì công nghệ về độ yên tĩnh đã đủ để giúp chúng ẩn nấp một cách hữu hiệu. Mặt khác, hiện nay tàu ngầm hạt nhân đều cần phải phóng tên lửa, nếu lặn quá sâu thì không có lợi cho việc phóng nên yếu tố lặn sâu đã không còn quá quan trọng.

Vậy thì thời gian tối đa mà một tàu ngầm có thể ở dưới nước là bao lâu?

Thực ra, chúng được thiết kế và có đủ nhân lực để thực thi các nhiệm vụ đòi hỏi khoảng thời gian lên đến vài tháng. Tuy nhiên, dù có là tàu ngầm diesel hay tàu ngầm hạt nhân thì chúng đều phải nổi lên định kỳ, nhưng lý do cho việc này lại khác nhau đối với từng loại.

Đối với tàu ngầm diesel, động cơ diesel sản sinh ra năng lượng thông qua một quá trình đốt trong rất cần có oxy, vì vậy chúng phải nổi lên để có đủ oxy đảm bảo cho cơ chế tàu hoạt động bình thường. Tàu ngầm phải ngoi lên mặt nước vài ngày 1 lần hoặc thường xuyên hơn, không chỉ để lấy oxy sạch từ trên mặt nước, mà còn để thải bớt khí gas sinh ra trên tàu trong quá trình tàu hoạt động. Quá trình này diễn ra được là nhờ 1 thiết bị được gọi là “ống thở”, cho phép tàu hoạt động dưới nước trong khi vẫn lấy được oxy từ trên bề mặt nước. Mỗi khi tàu nổi lên thì các động cơ diesel của nó hoạt động và tạo ra năng lượng, dùng để sạc lại các viên pin giúp tàu hoạt động.

Còn về tàu ngầm hạt nhân thì đương nhiên là nó sẽ hoạt động dựa trên các lò phản ứng hạt nhân. Các lò phản ứng này sinh ra năng lượng đủ để các thiết bị điện trên tàu hoạt động, cùng với đó là các hệ thống hỗ trợ sự sống cho thủy thủ đoàn. Bởi vậy, không giống như tàu ngầm diesel, tàu ngầm hạt nhân có thể hoạt động hằng ngày, thậm chí hàng tuần, mà không cần phải nổi lên trên mặt nước.

Các lò phản ứng đó có thể sinh ra năng lượng đủ để tàu hoạt động trong vài thập niên. Mặc dù cả tàu ngầm hạt nhân và diesel đều phải nổi lên mặt nước để trao đổi thông tin về căn cứ, và để nhận lệnh mới, hoặc cũng để truyền đạt các thông tin quan trọng khác bởi ở dưới nước các tín hiệu hoạt động kém hiệu quả. Thực phẩm và nhu yếu phẩm mới là giới hạn duy nhất đối với khoảng thời gian lặn tối đa của tàu ngầm hạt nhân. Vì thông thường, họ chỉ mang theo thực phẩm đủ cho 90 ngày mà thôi.

Không thể phủ nhận là từ khi xuất hiện vào cuối thế kỉ 19, tàu ngầm đã nhanh chóng trở thành thứ vũ khí hữu hiệu của hải quân các nước. Trong một thời gian dài, không có cách nào để tiêu diệt được những con quái vật đại dương này. Tàu ngầm có thể tự do di chuyển và tiêu diệt tàu đối phương mà không lo sợ bị phát hiện. Ngay cả khi chúng nổi lên khỏi mặt nước thì việc phát hiện cũng như nhìn thấy nó từ xa bằng mắt thường cũng là điều rất khó, đặc biệt là dưới ánh nắng mặt trời. Tất là là nằm ở lớp sơn bí ẩn trên vỏ của tàu ngầm.

Mục đích chính của nó là ngụy trang và màu đen là màu sắc tối ưu nhất để che giấu những con quái vật dưới làn nước của đại dương. Nhưng khi đứng trên boong tàu của các tàu chiến mặt nước hoặc bất kỳ một chiếc tàu thông thường nào thì bạn rất dễ quan sát và phát hiện ra các vật thể trên mặt nước. Thậm chí, những chiếc ống nhòm và ống kính viễn vọng hiện đại còn cho phép các hoa tiêu nhìn thấy các vật thể ở cách xa đến 70km hoặc hơn.

Bên cạnh đó, mọi tàu chiến và tàu khu trục hiện đại đều có các hệ thống radar và sonar, có khả năng nhận dạng các tàu ở khoảng cách rất xa. Vì thế mà màu sơn trên vỏ tàu là yếu tố rất quan trọng, quyết định đến sự sống còn của tàu ngầm, trong đó màu đen hay xám là những màu sắc tối ưu nhất giúp chúng có thể hoà lẫn vào môi trường xung quanh. Đây cũng là lý do vì sao tàu ngầm thường nổi lên vào ban đêm, bởi đây là thời điểm cực kỳ khó bị phát hiện.

Tuy nhiên không phải mọi tàu ngầm đều được sơn màu đen và xám, mặc dù đây là những màu phổ biến nhất. Các bạn sẽ thấy vẫn có một số quốc gia lại lựa chọn màu sắc khác để ngụy trang cho vũ khí của mình vì nhiều lý do, ví dụ như tàu ngầm của Triều Tiên được sơn màu xanh lá cây. Do đặc điểm màu sắc của vùng biển, vùng nước mà tàu ngầm quốc gia đó hoạt động, cũng như do nhu cầu sử dụng mà một số quốc gia khác như Iran và Israel cũng sơn màu xanh lá cây cho lực lượng tàu ngầm của mình.

Tàu ngầm của những quốc gia này chủ yếu hoạt động ở những vùng nước trong, nông và ven biển, trong điều kiện đó, màu xanh lá sẽ giúp ngụy trang tốt hơn. Ngoài ra, không phải mọi tàu ngầm đều được dùng cho hoạt động quân sự. Chúng còn có thể được sử dụng trong hoạt động khai phá biển sâu, hay các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Trong các trường hợp này, ngụy trang không phải là ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực quân sự, màu đen vẫn là màu sắc được lựa chọn hàng đầu, vì đặc thù hoạt động của con tàu cũng như là để bảo vệ chúng trước kẻ thù, đồng thời yếu tố ngụy trang vẫn sẽ là yêu cầu khắt khe nhất để hoàn thiện một con tàu ngầm. Mặc dù vậy, nên nhớ rằng việc sử dụng vỏ bọc màu tối nó chỉ là một phần rất nhỏ trong công cuộc ngụy trang của loại khí tài này bởi vì gần như 99% hoạt động của tàu ngầm đều diễn ra ở dưới lòng biển. Phải làm thế nào để chúng không bị đâm vào nhau, không bị phát hiện bởi kẻ thù mới là vấn đề lớn.

Khi tàu ngầm lặn xuống ở độ sâu đủ để sử dụng kính tiềm vọng, nó sẽ tự xác định vị trí một lần thông qua hệ thống định vị GPS. Khi con tàu chìm hẳn xuống dưới nước, nó sẽ sử dụng hệ thống định vị riêng, sẽ cảm nhận các thay đổi về hành trình, kết hợp với việc đo tốc độ để tính toán vị trí chính xác của tàu. Cùng lúc đó hoa tiêu sẽ tiến hành tính toán vị trí của tàu dựa trên lộ trình, tốc độ, độ sâu của nước và điều chỉnh theo dòng chảy của nước biển. Dữ liệu thu được sau đó sẽ được so sánh với dữ liệu của hệ thống định vị lắp trên tàu, để đảm bảo sự thống nhất.

Tàu ngầm còn sử dụng radar âm sonar để định vị. Ngoài ra, radar này còn được dùng để tránh không đâm phải tàu ngầm của ta, phát hiện và săn lùng tàu địch. Khi nói về radar âm, người ta thường nghĩ về radar chủ động - thứ mà ta vẫn thường xuyên thấy trên phim. Radar chủ động sẽ phát ra một tiếng ping xuống dưới nước và kiểm tra âm thanh phản hồi để biết có gì ở dưới hay không. Tàu ngầm không bao giờ sử dụng loại radar này. Thay vì thế nó dùng radar bị động, nghĩa là luôn lắng nghe. Một khi tiếng động được phát hiện trên một dải tần số nhất định, vốn chỉ do hoạt động của tàu ngầm tạo ra, chúng ta sẽ lần theo tín hiệu đó để bám đuổi và diệt mục tiêu.

Ở vùng nước nông, mọi chuyện sẽ khó khăn hơn một chút. Khi ấy, các bạn có thể dùng kính tiềm vọng nhìn ngó xung quanh, nhưng khả năng di chuyển linh hoạt sẽ bị hạn chế rất nhiều. Nếu có một tàu chống ngầm xuất hiện ở phía trước và không lặn xuống đủ sâu, đủ nhanh thì chắc chắn là bạn sẽ gặp rắc rối to. Bạn phải nhìn thấy sự xuất hiện của con tàu này từ rất sớm.Hoạt động ở vùng nước nông cũng có nghĩa dễ bị đối phương phát hiện hơn. Việc thò kính tiềm vọng lên khỏi mặt nước sẽ giống như đang tạo điều kiện giúp kẻ thù nhận ra mình.

Vậy thì cuộc sống của thuỷ thủ bên trong những sát thủ lòng biển này sẽ ra sao?

Liệu có ai sống được trong một ngôi nhà chật chội, nơi thường xuyên có nhiệt độ 38 độ C và mức oxy chỉ là 18%? Môi trường làm việc bên trong một chiếc tàu ngầm hạt nhân được cho là còn khắc nghiệt hơn cả trên trạm vũ trụ trong không gian. Ở đây người ta chỉ có thể làm việc tối đa 90 ngày.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bước ra khỏi tàu ngầm hạt nhân mới của Pháp "Suffren" ở Cherbourg, tây bắc nước Pháp vào ngày 12 tháng 7 năm 2019. (Ảnh: LUDOVIC MARIN/AFP via Getty Images)

Nói chung, các tàu ngầm hạt nhân bắt buộc phải hoạt động dưới nước trong thời gian dài. Còn các tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel về cơ bản sẽ phải trồi lên mặt nước để bổ sung dưỡng khí trong một khoảng thời gian rất ngắn. Điều này cũng đúng với bất kỳ tàu ngầm nào, vì chúng không được thiết kế quá lớn. Tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới từng được chế tạo là tàu ngầm của Nga mang tên "Dmitry Donskoy". Nó sở hữu chiều dài đáng kinh ngạc là 175m, chiều rộng 25m. Nên biết rằng những con tàu ngầm thông thường chỉ dài từ 60 mét đến 90 mét.

Mục đích tồn tại của tàu ngầm hạt nhân không phải để khảo sát môi trường dưới nước, mà là để chiến đấu và đánh trận. Vì vậy, phần lớn không gian bên trong được dùng để chứa vũ khí và các trang thiết bị phục vụ việc chiến đấu dưới nước. Do vậy, không gian cho con người sinh sống bên trong nó rất hạn chế. Không gian sống nhỏ hẹp, phải chia sẻ với nhiều người là một trong những nguyên nhân khiến cuộc sống trên tàu ngầm gặp nhiều khó khăn.

Để so sánh, trên trạm vụ trụ, giường ngủ của các phi hành gia thường được trang bị một "cửa sổ", để khi nghỉ ngơi họ có thể nhìn xuống trái đất. Điều này rất quan trọng, vì nó có thể giảm bớt cảm giác trầm cảm do không gian hạn chế mang lại. Tuy nhiên, không có chuyện như vậy trên tàu ngầm, vì cũng chẳng có cái cửa sổ nào cả. Trên thực tế, việc có cửa sổ là vô ích, vì ánh sáng mặt trời chỉ có thể xuyên qua độ sâu khoảng 200 mét, còn độ sâu hoạt động của tàu ngầm hạt nhân sẽ rơi vào khoảng 675 mét đến 900 mét dưới mặt nước.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi tàu ngầm hạt nhân hoạt động dưới biển không có khái niệm ngày hay đêm. Trên thực tế, đối với hầu hết các thủy thủ đoàn, họ thực hiện một mô hình sống và làm việc độc đáo. Đó là chu kỳ 3x6, tức là trong mỗi 18 giờ, sẽ có 6 giờ làm việc, 6 giờ nghỉ ngơi (ngủ) và 6 giờ nhàn rỗi.

Và như đã đề cập trước đó, rằng tàu ngầm có không gian sống rất hạn chế, vì vậy mọi người sẽ thay phiên nhau làm việc và nghỉ ngơi thông qua mô hình trên để tránh việc có quá nhiều người tập trung ở một số khu vực nhất định. Không gian sống chật chội đồng nghĩa với việc môi trường không khí trong tàu ngầm sẽ trở nên ngột ngạt và nặng mùi.

Mặc dù toàn bộ tàu ngầm có các thiết bị làm mát bằng không khí, nhiệt độ tổng thể bên trong tàu sẽ vẫn đạt từ 30 tới 35 độ C. Do đó thủy thủ đoàn không chỉ sống trong một không gian nhỏ mà còn phải làm việc trong nhiệt độ cao. Người ta tin rằng nơi rộng rãi nhất trên tàu ngầm là phòng ăn, nên rất nhiều thuyền viên sẽ tập trung ở đó. Nhưng đây cũng là khu vực có nhiệt độ cao nhất, với nhiệt độ tối đa thậm chí có thể vượt quá 38 độ C.

Ngay cả khi trời nóng, nguồn cung cấp nước vẫn rất hạn chế. Và về cơ bản nước chỉ được sử dụng để uống và nấu ăn, vì vậy việc tắm rửa trên tàu ngầm là một điều xa xỉ. Hãy tưởng tượng mùi trong không khí sẽ ra sao trong một không gian chật hẹp, nơi hàng chục gã đàn ông cao to hiếm khi tắm và liên tục đổ mồ hồi. Hiện không có nữ thủy thủ đoàn nào trong tàu ngầm trên thế giới vì các lý do riêng tư.

Tuy nhiên, không khí trên tàu ngầm có một đặc điểm khác, đó là hàm lượng oxy của nó khá thấp, chỉ khoảng 18%. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với hàm lượng oxy trên đất liền, vào khoảng khoảng 21%. Theo chia sẻ của một số cựu chiến binh từng phục vụ trên tàu ngầm, thì việc đặt mức oxy thấp như vậy về cơ bản là để giảm nguy cơ cháy nổ. Vì mọi thứ khó bắt lửa hơn trong môi trường có nồng độ ôxy thấp.

Nhưng nó gây ra rất nhiều bất tiện cho những người sống trong đó. Bởi ngoài việc khó thở, hay chóng mặt và cảm thấy mệt mỏi, điều quan trọng nhất là lượng oxy thấp khiến cơ thể rất khó chữa lành khi bị thương. Tất nhiên, trong điều kiện thông thường, rất hiếm khi có tai nạn gây chết người trên tàu ngầm. Vì vậy điều này có thể không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, nồng độ oxy thấp cũng khó khiến mọi người bình tĩnh, và với không gian sống chật chội, hầu như tất cả các thuyền viên luôn tỏ ra tức giận và cáu kỉnh.

Ngoài ra, vì một trong những đặc tính của tàu ngầm là ẩn giấu, nên bất kỳ tín hiệu nào cũng có thể tiết lộ vị trí của chúng. Vì vậy, các thủy thủ đoàn hoàn toàn bị cấm thiết lập liên lạc với thế giới bên ngoài. Tất nhiên, công nghệ ngày nay có thể cho phép họ viết email liên lạc với người nhà. Tuy nhiên, nó liên quan tới vấn đề bảo mật tin tức và các nội dung liên lạc có thể bị kiểm soát, vì vậy hầu hết việc gửi nhận thông tin đều rất hạn chế.

Tất cả những điều trên đã khiến cuộc sống trên tàu ngầm trở nên khó khăn và thách thức đến mức ngay cả một người được đào tạo bài bản cũng không thể sống quá lâu trên đó. Nếu không tất cả thuỷ thủ đoàn sẽ phát điên. Trong báo cáo công bố trên Tạp chí Quân y của Trung Quốc năm 2022, dựa trên cuộc khảo sát với 511 thủy thủ tàu ngầm Trung Quốc (độ tuổi 26-30), có tới 21% trong số 511 thủy thủ (tức 108 người) được đánh giá là có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Các nhà nghiên cứu lý giải lực lượng lính tàu ngầm thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đông có nguy cơ cao mắc các chứng bệnh tâm thần vì quá căng thẳng cùng yếu tố khí hậu có nhiệt độ cao và độ ẩm cao. Từ năm 1996, Hải quân Mỹ bắt đầu triển khai các nhà tâm lý học lên tàu sân bay để hỗ trợ giải quyết các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong thập niên tiếp theo, Mỹ triển khai đội ngũ chăm sóc sức khỏe tâm thần tại các đơn vị Hải quân và Thủy quân lục chiến.

Riêng thủy thủ tàu ngầm Mỹ phải thường xuyên điền vào bảng tự đánh giá về sức khỏe tâm thần. Bảng tự đánh giá được chia rõ ràng thành 9 loại triệu chứng lớn, chẳng hạn như hành vi ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm, lo lắng và tâm lý thù địch.

Viên Minh (Tổng hợp)

Thế giới Quân sự


BÀI CHỌN LỌC

Lý do đáng sợ khiến không chiếc tàu ngầm nào trên thế giới dám lặn sâu quá 90 ngày