NASA công bố bức ảnh cho thấy những ‘con đường’ kì lạ trên mặt trăng Europa của sao Mộc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các bức ảnh có độ phân giải cao mới về mặt trăng băng giá Europa của sao Mộc cho thấy bề mặt của nó được bao phủ bởi một thứ gì đó giống như đường cao tốc hơn là miệng núi lửa, và chúng kéo dài hàng dặm.

Europa được cho là nơi có nhiều khả năng nhất để tìm thấy sự sống bên ngoài Trái đất trong hệ Mặt trời - nhưng những sự sống này sẽ ở dưới nước chứ không phải trên cạn.

Vào ngày 29/9, trong một chuyến bay bất thường cách bề mặt Europa khoảng 256 dặm, sứ mệnh Juno của NASA đã chụp được những bức ảnh về bề mặt của vệ tinh tự nhiên của sao Mộc và các nhà khoa học thừa nhận rằng, bức ảnh về “lớp vỏ băng giá có các đường nứt vỡ dày đặc của mặt trăng này” là rất khó hiểu.

NASA cho biết: “Hình ảnh bề mặt Europa bao quát khoảng 93 dặm (150 km) x 125 dặm (200 km), tiết lộ một vùng đan xen bởi một mạng lưới các rãnh nhỏ và gờ kép…”.

“Gần phía trên bên phải, cũng như ngay phía dưới bên phải hình ảnh là các vết sẫm màu có thể liên quan đến một thứ gì đó từ bên dưới phun ra trên bề mặt”.

Ngay lập tức, những người dùng mạng xã hội đã đưa ra các giả thuyết. Một số người gọi các đường này là sơ đồ cao tốc trên mặt trăng, những người khác cho rằng chúng là dấu vết do một thứ gì đó trượt qua băng để lại, và một số người chỉ ra rằng họ đã nhìn thấy một ngôi sao năm cánh trong bức ảnh.

Đối với "vết đen" mà NASA nói đến, một số người lưu ý rằng vết đó trông giống như một "dấu chân khổng lồ".

Các nhà khoa học NASA cũng đưa ra các giả thuyết của mình. Họ nghi ngờ các đường này là những điểm mà bề mặt của Europa "đã bị nứt ra" và một thứ gì đó tối màu "từ bên dưới bề mặt" đã lấp đầy vết nứt.

Scott Bolton, nghiên cứu viên chính của sứ mệnh Juno cho biết: “Nhiều người tin rằng các vết nứt và gờ trên/trong lớp vỏ đánh dấu các đường yếu bên trong lớp vỏ băng của mặt trăng”.

Ông cho biết thêm, các vết nứt còn bị “nhấn mạnh và trầm trọng hơn do sự phồng lên và sụt giảm của thủy triều do lực hút của Sao Mộc”.

Các nhà khoa học tin rằng Europa được bao bọc bởi "một đại dương lỏng, mặn, khổng lồ" với bên trên là lớp băng dày 15 dặm (khoảng 24 km). Nhiệt độ dao động từ -210 độ F (-99 độ C) đến -370 độ F (-233 độ C) tại các cực, NASA cho biết.

Tuy nhiên, khám phá biển sâu trên Trái đất đã chứng minh rằng sự sống có thể được tìm thấy ở ngay cả những địa điểm khắc nghiệt nhất trên hành tinh của chúng ta. Các nhà khoa học suy đoán điều này có thể cũng đúng ở những nơi khác trong hệ Mặt trời.

Heidi Becker, đồng điều tra viên chính của Đơn vị Tham chiếu Sao của Juno cho biết: “Hình ảnh này đang tiết lộ một mức độ chi tiết đáng kinh ngạc về một khu vực chưa được chụp trước đây…”.

“Những thuộc tính này thật hấp dẫn. Việc hiểu cách chúng hình thành - và cách chúng kết nối với lịch sử của Europa - cho chúng ta biết về các quá trình hình thành bên trong và bên ngoài lớp vỏ băng giá”.

Juno ban đầu “hoàn toàn tập trung vào Sao Mộc”, nhưng sau đó sứ mệnh này đã mở rộng cuộc điều tra sang bốn mặt trăng lớn nhất của hành tinh, trong đó Europa là mặt trăng nhỏ nhất.

NASA cho biết: “Vào đầu những năm 2030, tàu vũ trụ Europa Clipper của NASA sẽ đến và cố gắng trả lời những câu hỏi này về khả năng sinh sống của Europa. Dữ liệu từ tàu bay Juno cung cấp một bản xem trước về những gì sứ mệnh đó sẽ tiết lộ”.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

NASA công bố bức ảnh cho thấy những ‘con đường’ kì lạ trên mặt trăng Europa của sao Mộc