Mỹ mất dấu hơn 1 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lầu Năm Góc cho biết số vũ khí trị giá hơn một tỷ USD được gửi tới Ukraine đã không được giới chức Mỹ giám sát đúng cách. Theo đó, gần 40.000 thiết bị quân sự có tính chất nhạy cảm cao của Mỹ viện trợ cho Ukraine đã không được kiểm kê đầy đủ.

Văn phòng tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 11/1 công bố báo cáo cho thấy gần 60% trong tổng số 1,69 tỷ USD vũ khí cung cấp cho Ukraine cần được tăng cường giám sát và truy vết do công nghệ quân sự nhạy cảm đã không được kiểm kê đầy đủ.

"Nguyên nhân có thể là số lượng quân nhân Mỹ hạn chế tại cơ sở hậu cần ở một quốc gia đối tác và Ukraine, cũng như hạn chế về di chuyển nhân viên giám sát trong nước", báo cáo cho biết.

Các vũ khí đã được Mỹ cung cấp cho Ukraine và yêu cầu tăng cường giám sát bao gồm tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa phòng không vác vai Stinger, UAV cảm tử Switchblade.

Báo cáo cho thấy tính đến đầu tháng 6/2023, khoảng 40.000 vũ khí đã không được quan chức Mỹ và châu Âu kiểm kê nhanh chóng hoặc đầy đủ. Quân đội Mỹ đã cung cấp máy quét mã vạch cầm tay cho nhân viên quốc phòng Ukraine để kiểm kê, song "bối cảnh chiến sự và những hạn chế về nhân sự, hậu cần" khiến họ không thể thực hiện tất cả công việc cần thiết.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Pattrick Ryder nói "không có bằng chứng đáng tin cậy nào về vận chuyển trái phép vũ khí do Mỹ cung cấp khỏi Ukraine".

Mỹ đã hỗ trợ cho Ukraine lượng vũ khí khổng lồ kể từ khi xung đột với Nga bùng nổ, nhưng hiện loay hoay trong việc truy dấu để tìm cách ngăn nguy cơ bị tuồn ra thị trường chợ đen.

Các quan chức Mỹ cũng thừa nhận họ khó có thể kiểm tra 100% số vũ khí trong kho đang được Ukraine sử dụng để đảm bảo chúng không bị đánh cắp hoặc sử dụng sai mục đích, trong bối cảnh cuộc xung đột leo thang đang gây áp lực lớn lên các quy trình lâu nay vẫn được Washington áp dụng.

Dù vậy, các quan chức Mỹ và Ukraine cho biết chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào sử dụng hoặc chuyển giao vũ khí bất hợp pháp ở Ukraine kể từ khi xung đột bùng nổ. Nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ lo ngại việc Nga thu được vũ khí Ukraine có thể dẫn đến việc số vũ khí này bị tuồn lậu sang các nước khác.

Báo cáo của văn phòng tổng thanh tra Lầu Năm Góc được cho là sẽ làm gia tăng tranh cãi tại quốc hội Mỹ về việc có nên phê duyệt thêm viện trợ cho Ukraine hay không. Các nghị sĩ đã không thể thông qua gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine hồi cuối năm ngoái. Ngày càng nhiều nghị sĩ phản đối phê duyệt đợt viện trợ mới cho Ukraine, đồng thời kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn hoạt động hỗ trợ quân sự.

Một số loại vũ khí khác đã bị thất lạc như súng phóng lựu của Thụy Điển, dường như bắt nguồn từ chiến trường Ukraine, đã phát nổ trong thùng xe ôtô ở Nga vào tháng 5/2023.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuyên bố ngày 13/10 năm ngoái cho biết, một số vũ khí được phương Tây viện trợ cho Ukraine cuối cùng lại rơi vào các nhóm vũ trang cực đoan, trong đó có cả phong trào Hamas. Điều này có liên quan đến nạn tham nhũng đang tồn tại trong quân đội Ukraine.

“Chúng ta đều biết về nạn tham nhũng ở Ukraine. Ở thị trường vũ khí chợ đen không thiếu kẻ mua, còn Ukraine không thiếu người bán", Tổng thống Putin nói. Ông cũng lưu ý một phần vũ khí phương Tây viện trợ cho Ukraine đã đến Trung Đông và châu Phi. Cũng theo ông Putin, nếu điều kiện cho phép, các sĩ quan Ukraine sẵn sàng bán vũ khí cho Nga.

Vấn đề Hamas sử dụng vũ khí mà Mỹ và các đồng minh gửi tới Ukraine lần đầu tiên được nêu ra bởi Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh liên bang Nga Dmitry Medvedev. Ông này cũng cho biết những vũ khí này đã được sử dụng trong các cuộc đột kích của Hamas vào miền Nam Israel hồi tháng 10 năm ngoái.

Đáp lại tuyên bố trên, cơ quan tình báo Ukraine cáo buộc Nga đã gửi vũ khí phương Tây thu được ở Ukraine cho Hamas trong một chiến dịch “cờ giả” nhằm làm xấu đi hình ảnh của quân đội Ukraine.

Khoảng 40.000 khí tài được nêu trong báo cáo là phần nhỏ trong số thiết bị quân sự trị giá 50 tỷ USD mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Hầu hết vũ khí do Mỹ cung cấp, như xe tăng, máy bay không người lái, tên lửa, hệ thống phòng không và đạn dược, đã đến tay binh lính Ukraine từ khi chiến sự bùng phát tháng 2/2022.

Theo RT, bất chấp những nỗ lực của Lầu Năm Góc và quân đội Ukraine trong việc tiến hành kiểm kê thiết bị cần thiết, những hạn chế đáng kể về nhân sự và thách thức về trách nhiệm giải trình vẫn tồn tại. Tính đến ngày 2/6/2023, khoảng 59% tổng giá trị, tương đương hơn 1 tỷ USD vẫn không được giám sát đúng cách.

Viên Minh (tổng hợp)

Thế giới Quân sự


BÀI CHỌN LỌC

Mỹ mất dấu hơn 1 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine