Nghiên cứu cho thấy hợp chất trong cam thảo có tác dụng chống ung thư tụy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, các nhà khoa học đã công bố phát hiện cho thấy hợp chất flavonoid trong rễ cam thảo có tác dụng ức chế sự tiến triển của bệnh ung thư tụy.

Khi nhắc đến cam thảo, có thể bạn sẽ nghĩ đến những thanh kẹo dẻo màu đen với vị ngọt đặc biệt. Thế nhưng bạn có biết rằng những thanh kẹo này còn chứa một hợp chất có tác dụng chống lại bệnh ung thư.

Gần đây, các nhà khoa học của trường đại học Baptist Hồng Kông (HKBU) đã công bố phát hiện cho thấy hợp chất flavonoid trong rễ cam thảo có tác dụng ức chế sự tiến triển của bệnh ung thư tụy. Không những thế, hợp chất này còn giúp nâng cao hiệu quả hóa trị trong điều trị ung thư tụy.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí học thuật quốc tế Phytomedicine, đồng thời được trình bày tại Đại hội thường niên của Hiệp hội nghiên cứu ung thư châu Âu năm 2023 tại Torino, Ý.

Đây là một phát hiện quan trọng bởi vì ung thư tụy có nhiều đặc điểm khiến căn bệnh này nguy hiểm hơn so với nhiều loại ung thư khác. Đây là một ung thư ác tính và có tỷ lệ tử vong cao. Theo báo cáo Thống kê Ung thư Toàn cầu 2020 do Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế công bố, tỷ lệ tử vong so với tỷ lệ mắc bệnh của ung thư tụy là hơn 93%.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính ung thư tụy là nguyên nhân gây tử vong liên quan đến ung thư đứng thứ ba ở mọi lứa tuổi tại Hoa Kỳ và một số nước châu Âu.

Đây là căn bệnh ung thư rất nguy hiểm không có dấu hiệu cảnh báo nào. Bệnh nhân thường không có hoặc có rất ít triệu chứng ở giai đoạn sớm. Vì vậy khi được phát hiện, bệnh thường đã ở giai đoạn muộn và di căn sang những cơ quan khác.

Đa số bệnh ung thư nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì có thể phẫu thuật cắt bỏ. Tuy nhiên, đối với ung thư tụy, khi được chẩn đoán, bệnh thường đã ở giai đoạn không thể phẫu thuật được nữa. Chỉ có khoảng 20% bệnh nhân ung thư tụy đủ tiêu chuẩn để thực hiện phẫu thuật (phẫu thuật Whipple hay phẫu thuật cắt khối tá tụy).

Đối với những bệnh nhân đã thực hiện phẫu thuật này, tỷ lệ tái phát cũng rất cao. Các biến chứng lâu dài của phẫu thuật Whipple (như viêm tụy, thoát vị, loét và tắc ruột) xảy ra ở gần 1/3 trường hợp và gần 1/5 trường hợp sẽ cần phải can thiệp để điều trị biến chứng.

Phương pháp điều trị kinh điển đối ung thư tụy là hóa trị. Khi sử dụng phương pháp này, có thể xuất hiện rất nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.

Kế thừa tác dụng trị bệnh của cam thảo

Có một số vấn đề mà một bệnh nhân ung thư tụy sẽ gặp phải. Vậy tại sao các nhà khoa học của HKBU lại nghiên cứu sử dụng cam thảo để điều trị căn bệnh nan y này? Một phần là do những tác dụng đã biết của cam thảo. Ngay từ thời xưa, rễ cam thảo đã được sử dụng làm thuốc trên khắp thế giới.

Tên của cam thảo trong tiếng Trung có nghĩa là “thảo mộc ngọt”. Đây là loại thảo dược đã được sử dụng để điều trị nhiều bệnh trong hàng ngàn năm qua. Cam thảo có vị ngọt và có tác dụng điều hòa các vị thuốc nên được sử dụng trong rất bài thuốc Trung y.

Ở phương Tây, cam thảo từ lâu cũng đã được dùng để điều trị các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp và viêm nhiễm. Khoa học hiện đại cũng đã xác nhận khả năng chữa bệnh của loại thuốc này.

Một nghiên cứu phân tích tổng hợp về tác dụng chống viêm của cam thảo đã được công bố trên tạp chí Pharmaceutical Biology vào năm 2017 xác nhận rằng nhiều hợp chất trong rễ cam thảo “có đặc tính chống viêm rõ ràng”.

Một phân tích được đăng vào năm 2020 cho biết cam thảo có tác dụng tăng cường sức khỏe bằng nhiều cách như hỗ trợ sự cân bằng nội tiết tố, có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus, long đờm, chống ung thư và nhiều đặc tính khác.

Hiểu về ISL (hợp chất isoliquiritigenin)

Trong khoa học hiện đại, khi phân tích khả năng và tiềm năng trị bệnh của một loại thực vật, các nhà nghiên cứu sẽ tìm cách chiết xuất các chất có trong loại thực vật này. Kết quả cho thấy, rễ cam thảo có chứa một số hợp chất có tác dụng trị bệnh. Trong đó, một loại saponin tên là glycyrrhizin là chất được biết đến và nghiên cứu nhiều nhất. Tuy nhiên, trong cam thảo vẫn còn rất nhiều chất khác. Hợp chất cam thảo chính trong nghiên cứu của HKBU là isoliquiritigenin (ISL).

Khi tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học của HKBU đã biết rằng ISL có những đặc tính có thể tác động đến bệnh ung thư tụy. Đây là một chất chống oxy hóa đã được chứng minh có tác dụng chống stress oxy hóa và rối loạn chuyển hóa.

Đứng đầu nhóm nghiên cứu là tiến sĩ Joshua Ko Ka-Shun - tiến sĩ dược lý, phó giáo sư tại bộ phận giảng dạy và nghiên cứu của Trường Trung y, đại học HKBU. Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Ko thực hiện nghiên cứu bằng cách tách tất cả các chất phytochemical khác trong rễ cam thảo để tập trung nghiên cứu tác dụng chống ung thư của ISL.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện một loạt các thí nghiệm trên tế bào để chứng minh rằng ISL có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư tụy, từ đó ức chế sự tiến triển của căn bệnh ung thư ở cơ quan này.

Tiến sĩ Ko cho biết: “ISL có một đặc tính đặc biệt là ức chế sự phát triển của ung thư tụy bằng cách phong tỏa quá trình tự thực bào. Đây là một quá trình tự nhiên giúp các tế bào trong cơ thể loại bỏ những thành phần bị hư hỏng hoặc không còn cần thiết. Trong thí nghiệm của chúng tôi, việc phong tỏa giai đoạn cuối của quá trình tự thực bào đã tiêu diệt các tế bào ung thư”.

Nhóm nhà khoa học này cũng nghiên cứu các khối u trên chuột để đánh giá hiệu quả ức chế sự phát triển tế bào ung thư tụy của ISL. Chuột sẽ được chia thành hai nhóm: trong đó một nhóm sẽ được sử dụng phương pháp điều trị ung thư tụy phổ biến hiện nay là hóa trị bằng gemcitabine (GEM) và một nhóm sẽ được sử dụng ISL

Kết quả cho thấy ISL có hiệu quả điều trị tương đương với GEM nhưng không có những tác dụng phụ của GEM như thiếu máu, giảm bạch cầu và giảm cân.

Dù GEM (và 5-fluorouracil) là phương pháp điều trị tiêu chuẩn đối với ung thư tụy, nhưng những loại thuốc này thường xuất hiện tình trạng kháng kháng hóa, có nghĩa là các tế bào ung thư có thể “trốn tránh” được quá trình điều trị. Khi đó, thay vì tiêu diệt ung thư, những loại thuốc này còn có thể thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư.

Tiến sĩ Ko và nhóm nghiên cứu đã đánh giá tác dụng của ISL đối với tình trạng kháng hóa trị. Những tế bào ung thư tụy được điều trị đơn thuần bằng thuốc hóa trị được so sánh với các tế bào sử dụng thuốc hóa trị kết hợp với ISL. Kết quả cho thấy rằng ISL kết hợp với GEM có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư tụy nhiều hơn 18% so với nhóm chỉ điều trị đơn thuần bằng GEM.

Không những thế, ISL kết hợp với 5-fluorouracil có hiệu quả cao hơn 30% so với hóa trị đơn thuần.

Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng ISL có thể tăng cường hiệu quả của các phương pháp điều trị thông thường.

Tiến sĩ Ko cho biết: “Phát hiện trong nghiên cứu này đã mở ra một con đường mới, đó là sử dụng ISL với vai trò là một chất ức chế quá trình tự thực bào mới trong điều trị ung thư tụy”. "Chúng tôi hy vọng có thể hợp tác với các nhóm nghiên cứu khác để đánh giá sâu hơn về hiệu quả và khả năng ứng dụng lâm sàng của ISL trong điều trị ung thư tụy".

Theo The Epoch Times

Đức Nhân biên dịch

Tác giả: Conan Milner

Conan Milner là một ký giả sức khỏe của The Epoch Times. Anh tốt nghiệp Đại học Bang Wayne với bằng Cử nhân Mỹ thuật và là thành viên của Hiệp hội Lương y Hoa Kỳ.



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu cho thấy hợp chất trong cam thảo có tác dụng chống ung thư tụy