Nghiên cứu phát hiện ‘gia tăng đáng kể’ tỷ lệ tử vong do ung thư sau khi tiêm vắc-xin mũi 3 ngừa COVID 19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều cơ chế có thể giải thích mối liên quan giữa vắc xin mRNA COVID-19 và sự gia tăng ca tử vong do ung thư.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy "sự gia tăng đáng kể về mặt thống kê" trong tỷ lệ tử vong do tất cả các loại ung thư, đặc biệt là ung thư liên quan đến estrogen, sau chiến dịch tiêm vắc xin đại trà mũi thứ 3 của vắc xin mRNA COVID-19.

Nghiên cứu được công bố ngày 8 tháng 4 trên tạp chí Cureus, đã đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với tỷ lệ tử vong theo độ tuổi của 20 loại ung thư khác nhau ở Nhật Bản bằng cách sử dụng số liệu thống kê chính thức về tử vong, nhiễm SARS-CoV-2 và tỷ lệ tiêm chủng. Các nhà nghiên cứu đã có một phát hiện đáng ngạc nhiên: Không có trường hợp tử vong do ung thư gia tăng ở Nhật Bản trong năm đầu tiên của đại dịch, nhưng họ quan sát thấy tỷ lệ tử vong do ung thư tăng cao trùng hợp với việc tiêm vắc xin hàng loạt.

Nhật Bản có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất và hiện đang tiến hành tiêm vắc xin đại trà liều thứ bảy. Theo các nhà nghiên cứu, sau khi tiêm vắc xin đại trà bắt đầu vào năm 2021, tỷ lệ tử vong do ung thư tăng đáng kể trùng hợp với thời điểm liều vắc xin COVID-19 thứ nhất và thứ hai.

Sau khi tiêm liều thứ ba vắc xin mRNA vào năm 2022, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy "sự gia tăng đáng kể về tử vong" đối với tất cả các loại ung thư và đặc biệt là ung thư nhạy cảm với estrogen và thụ thể estrogen alpha, bao gồm ung thư buồng trứng, bệnh bạch cầu, tuyến tiền liệt, môi/miệng/họng, tuyến tụy và ung thư vú. Đáng chú ý, ung thư vú có "tỷ lệ tử vong giảm đáng kể" vào năm 2020 nhưng chuyển sang tỷ lệ tử vong cao hơn vào năm 2022 sau khi triển khai liều vắc xin thứ ba.

Ngoài ung thư tuyến tụy, vốn đã có xu hướng gia tăng đều đặn trước đại dịch, thì 5 loại ung thư khác đều có xu hướng giảm. Tuy nhiên, cả sáu loại ung thư này đều vượt quá tỷ lệ tử vong dự kiến ​​vào năm 2021, 2022 hoặc cả hai năm.

Bốn loại ung thư có liên quan đến nhiều ca tử vong nhất - ung thư phổi, đại tràng, dạ dày và gan - đều đang giảm trước đại dịch COVID-19 năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm đã chậm lại sau khi triển khai tiêm vắc xin COVID-19.

Sự thay đổi đáng kể trong tỷ lệ tử vong vượt mức

Trước đại dịch COVID-19, từ năm 2010 đến năm 2019, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy xu hướng giảm tỷ lệ tử vong ở mọi lứa tuổi, ngoại trừ những người từ 90 tuổi trở lên. Ngay cả trong năm 2020, các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục thấy tỷ lệ tử vong giảm ở hầu hết các nhóm tuổi ngoại trừ nhóm tuổi từ 75 đến 79.

Vào năm 2021, xu hướng dần chuyển sang tỷ lệ tử vong vượt mức, và tiếp tục tăng vào năm 2022 đối với hầu hết các nhóm tuổi. Nghiên cứu cho thấy vào năm 2021, có tỷ lệ tử vong vượt mức đáng kể đối với tất cả các nguyên nhân là 2,1% và 1,1% đối với tất cả các loại ung thư. Vào năm 2022, tỷ lệ tử vong vượt mức do tất cả các nguyên nhân tăng vọt lên 9,6% và 2,1% đối với tất cả các loại ung thư.

Theo nghiên cứu, số người tử vong do tất cả các loại ung thư cao nhất ở nhóm tuổi từ 80 đến 84, trong đó hơn 90% đã được tiêm mũi thứ ba. Gần 100% vắc xin được sử dụng là vắc xin mRNA, với vắc xin của Pfizer chiếm 78% và vắc xin Moderna chiếm 22%.

Các nhà nghiên cứu cho biết mặc dù tỷ lệ tử vong do ung thư có thể được quy cho việc tầm soát ung thư ít hơn và hạn chế tiếp cận chăm sóc sức khỏe trong thời gian phong tỏa, nhưng điều đó không giải thích được sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ tử vong đối với sáu loại ung thư cụ thể vào năm 2022, khi các hạn chế về tiếp cận chăm sóc sức khỏe để tầm soát hoặc điều trị ung thư dường như đã được giải quyết.

Họ viết: "Sự gia tăng đáng kể này về tỷ lệ tử vong của các loại ung thư [nhạy cảm với ER alpha] này có thể được quy cho một số cơ chế của việc tiêm chủng mRNA-LNP chứ không phải do bản thân nhiễm COVID-19 hoặc việc chăm sóc ung thư giảm do phong tỏa."

Stephanie Seneff, một nhà khoa học nghiên cứu cao cấp tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết nghiên cứu cung cấp bằng chứng dịch tễ học hấp dẫn về mối liên hệ giữa sự gia tăng tỷ lệ mắc một số bệnh ung thư và việc tiêm nhiều vắc xin COVID-19.

Bà Seneff nói với The Epoch Times qua email: "Từ lâu tôi đã nghi ngờ về mối liên quan giữa ung thư và vắc xin chỉ dựa trên khoa học về miễn dịch học. Nói một cách rộng rãi, tôi nghĩ rằng vắc xin đang gây ra sự suy giảm của phản ứng miễn dịch bẩm sinh, dẫn đến việc dễ mắc bệnh hơn, bệnh tự miễn dịch tăng và ung thư tiến triển nhanh hơn."

Vắc xin mRNA COVID-19 có thể liên quan đến ung thư như thế nào?

Các tác giả của nghiên cứu đề xuất nhiều cách mà vắc xin COVID-19 có thể góp phần vào sự phát triển và tiến triển của ung thư.

Độ nhạy cảm với estrogen

Trong nghiên cứu, tỷ lệ tử vong theo độ tuổi đối với các bệnh ung thư nhạy cảm với estrogen và ER alpha tăng đáng kể vượt quá tỷ lệ dự kiến, đặc biệt là vào năm 2022. Nghiên cứu cho thấy protein gai đặc biệt liên kết với ER alpha và điều chỉnh tăng hoạt động phiên mã của nó. Điều này có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể phản ứng với ung thư và sự phát triển của nó.

Trong một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên Translational Oncology, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tiểu đơn vị S2 của protein gai SARS-CoV-2 tương tác mạnh với các gen ức chế khối u p53, BRCA1 và BRCA2, vốn thường xuyên bị đột biến trong bệnh ung thư. Theo nghiên cứu trên tạp chí Cureus, hoạt động BRCA1 bị suy giảm có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh ung thư vú, tử cung và buồng trứng cao hơn ở phụ nữ và ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới. Nó cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tụy. BRCA2 có liên quan đến ung thư vú và buồng trứng ở phụ nữ, ung thư tuyến tiền liệt và vú ở nam giới, và bệnh bạch cầu myeloid cấp ở trẻ em.

Sự phân bố sinh học của các hạt nano lipid (LNPs)

Các nghiên cứu cho thấy các hạt nano lipid (LNPs) trong vắc xin mRNA có thể phân phối rộng rãi đến các cơ quan khác nhau sau khi tiêm chủng, bao gồm gan, lá lách, tuyến thượng thận, buồng trứng và tủy xương. Tại đó, chúng tạo ra protein gai tồn tại trong cơ thể và làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 8 năm 2023 trên tạp chí Ứng dụng Lâm sàng Proteomics, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các mảnh vỡ của protein gai tái tổ hợp (đặc hiệu với vắc xin) trong mẫu máu của 50% người được tiêm chủng, ba đến sáu tháng sau khi tiêm. Để so sánh với nhiễm SARS-CoV-2 tự nhiên, protein gai của virus chỉ được phát hiện trong huyết thanh máu từ 10 đến 20 ngày, ngay cả ở những người mắc bệnh nặng. Nghiên cứu này cũng cho thấy protein gai có thể được tích hợp hoặc phiên mã ngược vào một số tế bào.

Một nghiên cứu khác được công bố vào tháng 11 năm 2021 trên tạp chí The Journal of Immunology, đã tìm thấy các túi ngoại bào có biểu hiện protein gai 14 ngày sau khi tiêm vắc xin mRNA COVID-19. Lượng protein gai tăng lên bốn tháng sau liều vắc xin thứ hai và tiếp tục tăng lên với các mũi tăng cường.

Sự thay đổi với N1-Methyl-Pseudouridine

Vắc xin mRNA COVID-19 hiện tại chứa mRNA được sửa đổi bằng pseudouridine. Sự thay đổi này làm giảm hoặc thay đổi hoạt động của các protein chính được gọi là thụ thể Toll-like, ngăn ngừa khối u hình thành và phát triển. Tuy nhiên, mRNA được sửa đổi với N1-methyl-pseudouridine cũng có thể khiến cơ thể sản xuất một lượng lớn protein gai SARS-CoV-2. Theo nghiên cứu, vắc xin mRNA ức chế các đường dẫn miễn dịch cần thiết và làm suy yếu tín hiệu interferon sớm, ảnh hưởng đến tổng hợp protein gai và tác động tiêu cực đến hoạt hóa miễn dịch.

Một bài báo được đăng vào ngày 5 tháng 4 trên Tạp chí International Journal of Biological Macromolecules cho thấy việc sửa đổi với N1-methyl-pseudouridine gây ra ức chế miễn dịch và có thể hỗ trợ sự phát triển của ung thư. Bằng chứng cho thấy việc bổ sung 100% N1-methyl-pseudouridine vào vắc xin mRNA trong mô hình ung thư hắc tố đã kích thích sự phát triển và di căn của ung thư, trong khi vắc xin mRNA không được sửa đổi lại cho kết quả ngược lại.

Tăng cường phụ thuộc kháng thể

Các tác giả của bài báo đưa ra một giả thuyết khác: tiêm nhiều mũi có thể khiến cá nhân tiếp xúc với protein gai do virus và vắc xin tạo ra, đồng thời làm tăng khả năng mắc COVID-19 thông qua hiện tượng tăng cường phụ thuộc kháng thể, in dấu miễn dịch và ức chế miễn dịch. Tăng cường phụ thuộc kháng thể là hiện tượng xảy ra khi kháng thể thúc đẩy virus xâm nhập và sao chép trong tế bào.

Tác dụng sinh huyết khối của Protein Gai và LNP

Nghiên cứu cho thấy vắc xin mRNA COVID-19 có nguy cơ gây huyết khối ở những người mắc bệnh ung thư và có thể giải thích được tỷ lệ tử vong vượt mức sau tiêm chủng hàng loạt.

Các tác giả viết: "Có thể hợp lý khi cho rằng xu hướng hình thành huyết khối bổ sung được ghi nhận với vắc xin mRNA-LNP có thể cực kỳ nguy hiểm."

Theo nghiên cứu, protein gai của virus SARS-CoV-2 (cả từ virus và vắc xin) có điện tích dương mạnh, có thể bám vào các glycoconjugate điện tích âm trên bề mặt của hồng cầu và các tế bào khác. Protein gai cũng có thể liên kết với enzyme chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2), kích hoạt hệ miễn dịch, gây ra các vấn đề như: dày thành mạch máu, suy giảm chức năng ty thể và sản sinh các gốc oxy phản ứng (ROS).

ROS là các gốc tự do, ion hoặc phân tử có tính phản ứng cao với một electron không ghép đôi trong lớp electron ngoài cùng. Tế bào ung thư chứa nồng độ ROS cao do hoạt động trao đổi chất, hoạt động của oncogene, rối loạn chức năng ty thể và các quá trình miễn dịch khác. Các phân đoạn cụ thể của protein gai cũng có thể gây ra sự hình thành amyloid (mô không hòa tan dạng sợi) và kháng thể chống protein gai có thể liên kết với protein S xuất hiện trên bề mặt tế bào, kích hoạt phản ứng viêm tự miễn.

Ức chế Miễn dịch Giám sát Ung thư

Theo nghiên cứu, vắc xin COVID-19 đã được chứng minh là ức chế hệ miễn dịch, dẫn đến tái hoạt động của các virus tiềm ẩn liên quan đến ung thư, chẳng hạn như virus varicella-zoster và virus herpes ở người type 8. Virus thứ hai được coi là một virus gây ung thư (oncogenic virus) và có thể dẫn đến bệnh sarcoma Kaposi. Tái hoạt động của virus Epstein-Barr hoặc virus papilloma ở người có thể dẫn đến ung thư vùng hầu họng.

Các tác giả viết: "Những hiện tượng này cũng có thể giúp giải thích số người tử vong do ung thư môi/miệng/họng tăng cao vào năm 2022, khi chương trình tiêm chủng hàng loạt với mũi thứ ba và các mũi tiếp theo đang được triển khai."

Phiên mã Ngược RNA thành DNA

Phiên mã ngược RNA của vaccine COVID-19 cũng có thể giải thích sự gia tăng tỷ lệ tử vong do ung thư. Phiên mã ngược cho phép mRNA chuyển đổi thành DNA gây biến đổi gen của con người.

Một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên Tạp chí Các vấn đề hiện đại về Sinh học Phân tử cho thấy vaccine mRNA có thể tích hợp vào gen hoặc DNA của con người thông qua phiên mã ngược. Một nghiên cứu vào tháng 2/2023 được công bố trên Tạp chí Giả thuyết Y học phát hiện ra rằng sự tích tụ của mRNA của vaccine và các phân tử DNA hình thành do phiên mã ngược trong bào tương có thể gây ra tình trạng tự viêm mạn tính, tự miễn dịch, hư hỏng DNA và ung thư ở những người dễ bị tổn thương.

Nhà nghiên cứu di truyền Kevin McKernan cũng phát hiện rằng vaccine mRNA COVID-19 có thể được phiên mã ngược thành DNA, như The Epoch Times đã đưa tin. Mặc dù nghiên cứu của ông chưa được đánh giá ngang hàng, nhưng McKernan đã phát hiện trình tự mã hóa protein gai của vaccine COVID-19 trong hai loại nhiễm sắc thể của dòng tế bào ung thư vú và buồng trứng sau khi tiêm vaccine mRNA COVID-19.

Theo Megan Redshaw, J.D, The Epoch Times
Tân Minh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu phát hiện ‘gia tăng đáng kể’ tỷ lệ tử vong do ung thư sau khi tiêm vắc-xin mũi 3 ngừa COVID 19